Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2014/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 13 tháng 6 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH VÀ SỬ DỤNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TỈNH THÁI NGUYÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01/11/2012 về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 168/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính - Bộ Công an về Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 5696/TTr-CAT (PV11) ngày 26/5/2014 về việc ban hành quyết định quy định việc quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Thái Nguyên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Thái Nguyên (sau đây viết tắt là Quỹ phòng, chống tội phạm) để hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an, Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các đ/c Thành viên BCĐ;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Các Sở, ban, ngành và đoàn thể ở tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Trung tâm thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, NC.phong
Phongh/QDT6/2014

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Dương Ngọc Long

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH VÀ SỬ DỤNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TỈNH THÁI NGUYÊN
 (Kèm theo Quyết định số: 16/2014/QĐ-UBND ngày 13/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

Điều 1. Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh Thái Nguyên được hình thành từ các nguồn sau:

a) Tiền Việt Nam, ngoại tệ, tiền bán đấu giá tài sản, phương tiện, tang vật bị Tòa án tuyên tịch thu trong các vụ án hình sự, vụ án về tội phạm ma túy xảy ra trên địa bàn tỉnh (trừ các chất ma túy và những tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật) được trích lại theo quy định tại Thông tư liên tịch số 168/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 15/11/2013.

b) Các khoản tài trợ, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy bằng của tỉnh Thái Nguyên.

c) Nguồn huy động hợp pháp khác hỗ trợ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy của tỉnh Thái Nguyên theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh quản lý, điều hành; Giám đốc Sở Tài chính tỉnh chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh mở tài khoản thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm tại Kho bạc Nhà nước tỉnh và theo dõi, quản lý, cấp và thanh toán, quyết toán kinh phí từ Quỹ phòng, chống tội phạm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 168/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 15/11/2013 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công an về Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm. Công an tỉnh là cơ quan Thường trực Quỹ phòng, chống tội phạm.

Điều 3. Mức trích thưởng và trích lập Quỹ phòng, chống tội phạm

1. Đối với các vụ án hình sự, vụ án về tội phạm ma túy thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng.

a) Trích 42% chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương.

b) Trích 58% chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Thái Nguyên.

2. Đối với các vụ án hình sự, vụ án về tội phạm ma túy thuộc loại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

a) Trích 30% cho cơ quan điều tra trực tiếp khám phá, thụ lý chính vụ án về hình sự để thưởng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp phát hiện, truy bắt tội phạm và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đó theo quy định.

b) Trích 30% chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương.

c) Trích 40% chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Thái Nguyên.

Điều 4. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản tài trợ

Trường hợp Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh nhận được các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy của tỉnh bằng tiền, phương tiện tài sản thì được xử lý như sau:

- Nếu khoản tài trợ bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ thì Sở Tài chính trực tiếp nhận và nộp tiền vào tài khoản Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh.

- Nếu khoản tài trợ bằng trang thiết bị, phương tiện thì Sở Tài chính tiếp nhận quản lý, bảo quản và được xử lý như sau:

+ Trường hợp các loại trang thiết bị, phương tiện phù hợp với hoạt động phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy thì Sở Tài chính tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các ngành liên quan đánh giá lại tài sản, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định và cấp trang thiết bị, phương tiện cho đơn vị quản lý, sử dụng; đồng thời làm thủ tục ghi thu cho Ngân sách nhà nước, ghi chi cho các đơn vị được giao theo giá trị của tài sản đã được đánh giá lại. Các đơn vị tiếp nhận trang thiết bị, phương tiện có trách nhiệm mở sổ theo dõi và quản lý, sử dụng tài sản được cấp theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công.

+ Trường hợp các loại trang thiết bị, phương tiện không phù hợp với hoạt động phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy thì Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các ngành liên quan đánh giá lại, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định và giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của tỉnh tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản (nếu có) chuyển vào tài khoản Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh. Đồng thời làm thủ tục ghi thu cho Ngân sách nhà nước và ghi chi cho Quỹ phòng, chống tội phạm số tiền này.

