Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1659/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2021-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21/6/2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu;

Căn cứ Quyết định số 304/QĐ-UB ngày 31/8/2015 của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Quảng Ngãi;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 1878/STC-HCSN&DN ngày 14/7/2021 và đề xuất của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 4837/STNMT-BHĐ ngày 12/10/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu

Tăng cường năng lực ứng phó sự cố tràn dầu; huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, địa phương để ngăn chặn, hạn chế và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, thiệt hại về sinh thái, kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Ngãi.

II. Phạm vi

1. Phạm vi không gian:

- Phạm vi vùng nước: Là vùng biển ven bờ của tỉnh có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm một khoảng cách 06 hải lý, bao gồm vùng biển ven bờ huyện đảo Lý Son.

- Phạm vi trên bờ: Là toàn bộ phần đất liền trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn.

2. Phạm vi thời gian: Giai đoạn 2021-2025.

III. Nội dung thực hiện

1. Kiện toàn cơ chế ứng phó sự cố tràn dầu

a) Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Quảng Ngãi

Kiện toàn Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ huy) tại Quyết định số 1432/QĐ-UBND ngày 16/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Ban Chỉ huy có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Quảng Ngãi đã được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt tại Quyết định số 304/QĐ-UB ngày 31/8/2015.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy) kiện toàn Văn phòng Ban Chỉ huy (giao Chi cục Biển và Hải đảo làm Văn phòng Ban Chỉ huy) và đảm bảo các điều kiện, phương tiện cần thiết cho hoạt động của Ban Chỉ huy hoàn thành nhiệm vụ.

b) Các đội ứng phó hiện trường

b.1) Kiện toàn Đội ứng phó ven bờ theo từng khu vực biên giới biển do các Đồn Biên phòng phụ trách; do Đồn trưởng Đồn Biên phòng làm Đội trưởng, với các thành viên là bộ đội Biên phòng của Đồn Biên phòng.

b.2) Thành lập các đội ứng phó hiện trường:

- Đội ứng phó trên bờ theo từng xã, phường; do Chủ tịch UBND xã, phường làm Đội trưởng với các thành viên là lực lượng dân quân, tự vệ tại địa phương.

- Đội quản lý chất thải theo từng huyện, thị xã, thành phố; do Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị xã, thành phố làm Đội trưởng, với các thành viên là công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường.

- Đội hậu cần theo từng huyện, thị xã, thành phố; do Trưởng phòng Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố làm Đội trưởng, với các thành viên là công chức, viên chức thuộc Phòng Y tế, Công an, Hội Chữ thập đỏ của huyện, thị xã, thành phố.

Riêng đối với huyện Lý Sơn, thành lập đội ứng phó trên bờ do Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực kinh tế làm Đội trưởng với các thành viên là trưởng các thôn và lực lượng dân quân, tự vệ tại địa phương.

Các đội ứng phó hiện trường có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác ứng phó sự cố tràn dầu tại địa bàn dưới sự chỉ huy trực tiếp của Chỉ huy hiện trường và sự chỉ đạo từ Ban Chỉ huy.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập các đội ứng phó nêu trên thì nhanh chóng kiện toàn lại bộ máy.

c) Xây dựng và ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu của Ban Chỉ huy và các đội ứng phó tràn dầu

Xây dựng và ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu nhằm quy định nguyên tắc hoạt động; quy trình ứng phó sự cố tràn dầu; chế độ họp, thông tin báo cáo và trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ huy và các đội ứng phó sự cố tràn dầu khi có sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

d) Ứng dụng công nghệ thông tin trong phối hợp, thông tin liên lạc liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

Thiết lập đường dây nóng và nhóm Zalo gồm các đầu mối có vai trò chủ chốt trong công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức huy động nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu nhằm tăng cường sự kết nối, thông tin liên lạc nhanh chóng, hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó sự cố tràn dầu

- Tổ chức các lớp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng cho các cán bộ huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, các cơ sở có hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng các sản phẩm dầu trên địa bàn tỉnh các văn bản pháp luật về công tác ứng phó sự cố tràn dầu, các kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để góp phần bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó sự cố tràn dầu.

- Tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng dưới hình thức phóng sự phát sóng trên Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi (PTQ), báo Quảng Ngãi.

- Tuyên truyền thông qua hình thức treo pano, băng rôn, phướn tuyên truyền.

3. Tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực ứng phó sự cố tràn dầu

- Tập huấn cho các thành viên Ban Chỉ huy về kỹ năng chỉ đạo, điều hành trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu.

- Tập huấn, đào tạo cho các thành viên của đội ứng phó hiện trường của tỉnh, các đội ứng phó sự cố tràn dầu của các cảng, dự án, cơ sở hoạt động, kinh doanh xăng, dầu về kỹ năng, kinh nghiệm ứng phó sự cố tràn dầu.

4. Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu

- Diễn tập tình huống trong phòng (Ban Chỉ huy).

- Diễn tập thực tế ngoài hiện trường (Chỉ huy hiện trường và lực lượng ứng phó tại hiện trường).

5. Cập nhật, phát triển Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Quảng Ngãi

Cập nhật, phát triển Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Quảng Ngãi 05 năm 01 lần và trình Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định, phê duyệt lại, đảm bảo kế hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.

IV. Kinh phí thực hiện

- Tổng kinh phí của Kế hoạch là: 1.784.042.652 đồng (Một tỷ, bảy trăm tám mươi tư triệu, không trăm bốn mươi hai nghìn, sáu trăm năm mươi hai đồng).

(Chi tiết các nhiệm vụ theo phụ lục đính kèm).

- Ngoài ra, Kế hoạch có kinh phí dự phòng: 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng), tuy nhiên không bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm mà chi từ nguồn dự phòng khi có sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Nguồn vốn: Kinh phí sự nghiệp môi trường.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch;

- Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán (ngày 15/7), Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch kèm theo thuyết minh cụ thể và tổng hợp chung trong Dự toán ngành gửi Sở Tài Chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

- Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các nội dung của Kế hoạch; định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kết quả thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

2. Sở Tài chính

- Hằng năm, trên cơ sở dự toán do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí theo khả năng cân đối ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện Kế hoạch;

- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiện toàn Đội ứng phó ven bờ và và gửi về cho Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện hiệu quả các nội dung của Kế hoạch.

4. Các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hăng năm gửi báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Quyết định thành lập hoặc kiện toàn các đội ứng phó tràn dầu tại hiện trường (Đội ứng phó trên bờ; Đội quản lý chất thải; Đội hậu cần) và gửi về cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hằng năm gửi báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh;

b) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện Kế hoạch theo sự phân công của UBND các huyện, thị xã, thành phố và định kỳ hằng năm gửi báo cáo kết quả về UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Ủy ban Quốc gia ƯPSC, TT & TKCN (b/cáo);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy(b/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP, KT, TH, CB-TH;
- Lưu: VT, NN-TN (hc470).

CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ CỦA KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 1659/QĐ-UBND ngày 22/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Nội dung thực hiện

Cơ quan chủ trì thực hiện

Cơ quan phối hợp

Kinh phí thực hiện (đồng)

Phân kỳ thực hiện

Nguồn kinh phí

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

A

Nhiệm vthực hiện

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong ƯPSCTD

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành liên quan; UBND xã ven biển, hải đảo

253.200.000

 

63.300.000

63.300.000

63.300.000

63.300.000

Sự nghiệp môi trường

2

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác ƯPSCTD

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành liên quan; UBND xã ven biển, hải đảo

333.360.000

 

83.340.000

83.340.000

83.340.000

83.340.000

Sự nghiệp môi trường

3

Tổ chức diễn tập ƯPSCTD

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành liên quan; UBND xã ven biển, hải đảo

890.536.580

 

445.268.290

 

445.268.290

 

Sự nghiệp môi trường

4

Cập nhật Kế hoạch ƯPSCTD tỉnh Quảng Ngãi

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành liên quan; UBND xã ven biển, hải đảo

306.946.072

 

 

 

 

306.946.072

Sự nghiệp môi trường

 

Tổng kinh phí

1.784.042.652

0

591.908.290

146.640.000

591.908.290

453.586.072

 

B

Kinh phí tổ chức ƯPSCTD

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành liên quan; UBND xã ven biển, hải đảo

400.000.000

 

100.000.000

100.000.000

100.000.000

100.000.000

Nguồn dự phòng chi khi có sự cố tràn dầu xảy ra

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1659/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch thực hiện các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 1659/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Đặng Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản