Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1764/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 19 tháng 08 năm 2015

 

QUYT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH 3 LOẠI RỪNG TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ Quy định mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất);

Căn cứ Văn bản số 80/TTg-KTN ngày 15/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí phân cấp rừng phòng hộ;

Căn cứ Thông tư số 102/2000/TT-BNN-KL ngày 2/10/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn lập dự toán cho các dự án theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 487/QĐ-BNN-TCCB ngày 26/02/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành định mức lao động điều tra quy hoạch rừng;

Căn cứ Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 19/02/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 28/01/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2014;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên dự án: Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.

2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch

- Xác định lại diện tích đất lâm nghiệp theo 3 loại rừng, đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp phù hợp với hiện trạng tài nguyên rừng hiện có, đáp ứng phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng đất lâm nghiệp ổn định và có hiệu quả để phát triển sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp; làm cơ sở xây dựng và thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chặt chẽ, bền vững;

- Quy hoạch ổn định tỷ lệ diện tích 3 loại rừng so với diện tích tự nhiên toàn tỉnh theo hướng đảm bảo cơ cấu đất lâm nghiệp khoảng 566.953 ha đến 586.953 ha, chiếm tỷ lệ 58% - 60%, trong đó:

+ Rừng đặc dụng: 84.153 ha;

+ Rừng phòng hộ: 172.800 ha;

+ Rừng sản xuất: khoảng 310.000 ha đến 330.000 ha.

- Đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.

4. Phạm vi thực hiện: trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng.

5. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh quy hoạch

- Đối tượng: Tập trung nghiên cứu và đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.

- Phạm vi điều chỉnh quy hoạch: Rà soát, điều chỉnh toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp, đất có rừng ngoài lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (đối với diện tích đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ môi trường cảnh quan do Chính phủ xác lập chỉ thực hiện thống kê loại trừ những diện tích đã chuyển sang đất chuyên dùng, không tiến hành điều chỉnh lại cơ cấu đất lâm nghiệp).

6. Nội dung chủ yếu của quy hoạch

6.1. Thu thập và phân tích các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo số liệu thống kê năm 2014

- Thu thập và phân tích điều kiện tự nhiên; tài nguyên thiên nhiên; kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh;

- Phân tích vai trò và ý nghĩa của rừng đối với cuộc sống con người nói chung cũng như đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

6.2. Đánh giá hiện trạng rừng tỉnh Lâm Đồng

- Thu thập, đánh giá hiện trạng rừng tỉnh Lâm Đồng năm 2014;

- Phân tích, đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng và phát triển rừng giai đoạn 2007 - 2014;

- Phân tích, đánh giá tình hình bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt sang trồng rừng, trồng cao su và các hoạt động lâm nghiệp khác; trong đó phân tích diễn biến đất lâm nghiệp từ năm 2007 đến nay và thực trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp, tình hình chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất khác;

- Phân tích, đánh giá tổng thể và so sánh diện tích quản lý của các đơn vị chủ rừng nhà nước với quy mô đất lâm nghiệp theo các quyết định điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; những thuận lợi và bất cập về quy mô, vị trí quản lý của từng đơn vị;

- Thu thập, thống kê và phân tích, đánh giá về: thực trạng chuyển mục đích đất lâm nghiệp sang đất chuyên dùng tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ môi trường cảnh quan do Chính phủ xác lập; quá trình rà soát, phân cấp lại mức độ rừng phòng hộ rất xung yếu, xung yếu theo quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quá trình rà soát, xác định lại cơ cấu đất rừng sản xuất, xác lập các nội dung đầu tư phát triển rừng, sử dụng rừng.

6.3. Dự báo các nhân tố ảnh hưởng đến quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng

- Dự báo về dân số, kinh tế xã hội tác động đến quá trình sử dụng đất nói chung và sử dụng đất lâm nghiệp từ năm 2015 đến năm 2020:

+ Dự báo về mức gia tăng dân số, tình hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp;

+ Dự báo về việc bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất;

+ Dự báo về nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất để phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội.

- Dự báo các yếu tố và nguồn lực tác động đến quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng;

- Dự báo về các cơ hội hợp tác trong nước, quốc tế để phát triển công tác quy hoạch, quản lý 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng.

6.4. Quan điểm, nội dung điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

- Quan điểm, định hướng phát triển: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020; quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và cấp huyện; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đến sử dụng đất lâm nghiệp. Đồng thời, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phải đảm bảo phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; gắn với đời sống, sản xuất của nhân dân trong vùng; hạn chế chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ dừng khai thác rừng tự nhiên theo đề án được phê duyệt.

- Nội dung điều chỉnh quy hoạch:

+ Xác định mục tiêu và nhiệm vụ của dự án điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020; xác định cơ cấu đất lâm nghiệp, cơ cấu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; xây dựng bản đồ 3 loại rừng trên cơ sở kế thừa các tài liệu: kiểm kê rừng năm 2014; quy hoạch sử dụng đất; bản đồ phân cấp phòng hộ lý thuyết; bản đồ các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất; bản đồ quy hoạch 3 loại rừng,... để chồng xếp, phân tích và tạo ra các trường dữ liệu, cập nhật diện tích cho từng đối tượng;

+ Khảo sát toàn bộ diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, xác định năm sản xuất thông qua xác định cơ cấu cây trồng, tuổi cây và phỏng vấn hộ để đánh giá thời điểm xâm canh của người dân từ đó đề xuất xử lý theo văn bản 6109/UBND-LN ngày 14/11/2014 của UBND tỉnh (tổng diện tích cần khảo sát, quy hoạch là 69.365 ha tại biểu 2A, Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 28/01/2015 của UBND tỉnh);

+ Xác định diện tích rừng và đất rừng dự kiến chuyển đổi sang đất nông nghiệp; khảo sát toàn bộ diện tích đất có rừng ngoài lâm nghiệp (gồm rừng tự nhiên, rừng trồng), diện tích rừng trồng của người dân; kiểm chứng giữa hồ sơ và thực tế; xác định cụ thể những diện tích cần hoặc chưa sử dụng, chuyển trở lại đất lâm nghiệp để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng (tổng diện tích khoảng 22.859 ha tại biểu 3, Quyết định 299/QĐ-UBND ngày 28/01/2015 của UBND tỉnh);

+ Xây dựng và phân tích quá trình chu chuyển đất đai đến năm 2020;

+ Luận chứng để xác định cơ cấu 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đến từng tiểu khu, xã, huyện, chủ quản lý rừng và tổng hợp toàn tỉnh;

+ Xây dựng phương án tổng thể điều chỉnh ranh giới, diện tích cho từng đơn vị chủ rừng (29 đơn vị) trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành quyết định điều chỉnh ranh giới, diện tích của từng đơn vị; phân tích quá trình chu chuyển đất đai của từng đơn vị quản lý rừng; xây dựng cơ cấu, diện tích 3 loại rừng cho các chủ rừng Nhà nước đến từng tiểu khu, xã, huyện.

6.5. Các giải pháp và quản lý thực hiện điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng

- Giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý rừng trên cơ sở tổ chức lồng ghép với các chương trình, dự án;

- Giải pháp về quản lý đất đai; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng;

- Giải pháp huy động vốn đầu tư;

- Giải pháp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường trong phát triển rừng, bảo vệ rừng tỉnh Lâm Đồng;

- Giải pháp phát triển nhân lực;

- Tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch.

7. Sản phẩm giao nộp

- Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 (04 bộ);

- Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng sau khi được phê duyệt, được biên tập, in và cung cấp đến chính quyền các cấp để quản lý và thường xuyên phối hợp với đơn vị chủ rừng để kiểm tra quá trình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; gồm:

+ Bản đồ hiện trạng và bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 cấp tỉnh, tỷ lệ 1/100.000 (02 bản);

+ Bản đồ hiện trạng và bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng cấp huyện, tỷ lệ 1/50.000, 05 bản/đơn vị (UBND cấp huyện, Hạt Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh) 5x27 = 135 bản;

+ Bản đồ hiện trạng và bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng cấp xã tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000, 03 bản/đơn vị (UBND xã, Hạt Kiểm lâm, UBND cấp huyện): 3 x 141 = 423 bản;

+ Bản đồ quản lý rừng cho từng đơn vị chủ rừng, tỷ lệ 1/25.000, 05 bản/đơn vị (29 đơn vị): 5 x 29 = 145 bản.

- Đĩa CD ghi lại các kết quả điều tra, báo cáo, bản đồ (04 đĩa).

8. Dự toán chi phí và nguồn vốn

a) Tổng dự toán điều chỉnh quy hoạch: 2.125.352.000 đồng (Hai tỷ một trăm hai mươi lăm triệu ba trăm năm mươi hai ngàn đồng chẵn);

b) Nguồn vốn:

- Kinh phí hỗ trợ từ Chương trình UN-REDD theo Quyết định 1106/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh là 80.000 USD tương đương 1.705.600.000 đồng (Một tỷ bảy trăm lẻ năm triệu sáu trăm ngàn đồng chẵn);

- Nguồn ngân sách tỉnh: 419.752.000 đồng (Bốn trăm mười chín triệu bảy trăm năm mươi hai ngàn đồng chẵn).

9. Thời gian thực hiện: năm 2015 và hết quý I năm 2016.

Điều 2.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện những nội dung tại Điều 1 nêu trên theo đúng quy định hiện hành.

2. Giao Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, cấp kinh phí và quyết toán kinh phí cho cơ quan chủ đầu tư theo đúng các thủ tục và quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP; CV: TC, KH;
- Lưu: VT, LN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Phạm S