Điều 5. Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được trích thưởng (quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 3 Quyết định này)

1. Sau khi Bản án, Quyết định của Tòa án đối với các vụ án hình sự, vụ án về tội phạm ma túy có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án các cấp hoặc cơ quan đang quản lý tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ số tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật bị Tòa án tuyên tịch thu trong các vụ án về hình sự xét xử sơ thẩm trên địa bàn tỉnh (trừ các chất ma túy và tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật) cho Sở Tài chính.

a) Giám đốc Sở Tài chính tiếp nhận, tổ chức bán đấu giá tài sản, phương tiện, tang vật (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật và trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định trích 30% (quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 2 Quyết định này) để thưởng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp truy bắt tội phạm, phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và về ma túy theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 1, Điều 4 Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg. Mức thưởng cụ thể cho từng tập thể, cá nhân theo quy định tại mục 4, Điều 6 Quyết định này.

b) Căn cứ quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan điều tra khám phá, thụ lý chính của vụ án chủ trì, phối hợp với cơ quan phát hiện đầu mối vụ án xem xét thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích.

2. Sau khi thực hiện thưởng cho cá nhân và tập thể theo quy định tại khoản 1 Điều này, số tiền còn lại (nếu có) được coi là 100%, Giám đốc Sở Tài chính báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện như sau:

a) Trích 42%, chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương.

b) Trích 58%, chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh.

3. Đối tượng được khen thưởng:

a) Các cá nhân, tập thể trực tiếp phát hiện, bắt giữ được đối tượng truy nã, đối tượng phạm tội về hình sự, ma túy.

b) Cá nhân có công trực tiếp phát giác, tố giác đối tượng phạm tội về hình sự, ma túy, cung cấp thông tin giúp cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ án nghiêm trọng, phức tạp, gây dư luận xấu trong nhân dân.

c) Các tập thể trực tiếp phát hiện, điều tra làm rõ các vụ án hình sự, ma túy nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

4. Mức thưởng:

a) Thưởng đối với tập thể, cá nhân phát hiện, truy bắt được đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; bắt được đối tượng phạm tội quả tang về tội hình sự nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng: Mức thưởng tùy từng trường hợp, do Công an tỉnh đề nghị trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, nhưng tối đa không quá 3.000.000 đồng/cá nhân và 5.000.000 đồng/tập thể.

b) Thưởng đối với các tập thể trực tiếp thụ lý, điều tra, khám phá các vụ án hình sự, kinh tế... thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng, được dư luận xã hội chú ý: Mức thưởng tùy từng trường hợp, do Công an tỉnh đề nghị trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, nhưng tối đa không quá 2.000.000 đồng/cá nhân và 5.000.000 đồng/tập thể.

c) Thưởng đối với các tập thể trực tiếp thụ lý, điều tra, khám phá, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng: Mức thưởng tùy từng trường hợp, do Công an tỉnh đề nghị trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/cá nhân và 10.000.000 đồng/tập thể.

d) Thưởng đối với các tập thể trực tiếp phát hiện, bắt giữ được đối tượng phạm tội về ma túy: Mức thưởng căn cứ theo trọng lượng ma túy thu được đối với từng vụ, cụ thể như sau:

+ Từ 100 gram đến dưới 200 gram Hêrôin thưởng 2.000.000 đồng.

+ Từ 200 gram đến dưới 300 gram Hêrôin thưởng 3.000.000 đồng.

+ Từ 300 gram đến dưới 400 gram Hêrôin thưởng 4.000.000 đồng.

+ Từ 400 gram đến dưới 500 gram Hêrôin thưởng 5.000.000 đồng.

+ Từ 500 gram Hêrôin trở lên thưởng 10.000.000 đồng.

+ Trường hợp thu giữ được các loại ma túy khác thì quy đổi theo tỷ lệ như sau: 01 gram Hêrôin = 01 gram Côcain = 01 gram ma túy tổng hợp ở thể rắn = 10 gram nhựa thuốc phiện = 05 mililit ma túy dạng dung dịch. Nếu một vụ thu được nhiều loại ma túy thì cộng tổng trọng lượng quy đổi của các loại ma túy thu được để xét thưởng.

đ) Thưởng thêm đối với các tập thể trực tiếp thụ lý, điều tra, khám phá các vụ án bắt giữ được lượng nhỏ ma túy (dưới 100 gram), nhưng qua điều tra, làm rõ, đã triệt xóa, bóc gỡ được đường dây mua bán, vận chuyển ma túy nhiều đối tượng (từ 05 đối tượng trở lên) hoặc đã mua bán lượng ma túy lớn (từ 1.000 gram hêrôin trở lên): Mức thưởng tùy từng trường hợp, do Công an tỉnh đề nghị trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/vụ.

e) Thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích phát giác, đấu tranh với hành vi trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy đến mức xử lý bằng hình sự. Mức thưởng tối đa không quá 1.000.000 đồng/cá nhân và 3.000.000 đồng/tập thể.

5. Trình tự, thủ tục thưởng

- Đơn vị có cá nhân, tập thể có thành tích trong đấu tranh chống tội phạm, tội phạm về ma túy, truy bắt đối tượng truy nã... lập báo cáo đề nghị khen thưởng, kèm theo hồ sơ (Biên bản cân tịnh, niêm phong tang vật; biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang, quyết định khởi tố vụ án...), gửi về Công an tỉnh để tổng hợp, đề xuất.

- Công an tỉnh tổng hợp hồ sơ, căn cứ thành tích cụ thể của tập thể, cá nhân và quy định của tỉnh về mức khen thưởng để đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định thưởng.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký quyết định khen thưởng đối với các vụ có tổng số tiền thưởng đối với tập thể, cá nhân từ 6.000.000 đồng trở lên; Đối với các vụ có tổng số tiền thưởng dưới 6.000.000 đồng thì ủy quyền cho Giám đốc Công an tỉnh ký quyết định khen thưởng.

- Căn cứ Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (hoặc Giám đốc Công an tỉnh); Công an tỉnh chịu trách nhiệm bàn giao tiền thưởng cho đơn vị lập hồ sơ đề nghị thưởng. Đơn vị lập hồ sơ đề nghị thưởng chịu trách nhiệm trao tiền thưởng kịp thời cho các cá nhân, tập thể có thành tích một cách công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ và công bằng. Quá trình khen thưởng phải đảm bảo bí mật cho người được thưởng (nếu cần thiết để đảm bảo an toàn).

6. Trường hợp nguồn kinh phí trích thưởng 30% không đủ để thực hiện việc thưởng đối với các vụ án thì Công an tỉnh phối hợp với Sở Tài chính báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung từ Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh hoặc bổ sung từ nguồn ngân sách tỉnh.

Điều 6. Quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh

1. Hỗ trợ các đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy trên địa bàn mua sắm các loại trang, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ hoạt động đấu tranh, phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy:

- Các đơn vị lập dự toán đề nghị hỗ trợ mua sắm các loại trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy theo quy định về mua sắm tài sản, gửi Công an tỉnh.

- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tỉnh thẩm định dự toán của đơn vị; căn cứ khả năng của Quỹ phòng, chống tội phạm trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho đơn vị.

- Sau khi có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính chuyển tiền cho đơn vị để thực hiện.

- Các đơn vị thực hiện việc mua sắm tài sản theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành của Nhà nước về mua sắm và đấu thầu mua sắm tài sản nhà nước.

2. Hỗ trợ một lần cho thân nhân những người đã hy sinh (gồm vợ hoặc chồng, cha, mẹ ruột, con ruột, con nuôi hợp pháp, người có công nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật), người bị thương tật, ốm đau do trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy (mức hỗ trợ tối đa bằng 10 tháng tiền lương cơ sở, áp dụng đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp):

- Đơn vị có liên quan lập dự toán chi hỗ trợ, gửi Công an tỉnh.

- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định dự toán; căn cứ khả năng của Quỹ phòng, chống tội phạm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ.

- Sau khi có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính chuyển tiền cho đơn vị lập dự toán để thực hiện chi trả, hỗ trợ đúng quy định, đúng đối tượng.

3. Hỗ trợ hoạt động của các chiến dịch phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy trên địa bàn, bao gồm: Biên tập, phát hành, viết bài tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; tổ chức họp dân, thành lập tổ tuyên truyền cùng với già làng, trưởng bản đến từng hộ gia đình kêu gọi, vận động người thân là tội phạm bị truy nã ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân không vi phạm pháp luật, không tham gia các đường dây vận chuyển, mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy trên các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm và ma túy...

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đơn vị lập dự toán đề nghị hỗ trợ công tác tuyên truyền trên địa bàn, gửi Công an tỉnh tổng hợp.

- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định dự toán; căn cứ khả năng của Quỹ phòng, chống tội phạm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chi hỗ trợ.

- Sau khi có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính chuyển tiền cho đơn vị lập dự toán để thực hiện.

4. Hỗ trợ việc thưởng bằng tiền theo Quyết định của cấp có thẩm quyền cho các đơn vị, cá nhân, gia đình có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy theo mức quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 04/2003/NĐ-CP ngày 16/01/2003 của Chính phủ quy định về khen thưởng đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích trong phòng, chống ma túy, mức thưởng cao nhất không quá 2.000.000 đồng/cá nhân và 5.000.000 đồng/tập thể.

- Các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy theo Điểm c Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 04/2003/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ, có báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng.

- Căn cứ báo cáo thành tích của các tập thể, cá nhân, đơn vị chủ quản đối với tập thể, cá nhân lập tờ trình đề nghị khen thưởng từ nguồn Quỹ phòng, chống tội phạm gửi Công an tỉnh tổng hợp.

- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định dự toán; căn cứ khả năng của Quỹ phòng, chống tội phạm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký Quyết định thưởng.

- Căn cứ quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính chuyển tiền cho Công an tỉnh để chuyển tiền cho đơn vị lập tờ trình, thực hiện việc khen thưởng.

5. Hỗ trợ đền bù, trợ cấp thiệt hại theo Quyết định của cấp có thẩm quyền cho cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản theo mức quy định tại Nghị định số 103/2002/NĐ-CP ngày 17/12/2002 của Chính phủ quy định chế độ đền bù, trợ cấp đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan lập dự toán chi đền bù, trợ cấp gửi Công an tỉnh (kèm theo thủ tục, hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 103/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ).

- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định dự toán; căn cứ khả năng của Quỹ phòng, chống tội phạm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chi hỗ trợ.

- Sau khi có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính chuyển tiền cho đơn vị lập dự toán để thực hiện chi trả, hỗ trợ đúng quy định, đúng đối tượng.

Điều 7. Trường hợp Quỹ phòng, chống tội phạm không đủ để thực hiện chi cho các nội dung trên, Công an tỉnh, Sở Tài chính tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bổ sung cho Quỹ phòng, chống tội phạm từ nguồn ngân sách tỉnh ngoài dự toán đã giao hàng năm.

Điều 8. Kế toán, quyết toán kinh phí Quỹ phòng, chống tội phạm.

- Các cơ quan, đơn vị được cấp phát kinh phí từ Quỹ phòng, chống tội phạm phải thực hiện chế độ báo cáo, quyết toán kinh phí theo quý, 6 tháng, năm theo quy định chế độ tài chính, kế toán hiện hành. Sở Tài chính tỉnh, Công an tỉnh theo chức năng được phân công có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt quyết toán việc sử dụng kinh phí được cấp từ Quỹ phòng, chống tội phạm theo quy định.

- Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách nhiệm chuyển tiền từ Quỹ phòng, chống tội phạm cho các đơn vị được cấp phát kinh phí theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Công an tỉnh, Sở Tài chính tỉnh có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt quyết toán việc sử dụng kinh phí được cấp phát từ Quỹ phòng, chống tội phạm trường hợp chi sai mục đích phải xuất toán thu hồi về Quỹ.

- Định kỳ 6 tháng, một năm, Sở Tài chính tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh xây dựng báo cáo việc thu, chi từ Quỹ phòng, chống tội phạm; tình hình sử dụng kinh phí được cấp phát từ Quỹ phòng, chống tội phạm của các đơn vị, báo cáo Bộ Công an, Bộ Tài chính, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Số kinh phí từ Quỹ phòng, chống tội phạm cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp.

Điều 9. Thanh tra, kiểm tra Quỹ phòng, chống tội phạm

Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý Ngân sách Nhà nước./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm tỉnh Thái Nguyên

  • Số hiệu: 16/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/06/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Dương Ngọc Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản