Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2016/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương về việc hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Xét đề nghị của Sở Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố tại Tờ trình số 5589/TTr-ATTP ngày 30/11/2015, Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 3176/STP-VBQP ngày 23/10/2015, Báo cáo số 1778/BC-SYT ngày 15/4/2016 của Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phân công trách nhiệm quản lý về An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 05/5/2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành “Quy định tạm thời phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Công an Thành phố, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BCĐLNTƯVSATTP;
- Các Bộ: YT, NN&PTNT, CT;
- Thường trực TU, HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- UB MTTQVN TP Hà Nội;
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Trung tâm Tin học và công báo TP;
- Phòng: KGVX, KT, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX Th.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 16/2016/QĐ-UBND, ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định phân công trách nhiệm quản lý về An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý về An toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc phân công và phối hợp quản lý an toàn thực phẩm

1. Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm thực hiện theo Điều 3 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010 (Luật An toàn thực phẩm).

2. Nguyên tắc phân công, phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm theo Điều 3, 5, 6, 7, 8 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công Thương về việc hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (gọi tắt là Thông tư 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT); Điều 19, Điều 24 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (gọi tắt là Nghị định 38/2012/NĐ-CP), theo đó cơ quan nào cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì cơ quan đó có trách nhiệm quản lý và thanh tra, kiểm tra; Phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm theo Điều 52 và Điều 53 Luật An toàn thực phẩm. Thông tin, giáo dục, truyền thông về An toàn thực phẩm theo Điều 56, 57, 58, 59, 60 Luật an toàn thực phẩm.

3. Quản lý cơ sở sản xuất thực phẩm hỗn hợp hoặc kinh doanh thực phẩm hỗn hợp thực hiện theo Điều 3 Thông tư số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT. Đối với các cơ sở vừa sơ chế, chế biến, vừa kinh doanh thực phẩm hỗn hợp, tạm thời thực hiện như sau:

a) Về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (gọi tắt là Giấy chứng nhận):

- Đối với các cơ sở ở trung tâm thương mại, siêu thị: vừa sơ chế, chế biến phục vụ kinh doanh thực phẩm tại chỗ (các loại bánh từ bột, sơ chế đóng gói thịt cá, rau củ quả, nông thủy sản), vừa kinh doanh thực phẩm hỗn hợp, dịch vụ ăn uống tại chỗ giao Sở Công thương chủ trì tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận; Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

- Đối với các khách sạn, nhà hàng có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống kèm sơ chế, chế biến các sản phẩm thuộc Bộ Công Thương hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý để phục vụ tại chỗ, giao Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) chủ trì cấp Giấy chứng nhận nếu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Thành phố hoặc Trung ương cấp.

- Khi tổ chức thẩm định cơ sở để cấp Giấy chứng nhận hoặc khi thanh kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hỗn hợp, đơn vị chủ trì và đơn vị liên quan thực hiện phối hợp theo Điều 5 Thông tư số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT .

- Biên bản thẩm định cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sử dụng mẫu biên bản của đơn vị chủ trì và có tham chiếu với biên bản đánh giá của các đơn vị liên quan đúng quy định pháp luật.

b) Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm:

Đối với cơ sở sản xuất hỗn hợp hoặc vừa sơ chế, chế biến vừa kinh doanh thực phẩm, hoặc cơ sở kinh doanh thực phẩm hỗn hợp: việc xác nhận kiến thức do đơn vị chủ trì quản lý tổ chức thực hiện, đơn vị chủ trì sẽ xây dựng bộ câu hỏi kiểm tra xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm trên cơ sở bộ câu hỏi của các Bộ liên quan: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Cách tính kết quả, quy trình thực hiện đúng quy định hiện hành của Bộ chủ trì quản lý ngành.

4. Về ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm:

Các cơ sở không có giấy đăng ký kinh doanh thực phẩm, cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh thực phẩm nhưng thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì thực hiện ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Ủy ban nhân dân Thành phố.

Chương II

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 4. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Là cơ quan đầu mối Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), có trách nhiệm như sau:

a) Tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo hoạch định những vấn đề có tính chiến lược để chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý.

b) Tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, kiện toàn Ban chỉ đạo; theo dõi giám sát và tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình, kết quả thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của các sở ngành đoàn thể, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố, định kỳ báo cáo kết quả gửi Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Y tế.

c) Đảm bảo thông tin giữa Ban Chỉ đạo với các sở, ngành, địa phương và Trung ương. Tổng hợp các vấn đề vướng mắc về văn bản Quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương trong việc thống nhất phân công quản lý an toàn thực phẩm đối với nhóm sản phẩm và ngành hàng cụ thể trên địa bàn Thành phố chưa được quy định rõ tại Thông tư số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT .

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và nhiệm vụ do Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố giao.

2. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT. Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Chương IV Thông tư số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT , Quyết định số 216/QĐ-ATTP ngày 23/5/2014 của Cục an toàn thực phẩm Bộ Y tế về việc “Ban hành tài liệu tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn có yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế” và Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”, Quyết định số 37/QĐ-ATTP ngày 02/02/2015 của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế về việc “Ban hành tài liệu tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; Bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống và đáp án trả lời”. Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, công bố sản phẩm, theo các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm với các bếp ăn tập thể, căng tin tại các khu công nghiệp và chế xuất, các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, học viện, các bệnh viện tuyến Trung ương, Thành phố, các bếp ăn tập thể của các cơ quan tổ chức khác có qui mô từ 200 suất ăn/một lần phục vụ trở lên.

3. Trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý ngành, văn bản phân công, phân cấp quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý; văn bản phân cấp quản lý đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố tại quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn theo các văn bản hiện hành của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân Thành phố, phù hợp với địa phương.

4. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, đề án về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành hoặc được giao phối hợp. Trong quá trình thực hiện chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án, đề án.

5. Chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành theo quy định hiện hành. Phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về an toàn thực phẩm khi có yêu cầu.

Điều 5. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo Khoản 4, Điều 23 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP , Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT. Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Chương IV Thông tư 13/TTLT, Quyết định số 381/QĐ-QLCL ngày 12/9/2014 của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành tài liệu tập huấn và bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm/ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm; xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo các văn bản quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và văn bản phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý ngành, văn bản phân công phân cấp quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Nông nghiệp quản lý tại quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn theo các văn bản hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân Thành phố, phù hợp với địa phương.

3. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, đề án về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành hoặc được giao phối hợp. Trong quá trình thực hiện chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án, đề án.

4. Chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về an toàn thực phẩm khi có yêu cầu.

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Công thương

1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo Khoản 5, Điều 23 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ; Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT. Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Chương IV Thông tư số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ; Quyết định số 6409/QĐ-BCT ngày 21/07/2014 của Bộ Công Thương về việc ban hành danh mục tài liệu, bộ câu hỏi kiểm tra kèm theo đáp án trả lời và chỉ định cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đối với chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; Quyết định số 6410/QĐ-BCT ngày 21/07/2014 của Bộ Công Thương về việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương đối với doanh nghiệp sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/tiếp nhận bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý ngành, văn bản phân công phân cấp và hướng dẫn phân cấp quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Công thương quản lý tại quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn theo các văn bản hiện hành của Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân Thành phố, phù hợp với địa phương.

3. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, đề án về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành hoặc được giao phối hợp. Trong quá trình thực hiện chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án, đề án.

4. Chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, chủ động tiếp nhận thông tin về thực phẩm không an toàn, xử lý và báo cáo kết quả gửi thường trực Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố hoặc ngành quản lý lĩnh vực thực phẩm đó; Phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về an toàn thực phẩm khi có yêu cầu.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo biên chế cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác an toàn thực phẩm.

Điều 8. Trách nhiệm của Công an thành phố Hà Nội

1. Tổ chức phát hiện, điều tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

2. Phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về an toàn thực phẩm. Kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, kém chất lượng và thực phẩm không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Tiến tới chấm dứt việc các cơ sở thức ăn đường phố, kinh doanh thực phẩm bày bán tại các địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động bán hàng.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp các sở, ngành liên quan, rà soát các quy định thực hiện việc chứng nhận, công bố hợp chuẩn, hợp quy và các quy định liên quan đến đo lường, chất lượng, tiêu chuẩn và nhãn sản phẩm thực phẩm; khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình các cấp từ Thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn; các đội thông tin lưu động, hệ thống truyền thanh ở xã, phường, thị trấn dành thời lượng thích đáng, phù hợp để phổ biến kiến thức, quy định pháp luật và các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân, tránh gây hoang mang.

2. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện quảng cáo thực phẩm theo Luật Quảng cáo, Điều 43 của Luật An toàn thực phẩm về Quảng cáo thực phẩm và các văn bản hiện hành về xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm của các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương. Phối hợp các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã kiểm tra giám sát việc chấp hành quy định về nội dung quảng cáo các sản phẩm thực phẩm đúng quy định pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Văn hóa và Thể thao

1. Quản lý nhà nước các hoạt động quảng cáo ngoài trời liên quan đến An toàn thực phẩm.

2. Tuyên truyền các thông điệp An toàn thực phẩm tại các Lễ hội, điểm tập trung đông người và đầu mối giao thông.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Du lịch

Tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khách sạn và các điểm du lịch có dịch vụ ăn uống.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục có dịch vụ ăn uống bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định cung ứng dịch vụ ăn uống cho các cơ sở giáo dục. Triển khai các mô hình điểm bếp ăn bảo đảm an toàn thực phẩm ở các trường học, cơ sở giáo dục.

2. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm trong trường học, huy động giáo viên và học sinh, phụ huynh học sinh tham gia tích cực vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn triển khai và cân đối đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án trong lĩnh vực an toàn thực phẩm từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Thành phố.

2. Chủ trì huy động các nguồn tài trợ, xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực an toàn thực phẩm của Thành phố.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn triển khai và cân đối đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ thường xuyên, kế hoạch thực hiện và mua sắm trang thiết bị, cải tạo chống xuống cấp các công trình để đảm bảo điều kiện hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm từ nguồn vốn sự nghiệp của Thành phố.

2. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí ngân sách chi cho công tác an toàn thực phẩm đảm bảo các quy định hiện hành.

Điều 16. Trách nhiệm của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí của thành phố

1. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chủ trì, phối hợp các cơ quan truyền thông, chỉ đạo các Đài phát thanh các cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đưa thông tin về an toàn thực phẩm thành nội dung thường xuyên của chương trình phát sóng. Dành thời lượng phát sóng các chương trình về bảo đảm an toàn thực phẩm, các chuyên mục cố định, chuyên đề về bảo đảm an toàn thực phẩm.

2. Các báo: Hà Nội Mới, Kinh tế và Đô thị, An ninh Thủ đô tăng cường đưa tin bài ảnh, phóng sự về thực trạng tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn, tuyên truyền phổ biến kiến thức, các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Điều 17. Trách nhiệm các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể Thành phố

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức cho cán bộ nhân viên, hội viên và gia đình, nhân dân tham gia học tập, tìm hiểu các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và gương mẫu thực hiện Luật An toàn thực phẩm.

2. Chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong các đơn vị trực thuộc.

3. Giám sát, phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm để có biện pháp xử lý kịp thời.

4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội: Triển khai công tác vận động, giáo dục phát động các phong trào bảo đảm an toàn thực phẩm gắn cuộc vận động xây dựng làng, xã văn hóa ở khu dân cư, nhằm thúc đẩy hình thành hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trong cộng đồng.

5. Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố: Thường xuyên phát động phong trào phụ nữ toàn Thành phố tham gia vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Phối hợp các sở, ngành chức năng tổ chức các chương trình tập huấn, thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm cho phụ nữ, đặc biệt là các bà nội trợ, chị em kinh doanh, sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ lẻ.

6. Hội Nông dân Thành phố: Chủ trì phát động các phong trào sáng kiến, việc làm tốt về bảo đảm an toàn thực phẩm, tích cực đấu tranh với các hành vi mất an toàn thực phẩm trong cộng đồng, làng xã. Phối hợp tổ chức hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho các hội viên về sản xuất thực phẩm an toàn, phương pháp chế biến, bảo quản khoa học, sử dụng đúng cách các hóa chất bảo vệ thực vật và an toàn thức ăn chăn nuôi, phân bón. Phối hợp các ban, ngành phổ biến, hướng dẫn giải pháp kỹ thuật tiên tiến bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Đánh giá tác động môi trường các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kinh doanh thực phẩm và nuôi trồng thủy hải sản. Tổ chức và phối hợp các sở, ngành liên quan việc tiêu hủy sản phẩm thực phẩm, kiểm tra, cấp phép xả thải đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm theo quy định.

8. Ban quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất: Đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Phối hợp thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại các Khu Công nghiệp và Chế xuất.

Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã

1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại địa phương. Phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm theo Điều 52 và Điều 53 Luật An toàn thực phẩm. Xác minh, xử lý thông tin phản ánh về mất an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp.

2. Chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động quản lý về an toàn thực phẩm theo Điều 65 Luật An toàn thực phẩm; Khoản 6, Điều 23 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Chương IV Thông tư số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT , cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở theo phân cấp cho quận, huyện, thị xã, theo các văn bản hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân Thành phố.

3. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc Bộ Công Thương quản lý, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thực hiện quản lý, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do quận, huyện, thị xã cấp; ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do quận, huyện, thị xã cấp theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; những doanh nghiệp sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động trở xuống.

4. Đối với cơ sở thực phẩm thuộc Bộ Y tế quản lý: Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thực hiện quản lý, cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh thực phẩm có giấy đăng ký kinh doanh do quận, huyện, thị xã cấp; cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành của Bộ Y tế. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (hoặc Phòng y tế nếu được ủy quyền) cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy đăng ký kinh doanh do quận, huyện, thị xã cấp. Ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, căng tin tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bệnh viện tuyến huyện, cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý; các bếp ăn tập thể của các cơ quan tổ chức khác có quy mô từ 50 suất đến dưới 200 suất ăn/một lần phục vụ.

5. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quản lý theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và theo phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

6. Thực hiện hoặc phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai các chương trình, dự án, đề án về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

7. Chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo quy định hiện hành.

Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại địa phương theo Điều 65 Luật an toàn thực phẩm; Khoản 7, Điều 23 Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Xác minh và xử lý thông tin phản ánh về mất an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý, ký cam kết về đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân Thành phố đối với:

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc Bộ Công Thương và Bộ Y tế quản lý không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 50 suất ăn/lần phục vụ; kinh doanh thức ăn đường phố.

- Các cơ sở kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản có giấy đăng ký kinh doanh do quận, huyện, thị xã cấp và cơ sở không có giấy đăng ký kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; Cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại xã, phường, thị trấn.

3. Thực hiện hoặc phối hợp tổ chức triển khai các chương trình, dự án, đề án về an toàn thực phẩm được giao trên địa bàn.

4. Chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo quy định hiện hành.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Khen thưởng, kỷ luật

Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy định này được xem xét khen thưởng theo quy định. Cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ này, nếu để xảy ra sai phạm, tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý đúng quy định pháp luật.

Điều 21. Tổ chức thực hiện

Trường hợp các văn bản dẫn chiếu và các quy định trong văn bản này được thay thế hoặc sửa đổi bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi bổ sung đó./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 16/2016/QĐ-UBND Quy định phân công trách nhiệm quản lý về An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 16/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/05/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Sửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản