Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1671/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 50/2014/QĐ-TTG NGÀY 04/9/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHĂN NUÔI NÔNG HỘ GIAI ĐOẠN 2015-2020, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Thông tư số 09/2015/TT-BNNPTNT ngày 03/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện điểm a, khoản 1, điều 6, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23/12/2015 của Bộ Tài chính về việc quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;

Theo đề nghị của Liên Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính tại Tờ trình số 1705/TTr-LSNN&PTNT-TC ngày 06/5/2016 về việc quy định chi tiết thực hiện một số điều tại Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành quy định chi tiết thực hiện một số điều tại Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với nội dung như sau:

1. Tinh trâu, bò, lợn tham gia phối giống nhân tạo

1.1. Loại tinh được hỗ trợ

a) Tinh lợn, bao gồm: Tinh lợn Móng cái và tinh lợn ngoại cấp bố mẹ (Yorshire, Landrace, Duroc, Pietrain, VCN, tổ hợp lai giữa các giống đã nêu).

b) Tinh trâu, bò bao gồm: Tinh trâu nội; tinh trâu Murah, tinh bò Zebu sản xuất trong nước; tinh trâu, bò thịt cao sản nhập khẩu; tinh bò sữa.

1.2. Đơn giá hỗ trợ

a) Đối với tinh lợn: Tinh lợn Móng cái 50.000 đồng/liều 30ml. Tinh lợn ngoại phối với lợn nội 50.000 đồng/liều 30ml. Tinh lợn ngoại phối với lợn lai 70.000 đồng/liều 50ml. Tinh lợn ngoại phối với lợn ngoại 100.000 đồng/liều 80ml.

b) Đối với tinh trâu, bò: Tinh trâu nội, tinh trâu Murah sản xuất trong nước là 30.000 đồng/liều; tinh bò Zebu sản xuất trong nước là 28.000 đồng/liều; tinh trâu, bò thịt cao sản nhập khẩu là 150.000 đồng/liều; tinh bò sữa 150.000 đồng/liều.

1.3. Mức hỗ trợ

a) Tinh lợn: Hỗ trợ 100% kinh phí về liều tinh theo số lượng thực tế liều tinh sử dụng, nhưng không quá 02 liều tinh cho một lần phối giống và không quá 05 liều tinh cho một lợn nái/năm.

b) Tinh trâu, bò và vật tư phối giống nhân tạo: Hỗ trợ 100% kinh phí về liều tinh (tinh đông lạnh) và vật tư phối giống nhân tạo (Nitơ lỏng, găng tay, dẫn tinh quản hoặc ống dẫn tinh) theo số lượng thực tế vật tư phối giống nhân tạo sử dụng, nhưng không quá 02 liều tinh/bò thịt/năm, 04 liều tinh/bò sữa hoặc trâu/năm.

2. Vật tư phối giống nhân tạo đối với trâu, bò

2.1. Loại vật tư: Nitơ, găng tay, dẫn tinh quản hoặc ống dẫn tinh.

2.2. Đơn giá: Nitơ lỏng 33.000 đồng/lít; găng tay 5.000 đồng/cái; dẫn tinh quản (hoặc ống dẫn tinh) 5.000 đồng/chiếc.

2.3. Mức hỗ trợ:

a) Nitơ lỏng dùng để bảo quản tinh ở các điểm trung chuyển: Theo thực tế sử dụng, nhưng không quá 250lít/năm/bình 35 lít.

b) Nitơ lỏng dùng để vận chuyển tinh đi phối giống: Theo thực tế sử dụng, nhưng không quá 1,5 lít/01 con bò cái hướng thịt có chửa, không quá 03 lít/01 con trâu cái có chửa và không quá 02 lít/01 con bò cái hướng sữa có chửa.

c) Găng tay, dẫn tinh quản hoặc ống dẫn tinh: Phù hợp theo số liều tinh sử dụng, mỗi liều tinh sử dụng tương ứng với 01 cái găng tay và 01 dẫn tinh quản hoặc ống dẫn tinh.

3. Hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị

3.1. Loại giống được hỗ trợ

a) Lợn đực giống: Các giống lợn ngoại cấp bố mẹ (Yorshire, Landrace, Duroc, Pietrance, VCN, tổ hợp lai giữa các giống đã nêu). Yêu cầu lợn đực giống khi mua về tối thiểu phải từ 6 tháng tuổi trở lên.

b) Trâu, bò đực giống: Các giống bò ngoại thuần, bò lai trên 50% máu ngoại thuộc giống bò Zebu; giống trâu nhập ngoại hoặc giống trâu đực nội đảm bảo chất lượng con giống theo quy định. Yêu cầu bò đực giống khi mua về phải từ 12 tháng tuổi trở lên, trâu đực giống phải từ 24 tháng tuổi trở lên.

c) Gà, vịt giống bố mẹ hậu bị: Các giống gà Lương Phượng, Tam Hoàng, Mía, Ri, Sao, Ác, Chọi; các giống vịt: SuperM, CV2000, Cổ Lũng, Triết Giang. Yêu cầu gà, vịt giống bố mẹ hậu bị khi mua về tối thiểu phải từ 08 tuần tuổi trở lên.

3.2. Mức hỗ trợ

a) Đối với lợn, trâu, bò đực giống

Hỗ trợ một lần mua con giống lợn, trâu, bò đực giống cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để thực hiện phối giống dịch vụ, với số tiền 4.000.000 đồng/01 con lợn đực giống từ 6 tháng tuổi trở lên, mỗi hộ chăn nuôi chỉ được hỗ trợ mua không quá 02 con lợn đực giống; với số tiền 15.000.000 đồng/01 con bò đực giống từ 12 tháng tuổi trở lên; với số tiền 20.000.000 đồng/01 con trâu đực giống, từ 24 tháng tuổi trở lên mỗi hộ chăn nuôi chỉ được hỗ trợ mua 01 con trâu hoặc 01 con bò đực giống.

b) Đối với gà, vịt giống bố mẹ hậu bị

Hỗ trợ một lần mua gà, vịt giống bố mẹ hậu bị gắn với ấp nở cung cấp con giống, với số tiền 50.000 đồng/01 con. Mỗi hộ chăn nuôi chỉ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị.

4. Hỗ trợ về xử lý chất thải chăn nuôi

4.1. Loại công trình khí sinh học và đệm lót sinh học

a) Loại công trình khí sinh học: Bể xây gạch hoặc hầm Composite

b) Đệm lót sinh học sử dụng trong chăn nuôi trâu bò; chăn nuôi lợn; chăn nuôi gia cầm.

4.2. Mức hỗ trợ

a) Xây dựng mới công trình khí sinh học:

- Đối với bể xây gạch:

+ Hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học từ 6m3 đến dưới 9m3 được hỗ trợ 3.000.000 đồng/công trình/hộ.

+ Hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học từ 9m3 trở lên được hỗ trợ 5.000.000 đồng/công trình/hộ.

- Đối với hầm Composite:

+ Hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học từ 5m3 đến dưới 7m3 được hỗ trợ 4.000.000 đồng/công trình/hộ.

+ Hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học từ 7m3 trở lên được hỗ trợ 5.000.000 đồng/công trình/hộ.

b) Làm đệm lót sinh học:

- Đối với gia súc:

+ Hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học từ 15m2 đến dưới 30m2 được hỗ trợ 1.500.000 đồng/hộ.

+ Hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học từ 30m2 đến dưới 50m2 được hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ.

+ Hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học trên 50m2 được hỗ trợ 5.000.000 đồng/hộ.

- Đối với gia cầm:

+ Hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học từ 15m2 đến dưới 30m2 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ.

+ Hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học từ 30m2 đến dưới 50m2 được hỗ trợ 2.000.000 đồng/hộ.

+ Hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học trên 50m2 được hỗ trợ 4.000.000 đồng/hộ.

5. Hỗ trợ đào tạo tập huấn

5.1. Số lượng học viên: 20 người/lớp

5.2. Thời gian đào tạo, tập huấn: 21 ngày, trong đó thời gian học lý thuyết 7 ngày và thời gian thực hành 14 ngày; 02 lớp/năm.

5.3. Mức hỗ trợ: Mức chi để đào tạo tập huấn về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc: 6.000.000 đồng/người, bao gồm: chi hỗ trợ trực tiếp cho người học; chi in ấn tài liệu, văn phòng phẩm, hội trường, trang thiết bị giảng dạy, vật tư thực hành; chi bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn viên, thực hành thao tác kỹ thuật.

6. Hỗ trợ mua bình chứa Nitơ lỏng để vận chuyển, bảo quản tinh phối giống nhân tạo gia súc

6.1. Loại bình: Bình 3 lít dùng để vận chuyển, bảo quản tinh đi phối giống.

6.2. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần kinh phí mua bình chứa Nitơ lỏng giá 5.000.000 đồng/01 bình/01 người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc và có cam kết bảo quản, sử dụng bình trong thời gian 5 năm.

7. Nguyên tắc áp dụng hỗ trợ

7.1. Hỗ trợ về kinh phí liều tinh lợn và kinh phí vật tư phối giống nhân tạo trâu, bò cho các hộ chăn nuôi thông qua các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi hoặc vật tư chăn nuôi theo quy định hiện hành được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định và giao kế hoạch. Kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở được căn cứ đơn giá liều tinh, vật tư theo định mức của địa phương nhân với số thực tế cung cấp cho các hộ chăn nuôi trong kế hoạch số lượng được giao hàng năm.

7.2. Hỗ trợ trực tiếp cho hộ chăn nuôi sau khi các hộ đã mua lợn, trâu, bò đực giống, gà, vịt giống bố mẹ hậu bị và có cam kết chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác con đực giống ít nhất 24 tháng đối với lợn và 48 tháng đối với trâu, bò; trừ trường hợp thiên tai, dịch bệnh; có hóa đơn tài chính theo quy định.

7.3. Hỗ trợ trực tiếp cho hộ chăn nuôi sau khi các hộ đã xây công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học, có biên bản xác nhận hoàn thành công trình của UBND xã.

7.4. Hỗ trợ trực tiếp cho người đi đào tạo, tập huấn về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc sau khi hoàn thành khóa đào tạo, tập huấn; có chứng chỉ của cơ sở đào tạo, tập huấn.

7.5. Hỗ trợ trực tiếp cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc sau khi mua bình chứa Nitơ lỏng; có hóa đơn tài chính theo quy định.

7.6. Trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

8. Nguồn kinh phí thực hiện:

- Từ nguồn Trung ương hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện chính sách theo quy định tại Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Từ nguồn ngân sách địa phương 50%: Riêng năm 2016, từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt tại quyết định 5256/2015/QĐ-UBND ngày 14/12/2015 của UBND tỉnh.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Đối tượng áp dụng và cơ chế tài chính, phương thức hỗ trợ

Thực hiện theo Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23/12/2015 của Bộ Tài chính về việc quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.

2. Trách nhiệm của các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan

2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị hàng năm xây dựng kế hoạch khối lượng, tổ chức thẩm định khối lượng, gửi Sở Tài chính để tổng hợp, thẩm định kinh phí trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi kiểm tra, việc thực hiện chính sách tại các địa phương; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT kết quả thực hiện chính sách theo quy định.

- Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi hoặc vật tư chăn nuôi cung cấp liều tinh, con giống và vật tư đảm bảo chất lượng và tổ chức công bố cho người chăn nuôi tại địa phương được biết, chủ động lựa chọn.

- Chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng KHKT chăn nuôi Thanh Hóa tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật phối giống nhân tạo cho gia súc trên địa bàn tỉnh

2.2. Sở Tài chính:

- Căn cứ kế hoạch khối lượng đã được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định, tham mưu bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm, đồng thời trình chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính bổ sung kinh phí thực hiện chính sách.

- Thẩm định và trình Chủ tịch UBND tỉnh giao kinh phí cho các đơn vị thực hiện, thông báo và quyết toán kinh phí cho các đơn vị theo quy định hiện hành.

2.3. UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan.

- Trước ngày 30/7 hàng năm (riêng năm 2016, xong trước ngày 15/6), căn cứ tình hình thực tế, UBND huyện, các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch khối lượng và dự toán kinh phí gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Căn cứ Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh giao kế hoạch số lượng và kinh phí hỗ trợ hàng năm; UBND huyện tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch được giao.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tiếp nhận và quyết định chi trả tiền ngân sách hỗ trợ theo đúng nội dung chính sách; đúng đối tượng, tránh để thất thoát tiền vốn của Nhà nước. Chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo quyết toán kinh phí gửi Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và PTNT. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ quyết toán và báo cáo tổng hợp theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

- Có trách nhiệm phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách trên địa bàn.

Điều 3.

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Chính sách quy định tại Quyết định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ (để t/h);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Bộ Tài chính (để b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy; HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, NN. (A135)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1671/QĐ-UBND năm 2016 quy định chi tiết Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 1671/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản