Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2010/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 17 tháng 3 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- VP CP (HN-TPHCM);
- Bộ Tư pháp (Cục KTvăn bản QPPL);
- Bộ Xây dựng;
- TT. Thành ủy, TT.HĐND thành phố;
- CT, các PCT UBND thành phố;
- UBMTTQ và các Đoàn thể thành phố;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố;
- Sở, ban, ngành thành phố;
- TT. Quận ủy, TT.HĐND quận;
- TT. Huyện ủy, TT.HĐND huyện;
- UBND quận, huyện;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Website Chính phủ;
- Đài PT và TH Cần Thơ;
- Báo Cần Thơ;
- Văn phòng UBND thành phố (3B);
- Trung tâm Công báo; Trung tâm Lưu trữ;
- Lưu VT. NQ

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định nội dung công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã (bao gồm đường huyện, đường xã và đường giao thông nông thôn); quy định việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã; quy định trách nhiệm quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã phải thực hiện Quy định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đường huyện, đường xã: là hệ thống giao thông ở địa phương kết nối vào hệ thống đường Quốc lộ, đường tỉnh và các tuyến đường khác có chức năng phục vụ giao thông địa phương; có cấp đường thiết kế từ cấp IV trở xuống theo quy định tại Đường ô tô - yêu cầu thiết kế TCVN 4054 - 2005.

2. Đường giao thông nông thôn: là hệ thống giao thông ở địa phương kết nối vào hệ thống đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã và các tuyến đường khác nhằm phục vụ sản xuất, giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội đảm bảo các phương tiện cơ giới loại trung, nhẹ và thô sơ qua lại theo Tiêu chuẩn thiết kế đường giao thông nông thôn 22TCN 210 - 92.

Chương II

QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ

Điều 4. Yêu cầu của công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã

1. Công trình cầu, đường sau khi được nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng phải được tổ chức quản lý, bảo trì. Thời hạn bảo trì công trình được tính từ ngày nghiệm thu công trình đưa vào khai thác sử dụng đến khi hết thời hạn sử dụng theo quy định của nhà thiết kế.

2. Công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã được thực hiện theo quy trình quản lý, bảo trì. Nội dung quy trình quản lý, bảo trì tuân thủ các quy định của Tiêu chuẩn về quản lý, bảo trì công trình xây dựng và các quy định hiện hành.

a) Đối với công trình xây dựng mới, việc thực hiện quản lý, bảo trì theo quy trình do nhà thầu thiết kế lập hoặc do nhà cung cấp thiết bị quy định.

b) Đối với công trình đang sử dụng nhưng chưa có quy trình quản lý, bảo trì, tùy theo quy mô, đặc điểm của công trình, chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng phải tiến hành hoặc phải thuê tổ chức tư vấn có đủ tư cách pháp nhân, kiểm định, đánh giá chất lượng và lập quy trình quản lý, bảo trì công trình.

3. Công tác quản lý, bảo trì phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn, vệ sinh và môi trường:

a) Tuyệt đối đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, cho người thi công, người sử dụng và các phương tiện giao thông, vận hành trên công trình;

b) Lựa chọn các biện pháp và thời gian thi công hợp lý nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của tiếng ồn, khói, bụi, rung động,…do xe máy và các thiết bị thi công khác khi thực hiện các hoạt động bảo trì gây ra;

c) Tuân thủ các quy định của Luật bảo vệ môi trường; các quy phạm an toàn lao động; an toàn trong thi công; an toàn lao động trong sử dụng máy móc, thiết bị thi công.

Điều 5. Nội dung Quản lý hệ thống đường huyện, đường xã

1. Lưu trữ và quản lý khai thác hồ sơ hoàn công công trình xây dựng mới, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất;

2. Lập hồ sơ quản lý:

a) Quản lý hồ sơ, tài liệu kỹ thuật có liên quan.

- Đối với cầu đường bộ: gồm các tài liệu trích hồ sơ hoàn công như bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang cầu, mặt cắt địa chất, hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, hồ sơ mốc lộ giới, hồ sơ kiểm định, hồ sơ cấp phép thi công; lập sổ lý lịch cầu, cập nhật kết quả các đợt kiểm tra, các dự án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất; sổ tuần tra, kiểm tra cầu.

- Đối với đường bộ, kè bảo vệ đường bộ, cống trên đường bộ: gồm các tài liệu trích hồ sơ hoàn công như bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang, mặt cắt địa chất, hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, hồ sơ mốc lộ giới, hồ sơ cấp phép thi công; lập bình đồ duỗi thẳng và lập các biến động về tổ chức giao thông sử dụng đất dành cho đường bộ, sổ tuần đường, cập nhật kết quả các đợt kiểm tra, các dự án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất.

- Đối với bến phà đường bộ: gồm các tài liệu trích hồ sơ hoàn công như bình đồ (kể cả bình đồ bố trí phao tiêu, đèn tín hiệu hướng dẫn giao thông thủy khi đi qua khu vực bến phà), tổ chức giao thông, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang bến, hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, hồ sơ mốc lộ giới, hồ sơ cấp phép thi công; cập nhật các thay đổi về luồng về lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông; các thay đổi về tổ chức giao thông, kết quả kiểm tra và dự án sửa chữa định kỳ.

b) Bảo quản hồ sơ, tài liệu: hồ sơ, tài liệu phải được lưu giữ, bảo quản tại các nơi lưu giữ đảm bảo việc sử dụng lâu dài; đánh ký hiệu đối với từng công trình để dễ tìm khi cần thiết; Lập danh mục các hồ sơ lưu trên máy tính.

3. Kiểm tra theo dõi tình trạng hệ thống đường huyện, đường xã:

a) Các hạng mục cần được kiểm tra theo dõi: mặt đường, hệ thống thoát nước, mái ta luy, nền đường, các công trình trên đường (cầu, cống, bến phà …).

b) Các hình thức kiểm tra:

- Kiểm tra thường xuyên: hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng các thành viên trong đội bảo dưỡng thực hiện.

- Kiểm tra định kỳ: tháng, quý, năm do cán bộ có trình độ chuyên môn được đào tạo thuộc đơn vị quản lý thực hiện.

- Kiểm tra đột xuất: sau mỗi đợt lụt, bão hoặc các tác động bất thường khác cần phải thực hiện kiểm tra đột xuất, xem xét và xác định nguyên nhân để có giải pháp kỹ thuật sửa chữa phù hợp.

c) Lập kế hoạch bảo dưỡng và sửa chữa kèm theo các hình thức kiểm tra.

4. Phân loại và đánh giá tình trạng kỹ thuật các công trình cầu, cống.

5. Thực hiện đếm xe, phân tích số liệu và đánh giá sự tăng trưởng của lưu lượng, kiểu loại xe và kiểm soát tải trọng xe.

6. Thực hiện quản lý tải trọng, khổ giới hạn xe; tổ chức cấp giấy lưu hành cho xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng công trình đường bộ; kiểm tra tải trọng xe ở các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định hoặc tạm thời và xử lý theo quy định; phân tích đánh giá tác động cho hoạt động của xe quá khổ, quá tải đến độ bền vững công trình.

7. Lập biểu mẫu theo dõi số vụ tai nạn, xác định ban đầu nguyên nhân từng vụ tai nạn, thiệt hại do tai nạn. Phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để giải quyết tai nạn giao thông theo thẩm quyền.

8. Đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trên đường đang khai thác, tổ chức giao thông; thường xuyên rà soát, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ cho phù hợp; lập hồ sơ xử lý điểm đen, xử lý và theo dõi hiệu quả xử lý điểm đen.

9. Lập kế hoạch bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống đường huyện, đường xã:

10. Tổ chức, thực hiện quản lý, bảo vệ công trình đường bộ; phối hợp với Công an và chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

11. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nội dung bảo trì đường bộ

1. Công tác bảo trì đường bộ gồm: bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.

2. Bảo dưỡng thường xuyên là công việc làm hàng ngày, hàng tháng, hàng quý nhằm theo dõi tình trạng đường bộ, có các giải pháp ngăn chặn hư hỏng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng nhỏ do tác động bên ngoài ảnh hưởng đến chất lượng công trình, duy trì tình trạng công trình bình thường để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

3. Sửa chữa định kỳ là sửa chữa hư hỏng công trình theo thời hạn quy định kết hợp khắc phục một số khiếm khuyết của công trình xuất hiện trong quá trình khai thác, nhằm khôi phục tình trạng kỹ thuật và cải thiện điều kiện khai thác của công trình.

a) Sửa chữa định kỳ bao gồm sửa chữa và sửa chữa lớn; trong thời gian sửa chữa lớn có ít nhất một lần sửa chữa vừa;

b) Thời hạn sửa chữa vừa, sửa chữa lớn đường bộ được phân theo kết cấu mặt đường.

STT

Loại kết cấu mặt đường

Thời gian (năm)

Sửa chữa vừa

Sửa chữa lớn

1

Bê tông nhựa

5

15

2

Bê tông xi măng

8

25

3

Đá dăm trộn nhựa, đá dăm đen

4

12

4

Thấm nhập nhựa, láng nhựa 2, 3 lớp

3

10

5

Đá dăm, cấp phối

3

5

c) Thời gian quy định sửa chữa vừa và sửa chữa lớn đường bộ được điều chỉnh bằng hệ số triết giảm phù hợp với điều kiện về thời gian sử dụng công trình, lưu lượng xe. Các hệ số này được vận dụng theo quy định tương tự hệ số (Kt), (Kl) tại phụ lục 01 và 02 tập Định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 3479/2001/QĐ-BGTVT ngày 19 tháng 10 năm 2001 của Bộ Giao thông vận tải, khi Định mức này thay đổi thì được vận dụng điều chỉnh theo định mức thay thế.

d) Sửa chữa định kỳ cầu phải căn cứ vào kết quả kiểm tra định kỳ (đối với cầu tạm) hoặc kết quả kiểm tra định kỳ, kết quả kiểm định 10 năm, 05 năm hoặc đột xuất (đối với cầu bán vĩnh cửu và cầu vĩnh cửu).

đ) Sửa chữa định kỳ bến phà: ngoài quy định sửa chữa theo quy trình quản lý, vận hành cho phù hợp, còn căn cứ vào kết quả kiểm tra định kỳ, đột xuất.

4. Sửa chữa đột xuất là sửa chữa các sự cố hư hỏng cầu đường không định trước được do thiên tai lụt, bão hoặc những sự cố bất thường khác gây ra. Đơn vị trực tiếp quản lý phải chủ động, tích cực quy động lực lượng, vật tư, thiết bị để tổ chức đảm bảo giao thông và hướng dẫn phân luồng xe; đồng thời báo cáo đơn vị quản lý cấp trên; kịp thời thông báo đến phương tiện thông tin đại chúng khi cầu đường bị hư hỏng nặng. Sửa chữa đột xuất chia làm hai bước:

a) Bước 1: nhằm khôi phục đảm bảo giao thông nhanh nhất, ổn định hoạt động giao thông vận tải đường bộ, nhằm giảm thiệt hại, hạn chế ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Thực hiện bước 1 Chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó được chỉ định ngay nhà thầu thi công và tư vấn thiết kế đủ tư cách pháp nhân (gọi chung là nhà thầu) để thực hiện. Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của công việc.

Sau khi hoàn tất công việc bước 1, chậm nhất là 45 ngày làm việc, chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó chỉ đạo nhà thầu lập và hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành.

b) Bước 2: khôi phục lại công trình về tiêu chuẩn kỹ thuật như trước khi xảy ra sự cố, gia cố nhằm kiên cố hóa công trình, nâng cấp hoặc xây dựng mới; bước 2 thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư xây dựng.

Điều 7. Áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ

1. Áp dụng trong bảo quản thường xuyên đường bộ.

a) Đối với đường giao thông nông thôn: tham khảo áp dụng tập Định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 3479/2001/QĐ-BGTVT ngày 19 tháng 10 năm 2001 của Bộ Giao thông vận tải; định mức kinh tế kỹ thuật về công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên đường giao thông nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 2712/QĐ-GT ngày 14 tháng 10 năm 1996 của Bộ giao thông vận tải; định mức dự toán công tác sửa chữa công trình xây dựng công bố theo Công văn số 1778/BXD-VP ngày 16 tháng 8 năm 2008 của Bộ Xây dựng; đơn giá công tác sửa chữa công trình xây dựng công bố theo Công văn số 416/SXD-QLXD ngày 25 tháng 5 năm 2008 của Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ.

b) Các hạng mục không có ở các văn bản tại Mục 1.1 Điều này, được phép tham khảo áp dụng các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá tương ứng của các ngành khác hoặc của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá có thể được điều chỉnh khi được cơ quan có thẩm quyền ban hành các bộ định mức, đơn giá mới theo tại thời điểm thực hiện công trình.

2. Áp dụng trong sửa chữa định kỳ đường bộ; sửa chữa đột xuất: Áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức quy định như đối với công trình trong sửa chữa và xây dựng cơ bản.

Điều 8. Quản lý vốn bảo dưỡng thường xuyên đường bộ

1. Nguồn vốn Quản lý bảo dưỡng thường xuyên đường bộ:

- Ngân sách địa phương: ngân sách hỗ trợ của thành phố, huyện, xã.

- Sự đóng góp của cộng đồng, các tổ chức trong và ngoài nước.

- Các nguồn khác.

2. Quản lý và sử dụng nguồn vốn:

Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn bảo trì đường huyện, đường xã theo đúng các quy định về quản lý tài chính của Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm về quản lý, bảo trì đường bộ

1. Hệ thống đường huyện, đường xã do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, bảo trì; Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì.

2. Việc cải tạo, nâng cấp đường đang khai thác, Chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện quản lý bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.

3. Cơ quan quản lý đường bộ tại địa phương giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về công tác chuyên môn, nhiệp vụ quản lý, bảo trì đường bộ.

Điều 10. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2010/QĐ-UBND về Quy định quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 17/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/03/2010
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/03/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 03/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản