Hệ thống pháp luật

SỞ GIAO DỊCH
CHỨNG KHOÁN HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/QĐ-SGDHN

Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH HÒA GIẢI TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘI

TỔNG GIÁM ĐỐC
SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘI

Căn cứ Quyết định số 01/2009/QĐ-TTg ngày 02/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội;

Căn cứ Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 2398/QĐ-BTC ngày 21/11/2017 của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-HĐQT ngày 27/6/2019 của Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội;

Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/06/2006 và Luật số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP;

Căn cứ Quy chế thành viên giao dịch thị trường niêm yết và đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 430/QĐ-SGDHN ngày 03/7/2019 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội;

Căn cứ Quy chế Giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-SGDHN ngày 05/7/2017 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội;

Căn cứ Quy chế thành viên giao dịch phái sinh tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 188/QĐ-SGDHN ngày 24/3/2017 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội;

Theo đề nghị của Giám đốc phòng Quản lý thành viên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 594/QĐ-SGDHN ngày 02/11/2011 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc ban hành Quy định Hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Điều 3. Giám đốc Phòng Tổng hợp Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, các thành viên giao dịch và các bên liên quan tham gia hòa giải tranh chấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Lưu: VT, QLTV.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH





Nguyễn Như Quỳnh

 

QUY ĐỊNH

HÒA GIẢI TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-SGDHN ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy định này quy định việc hòa giải tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán theo yêu cầu của Thành viên giao dịch.

Những tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán do Thành viên giao dịch đề nghị nhưng đang được một cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận thì không thuộc phạm vi giải quyết của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (SGDCK).

Quy định này áp dụng đối với các Thành viên giao dịch tại SGDCK, các đơn vị thuộc SGDCK và các bên liên quan khi tham gia vào quá trình hòa giải.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

- Bên yêu cầu hòa giải: là Thành viên giao dịch có Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp gửi SGDCK;

- Bên được yêu cầu hòa giải: là Bên tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán với bên yêu cầu hòa giải đề cập trong Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp.

Điều 3. Nguyên tắc hòa giải

Việc hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán tại SGDCK được tiến hành theo nguyên tắc sau:

1. Khách quan, công bằng, tôn trọng quyền và lợi ích của các bên, lợi ích chung và tuân thủ quy định của pháp luật;

2. Việc hòa giải là tự nguyện và bất cứ bên nào cũng có thể rút khỏi quá trình hòa giải vào bất kỳ thời điểm nào trước khi ký biên bản hòa giải bằng cách thông báo bằng văn bản cho SGDCK và các bên liên quan;

3. SGDCK đóng vai trò là trung gian hòa giải, trung lập, thúc đẩy quá trình hòa giải và không có thẩm quyền ra quyết định về vấn đề hòa giải;

4. Ngôn ngữ sử dụng trong quá trình thực hiện hòa giải là tiếng Việt, nếu có phát sinh yêu cầu ngôn ngữ khác thì các bên liên quan tự thu xếp phiên dịch.

Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải

1. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải;

2. Trực tiếp hoặc cử người đại diện hợp pháp tham gia phiên hòa giải;

3. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải;

4. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ có liên quan;

5. Tôn trọng Hội đồng Hòa giải, quyền của các bên có liên quan;

6. Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.

Điều 5. Tổ chức và nhiệm vụ của Hội đồng hòa giải

1. Hội đồng Hòa giải là Hội đồng do Tổng Giám đốc SGDCK quyết định thành lập.

2. Nhiệm vụ của Hội đồng hòa giải

- Đánh giá điều kiện tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán có thuộc phạm vi hòa giải của SGDCK;

- Có trách nhiệm giúp Tổng Giám đốc SGDCK hòa giải tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán tại SGDCK.

3. Thành phần Hội đồng hòa giải

- Chủ tịch: Lãnh đạo SGDCK phụ trách phòng nghiệp vụ liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường có tranh chấp;

- Phó Chủ tịch: Lãnh đạo Phòng Quản lý Thành viên và Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán có tranh chấp;

- Thành viên: Lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ SGDCK;

- Thư ký: Cán bộ Phòng nghiệp vụ liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán có tranh chấp.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Yêu cầu hòa giải

1. Khi phát sinh tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán tại SGDCK và cần SGDCK làm trung gian hòa giải, Thành viên giao dịch nộp Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Quy định này và các tài liệu liên quan đến nội dung hòa giải tranh chấp cho SGDCK;

2. Trường hợp tranh chấp thuộc phạm vi giải quyết của SGDCK, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày SGDCK nhận được Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp của Thành viên giao dịch, SGDCK gửi thông báo cho bên được yêu cầu hòa giải kèm theo một bản sao Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp, các tài liệu liên quan đến nội dung hòa giải tranh chấp;

3. Trường hợp tranh chấp không thuộc phạm vi giải quyết của SGDCK, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày SGDCK nhận được Đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp của Thành viên giao dịch, SGDCK gửi công văn từ chối cho bên yêu cầu hòa giải và nêu rõ lý do.

Điều 7. Xác nhận thực hiện hòa giải

1. Việc xác nhận chấp thuận hay từ chối hòa giải phải được thực hiện bằng văn bản trong vòng 15 ngày kể từ ngày SGDCK gửi thông báo cho bên được yêu cầu hòa giải;

2. Trường hợp bên được yêu cầu hòa giải từ chối hòa giải hoặc quá 15 ngày mà SGDCK không nhận được trả lời của bên được yêu cầu hòa giải thì việc hòa giải không được thực hiện. Trong vòng 02 ngày làm việc tiếp theo SGDCK thông báo bằng văn bản cho bên yêu cầu hòa giải để lựa chọn phương thức giải quyết khác và khép lại vụ việc.

Điều 8. Chuẩn bị hòa giải

Trường hợp chấp thuận hòa giải, các công việc chuẩn bị hòa giải được thực hiện như sau:

1. SGDCK tìm hiểu sự việc, gặp gỡ, trao đổi với các bên nhằm hỗ trợ cho các bên đạt được giải pháp cho vấn đề tranh chấp. Trường hợp không thể tiếp xúc cùng lúc với các bên, SGDCK có thể gặp gỡ và trao đổi riêng biệt với mỗi bên. SGDCK sẽ thông báo cho bên liên quan về các cuộc gặp gỡ, trao đổi riêng biệt này.

2. Yêu cầu các bên có trách nhiệm hợp tác, cung cấp tài liệu, bằng chứng cho SGDCK để đảm bảo SGDCK thực hiện một cách hiệu quả nhất trong vai trò trung gian hòa giải.

3. Sau khi hoàn thành việc trao đổi, gặp gỡ với các bên liên quan, trong vòng 03 ngày làm việc, SGDCK sẽ thông báo cho các bên về thời gian và địa điểm tổ chức phiên hòa giải.

Điều 9. Tổ chức phiên hòa giải

1. Các bên liên quan phải cử người đại diện tham gia phiên hòa giải:

a) Đối với tổ chức: là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp phải là lãnh đạo công ty (Tổng Giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc);

b) Đối với cá nhân: là cá nhân hoặc người được ủy quyền hợp pháp;

c) Ngoài các đối tượng ghi nhận tại mục a và b nêu trên, các đối tượng khác có thể tham gia phiên hòa giải khi được sự chấp thuận của các bên liên quan.

Phiên hòa giải chỉ diễn ra khi có sự tham dự hợp lệ của tất cả các bên.

2. Nội dung của phiên hòa giải:

a) SGDCK tóm tắt lại các vấn đề tranh chấp cần hòa giải trước các bên;

b) Đại diện các bên giải thích, bổ sung nội dung vụ việc (nếu cần);

c) SGDCK đề xuất phương án hòa giải để các bên xem xét, thương lượng và chấp thuận;

3. Kết thúc phiên hòa giải, SGDCK lập biên bản hòa giải theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Quyết định này, biên bản phải có chữ ký của đại diện các bên liên quan, được lập thành 03 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Trường hợp hòa giải thành, các bên có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận đạt được ghi trong biên bản hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành, các bên có thể lựa chọn phương thức khác để giải quyết tranh chấp.

Điều 10. Hoãn hòa giải tranh chấp

Việc hoãn hòa giải tranh chấp được thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Khi có lý do chính đáng, một hoặc các bên có thể yêu cầu SGDCK hoãn phiên hòa giải. Yêu cầu hoãn phiên hòa giải phải được lập bằng văn bản, nêu rõ lý do kèm theo chứng cứ và được gửi đến SGDCK chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày mở phiên hòa giải. SGDCK xem xét, quyết định chấp thuận hay không chấp thuận yêu cầu hoãn phiên hòa giải và thông báo kịp thời tới các bên liên quan;

2. Khi một hoặc các bên không thể tham dự phiên hòa giải vì lý do bất khả kháng hoặc tại phiên hòa giải người được ủy quyền không đúng theo quy định của pháp luật.

Thời gian hoãn phiên hòa giải tranh chấp do SGDCK quyết định.

Điều 11. Các trường hợp chấm dứt hòa giải

Việc hòa giải chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Một trong các bên không tham dự phiên hòa giải mà không có lý do chính đáng;

2. Các bên tự hòa giải hoặc thống nhất với các phương án do Hội đồng hòa giải đề xuất;

3. Các bên liên quan không đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch;

4. Khi một trong các bên nộp hồ sơ khởi kiện vụ việc ra tòa án hoặc đang trong quá trình giải quyết của tòa án hoặc yêu cầu một cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận và xử lý.

Điều 12. Chế độ bảo mật thông tin

Các bên liên quan và SGDCK cam kết không công bố, giới thiệu hoặc sử dụng những ý kiến, kiến nghị, đề xuất hoặc kết quả thỏa thuận đạt được trong quá trình hòa giải để thực hiện vào những mục đích bất lợi cho các bên liên quan hoặc dùng cho mục đích khởi kiện tại tòa án, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Việc nộp phí hòa giải được thực hiện theo quy định hiện hành;

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các bên phản ánh cho SGDCK để phối hợp giải quyết;

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có ý kiến, đề xuất về việc chỉnh sửa Quy định này, các đơn vị gửi văn bản về Phòng Quản lý thành viên để tổng hợp, báo cáo Tổng Giám đốc SGDCK xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

PHỤ LỤC 01:

MẪU ĐƠN YÊU CẦU HÒA GIẢI TRANH CHẤP
(Kèm theo Quy định hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán tại SGDCK ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-SGDHN ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội)

THÀNH VIÊN GIAO DỊCH
--------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .......... (số công văn)

………., ngày ... tháng ... năm ..…...

 

ĐƠN YÊU CẦU HÒA GIẢI TRANH CHẤP
GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI SỞ
GDCK HÀ NỘI

Kính gửi: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội

Chúng tôi, (tên Thành viên giao dịch, mã thành viên, địa chỉ trụ sở chính) có phát sinh tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với Thành viên giao dịch.... cụ thể như sau:

1. Tóm tắt nội dung: tóm tắt vụ việc, ngày xảy ra sự kiện tranh chấp, quá trình thương lượng của các bên (nếu có); các tài liệu, bằng chứng liên quan đến tranh chấp;

2. Yêu cầu:

Chúng tôi đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội làm trung gian hòa giải để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi cam kết:

1. Những tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán trên chỉ đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội làm trung gian hòa giải, không yêu cầu một cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận và xử lý.

2. Tuân thủ quy định về hòa giải tranh chấp cũng như nộp đầy đủ chi phí liên quan đến hòa giải tranh chấp theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu ..

Người đại diện theo pháp luật
(Chức danh)

(ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

 

PHỤ LỤC 02:

MẪU BIÊN BẢN HÒA GIẢI
(Kèm theo Quy định hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán tại SGDCK ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-SGDHN ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội)

SỞ GIAO DỊCH
CHỨNG KHOÁN HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../SGDHN-BBHG

.............., ngày ... tháng ... năm ..........

 

BIÊN BẢN HÒA GIẢI

I. Thành phần:

1. Bên yêu cầu hòa giải:

2. Bên được yêu cầu hòa giải:

3. Đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (sau đây gọi là Hội đồng hòa giải) tham gia hòa giải gồm:

II. Nội dung diễn biến hòa giải:

Hôm nay, vào lúc ....giờ...., ngày/tháng/năm, dưới sự chứng kiến của đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và các bên liên quan ....

Ý kiến của các bên như sau:

III. Kết luận: (Hòa giải thành/không thành)

Buổi làm việc kết thúc vào ....giờ...., ngày/tháng/năm.

Biên bản được lập thành 03 bản: 01 bản gửi Bên yêu cầu hòa giải, 01 Bản gửi Bên được yêu cầu hòa giải và 01 bản lưu hồ sơ hòa giải tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

 

Bên yêu cầu hòa giải
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Bên được yêu cầu hòa giải
(Ký, ghi rõ họ tên)

Đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội
(Ký, ghi rõ họ tên)

Thư ký
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 160/QĐ-SGDHN năm 2020 quy định về Hòa giải tranh chấp liên quan đến giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

  • Số hiệu: 160/QĐ-SGDHN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/04/2020
  • Nơi ban hành: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Như Quỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/04/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản