Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/2004/QC-KSTHA

Hà Nội, ngày 1 tháng 12 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN

- Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002.

- Căn cứ Bộ luật Hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Pháp lệnh thi hành án phạt tù; Pháp lệnh thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án.

- Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ kiểm sát Thi hành án.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế công tác kiểm sát thi hành án tạm thời của ngành kiểm sát nhân dân.

Điều 2: Quy chế công tác kiểm sát thi hành án tạm thời này thay thế Quy chế công tác kiểm sát thi hành án ban hành kèm theo quyết định số 04/KSTHA ngày 7-12-1995 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ kiểm sát Thi hành án, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự các cấp chịu trách nhiệm thực hiện quyết định này.

 

 

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Khuất Văn Nga

 

QUY CHẾ

CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN TẠM THỜI
Ban hành kèm theo quyết định số 156/2004/QC-KSTHA ngày 1/12/2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Vị trí kiểm sát thi hành án

Công tác kiểm sát thi hành án là một trong những công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002 có nội dung: kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của Toà án nhân dân đã có hiêu lực pháp luật và những bản án quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo quy định của pháp luật.

Điều 2: Chức năng kiểm sát thi hành án

Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án , chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo các bản án, quyết định đó được thi hành đúng pháp luật, đầy đủ, kịp thời.

Điều 3: Đối tượng của công tác kiểm sát thi hành án

Đối tượng của công tác kiểm sát thi hành án là việc tuân theo pháp luật của Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án và những bản án, quyết định chưa có hiệu lưc pháp luật nhưng được thi hành ngay theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 4: Phạm vi của công tác kiểm sát thi hành án

Công tác kiểm sát thi hành án thực hiện từ khi các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo quy định của pháp luật về hình sự, dân sư, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh tế, lao động, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp ... cho đến khi bản án, quyết định đó được thi hành xong. Đối với người bị kết án hình sự cho đến khi họ được xoá án tích.

Đối với hình phạt tù giam, từ khi người bị kết án vào trại giam đến khi chấp hành xong hình phạt thực hiện theo quy định tại Chỉ thị 03/2004/VKSNDTC về tăng cường công tác kiểm sát thi hành án hình sự ngày 15/4/2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Điều 5: Nhiệm vụ của công tác kiểm sát thi hành án

1- Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo các bản án, quyết định đó được thi hành đúng pháp luật, đầy đủ, kịp thời.

2- Trong quá trình thực hiện kiểm sát thi hành án, khi phát hiện những vi phạm pháp luật trong việc thi hành án Viện Kiểm sát ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và đề xuất các biện pháp xử lý.

3- Giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án.

Điều 6: Quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát thi hành án

1. Yêu cầu Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án:

a/ Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật.

b/ Tự kiểm tra việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân.

c/ Thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật.

d/ Cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án.

2. Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án và việc giải quyết khiếu nại tố cáo đối với việc thi hành án.

3. Đề nghị hoãn, tạm đình chỉ, miễn chấp hành hình phạt tù, miễn chấp hành hình phạt khác, xoá án tích theo quy định của pháp luật .

4. Kháng nghị với Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án; yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án; chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự.

Chương II

KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

Điều 7: Kiểm sát việc Toà án ra các quyết định về thi hành án; quyết định uỷ thác thi hành án và gửi các quyết định thi hành án

1. Viện Kiểm sát phải kiểm sát việc Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án theo đúng thẩm quyền, đảm bảo đúng nội dung quyết định của bản án trong thời hạn luật định.

Trường hợp Toà án chậm ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác thi hành án, ra các quyết định thi hành án không đúng thẩm quyền, nội dung bản án đã tuyên, thì Viện kiểm sát làm văn bản yêu cầu Toà án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác thi hành án theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự; khắc phục các vi phạm pháp luật.

2. Khi nhận được quyết định uỷ thác Viện Kiểm sát nơi Toà án uỷ thác phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện Kiểm sát nơi nhận uỷ thác biết để kiểm sát thi hành án. Khi nhận được thông báo uỷ thác Viện Kiểm sát nơi nhận uỷ thác phải thông báo ngay trở lại cho Viện Kiểm sát nơi Toà án uỷ thác biết đã tiếp nhận được thông báo uỷ thác để thực hiện kiểm sát thi hành án.

3. Kiểm sát việc Toà án gửi các quyết định về thi hành án:

Viện kiểm sát phải kiểm sát việc gửi các quyết định thi hành án; quyết định uỷ thác thi hành án; quyết định hoãn thi hành án; quyết định tạm đình chỉ thi hành án; giảm thời hạn chấp hành hình phạt; miễn chấp hành hình phạt; rút ngắn thời hạn thử thách của án treo; quyết định cho người bị kết án được hưởng thời hiệu thi hành bản án; quyết định xoá án tích v.v. Các quyết định này của Toà án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng ấp, cơ quan thi hành án, người bị kết án, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án đầy đủ và kịp thời (quy định tại khoản 3 Điều 256, 257 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 điểm d Điều 24, Điều 25 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân).

Điều 8: Kiểm sát thi hành án tử hình

1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án tử hình:

- Viện Kiểm sát kiểm sát việc Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự; Điều 259 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

- Kiểm sát việc hưởng thời hiệu thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 55 Bộ luật Hình sự.

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm về thủ tục trước khi thi hành án tử hình (Điều 258, Điều 259 Bộ luật Tố tụng Hình sự).

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án tử hình (Điều 259 Bộ luật Tố tụng Hình sự)

2. Khi tiến hành kiểm sát thi hành án tử hình nếu phát hiện có tình tiết đặc biệt như:

- Người bị kết án kêu oan mà xét thấy có căn cứ cần xem xét

- Người bị kết án tố cáo một tội phạm nghiêm trọng khác mà xét thấy cần phải để họ giúp cho việc điều tra.

- Người bị kết án tự thú về tội phạm khác mà cần phải để họ trong việc điều tra..

- Phát hiện vi phạm về điều kiẹn áp dụng hình phạt tử hình hoặc điều kiện thi hành án tử hình.

Đại diện Viện Kiểm sát phải yêu cầu Hội đồng Thi hành án hoãn ngay việc thi hành án theo quy định tại khoản 5 Điều 259 Bộ luật Tố tụng Hình sự và báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Điều 9: Kiểm sát việc thi hành hình phạt tù

Kiểm sát việc đưa người bị kết án phạt tù đang tại ngoại vào trại giam chấp hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Khi đã có quyết định thi hành án của Toà án, người bị kết án phải có mặt ở cơ quan Công an để tự nguyện thi hành án. Nếu quá thời hạn người bị kết án không có mặt ở cơ quan Công an để chấp hành án thì người bị kết án sẽ bị áp giải.

Viện Kiểm sát phải theo dõi việc Công an áp giải người bị kết án vào trại giam để chấp hành án. Nếu người bị kết án không tự nguyện chấp hành án mà Công an không áp giải thì Viện Kiểm sát phải yêu cầu Công an áp giải. Nếu họ trốn mà Công an không truy nã thì Viện Kiểm sát phải yêu cầu Công an truy nã và áp dụng các biện pháp truy bắt để đảm bảo việc thi hành án.

Điều 10: Kiểm sát việc hoãn chấp hành hình phạt tù:

1. Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 261 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Viện Kiểm sát có thể làm văn bản đề nghị Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án cho người bị kết án phạt tù đang tại ngoại được hoãn thi hành án theo đúng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hình sự.

Viện Kiểm sát phải kiểm sát quyết định của Chánh án cho người bị kết án phạt tù được hoãn thi hành án bảo đảm đúng, đủ điều kiện được hoãn, thời gian hoãn như quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hình sự.

2. Hết thời hạn hoãn (theo quy định tại khoản 2 Điều 261 Bộ luật Tố tụng Hình sự) nếu người bị kết án phạt tù không đủ điều kiện được hoãn tiếp, Viện Kiểm sát làm văn bản yêu cầu Chánh án Toà án đã ra quyết định cho hoãn thi hành án ra quyết định thi hành án để đưa người bị kết án đi chấp hành hình phạt tù. Nếu họ không tự nguyện đi chấp hành, Công an không áp giải thì Viện Kiểm sát yêu cầu Công an áp giải. Nếu họ trốn thì yêu cầu Công an truy nã như quy định tại Điều 9 Qui chế này.

Điều 11: Kiểm sát việc tạm đình chỉ thi hành án:

1- Trong trường hợp theo quy định tại Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự và chỉ thị số 03/2004/VKSTC-Vụ.10 ngày 15/4/2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nơi có trại cải tạo mà bị án đang chấp hành hình phạt làm văn bản đề nghị Chánh án Toà án nơi người đang chấp hành hình phạt tù được tạm đình chỉ thi hành án theo đúng các điều kiện, thủ tục quy định tại điểm c, đ khoản 1 Điều 61, Điều 62 Bộ luật Hình sự. Kiểm sát thi hành án nơi gia đình của người bị kết án cư trú, làm việc có trách nhiệm xác minh điều kiện được tạm đình chỉ thi hành án gửi văn bản xác minh cho Viện kiểm sát nơi Toà án ra quyết định tạm đình chỉ để làm văn bản đề nghị

2- Hết thời hạn tạm đình chỉ thi hành án nếu người đã được tạm đình chỉ không đủ điều kiện tạm đình chỉ tiếp, Viện kiểm sát nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù làm văn bản yêu cầu Chánh án Toà án đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án phải ra quyết định thi hành án để buộc người bị kết án tiếp tục chấp hành hình phạt còn lại và kiểm sát việc áp giải người bị kết án không còn điều kiện tạm đình chỉ tiếp tục vào trại chấp hành hình phạt và thông báo cho Viện kiểm sát nơi người bị kết án được tạm đình chỉ đang cư trú biết.

Điều 12: Kiểm sát việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù

Nhiệm vụ kiểm sát việc lập hồ sơ và tham gia xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù do bộ phận làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù như Chỉ thị số 03/2004/CT/VKSTC-V.10 ngày 15/4/2004. Công tác kiểm sát thi hành án chỉ căn cứ vào kết quả xét giảm của Toà án do bộ phận kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù cung cấp để quản lý, theo dõi, tổng hợp báo cáo.

Điều 13: Kiểm sát việc miễn chấp hành hình phạt tù:

1- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Viện Kiểm sát quân sự cấp quân khu làm văn bản đề nghị Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc cho người bị kết án phạt tù được miễn chấp hành hình phạt tù phải đảm bảo đúng các điều kiện, thủ tục quy định tại Điều 57 Bộ luật Hình sự; Điều 268; 269 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

2- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát quân sự cấp quân khu phải kiểm sát việc xét miễn chấp hành hình phạt tù, trực tiếp tham gia Hội đồng xét miễn chấp hành hình phạt tù của Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự cấp quân khu cho người bị kết án phạt tù theo đúng các điều kiện thủ tục quy định tại điều 57 Bộ luật Hình sự; Điều 268, 269 Bộ luật Tố tụng Hình sự và các quy định pháp luật hiện hành.

Điều 14: Kiểm sát việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ

Viện Kiểm sát phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của chính quyền phường, xã, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc trong việc quản lý, giáo dục người bị phạt án treo, cải tạo không giam giữ theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 257 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Điều 31, Điều 60 Bộ luật Hình sự; Nghị định 60, 61/CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ.

Điều 15: Kiểm sát việc thi hành hình phạt trục xuất

Viện Kiểm sát cấp tỉnh kiểm sát việc thi hành hình phạt trục xuất đối với người nước ngoài của cơ quan Công an đảm bảo việc thi hành đúng thời hạn, đúng người. Kiểm sát việc bàn giao, nhận người bị trục xuất giữa Công an với đại diện của nước ngoài nhận người bị Toà án Việt Nam trục xuất theo quy định tại Điều 265 Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị định 54/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất..

Điều 16: Kiểm sát việc thi hành hình phạt quản chế, cấm cư trú

Viện Kiểm sát phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của chính quyền phường, xã, thị trấn trong việc quản lý, theo dõi, giáo dục đối với người bị phạt quản chế sau khi họ chấp hành xong hình phạt tù để thi hành hình phạt quản chế tại nơi họ cư trú. Quản lý người bị phạt cấm cư trú không được tạm trú thường trú ở những địa phương bị cấm cư trú theo Điều 266 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Điều 17: Kiểm sát việc thi hành hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản

Viện Kiểm sát phải kiểm sát việc gửi quyết định đưa bản án phạt tiền hoặc tịch thu tài sản ra thi hành cho Viện Kiểm sát cùng cấp, chấp hành viên, người bị kết án và chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú. Nếu việc gửi quyết định đó không đầy đủ thì Viện Kiểm sát yêu cầu cơ quan thi hành án phải thực hiện theo quy định của Điều 267 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Khi kiểm sát việc thực hiện quyết định việc Tịch thu tài sản phải đảm bảo thực hiện quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự.

Điều 18: Kiểm sát việc thi hành các loại hình phạt bổ sung:

Đối với các loại hình phạt bổ sung khác như: tước một số quyền công dân; cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì Viện kiểm sát phải nắm được. Chỉ tiến hành kiểm sát khi cần thiết như: có chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; Yêu cầu của Viện trưởng của Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên; Yêu cầu của cấp uỷ, chính quyền địa phương hoặc khi có khiếu nại về thi hành án các loại hình phạt này.

Điều 19: Kiểm sát việc xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành cac hình phạt khác

Viện Kiểm sát phải kiểm sát việc áp dụng điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành các hình phạt khác:

Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp huyện, Viện Kiểm sát quân sự khu vực làm văn bản đề nghị và kiểm sát việc Chánh án Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án quân sự khu vực nơi người bị kết án làm việc, cư trú được giảm thời hạn chấp hành các hình phạt khác; rút ngắn thời hạn chấp hành thử thác án treo đảm bảo theo đúng các điều kiện và thủ tục quy định tại Điều 58, 59, khoản 4 Điều 60 Bộ luật Hình sự; Điều 268, 269 Bộ luật Tố tụng hình sự; Thông tư liên ngành 05/TTLN ngày 26/12/1986 và tham gia Hội đồng xét giảm các hình phạt khác.

Kiểm sát việc áp dụng các điều kiện xét miễn chấp hành các hình phạt khác đảm bảo đúng trình tự thủ tục thẩm quyền:

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện Kiểm sát quân sự khu vực nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc làm văn bản nêu rõ quan điểm của mình đề nghị Toà án cấp huyện, Toà án quân sự khu vực nơi người bị kết án làm việc, cư trú được miễn chấp chành các hình phạt khác. Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện Kiểm sát quân sự cấp khu vực trực tiếp tham gia Hội đồng xét miễn các hình phạt khác của Toà án nhân dân cấp huỵen và Toà án quân sự khu vực đảm bảo việc xét miễn đúng các điều kiện thủ tục quy định tại Điều 57 Bộ luật Hình sự; Điều 268, 269 Bộ luật Tố tụng Hình sự và các quy định pháp luật hiện hành.

Điều 20: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với việc áp dụng quyết định bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn thi hành án

1. Viện Kiểm sát kiểm sát việc Chánh án Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo đúng các điều kiện, thủ tục quy định tại khoản 3Điều 43, 44 Bộ luật Hình sự; Điều 311 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Khi có báo cáo của Chuyên khoa y tế nơi người bị kết án chữa bệnh, kết luận của Hội đồng Giám định y khoa là đã khỏi bệnh. Viện Kiểm sát kiểm sát việc Chánh án Toà án đã ra quyết định bắt buộc chữa bệnh phải ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng Hình sự và kiểm sát việc đưa người bị kết án khi khỏi bệnh tiếp tục chấp hành hình phạt .

2. Viện Kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật cơ sở chuyên khoa y tế thi hành quyết định bắt buộc chữa bệnh khi thấy cần thiết.

Điều 21: Kiểm sát việc áp dụng thời hiệu thi hành án hình sự

1. Viện kiểm sát cùng Toà án, Công an nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm trao đổi thống nhất về người bị kết án tù đang tại ngoại đủ điều kiện được hưởng thời hiệu thi hành bản án theo quy định của pháp luật. ý kiến của Viện kiểm sát phải được thể hiện bằng văn bản.

2. Viện kiểm sát kiểm sát việc Chánh án đã xử sơ thẩm quyết định cho người bị kết án được hưởng thời hiệu thi hành án, phải đảm bảo đúng các điều kiện quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1985, Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 1999 và các quy định pháp luật hiện hành.

Điều 22: Kiểm sát việc xoá án tích

1. Sau khi nhận được hồ sơ xoá án tích của Chánh án đã xử sơ thẩm chuyển sang; Viện Kiểm sát xem xét hồ sơ, điều kiện xin xoá án tích của người bị kết án và làm văn bản đề nghị Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm quyết định cho người bị kết án được xoá án tích hoặc đề nghị Toà án không xét do không đủ điều kiện để được xoá án tích (Điều 65, 66 Bộ luật Hình sự; Điều 271 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

2. Viện Kiểm sát kiểm sát việc cấp giấy chứng nhận đương nhiên xoá án tích khi có khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc xoá án tích do Toà án quyết định phải đảm bảo đúng căn cứ, đúng thủ tục luật định theo quy định tại Điều 63, 64, 65, 67 Bộ luật Hình sự; Điều 270, 271 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Điều 23: Kiểm sát việc thi hành án hình sự về các hiệp định tương trợ tư pháp.

Căn cứ các điều khoản quy định tại các hiệp định tương trợ tư pháp mà Nước cộng hoà XHCN Việt Nam ký với các nước. Viện Kiểm sát ra quyết định uỷ thác tư pháp về thi hành án hình sự và kiểm sát việc dẫn độ của cơquan Công an cùng cấp trong việc uỷ thác thi hành bản án, quyết định của Toà án và nhận người bị kết án do nước ngoài uỷ thác, đảm bảo đúng người, đúng quy định trong các hiệp định tư pháp mà các nước đã ký kết..

Riêng Hiệp định tư pháp về dân sự, hình sự giữa Cộng hoà XHCN Việt Nam với Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào từ năm 2000 đến nay, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh trước khi thực hiện việc dẫn độ, uỷ thác thi hành án phải báo cáo về Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Kiểm sát việc dẫn độ để thi hành án theo quy định tại Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chương III

KIỂM SÁT THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH VỀ DÂN SỰ VÀ CÁC LOẠI ÁN KHÁC

Điều 24: Kiểm sát việc cấp bản án, cấp trích lục bản án, giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Toà án

1- Kiểm sát việc cấp, gửi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay của Toà án cho cơ quan thi hành án, người được thi hành án, người phải thi án, Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Điều18, 19 Pháp lệnh Thi hành án Dân sự. Điều 187, 241, 281, 303, 380,381 bộ luật tố tụng dân sự

2- Kiểm sát thời hạn chuyển giao bản bản án, quyết định, biên bản kê biên, tạm giữ tang vật, tài sản và các tài liệu khác có liên quan kèm theo cho cơ quan thi hành án.

3- Kiểm sát việc gửi và giải thích, sửa chữa và bổ sung bản án, quyết định của Toà án khi có yêu cầu theo đúng quy định tại khoản 4 điều 19 pháp lệnh thi hành án dân sự , điều 240 và 382 bộ luật tố tụng dân sự

Điều 25: Kiểm sát việc ra quyết định thi hành án

1- Kiểm sát việc Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, với các nội dung sau:

- Thẩm quyền ra quyết định thi hành án (Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự;)

- Thời hạn ra quyết định thi hành án, thời hạn cho người phải thi hành án tự nguyện thi hành (Điều 6, 22, 23) Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

- Căn cứ để ra quyết định thi hành án theo Điều 4 Pháp lệnh Thi hành án dân sự, điều 376 bộ luật tố tụng dân sự

2- Kiểm sát việc gửi các quyết định về thi hành án của cơ quan thi hành án cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp theo quy định tại khoản 4 điều 34 pháp lệnh thi hành án dân sự

Điều 26: Kiểm sát việc ra quyết định uỷ thác thi hành án , với các nội dung:

- thẩm quyền ra quyết định uỷ thác thi hành án

- Thời hạn ra quyết định UTTHA

- Trình tự , thủ tục ra quyết định UYTHA, nhận UT, thông báo UT

theo quy định tại điều 24 pháp lệnh thi hành án dân sự

Điều 27: Kiểm sát việc áp dụng thời hiệu thi hành án

1- Kiểm sát việc áp dụng thời hiệu thi hành án quy định tại Điều 25 Pháp lệnh Thi hành án dân sự, điều 383 Bộ luật tố tụng dân sự. Cần chú ý kiểm sát các nội dung:

- Thời hiệu thi hành án đối với người yêu cầu thi hành án.

- Thời hiệu thi hành án đối với đơn yêu cầu thi hành án được trả lại.

- Thời hiệu thi hành án đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ.

2- Kiểm sát việc khôi phục thời hiệu thi hành án theo quy định tại khoản 3, 4 điều 25 pháp lệnh thi hành án dân sụ với các nội dung sau:

- Điều kiện để được khôi phục thời hiệu thi hành án.

- Thẩm quyền khôi phục thời hiệu thi hành án.

- Lưu ý xem xét những tài liệu về trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng do người yêu cầu thi hành án chứng minh.

Điều 28: Kiểm sát việc ra các quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án, trả lại đơn yêu cầu thi hành án, quyết định tiếp tục thi hành án

1. Kiểm sát việc thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án theo đúng quy định của các Điều 26, khoản1 Điều 27, điều 28 Pháp lệnh thi hành án dân sự ; điều 286, 307 Bộ luật tố tụng dân sự; kiểm sát việc ra quyết định tiếp tục thi hành án theo quy định tại khoản 3 điều 26, khoản 2 Điều 27; Kiểm sát việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 29 Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

2. Khi điều kiện hoãn, tạm đình chỉ thi hành án không còn nữa, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án và người phải thi hành án có điều kiện THA thì yêu cầu thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án.

Điều 29: Kiểm sát việc thông báo về thi hành án

Kiểm sát việc cơ quan thi hành án gửi thông báo về thi hành án cho các cơ quan, cho đương sự, người có quyền lợi ích liên quan đến việc thi hành án, cho Viện kiểm sát nhân dân theo quy định tại Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Điều 30: Kiểm sát việc bảo quản; xử lý các khoản tiền, tài sản tịch thu; tiêu huỷ vật chứng, tài sản

Viện Kiểm sát phải kiểm sát việc bảo quản, xử lý tài sản đã tịch thu, tiêu huỷ vật chứng, tài sản về thi hành án của cơ quan thi hành án theo quy định tại các điều 35, 36 pháp lệnh thi hành án dân sự và các qui đinh pháp luật hiện hành.

Điều 31: Kiểm sát việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án

Thực hiện kiểm sát việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại điều 31 pháp lệnh thi hành án dân sự và các văn bản của Chính phủ hướng dẫn thực hiện

Điều 32: Kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế

1- Viện kiểm sát kiểm sát về nội dung, trình tự và thủ tục, nguyên tắc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 37 và từ các Điều 39 đến 56 pháp lệnh thi hành án dân sự.

Chú ý kiểm sát các biện pháp cưỡng chế thường hay có vi phạm là:

- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hàn án

- Buộc giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất hoặc giao vật, tài sản khác

2- Kiểm sát việc bán đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 47 pháp lệnh thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 33: Kiểm sát việc xét miễn, giảm thi hành án đối với các khoản án phí, tiền phạt theo quy định tại điều 32 pháp lệnh thi hành án dân sự, với các nội dung:

- Đối tượng được xét miễn, giảm

- Điều kiện được xét miễn, giảm

- Thủ tục và việc lập hồ sơ xét miễm, giảm

- Thẩm quyền xét miễn, giảm

Điều 34: Kiểm sát việc thu nộp, quản lý sử dụng phí thi hành án, chi phí cưỡng chế thi hành án

Kiểm sát việc thu nộp, quản lý sử dụng phí thi hành án, chi phí cho công tác cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 20, Điều 38 Pháp lệnh Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan

Điều 35: Kiểm sát việc thu, chi ,thanh toán tiền thi hành án

Kiểm sát việc cơ quan thi hành án thu, nộp, thanh toán và chi phí, chi trả tiền thi hành án đúng quy định tại các Điều 51, 52 Pháp lệnh Thi hành án dân sự và các quy định pháp luật hiện hành.

Điều 36: Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án

Kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đối với những vấn đề liên quan đến công tác thi hành án, tập trung vào những vấn đề sau:

- Thời hạn giải quyết đơn.

- Thẩm quyền giải quyết đơn

- Nội dụng giải quyết đơn

(quy định tại các Điều 59, 60, 62, 63 Pháp lệnh Thi hành án dân sự; điều 24 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002)

Điều 37: Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Toà án dân sự nước ngoài được Toà án Việt Nam công nhận

Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của Toà án dân sự nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành án tại Việt Nam, được áp dụng như thủ tục, trình tự, nội dung kiểm sát việc thi hành những bản án, quyết định của Toà án Việt Nam.

Điều 38: Kiểm sát việc ra quyết định kết thúc thi hành án

Kiểm sát về nội dung và thẩm quyền ra quyết định kết thúc thi hành án của cơ quan thi hành án theo quy định tại điều 30 pháp lệnh thi hành án dân sự

Chương IV

PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN

Điều 39: Lập hồ sơ kiểm sát thi hành án

Khi tiến hành công tác kiểm sát thi hành án, Viện Kiểm sát phải vào sổ thụ lý kiểm sát thi hành án đầy đủ và lập hồ sơ kiểm sát thi hành án:

Hồ sơ kiểm sát thi hành án hình sự gồm có:

Các loại hồ sơ về thi hành án Tử hình; Uỷ thác thi hành án; hoãn; tạm đình chỉ; miễn chấp hành hình phạt; áp dụng thời hiệu; trốn thi hành án; xoá án tích.

Hồ sơ kiểm sát thi hành án Dân sự và các loại án khác gồm có:

Các loại hồ sơ về miễn, hoãn; tạm đình chỉ; đình chỉ; trả lại đơn; áp dụng thời hiệu; các biện pháp cưỡng chế thi hành án; hồ sơ giải quyết khiếu nại; hồ sơ các cuộc kiểm sát trực tiếp.

Điều 40: Phương thức thực hiện các quyền của Viện kiểm sát nhân dân khi tiến hành kiểm sát thi hành án

Yêu cầu Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án:

- Tự kiểm tra việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định được thi hành ngay và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện Kiểm sát nhân dân

- Cung cấp hồ sơ tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án cho Viện Kiểm sát nhân dân để thực hiện chức năng kiểm sát

- Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án để phát hiện, xử lý và phòng ngừa vi phạm pháp luật

- Kiểm tra kết quả thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc khắc phục vi phạm của đối tượng kiểm sát

Điều 41: Trực tiếp kiểm sát

1- Theo quy định tại Điều 24 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 thì Viện Kiểm sát không trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ra các quyết định về thi hành án hình sự tại Toà án nhân dân.

Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thi hành án hoặc thấy cần thiết như: Thực hiện chỉ thỉ của Viện trưởng VKSND Tối cao, kế hoạch của VKS cấp trên , của cấp uỷ , hội đồng nhân dân địa phương hoăc nhằm phòng ngừa tình trạng vi phạm ,Viện Kiểm sát tiến hành trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định tại Điều 24 khoản 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Điều 10 pháp lệnh thi hành án dân sự. Song không khoá sổ, không niêm phong tài liệu của cơ quan thi hành án. Chủ yếu là yêu cầu tự kiểm tra, báo cáo, yêu cầu cung cấp tài liệu để kiểm tra xác minh vi phạm. Trường hợp cần thiết sẽ xem xét những nội dung yêu cầu kiểm sát trực tiếp tại cơ quan thi hành án nhằm xác minh ,làm rõ vi phạm trong việc thi hành án nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan thi hành án được kiểm sát

2- Trước khi tiến hành kiểm sát trực tiếp, Viện Kiểm sát phải lập kế hoạch kiểm sát trực tiếp bao gồm những nội dung cơ bản sau:

- Chọn việc để kiểm sát.

- Căn cứ pháp luật để tiến hành kiểm sát

- Lập kế hoạch trực tiếp kiểm sát gồm:

+ Quyết định trực tiếp kiểm sát

+ Mục đích yêu cầu của việc kiểm sát trực tiếp

+ Nội dung kiểm sát trực tiếp

+ Cách thức tiến hành kiểm sát trực tiếp

+Thời gian tiến hành kiểm sát, thời điểm kiểm sát

Kế hoạch kiểm sát trực tiếp phải được lãnh đạo Viện Kiểm sát duyệt, chỉ đạo thực hiện.

3- Trình tự kiểm sát trực tiếp:

- Viện Kiểm sát công bố quyết định trực tiếp kiểm sát việc thi hành án.

- Bám sát nội dung trong kế hoạch kiểm sát cần tập trung vào các vấn đề sau:

+ Yêu cầu báo cáo quỹ tiền mặt của cơ quan bị kiểm sát (chú ý xem xét việc chấp hành pháp luật trong việc thu, chi, sử dụng quỹ tiền mặt). Viện Kiểm sát cần xác minh số tiền của cơ quan thi hành án nộp kho bạc; tiền gửi tiết kiêm; tiền tạm gửi ở Ngân hàng để cân đối việc thu, chi

+ Yêu cầu cung cấp các tài liệu liên quan đến nội dung kiểm sát để kiểm tra, xác minh, đối chiếu xem có phù hợp với thực tế không.

+ Có thể kiểm tra sổ sách thụ lý thi hành án; các hồ sơ thi hành án; các chứng từ thu chi; các phiếu thu chi; các biên lai thu chi liên quan đến việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại về thi hành án.

+ Những vấn đề chưa rõ, Viện Kiểm sát yêu cầu giải trình. Những vấn đề kiểm tra xong phải được kết luận bằng văn bản có ký xác nhận của đại diện bên bị kiểm tra và người trực tiếp kiểm sát.

+ Tập hợp những nội dung đã kiểm sát để làm kết luận khi kết thúc việc kiểm tra. Kết luận do kiểm sát viên - trưởng đoàn ký sau khi đã báo cáo lãnh đạo Viện và gửi cho cơ quan bị kiểm sát biết.

+ Tập hợp những vi phạm được phát hiện qua kiểm sát trực tiếp để làm văn bản kiến nghị hoặc kháng nghị với cơ quan bị kiểm sát, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để khắc phục, sửa chữa.

+ Yêu cầu xỷ lý vi phạm với các hình thức phù hợp và các biện pháp khác (nếu có) thông qua kiểm sát trực tiếp phát hiện

+ Tổ chức công bố kết luận kiểm sát.

+ Kiểm tra kết quả việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị của đối tượng bị kiểm sát.

Điều 42: Kháng nghị

1- Khi tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án, nếu phát hiện vi phạm pháp luật; Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị với Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị. . . có trách nhiệm trong việc thi hành án theo quy định tại khoản 5 Điều 24, điều 25 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Điều 64 Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

- Kháng nghị phải chỉ rõ những vi phạm pháp luật, vi phạm điều luật nào; viện dẫn điều luật cụ thể để làm rõ vi phạm trong việc thi hành án.

- Kháng nghị phải nêu rõ yêu cầu như: yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án...

- Kháng nghị được gửi đến cho đối tượng bị kháng nghị, cơ quan chủ quản cấp trên của đơn vị bị kháng nghị và gửi cho Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp.

2- Trường hợp đối tượng bị kháng nghị không nhất trí với kháng nghị, thì viện kiểm sát ban hành kháng nghị có quyền báo cáo lên Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp kèm hồ sơ thi hành án, báo cáo phải nêu rõ quan điểm của mình về kháng nghị 

Viện Kiểm sát cấp trên có trách nhiệm xem xét để có quyết định: hoặc ban hành kháng nghị với cơ quan thi hành án cấp trên, hoặc huỷ bỏ, rút , sửa đổi , bổ sung kháng nghị của VKS cấp dưới. Trường hợp kháng nghị của VKS cấp trên vẫn không được cơ quan thi hành án cấp trên chấp nhận thì VKS cấp trên có văn bản kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp và báo cáo Viện trưởng VKSND Tối cao

3- Đối với những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Quản lý Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp nếu phát hiện có vi phạm pháp luật Viện Kiểmsát cấp dưới báo cáo lên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để xem xét giải quyết.

Điều 43: Khởi tố về hình sự

Trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải báo cáo với lãnh đạo Viện Kiểm sát để xem xét việc khởi tố về hình sự; (khoản 5 Điều 24 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân). Báo cáo phải gửi kèm các tài liệu liên quan đến dấu hiệu tội phạm để lãnh đạo Viện xem xét, quyết định

Chương V

QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 44: Quan hệ lãnh đạo và quản lý công tác kiểm sát thi hành án:

1. Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trực tiếp chỉ đạo, quản lý công tác kiểm sát thi hành án hoặc uỷ quyền cho Vụ trưởng Vụ kiểm sát Thi hành án; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự các cấp trực tiếp chỉ đạo, quản lý công tác này hoặc uỷ quyền cho Trưởng phòng Kiểm sát thi hành án theo quy định về thẩm quyền ký văn bản của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

2. Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trực tiếp tiến hành kiểm sát thi hành án và quản lý, phân công kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.

Khi có ý kiến khác nhau giữa kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án và người lãnh đạo trực tiếp hoặc giữa các đơn vị cùng cấp, thì thủ trưởng đơn vị kiểm sát thi hành án báo cáo Viện trưởng hoặc Phó viện trưởng phụ trách quyết định. Nếu vẫn còn ý kiến khác nhau thì báo cáo Viện Kiểm sát cấp trên.

Điều 45: Quan hệ giữa các Kiểm sát viên

1. Quan hệ giữa các Kiểm sát viên là quan hệ nghiệp vụ. Kiểm sát viên chịu sự quản lý, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công và báo cáo công việc với kiểm sát viên được phân công phụ trách, khi được phân công phụ trách kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đơn vị Nếu có ý kiến khác giữa các kiểm sát viên thì kiểm sát viên được phân công phụ trách báo cáo với thủ trưởng đơn vị kiểm sát thi hành án xem xét, giải quyết.

2. Trường hợp kiểm sát viên được giao thực hiện công việc độc lập thì trực tiếp báo cáo với lãnh đạo đơn vị đã giao nhiệm vụ.

3. Báo cáo đề xuất của kiểm sát viên phải bằng văn bản. Việc báo cáo lên Viện Kiểm sát cấp trên phải do Viện trưởng, Phó viện trưởng cấp báo cáo thực hiện. Quyết định của lãnh đạo cấp có thẩm quyền hoặc Nghị quyết của Uỷ ban Kiểm sát phải được thể hiện bằng văn bản được lưu trong hồ sơ kiểm sát thi hành án.

4. Khi họp liên ngành hoặc các cuộc họp giải quyết việc thi hành án kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết phải chuẩn bị nội dung báo cáo, biên bản cuộc họp được lập thành văn bản lưu hồ sơ kiểm sát thi hành án. Người chủ trì cuộc họp liên ngành và các thành phần thuộc các ngành hữu quan tham gia họp phải ký vào biên bản. cuộc họp

Điều 46: Quan hệ giữa kiểm sát thi hành án với kiểm sát xét xử, kiểm sát việc quản lý, giáo dục người chấp hành hình phạt tù, kiểm sát xét khiếu tố, với Văn phòng và các đơn vị liên quan khác thuộc ngành kiểm sát

1. Kiểm sát viên kiểm sát thi hành án phải thường xuyên liên hệ với kiểm sát viên kiểm sát xét xử để tiếp nhận bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, cũng như các quyết định của toà án về thi hành án, quản lý kịp thời đầy đủ số án phải thi hành.

2. Kiểm sát viên kiểm sát thi hành án thường xuyên quan hệ với kiểm sát viên kiểm sát việc quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, nắm tình hình phạm nhân chấp hành án trong trại để phục vụ việc kiểm sát thi hành án tử hình, nắm việc xét giảm án, tạm đình chỉ và số phạm nhân chấp hành xong hình phạt tù được trả tự do để tiếp tục kiểm sát việc thi hành các hình phạt khác (nếu có) và xoá án tích theochỉ thỉ thị 03/2004//VKSNDTC ngày 15/4/2004 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường công tác kiểm sát thi hành án hình sự)

3. Kiểm sát viên kiểm sát thi hành án phải có sự phối hợp chặt chẽ với Kiểm sát viên xét khiếu tố trong việc tiếp nhận đơn khiếu nại - tố cáo thuộc trách nhiệm kiểm sát thi hành án, giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng thẩm quyền và thông báo cho khâu kiểm sát xét khiếu tố; phối hợp trong việc sắp xếp điều kiện, lịch thời gian trực , tiếp công dân đến khiếu nại về thi hành án và kiểm sát thi hành án

4. Tại Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Vụ kiểm sát Thi hành án quan hệ với Văn phòng trong các hoạt động phục vụ cho kiểm sát thi hành án

Viện trưởng VKS địa phương chỉ đạo Văn phòng photocopy các bản bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc bản án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay chuyển cho Kiểm sát thi hành án làm căn cứ kiểm sát việc thi hành án (trường hợp bản án, quyết định quá dày thì sao chụp phầ nthủ tục và phần quyết định của bản án).

5. Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án phải quan hệ với Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các đơn vị nghiệp vụ liên quan để nắm tin báo tố giác tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến thi hành án giúp cho việc phòng ngừa, xử lý trong công tác kiểm sát thi hành án

Điều 47: Quan hệ công tác với cơ quan, đơn vị có liên quan

1- Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các đơn vị kiểm sát thi hành án phải quan hệ thường xuyên với các cơ quan thi hành án và các cơ quan, đơn vị hữu quan để nắm tình hình về công tác thi hành án và phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác thi hành án.

2- Có kế hoạch để quan hệ với Chính quyền, Ban chỉ đạo Thi hành án địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan nơi người bị kết án, người phải thi hành án làm việc, cư trú để phối hợp trong việc thực hiện công tác thi hành án. Phát hiện vi phạm pháp luật có liên quan đến thi hành án để yêu cầu khắc phục.

Điều 48: Tổ chức quản lý, chỉ đạo

- Viện trưởng, Phó viện trưởng phụ trách công tác kiểm sát thi hành án Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý toàn bộ tình hình và hoạt động kiểm sát thi hành án của cấp mình và cấp dưới.

- Viện Kiểm sát cấp tỉnh và Viện Kiểm sát cấp huyện phải mở sổ theo dõi công tác kiểm sát thi hành án theo mẫu của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; thường xuyên nắm chắc và báo cáo lên Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp tình hình và kết quả công tác kiểm sát thi hành án.

- Trưởng phòng Kiểm sát Thi hành án cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Lãnh đạo Viện quản lý tình hình và hoạt động kiểm sát thi hành án cấp mìnhvà cấp dưới, tham mưu giúp Viện trưởng chỉ đạo Viện Kiểm sát cấp huyện về nghiệp vụ kiểm sát thi hành án.

- Trưởng Phòng Kiểm sát Thi hành án thông qua kiểm sát thi hành án nắm và chỉ đạo Viện Kiểm sát cấp huyện, tổ chức rút kinh nghiệm công tác kiểm sát thi hành án. Tập hợp tư liệu gửi Vụ kiểm sát Thi hành án giúp Viện trưởng VKSND Tối cao quản lý và thực hiện nhiệm vụ kiểm sát thi hành án của ngành.

- Vụ trưởng Vụ kiểm sát Thi hành án giúp Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quản lý tình hình và hoạt động kiểm sát thi hành án trong toàn ngành và tham mưu giúp Viện trưởng chỉ đạo nghiệp vụ kiểm sát thi hành án. Tổng hợp tư liệu phục vụ sơ kết, tổng kết việc áp dụng pháp luật, nghiệp vụ kiểm sát thi hành án. Thông báo rút kinh nghiệm, xây dựng các chuyên đề về chống và phòng ngừa vi phạm, tội phạm; yêu cầu kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục các vi phạm trong quá trình thi hành án.

Điều 49: Quản lý hồ sơ và tài liệu liên quan đến kiểm sát thi hành án

1. Việc quản lý, sử dụng, bảo quản hồ sơ kiểm sát thi hành án thưc hiện theo Quyết định số 24/QĐ ngày 06/08/1993 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

2. Công văn giấy tờ, tài liệu gửi đi và đến phải đăng ký vào sổ sách của văn thư theo quy định 

3. Kiểm sát viên kiểm sát thi hành án có trách nhiệm lập hồ sơ kiểm sát thi hành án những loại việc theo quy định tại Điều 39 qui chế này và quản lý hồ sơ tài liệu chặt chẽ, thực hiện việc gửi lưu trữ theo quy định. Khi giao nhận hồ sơ phải làm đúng thủ tục hành chính, khi chuyển công tác khác hoặc thay đổi kiểm sát viên giải quyết vụ việc, trong thời hạn 3 ngày phải bàn giao đầy đủ tài liệu của vụ việc và những thông tin có liên quan cho kiểm sát viên được phân công thay thế.

Điều 50: Chế độ báo cáo

Viện Kiểm sát địa phương phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về nghiệp vụ kiểm sát thi hành án (tháng, 6 tháng, 1 năm); báo cáo ban đầu, báo cáo chuyên đề, thông báo rút kinh nghiệm, kiểm tra hướng dẫn cấp dưới; kiến nghị, yêu cầu, kháng nghị; báo cáo đột xuất lên Viện Kiểm sát cấp trên theo quy định về chế độ thông tin, báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và quy định của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố.

Điều 51: Thỉnh thị và trả lời thỉnh thị

- Khi việc kiểm sát thi hành án có khó khăn vướng mắc về việc áp dụng pháp luật, chứng cứ, đường lối xử lý, sau khi đơn vị kiểm sát thi hành án đã làm đầy đủ trách nhiệm theo thẩm quyền nhưng tự mình không giải quyết được thì có thể báo cáo thỉnh thị gửi kèm hồ sơ và tài liệu có liên quan đến vụ việc để xin ý kiến Viện Kiểm sát cấp trên.

- Báo cáo thỉnh thị gửi lên Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp phải do lãnh đạo cấp thỉnh thị ký đề nghị.

- Đơn vị nghiệp vụ cấp trên (Phòng kiểm sát thi hành án, Vụ kiểm sát Thi hành án) phải nghiên cứu kỹ hồ sơ tài liệu và công văn thỉnh thị, trong thời hạn 15 ngày đối với cấp tỉnh, 30 ngày đối với cấp Trung ương phải có văn bản trả lời để Viện Kiểm sát cấp thỉnh thị nghiên cứu thực hiện. Đối với những vụ việc có khó khăn phức tạp và cần phải có thời gian nghiên cứu thì thông báo lại để cấp thỉnh thị biết.

- Nếu không đồng ý với hướng dẫn của đơn vị nghiệp vụ cấp trên thì cấp thỉnh thị có quyền đề nghị Viện trưởng hoặc Phó viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên xem xét lại. ý kiến của lãnh đạo Viện cấp trên Viện Kiểm sát cấp dưới phải nghiêm túc thực hiện.

Điều 52: Chế độ kiểm tra

Viện Kiểm sát cấp trên phải có kế hoạch định kỳ kiểm tra hoặc kiểm tra đột xuất công tác kiểm sát thi hành án của Viện Kiểm sát cấp dưới để rút kinh nghiệm và hướng dẫn chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm sát thi hành án.

Điều 53: Chế độ bảo mật

1. Kiểm sát viên, cán bộ trong đơn vị phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin trong các vụ việc. Nếu chưa có sự đồng ý của Lãnh đạo Vụ, Viện tuyệt đối không được cung cấp tin tức, tình hình, tài liệu, hồ sơ vụ việc cho bất cứ người nào không có phận sự trong cơ quan cũng như ngoài cơ quan.

2. Phải giữ bí mật ý kiến của Lãnh đạo đã chỉ đạo giải quyết vụ việc, không để người không có trách nhiệm biết.

3. Các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ đối với vụ việc của Viện Kiểm sát cấp trên được lưu vào hồ sơ kiểm sát thi hành án không được đưa vào hồ sơ chính của vụ việc.

4. Các báo cáo về kiểm sát thi hành án chỉ gửi tới Viện kiểm sát cấp trên. Việc gửi các tài liệu về kiểm sát thi hành án theo yêu cầu của Cấp uỷ, Hội đồng nhân dân do Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp quyết định.

5. Người trực tiếp giải quyết vụ việc không được tiếp bị án, đương sự có liên quan đến vụ án ngoài trụ sở làm việc của cơ quan.

6. Hết giờ làm việc, hồ sơ, tài liệu phải được để trong tủ có khoá của cơ quan. Nếu chưa được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện hoặc thủ trưởng đơn vị kiểm sát thi hành án tuyệt đối không được đem tài liệu ra khỏi cơ quan. Làm việc ngoài giờ tại trụ sở cơ quan phải thực hiện đúng quy định của Lãnh đạo Viện.

Điều 54: Sử dụng biểu, mẫu trong hoạt động kiểm sát thi hành án

Trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát thi hành án, các cấp kiểm sát thống nhất sử dụng các mẫu biểu về: sổ sách, hồ sơ, các mẫu văn bản nghiệp vụ về KSTHA do VKSND Tối cao thống nhất ban hành kèm theo hướng dẫn của Vụ Kiểm sát thi hành án

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 55:

Bản Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Quy chế này thay thế cho Quy chế số 04 ngày 7/12/1995. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện Kiểm sát Quân sự các cấp chịu trách nhiệm thi hành quy chế này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 156/2004/QC-KSTHA Quy chế công tác kiểm sát thi hành án tạm thời của ngành kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 156/2004/QC-KSTHA
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/12/2004
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Khuất Văn Nga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/12/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản