Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1734/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 04 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư s 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tng hp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Tỉnh ủy Bình Dương về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

Căn cứ Quyết định số 2474/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch tng th quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1942/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt bổ sung Quyết định số 2474/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Phê duyệt Đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 89/STNMT-CCBVMT ngày 05 tháng 4 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2025.

Điều 2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2025 tổ chức triển khai các giải pháp để việc thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý/tái chế chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương được đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ: TNMT, TC, XD, YT;
- TT.TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, PCT;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Sở, ban, ngành;
- Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CTCP - TCT Nước - Môi trường Bình Dương;
- Xí nghiệp/Cty CTCC các huyện, thị xã, thành phố;
- TT Công báo, Website Bình Dương;
- Đài THBD, Báo Bình Dương;
- LĐVP (T, Th), CV, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Mai Hùng Dũng

 

KẾ HOẠCH

PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2023-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1734/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

- Tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý/tái chế chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn theo quy định.

- Đảm bảo các tổ chức, công dân tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 liên quan đến việc phân loại, lưu giữ, tập kết, vận chuyển và xử lý/tái chế thải rắn sinh hoạt.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được thực hiện đồng bộ rộng khắp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện trước tại các khu vực đô thị, đông dân cư, khu chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp...từng bước mở rộng đến các khu vực nông thôn, đảm bảo việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được áp dụng thống nhất trên địa tỉnh vào năm 2025.

- Việc thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó Ủy ban nhân dân các cấp nhất là cấp cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội,nhất là Hội Phụ nữ giữ vai trò then chốt; đồng thời cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia vào công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

- Các cơ quan, đơn vị nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống nhà nước phải tiên phong, gương mẫu thực hiện nghiêm túc việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, hộ gia đình, cá nhân nơi cư trú cùng thực hiện.

3. Mục tiêu

a) Năm 2023

- Tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

- Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (sổ tay, clip, hướng dẫn kỹ thuật hoặc các hình thức khác phù hợp) và đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

- Quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, trong đó ưu tiên bố trí kết hợp điểm tiếp nhận chất thải nguy hại và chất thải rắn cồng kềnh để hộ gia đình, cá nhân đổ thải đúng quy định.

b) Năm 2024

- Kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã; đồng thời phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải sau khi được phân loại.

- Đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

- Ban hành lộ trình, tần suất và thời gian thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực trên địa bàn. Đối với chất thải nguy hại, chất thải rắn cồng kềnh, trường hợp không bố trí được điểm tiếp nhận cố định thì phải có phương án thu gom tại nhà hoặc hình thức khác phù hợp.

- Ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để áp dụng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

c) Năm 2025

100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại đúng quy định đạt từ 50%.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 99%.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt 95%.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 70%.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

a) Nội dung tuyên truyền

- Tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tuyên truyền về nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; việc lưu giữ, chuyển giao, tập kết chất thải rắn sinh hoạt của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

- Tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về điều kiện nhân lực, thiết bị, phương tiện liên quan đến chất thải ran sinh hoạt từ phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý/tái chế chất thải rắn sinh hoạt.

- Tuyên truyền về các quy định liên quan đến việc chế tài, xử lý vi phạm trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

b) Đối tượng tuyên truyền

Việc tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung liên quan đến công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh được thực hiện đến mọi đối tượng bao gồm: Lực lượng làm công tác bảo vệ môi trường các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã; thành viên Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; học sinh các cấp, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở; Các cơ sở tham gia vào hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Trong đó cần xác định hộ gia đình, cá nhân và Hội Phụ nữ là đối tượng cần phải duy trì và thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

c) Hình thức tuyên truyền

Căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị áp dụng các hình thức tuyên truyền như sau:

- Tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Đài Phát thanh các huyện, thị xã, thành phố; loa phát thanh của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

- Tuyên truyền thông qua: App điện thoại, xây dựng sổ tay, nhãn, áp phích; video clip, phim, tiểu phẩm, bản tin... hướng dẫn trực tiếp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

- Tuyên truyền thông qua các hoạt động tập huấn trực tiếp/trực tuyến, các buổi họp, các buổi nói chuyện, tọa đàm.

- Lồng ghép nội dung tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào các ngày lễ hội như Ngày môi trường thế giới 5/6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 22/9... nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

- Lồng ghép nội dung tuyên truyền thông qua Chương trình liên tịch phối hợp hành động về bảo vệ môi trường giữa ngành Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Lồng ghép nội dung phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào trong các chương trình dạy học, các hoạt động ngoại khóa, hội thi trong trường học các cấp.

- Vận động sự tham gia của tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp trong hoạt động tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

2. Kiện toàn, sắp xếp và củng cố lại đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

- Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt tại các xã, phường, thị trấn; đồng thời tăng số lượng và đa dạng hóa các đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định.

- Các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đầu tư đổi mới các trang thiết bị và phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, đồng thời tăng cường thêm nhân lực để đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được kịp thời, không để tồn đọng gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

- Các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đầu tư cải tiến trang thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ưu tiên các công nghệ tiên tiến, hiện đại, tăng cường tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt, hạn chế đến mức thấp nhất và hướng đến chấm dứt việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt.

- Ban hành lại đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình kinh tế xã hội làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó Sở Xây dựng tham mưu ban hành đơn giá để áp dụng đến ngày 31/12/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành đơn giá theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để áp dụng kể từ ngày 01/01/2025 về sau.

- Công khai rộng rãi về địa điểm, tần suất và lộ trình, tuyến thu gom từng nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để biết và chuyển giao theo đúng quy định.

- Hỗ trợ các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vay vốn với lãi suất ưu đãi tại Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương để thực hiện cải tạo, chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

3. Thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Để có sự thống nhất trên địa bàn tỉnh và hướng đến áp dụng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế như sau:

a) Phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy báo, bao bì carton, nylon, nhựa, vỏ lon nhôm,...).

- Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau, củ, quả, xác động vật, vỏ trứng, vỏ sò, bã trà, bã cà phê...).

- Chất thải rắn sinh hoạt khác bao gồm: Chất thải nguy hại; Chất thải rắn cồng kềnh; Chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý.

b) Lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt

Các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được chứa đựng trong các bao bì, thùng chứa với màu sắc khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom, vận chuyển, cụ thể như sau:

- Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Chứa đựng trong các bao bì thông thường do chủ nguồn thải quyết định; lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thu gom tối đa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế để chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại thì phải chứa đựng trong bao bì có màu vàng tương tự như chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý.

- Chất thải thực phẩm: Chứa đựng trong bao bì có màu xanh đảm bảo không rò rỉ nước, phát tán mùi hôi; lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do chính quyền địa phương lựa chọn. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

- Chất thải rắn cồng kềnh: Lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường; hộ gia đình, cá nhân phải tự tháo rã để giảm kích thước trước khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự thỏa thuận với đơn vị thu gom khác thì tự chi trả chi phí thu gom, vận chuyển theo thỏa thuận.

- Chất thải nguy hại: Chứa đựng trong trong bao bì có màu đỏ và lưu giữ bên trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo an toàn cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn.

- Chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý: Chứa đựng trong bao bì có màu vàng; lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do chính quyền địa phương lựa chọn.

c) Phương án thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại

Ủy ban nhân dân các cấp huyện (hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu được ủy quyền) căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp và có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại địa phương đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các phương án như sau:

- Phương án 1: Thu gom cùng lúc các nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại hàng ngày (trong trường hợp đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng các yêu cầu thu gom các nhóm chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại).

- Phương án 2: Thu gom riêng từng nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại theo thời gian phù hợp (trong trường hợp đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý không đáp ứng các yêu cầu thu gom cùng lúc các nhóm chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại) như: buổi sáng và buổi chiều; thứ 2, thứ 4, thứ 6 và thứ 3, thứ 5, thứ 7.

- Đối với chất thải rắn cồng kềnh và chất thải nguy hại, Ủy ban nhân dân cấp huyện (hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu được ủy quyền) có thể lựa chọn phương án thu gom tại điểm cố định hoặc thu gom tại nhà theo thời gian do Ủy ban nhân dân cấp huyện (hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu được ủy quyền) quyết định và thông báo rộng rãi. Khuyến khích các địa phương tổ chức thu gom chất thải rắn cồng kềnh và chất thải nguy hại vào các ngày chủ nhật hàng tuần hoặc tối thiểu 01 tháng/lần để kịp thời thu gom chất thải rắn cồng kềnh và chất thải nguy hại, hạn chế việc người dân đồ thải không đúng quy định.

d) Mô hình thu gom, vận chuyển, tập kết và xử lý chất thải sinh hoạt

Mô hình khung thu gom, vận chuyển, tập kết và xử lý/tái chế chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh như sau:

4. Hoạt động kiểm tra, giám sát

- Việc kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được tổ chức theo 3 cấp:

Cấp 1: Do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định, thành phần tham gia ưu tiên cán bộ môi trường, Tổ trưởng khu phố, tổ dân phố, lực lượng dân phòng, các đoàn thể và các cơ quan, đơn vị khác phù hợp... Nhiệm vụ: Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp xã và công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ nơi phát sinh đến điểm tập kết/trạm trung chuyển hoặc vận chuyển trực tiếp đến cơ sở xử lý/tái chế trong trường hợp địa phương không bố trí điểm tập kết/trạm trung chuyển chất thải sinh hoạt.

Cấp 2: Do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, thành phần tham gia ưu tiên Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị, đoàn thể, Công an và các cơ quan, đơn vị khác phù hợp... Nhiệm vụ: Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các điểm tập kết/trạm trung chuyển, công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết/trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý/tái chế; đồng thời kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng kiểm tra, giám sát cấp 1 trên địa bàn cấp huyện.

Cấp 3: Do Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định, thành phần tham gia là Chi cục Bảo vệ môi trường và Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị khác phù hợp.... Nhiệm vụ: Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh và các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng kiểm tra, giám sát cấp 1 và 2.

- Hình thức kiểm tra, giám sát: Việc kiểm tra, giám sát của các lực lượng cấp 1, cấp 2, cấp 3 được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Kết quả kiểm tra, giám sát là cơ sở để đề xuất điều chỉnh nội dung và giải pháp thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn ngày càng được hiệu quả hơn; là cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với các trường hợp chưa đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định và là cơ sở để biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

5. Sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng

- Định kỳ trước ngày 01 tháng 12 hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn cấp huyện và có văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Trước ngày 01 tháng 12 năm 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tong kết đánh giá kết quả thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh và có báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và quy định pháp luật hiện hành.

- Trong quá trình sơ kết, tổng kết, đánh giá, Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực và thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí

Tổng kinh thực hiện Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến khoảng 50 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí xây dựng các điểm tập kết, trạm trung chuyển và kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt), trong đó:

Cấp tỉnh: Dự kiến khoảng 02 tỷ đồng.

Cấp huyện: Dự kiến khoảng 48 tỷ đồng.

2. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2025 được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đã phân bổ hàng năm cho các cơ quan, đơn vị.

3. Nội dung chi

Kinh phí thực hiện Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2025 để triển khai các hoạt động như:

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của địa phương.

- Biên soạn các tài liệu và tổ chức, tập huấn tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Đào tạo tập huấn đội ngũ, lực lượng tuyên truyền viên.

- Hỗ trợ cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hội viên, đoàn viên và lực lượng kiểm tra, giám sát.

- Trang bị bao bì, thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại một số khu vực, địa bàn dân cư, các hộ gia đình chính sách, khó khăn.

- Tổng kết, đánh giá và khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

- Chi cho các hoạt động khác phù hợp theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; đồng thời, hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo yêu cầu để đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định, quy trình, định mức, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại để áp dụng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

- Phổi họp với các Bộ, ban, ngành Trung ương, các Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương trong nước và các tổ chức quốc tế để trao đổi, hợp tác và học tập kinh nghiệm trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

- Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tổ chức các cuộc họp để sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hướng dẫn khắc phục các khó khăn, vướng mắc, đồng thời có báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, chỉ đạo.

2. Sở Xây dựng

- Hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác rà soát quy hoạch xây dựng, bố trí địa điểm khu xử lý và điểm trung chuyển chất thải rắn trong các đồ án quy hoạch xây dựng làm cơ sở triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện lộ trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và mạng lưới các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để áp dụng đến ngày 31 tháng 12 năm 2024.

3. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách và dự toán của các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu bố trí nguồn kinh phí theo thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế chất thải, thu hồi năng lượng trên địa bàn tỉnh; không thu hút các dự án chôn lấp chất thải trực tiếp.

5. Sở Nội vụ

Tham mưu kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là cán bộ môi trường cấp xã, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và triển khai tốt nhiệm vụ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến giáo viên, học sinh tại các cấp trường học thông qua các chương trình giáo dục, các hoạt động chính khóa và ngoại khóa, các phong trào thi đua tại trường học.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Xây dựng quy trình và hướng dẫn chi tiết việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc các địa phương thực hiện việc phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn và đảm bảo các tiêu chí nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu.

8. Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương

Tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp. Đồng thời giám sát việc phân loại và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt của các cơ sở sản xuất cho các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế theo đúng quy định.

9. Sở Y tế

Tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các cơ sở y tế. Đồng thời giám sát việc phân loại và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt của các cơ sở y tế cho các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế theo đúng quy định.

10. Sở Công thương

Tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm... lồng ghép truyền thông về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thông qua các hoạt động quản lý của ngành.

11. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp, hướng dẫn các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh.

12. Công an tỉnh Bình Dương

Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ sở hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố

- Xây dựng, phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn cấp huyện; chủ động và phối hợp hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn cấp huyện, cấp xã đạt hiệu quả.

- Quy hoạch, bố trí và đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định; đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xác định địa điểm, thời gian, tần suất, tuyến thu gom và lộ trình di chuyển của các phương tiện vận chuyển để đảm bảo công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Thực hiện các thủ tục đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Thành lập lực lượng tuyên truyền viên, lực lượng kiểm tra giám sát tại địa phương để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đúng theo quy định.

- Huy động các nguồn lực xã hội và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động liên quan đến công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực và thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

- Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tổ chức các cuộc họp để sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hướng dẫn khắc phục các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, có báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời.

14. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

- Thành lập lực lượng tuyên truyền viên, lực lượng kiểm tra giám sát tại địa phương để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đúng theo quy định.

- Thực hiện các thủ tục đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương bố trí mặt bằng và đầu tư xây dựng điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, điểm tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh và chất thải nguy hại trên địa bàn.

- Phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân và văn phòng khu phố, văn phòng ban quản lý chung cư và các hình thức khác phù hợp.

15. Các cơ quan thông tin, truyền thông

Báo Bình Dương, Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương tăng cường chuyên trang, phóng sự, thời lượng thông tin các vấn đề liên quan đến công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh nhận thức, hình thành thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Kịp thời phản ánh, tuyên truyền các mô hình, điển hình, tổ chức, cá nhân, tổ dân phố, khu phố, khu dân cư thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhân rộng những mô hình triển khai hiệu quả và cách làm hay.

16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức Đoàn thể chính trị - xã hội

Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân dân cấp xã, các Sở, ban ngành tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Lồng ghép nội dung phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào kế hoạch truyền thông hàng năm theo Chương trình liên tịch về bảo vệ môi trường đã được ký kết với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

17. Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương

Hoàn thiện quy trình kỹ thuật trong kiểm soát, giám sát việc thu gom, vận chuyển, tiếp nhận, xử lý/tái chế từng nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát và thanh toán kinh phí xử lý/tái chế đúng quy định.

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt hiệu quả.

18. Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét.

Trên đây là Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn năm 2023 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1734/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025

  • Số hiệu: 1734/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Mai Hùng Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản