Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1742/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT RAU, CỦ, QUẢ TRÊN ĐẤT CÁT VEN BIỂN TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 1373/QĐ-UBND ngày 19/5/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới;

Theo đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2430/TTr-SNN ngày 20/6/2014 (sau khi thống nhất với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

Khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động và các nguồn lực xã hội ở vùng đất cát ven biển để phát triển sản xuất rau, củ, quả theo hướng chuyên canh, có năng suất, chất lượng cao; cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, hướng tới xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu đến năm 2020:

- Hình thành các vùng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao, đạt diện tích 684,1ha, trong đó, diện tích sản xuất ổn định 257,8ha; sản xuất tạm thời trên vùng đã có quy hoạch khác 426,3ha;

- Sản lượng đạt 23.000 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 230 tỷ đồng, xuất khẩu đạt khoảng 6 triệu USD/năm.

- Giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 5 - 7 triệu đồng/tháng.

- Hình thành được mạng lưới kênh tiêu thụ ổn định, xây dựng và khẳng định thương hiệu “Rau tươi sạch Hà Tĩnh”; đảm bảo về số lượng, chất lượng, độ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Hướng đến xuất khẩu 50% tổng sản lượng.

II. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH

1. Điều kiện xây dựng vùng sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển

Vùng sản xuất rau, củ, quả ven biển cần đạt các điều kiện sau:

- Vùng đất cát bạc màu, ven biển không bị ngập lụt vào mùa mưa và có khả năng cấp nước về mùa hè;

- Mực nước ngầm luôn đảm bảo thấp hơn 0,7m;

- Quy mô tối thiểu mỗi vùng 3ha, lô sản xuất tối thiểu 1ha;

- Không gần khu dân cư, nghĩa trang, vùng quy hoạch bãi rác, khu chăn nuôi tập trung.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, nguồn nước cơ bản đáp ứng cho việc sản xuất và vận chuyển;

- Hệ thống dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu sản xuất;

- Phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, huyện và quy hoạch nông thôn mới cấp xã và các quy hoạch khác.

2. Quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển

Diện tích quy hoạch 684,1ha thuộc địa bàn 13 xã của 4 huyện: Thạch Hà 423,5ha; Nghi Xuân 68,5ha; Cẩm Xuyên 170,7ha; Kỳ Anh 21,4ha, được phân thành 2 loại gồm:

- Vùng sản xuất tập trung ổn định: 257,8ha, gồm:

Huyện Thạch Hà 71,8ha trên đất không trùng quy hoạch khác; Cẩm Xuyên 55ha, Nghi Xuân 45ha, Thạch Hà 157,8ha trên đất sản xuất cây nông nghiệp (186ha).

- Vùng sản xuất tập trung tạm thời trên đất đã có quy hoạch khác: 426,3ha, gồm:

Huyện Cẩm Xuyên: 115,7 ha trên đất quy hoạch rừng phòng hộ 15ha, quy hoạch khoáng sản (titan) 36,7ha, quy hoạch du lịch và kinh doanh dịch vụ 44ha, quy hoạch dân cư và đô thị 20ha; huyện Nghi Xuân: 23,5 ha trên đất quy hoạch khoáng sản (titan; huyện Thạch Hà 265,7 ha trên đất quy hoạch nuôi tôm 109ha, quy hoạch mỏ sắt 53,5ha, quy hoạch khoáng sản (titan) 73,2ha, quy hoạch dân cư và đô thị 15ha; huyện Kỳ Anh: 21,4 ha trên đất quy hoạch nuôi tôm 5,8ha, quy hoạch khoáng sản (titan) 15,6ha.

III. QUY HOẠCH CÁC YẾU TỐ PHỤC VỤ SẢN XUẤT

1. Vùng sản xuất, khảo nghiệm giống, chuyển giao công nghệ và dịch vụ vật tư nông nghiệp

- Tiếp tục sử dụng có hiệu quả 12ha của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh - CTCP phục vụ cho việc nghiên cứu, khảo nghiệm giống, chuyển giao công nghệ và cung ứng giống rau, củ, quả mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với điều kiện khí hậu.

- Mở rộng vùng khảo nghiệm, tiến tới sản xuất một số giống với diện tích 10ha tại xã Thạch Văn huyện Thạch Hà.

- Bố trí các điểm cung ứng: huyện Nghi Xuân (1 điểm), Thạch Hà (2 điểm), Cẩm Xuyên (2 điểm) đảm bảo có chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, địa điểm kinh doanh phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định.

2. Cấp, thoát nước

- Tại các vùng quy hoạch nguồn nước mặt không đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn nên cung cấp nguồn nước sản xuất bằng cách: Khoan khai thác nước ngầm, nước sau khi xử lý đảm bảo yêu cầu sẽ được cung cấp cho vùng quy hoạch.

- Xây dựng các bể chứa tại các lô sản xuất có dung tích 1000m3, bằng bê tông hoặc hồ chứa được rải bạt chống thấm.

- Tiếp tục nghiên cứu để có phương án cấp nước đảm bảo phục vụ sản xuất có hiệu quả, bình quân nhu cầu nước.

- Xây mới khoảng 132.000m mương được kết cấu bằng bê tông hoặc xây gạch, đá thiết kế chủ yếu theo hai bên hành lang các tuyến giao thông, gồm mương thoát chính và mương nhánh.

3. Hệ thống điện

Dự kiến trong khu vực bố trí 15 trạm biến áp 22KV/0.4KV với tổng công suất là 3.000 KVA. Nguồn điện cấp cho vùng sản xuất rau, củ, quả được lấy từ đường dây có sẵn thuộc lưới điện cao thế tại các xã. Dự kiến làm mới 6.500m đường điện cao thế từ đường trục chính vào các trạm biến áp.

Dự kiến sử dụng lưới hạ thế có cấp điện áp 380/220V, chiều dài ước tính 32.800m.

4. Hệ thống đường giao thông

Xây mới khoảng 66.270m, (đường chính rộng 2,5m, đường nhánh rộng 1,5m).

Đường bờ vùng 30 tuyến, tổng chiều dài 16.000m.

Trong các lô khi tiến hành tổ chức sản xuất được chia thành các thửa, giữa các lô, thửa có đường bờ lô, thửa ngăn cách.

5. Cơ sở chế biến, bảo quản

Xây dựng khu chế biến và kho lạnh tại xã Thạch Văn, làm thêm 2 kho lạnh với công suất 2000 tấn/kho tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên và xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân đảm bảo tiêu chuẩn quản lý chất lượng HACCP, ISO.

IV. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN

- Chương trình sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa bạc màu.

- Chương trình tập huấn, huấn luyện kỹ thuật trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển.

- Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong nước và Quốc tế.

- Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất rau, củ, quả.

- Các dự án cải tạo đất hoang hóa phát triển cơ sở sản xuất thực phẩm xanh tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà.

- Dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sơ chế, kho bảo quản lạnh, chế biến rau nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

- Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa bạc màu phù hợp sản xuất nông nghiệp.

V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân

- Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất rau, củ, quả tập trung trên đất cát ven biển của tỉnh, đến được mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sản xuất. Tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và người nông dân, nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn với sản phẩm chủ lực áp dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với tập quán sản xuất cũ.

- Các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Kỳ Anh sớm thành lập ban chỉ đạo, thông qua ban chỉ đạo phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất rau vào HTX, tổ hợp tác sản xuất và hướng dẫn cho bà con hiểu được, sản xuất rau quy mô lớn theo hướng hàng hóa mang lại thu nhập cao hơn so với cũ. Bên cạnh đó mở các lớp tập huấn, tổ chức cho hội viên đi tham mô hình tại xã Thạch Văn huyện Thạch Hà.

- Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh tổ chức hội thảo về cung ứng giống, cung ứng hạ tầng, phân bón, thiết bị tưới tiêu và tiêu thụ sản phẩm, kinh nghiệm sản xuất hàng hóa cho nông dân.

- Tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, sách báo, áp phích, panô, phim ảnh…

2. Làm tốt công tác chỉ đạo thực hiện và quản lý quy hoạch

- Công bố quy hoạch cho nhân dân trong vùng quy hoạch, các đơn vị kinh doanh biết để có định hướng trong sản xuất. Chính quyền các cấp phải tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện quy hoạch, phải có đánh giá tình hình thực hiện, đề xuất những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

- Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả, các huyện chỉ đạo các xã tổ chức khoanh vùng quy hoạch, các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu sản xuất, phối hợp với các sở, chính quyền địa phương lập quy hoạch chi tiết sử dụng đất, xây dựng dự án đầu tư đồng bộ cho từng vùng. Trong quá trình thực hiện cần theo dõi, cập nhật tiến độ thực hiện. Phát hiện, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, chồng chéo (nếu có).

3. Khẩn trương thực hiện việc quản lý, sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đảm bảo yêu cầu, đúng quy định

- Đối với diện tích không trùng quy hoạch khẩn trương thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức; chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng trên đất trồng cây nông nghiệp ngắn ngày cho hiệu quả kém (lạc 1 mùa, khoai, sắn…) sang trồng rau, củ, quả.

- Đối với diện tích đang trùng quy hoạch khác, từ nay đến năm 2020 tạm thời bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu sản xuất, đến khi quy hoạch thực hiện thì tiến hành trả lại mặt bằng theo đúng quy định hợp đồng.

- Đất thuộc quản lý của hộ gia đình 175ha (huyện Cẩm Xuyên 59ha, Nghi Xuân 45ha, Thạch Hà 71ha) cần vận động, khuyến khích bà con dồn điền, đổi thửa thành vùng tập trung để thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, hoặc liên kết với các doanh nghiệp bằng hình thức góp đất và lao động để sản xuất. Những hộ không có khả năng sản xuất có thể nhượng lại hoặc cho các doanh nghiệp thuê để trồng rau, củ, quả theo quy hoạch.

- Đối với đất thuộc Ủy ban nhân dân xã quản lý 423,9ha (huyện Cẩm Xuyên 99,7ha, Nghi Xuân 23,5ha, Thạch Hà 279,3ha, Kỳ Anh 21,4ha), cần soát xét, tạo điều kiện, khẩn trương cho các hợp tác xã, doanh nghiệp thuê để sản xuất kịp thời vụ. Các hợp tác xã, doanh nghiệp cần chủ động lập hồ sơ xin thuê đất, trình các cấp có thẩm quyền giải quyết.

- Đối với đất thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh 73,2ha tại xã Thạch Văn, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công thương Miền Trung 12ha tại thị trấn Thiên Cầm thì doanh nghiệp cần chủ động tổ chức sản xuất dựa trên phương án quy hoạch chi tiết sử dụng đất.

4. Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

- Đẩy mạnh công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào việc lựa chọn và khẳng định giống rau chủ lực có giá trị kinh tế, cạnh tranh cao để đầu tư phát triển, kỹ thuật canh tác, sơ chế, bảo quản sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của sản phẩm.

- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giống, đảm bảo kiểm soát nguồn gốc, chất lượng giống đưa vào sản xuất. Trên cơ sở các giống đã khảo nghiệm thành công phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu trên địa bàn như cây măng tây, cải củ trắng, cải bẹ, cà chua, cà rốt... tổ chức nhân rộng trên toàn vùng mở rộng. Giao Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh chủ động cung ứng giống rau cho toàn vùng quy hoạch.

- Tiếp tục khảo nghiệm các giống rau, củ, quả mới. Từng bước xây dựng doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hạt giống rau, củ, quả đảm bảo chất lượng trên địa bàn Hà Tĩnh nhằm cung ứng cho nhân dân mở rộng sản xuất.

- Áp dụng quy trình kỹ thuật do Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và Quy trình kỹ thuật sản xuất rau, củ, quả an toàn, ứng dụng công nghệ cao theo VietGAP và các tiêu chuẩn khác được công nhận.

- Tăng cường đầu tư phân bón để nâng cao chất lượng sản phẩm; tận dụng tối đa các nguồn phân hữu cơ, sử dụng phân mùn hữu cơ vi sinh.

- Làm tốt công tác dự tính, dự báo để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh kịp thời, hiệu quả và đảm bảo an toàn.

5. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hiện hành, xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho phát triển sản xuất trên cơ sở gắn với chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp

- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/01/2014 về việc quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiên phong đi đầu triển khai thực hiện mô hình cải tạo đất cát hoang hóa, bạc màu tại các xã ven biển để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả công nghệ cao; các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn khác của Trung ương, của tỉnh.

- Nghiên cứu, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng (giao thông, điện, cấp thoát nước...), kỹ thuật cho nội vùng; hỗ trợ khảo nghiệm để áp dụng đại trà các loại giống rau, củ, quả chất lượng cao; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao kết hợp bao tiêu sản phẩm, xây dựng kho bảo quản trên vùng sản xuất để thu mua, bảo quản sản phẩm cho nông dân từng bước hình thành kênh tiêu thụ ổn định, hướng đến xuất khẩu; chính sách bảo hiểm sản xuất cho người nông dân trồng rau;

- Có chính sách vận động, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất kinh doanh “Rau tươi sạch Hà Tĩnh” tại vùng quy hoạch.

- Có chính sách kích cầu trong việc hỗ trợ người dân về vốn, các yếu tố phục vụ sản xuất như khoa học công nghệ, giống, vật tư, bảo vệ thực vật, chuyên gia…, chính sách hỗ trợ về lãi suất.

6. Đẩy mạnh công tác khuyến nông và đào tạo nguồn nhân lực

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết rau công nghệ cao giữa doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân.

- Thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trong đó chú trọng nội dung đào tạo nghề trồng rau, củ, quả trên đất cát. Thông qua công tác khuyến nông để tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật cho các tổ chức, hộ dân về Quy trình kỹ thuật sản xuất rau, củ, quả trên cát, sơ chế, bảo quản rau theo quy trình VietGAP và lồng ghép công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân cũng như tăng cường, phổ biến chính sách chủ trương cho các doanh nghiệp, cộng đồng.

- Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực ngành sản xuất rau công nghệ cao bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ trong canh tác. Hợp tác với các cơ quan nghiên cứu để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật.

7. Lựa chọn các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp và tăng cường liên kết trong sản xuất

- Thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất rau, củ, quả; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã làm đầu mối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc đầu tư vốn, vật tư, công nghệ để sản xuất và sử dụng lao động tại địa phương, tạo điều kiện để người dân tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị cây rau, cùng chia sẻ lợi ích, gắn kết lâu dài.

- Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đóng vai trò nòng cốt, cùng với Công ty CP đầu tư phát triển công thương Miền Trung và Công ty TNHH MTV Quản lý công trình đô thị, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, tổ chức lập kế hoạch cụ thể và ký hợp đồng liên kết sản xuất từ khâu giống, phân bón, thiết bị tưới tiêu và tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác và nhân dân…

- Xác định rõ đối tượng cây trồng chủ lực ở các mùa vụ, nhu cầu thị trường để có kế hoạch rải vụ phù hợp và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ với thị trường.

- Sử dụng thường xuyên có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, lao động trên địa bàn. Hạch toán có lãi để duy trì và mở rộng sản xuất, cụ thể:

Đối với vùng sản xuất ổn định; Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, cơ sở vật chất kỹ thuật (giao thông nội đồng, lưới điện, trạm bơm, nhà điều hành, kho bảo quản lạnh....), trồng những loài cây cao cấp có giá trị kinh tế cao, tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến vào khu vực này.

- Đối với vùng sản xuất rau tạm thời trên đất đã có quy hoạch khác: Do đặc thù mượn tạm đất trên diện tích đã có quy hoạch khác để sản xuất cho đến khi dự án triển khai nên trong quá trình tổ chức sản xuất thì cần có sự tính toán đầu tư cân đối về cơ sở hạ tầng để sản xuất có hiệu quả kinh tế, hạn chế đầu tư mang tính chất kiên cố, khuyến khích sử dụng những nguyên vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm, bố trí nhóm rau có chu trình sinh trưởng ngắn), dễ trồng, dễ ứng dụng những công nghệ đơn giản...

8. Giải pháp về vốn và huy động vốn

- Các doanh nghiệp huy động nguồn vốn, tổ chức sản xuất và người nông dân cùng đầu tư, triển khai một phần các hạng mục xây dựng nhà lưới phục vụ sản xuất, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, công lao động, .. Kêu gọi và huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, các dự án liên doanh, liên kết đầu tư sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển.

- Huy động nguồn vốn tự có trong nhân dân (bao gồm cả công lao động chiếm 20-25% vốn trồng mới và chăm sóc), đây là nguồn vốn rất quan trọng có tác dụng thúc đẩy người dân tham gia vào quá trình sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển.

- Vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước: Đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất; các mô hình trình diễn, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn và các chính sách...

9. Quan tâm xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm

- Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới.

- Giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền thanh, truyền hình và in ấn, phát tờ rơi, tài liệu, băng hình giới thiệu ... về sản phẩm rau, củ, quả an toàn cho người tiêu dùng.

- Xây dựng và phát triển mạng lưới tiếp thị, xây dựng trang web quảng cáo, thiết kế logo cho sản phẩm, công tác đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các hợp tác xã rau an toàn. Thực hiện việc kinh doanh có địa chỉ, tiến tới có thương hiệu, có bao bì đóng gói, có bảo hành chất lượng đến người tiêu dùng, giá cả hợp lý, đảm bảo lợi ích của cả người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Thực hiện quy chế kinh doanh rau, quả (được cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành) và chịu sự giám sát về chất lượng của các cơ quan chức năng.

- Xây dựng thương hiệu “Rau tươi sạch Hà Tĩnh” có chứng nhận kiểm nghiệm của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

- Tổ chức mạng lưới lưu thông và tiêu thụ sản phẩm (sản phẩm tươi, sản phẩm qua xử lý bảo quản) bằng cách xây dựng các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm rau, củ quả an toàn tại nơi sản xuất, các huyện, thị xã, thành phố, các khu công nghiệp và các trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh ... Đa dạng hóa các mô hình theo nhiều hình thức phù hợp (bán buôn, bán lẻ, hợp đồng, tiêu thụ...) và từng bước xuất khẩu ra thị trường thế giới.

- Cần có kế hoạch xây dựng phương án tiêu thụ rau, củ, quả trước khi tiến hành gieo trồng. Cần có sự đa dạng hóa về đầu mối tiêu thụ rau để đảm bảo việc lưu thông và tiêu thụ rau an toàn được đẩy mạnh, thuận lợi: bán buôn tại ruộng, bán ở các chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng, khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các hộ gia đình ....

VI. KHÁI TOÁN VỐN ĐẦU TƯ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Khái toán vốn đầu tư

* Tổng vốn đầu tư: 420,0 tỷ đồng, trong đó:

- Phục vụ sản xuất tại từng lô: 20 tỷ đồng;

- Đường giao thông nội vùng: 100 tỷ đồng;

- Cấp nước: 80 tỷ đồng;

- Hệ thống tiêu thoát nước: 40 tỷ đồng;

- Hệ thống điện: 30 tỷ đồng;

- Khu bảo quản chế biến 30 tỷ đồng;

- Khu khảo nghiệm giống: 20 tỷ đồng;

- Các công trình phụ trợ khác: 100 tỷ đồng.

* Về nguồn vốn

- Vốn ngân sách hỗ trợ: 42 tỷ đồng, chiếm 10%;

- Vốn vay tín dụng: 168 tỷ đồng, chiếm 40%;

- Vốn tự có của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình: 210 tỷ đồng, chiếm 50%.

* Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư các năm:

- Năm 2014: 130 tỷ đồng;

- Năm 2015: 125 tỷ đồng;

- Năm 2016 - 2020: 165 tỷ đồng.

2. Dự kiến tiến độ thực hiện

- Năm 2014 đưa vào sản xuất diện tích 215,2 ha. Cụ thể:

+ Huyện Cẩm Xuyên 80 ha tại xã Cẩm Hòa 55 ha, Cẩm Dương 3 ha, Thị trấn Thiên Cầm 22 ha.

+ Huyện Nghi Xuân 40 ha tại xã Xuân Thành 20 ha, Cổ Đạm 20 ha.

+ Huyện Thạch Hà 85,2 ha tại xã Thạch Trị 12 ha, xã Thạch Văn 73,2 ha.

+ Huyện Kỳ Anh 10 ha tại xã Kỳ Khang.

- Năm 2015 tiếp tục mở rộng sản xuất thêm 206,0 ha. Cụ thể:

+ Huyện Cẩm Xuyên 40,7 ha tại xã Cẩm Hòa 15 ha, xã Cẩm Dương 25,7ha.

+ Huyện Thạch Hà 165,3 ha tại xã Thạch Trị 30 ha, xã Thạch Lạc 12 ha, xã Thạch Văn 85,8 ha, Thạch Khê 37,5 ha.

- Năm 2016-2020:

Dự kiến mở rộng sản xuất thêm 262,9 ha, tại huyện Cẩm Xuyên 50 ha, Nghi Xuân 28,5 ha, Thạch Hà 173 ha, Kỳ Anh 11,4 ha.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan công bố rộng rãi quy hoạch; lập kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện quy hoạch theo quy định. Triển khai và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình sản xuất rau, củ, quả.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ngành và chính quyền địa phương liên quan trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo quy hoạch và phù hợp với các quy hoạch khác.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác giống rau, quy trình kỹ thuật sản xuất. Phối hợp với Sở Công Thương giám sát việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ vùng rau đảm bảo an toàn.

- Xây dựng và hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất vùng rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao hoàn toàn phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng trên cơ sở các quy chuẩn kỹ thuật. Cấp giấy chứng nhận cho những vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn. Tổ chức, hướng dẫn việc tập huấn về quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong canh tác, bảo quản rau, củ, quả, trên địa bàn.

2. Các sở, ngành và cơ quan liên quan

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí lồng ghép, nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng rau, củ, quả; Xúc tiến đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư, đảm bảo thực hiện có hiệu quả quy hoạch.

- Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan, các địa phương rà soát, xây dựng chính sách, ban hành văn bản hướng dẫn; xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, tham mưu bố trí kinh phí thực hiện; kiểm tra, thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong canh tác và sản xuất giống, bảo quản rau. Hỗ trợ trong việc chứng nhận an toàn, thương hiệu cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rau trên vùng đất cát ven biển theo đúng quy định.

- Sở Công Thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh và UBND huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm; hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất rau trên địa bàn thực hiện quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện. Hướng dẫn thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thực hiện việc cho thuê đất, cấp GCNQSD đất cho các tổ chức, chỉ đạo các địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân thuê đất sản xuất và hướng dẫn thủ tục về thuê mượn, góp đất, các thủ tục về môi trường trong hoạt động sản xuất.

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tuyên truyền, phổ biến chủ trương, kiến thức sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển.

- Liên minh Hợp tác xã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương trong quá trình chỉ đạo thành lập HTX, THT trên các vùng quy hoạch để triển khai sản xuất.

- Các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện để triển khai thực hiện tốt quy hoạch.

3. UBND các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Nghi Xuân

Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức quản lý quy hoạch chặt chẽ, đảm bảo có hiệu quả, đúng quy định.

- Các huyện chủ động thành lập ban chỉ đạo và có sự phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức thực hiện sản xuất trên địa bàn.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục đầu tư về quy hoạch đất đai và môi trường;

- Thực hiện và có chính sách phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả của địa phương; phối hợp, lồng ghép các chương trình dự án để phát triển vùng rau theo quy hoạch đã phê duyệt.

- Vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm liên minh, hộ gia đình, cá nhân mở rộng diện tích vùng rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trên đất cát ven biển, theo quy hoạch và thực hiện các nội dung hợp tác theo đúng quy định.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển vùng rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát ven biển theo đúng quy hoạch, bền vững. Khuyến khích người dân tích cực tham gia liên kết, phát triển vùng sản xuất rau tập trung, an toàn.

- Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Tổ chức thực hiện, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo thành lập hợp tác xã, tổ chức sản xuất.

4. Các ngân hàng, doanh nghiệp:

- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tốt các nội dung tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách hiện hành có liên quan.

- Các Ngân hàng: Chính sách xã hội, Phát triển, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Hà Tĩnh và các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân vay đủ vốn và kịp thời.

- Căn cứ vào Quy hoạch, các doanh nghiệp (Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty CP đầu tư phát triển công thương Miền Trung, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình đô thị...) chủ động trong việc xây dựng chuỗi liên kết với các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả trên địa bàn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (để b/c)
- Cục Trồng trọt; (để b/c)
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; (để b/c)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMT, các đoàn thể cấp tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước;
- Chi nhánh các NH: CSXH, NN và PTNT, PT;
- Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh;
- Các Phó VP/UBND tỉnh;
- Trung tâm CB - TH tỉnh;
- Lưu: VT, NL.
Gửi VB giấy và điện tử.

TM. ỦY BAN NHÂN DẲN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1742/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020

  • Số hiệu: 1742/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/06/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Lê Đình Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản