Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 153/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 7 năm 1978

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ THỦY LỢI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962;
Căn cứ nghị định số 24/CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ, ban hành bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chánh quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Xét yêu cầu về củng cố, tăng cường tổ chức quản lý, xây dựng và phát triển ngành thủy lợi của thành phố;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội nghị Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố ngày 15-6-1978 về tổ chức và hoạt động của Sở Thủy lợi;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thủy lợi.

Điều 2. Các đồng chí ChánhVăn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố, Giám đốc Sở Tài chánh, Sở Thủy lợi và thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Vũ Đình Liệu

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ THỦY LỢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 153/QĐ-UB ngày 24-7-1978  của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1. Sở Thủy lợi là cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân thành phố, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố về thống nhất quản lý, phân phối tài nguyên nước, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho nền kinh tế quốc dân và phòng chống lụt, bão, theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đúng chủ trương, kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố.

Sở chịu sự lãnh đạo toàn diện của Ủy ban Nhân dân thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo về kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Thủy lợi theo nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ.

Sở có tư cách pháp nhân, được phép sử dụng con dấu và mở tài khoản ở Ngân hàng.

Điều 2. Sở Thủy lợi có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1. Tham gia với Bộ Thủy lợi nghiên cứu, xây dựng quy hoạch thủy lợi những vùng, những dòng sông lớn liên quan đến địa phương.

Dựa vào quy hoạch thủy lợi chung của Bộ, lập quy hoạch trị thủy, khai thác các dòng sông, các nguồn nước nội địa theo sự phân cấp và hướng dẫn của Bộ, trình Ủy ban Nhân dân thành phố và Bộ Thủy lợi; tiến hành việc khai thác, điều hòa phân phối nước phục vụ các yêu cầu sản xuất và hoạt động trong thành phố, theo quy hoạch được duyệt; tổ chức và chỉ đạo phòng chống thiên tai lũ lụt; quản lý, bảo vệ nguồn nước và môi trường nước trong thành phố theo chế độ, luật lệ hiện hành.

(Việc quản lý các nhà máy lọc nước và xây dựng hệ thống ống dẫn nước cho tiêu dùng, do Sở Quản lý công trình công cộng phụ trách).

2. Tham gia với Bộ về phương hướng phát triển của ngành ở địa phương căn cứ vào yêu cầu và khả năng của thành phố; dựa vào số kiểm tra của kế hoạch Nhà nước và sự hướng dẫn của Bộ, lập dự án kế hoạch phát triển thủy lợi hàng năm và dài hạn của thành phố, trình Ủy ban Nhân dân thành phố và báo cáo với Bộ Thủy lợi tổng hợp vào kế hoạch chung của ngành.

Giúp Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức, chỉ đạo, thực hiện kế hoạch thủy lợi theo nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chánh quyền Nhà nước cấp thành phố trong lãnh vực quản lý kinh tế.

Hướng dẫn, chỉ đạo Ban Thủy lợi huyện xây dựng quy hoạch, dự án kế hoạch thủy lợi trên địa bàn huyện.

3. Tổ chức thực hiện công tác khảo sát, thiết kế các công trình thủy lợi loại vừa của thành phố; tham gia khảo sát, thiết kế từng phần những công trình thủy lợi loại lớn do Bộ giao.

Hướng dẫn, giúp đỡ Ban Thủy lợi huyện trong công tác khảo sát, thiết kế (chủ yếu là việc áp dụng thiết kế định hình), quản lý khai thác công trình sử dụng nước và tu sửa nhỏ.

4. Tổ chức thi công các công trình thủy lợi do Sở trực tiếp quản lý; tham gia thi công các công trình thủy lợi lớn trong thành phố do Bộ phân công; thực hiện việc nạo vét, tu bổ các hệ thống thủy nông do thành phố quản lý và do Bộ phân cấp cho thành phố.

Hướng dẫn, chỉ đạo việc thi công các công trình thủy lợi do huyện đảm nhận.

Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ kiến thiết cơ bản, các tiêu chuẩn định mức, các quy trình, quy phạm kỹ thuật đã ban hành trong xây dựng cơ bản thủy lợi ở địa phương.

5. Quản lý các đơn vị thi công thủy lợi quốc doanh, công tư hợp doanh. Hướng dẫn, giúp đỡ Ủy ban Nhân dân huyện thực hiện việc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xét cho hành nghề và quản lý các tổ chức hợp tác xã có thiết bị máy móc chuyên phục vụ xây dựng các công trình thủy lợi.

Quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh sản xuất và sửa chữa cơ khí chuyên dùng phục vụ cho ngành thủy lợi.

6. Tổ chức và quản lý các trạm thủy văn dùng riêng, trạm thí nghiệm thủy nông, để phục vụ cho nhu cầu xây dựng thủy lợi và quản lý sử dụng nước.

7. Tổ chức quản lý, khai thác những công trình thủy lợi thuộc trách nhiệm thành phố quản lý.

Hướng dẫn, chỉ đạo, giúp đỡ việc tổ chức quản lý, khai thác các hệ thống công trình thủy lợi thuộc trách nhiệm huyện quản lý.

Hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp phong trào nhân dân làm thủy lợi ở địa phương.

8. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý sơ cấp kỹ thuật, nghiệp vụ, công nhân ngành thủy lợi để đáp ứng yêu cầu của thành phố, theo sự phân cấp của Bộ Thủy lợi.

Quản lý đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành thủy lợi thành phố theo đúng đường lối, chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước và sự phân cấp quản lý cán bộ của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố.

9. Nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu về khoa học, kỹ thuật, về cải tiến quản lý kinh tế vào các công tác thủy lợi của thành phố.

Áp dụng và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của Nhà nước và của Bộ trong thành phố.

10. Quản lý chặt chẽ kinh phí, vật tư, thiết bị của ngành thủy lợi ở thành phố theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước và theo chế độ phân cấp hiện hành.

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 3. Sở Thủy lợi thành phố được tổ chức và làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với bàn bạc tập thể, phát huy quyền làm chủ tập thể của cán bộ, công nhân viên chức trong ngành. Sở đặt dưới quyền điều khiển của một Giám đốc và có một số Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc. Giám đốc Sở là người có quyền hạn cao nhất và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố và Bộ Thủy lợi, lãnh đạo toàn diện công tác của Sở như quy định ở điều 1 và điều 2 nêu trên.

Các Phó Giám đốc giúp Giám đốc trong việc lãnh đạo chung và được Giám đốc ủy nhiệm chỉ đạo một số mặt công tác của Sở.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Sở bao gồm:

A. Bộ máy cơ quan Sở:

1 Phòng Tổng hợp – hành chánh – quản trị;

2 Phòng Tổ chức – cán bộ lao động tiền lương;

3 Phòng Kế hoạch – vật tư;

4 Phòng Kế toán – tài vụ thống kê;

5 Phòng Quản lý thủy nông;

6 Phòng Kỹ thuật;

7 Phòng Quản lý kiến thiết cơ bản;

8 Ban Thanh tra, pháp chế;

Các phòng, ban có nhiệm vụ tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, quyền hạn quản lý hành chính – kinh tế ngành thủy lợi và chỉ đạo các đơn vị sản xuất kinh doanh sự nghiệp trực thuộc Sở.

B. Các tổ chức sự nghiệp:

1 Đội quy hoạch thủy lợi;

2 Trạm thí nghiệm thủy nông;

3 Trường nghiệp vụ thủy lợi.

Các đơn vị nêu trên được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản ở Ngân hàng.

C. Các đơn vị sản xuất kinh doanh:

1 Công ty xây dựng thủy lợi 1;

2 Công ty xây dựng thủy lợi 2 (để tham gia xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối Sài Gòn – Long An; Công ty này được thành lập khi có nhiệm vụ xây dựng cụ thể);

3 Đoàn khảo sát – thiết kế thủy lợi;

4 Xí nghiệp khai thác nước ngầm;

5 Ban quản lý thủy nông 1;

6 Đội máy bơm (từng bước phân cấp cho huyện quản lý);

7 Trạm vật tư thủy lợi;

8 Xí nghiệp cơ khí sửa chữa máy thủy lợi;

9 Ban kiến thiết cơ bản;

10 Xí nghiệp xáng;

11 Xí nghiệp khai thác cát, đá.

Các công ty, xí nghiệp, đoàn khảo sát – thiết kế, trạm vật tư, ban quản lý thủy nông, đội máy bơm là các đơn vị thiết kế hoàn chỉnh, hạch toán kinh tế độc lập, có con dấu riêng, được cấp vốn, vay vốn và mở tài khoản ở Ngân hàng theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước. Riêng Ban quản lý thủy nông và đội máy bơm được xét cấp bù lỗ.

Ban kiến thiết là cơ quan quản lý bên A đối với các công trình xây dựng thủy lợi thuộc Sở, thực hiện nhiệm vụ theo thông tư số 120/TTg ngày 5-11-1969 của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quan hệ giữa đơn vị giao thầu và đơn vị nhận thầu trong ngành xây dựng cơ bản.

Ban có con dấu riêng và được mở tài khoản ở Ngân hàng.

D. Tổ chức hưởng kinh phí khác:

- Ban cải tạo thuộc Sở

Điều 5. Giám đốc Sở Thủy lợi, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Sở nêu ở điều 1 và điều 2 trên đây, có trách nhiệm:

- Xây dựng điều lệ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức sản xuất kinh doanh (nêu ở điểm C, điều 4), trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.

- Ra văn bản, sau khi trao đổi nhất trí với Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, quy định nhiệm vụ cụ thể, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của các phòng, ban cơ quan Sở (nêu ở điểm A, điều 4) và của các đơn vị sự nghiệp (nêu ở điểm B, điều 4) trực thuộc Sở.

Biên chế lao động và quỹ tiền lương khu vực không sản xuất vật chất, được Ủy ban Nhân dân thành phố giao chỉ tiêu theo từng kỳ kế hoạch, trên nguyên tắc bộ máy tinh, gọn, có hiệu lực. Chỉ tiêu lao động và quỹ tiền lương khu vực sản xuất vật chất, do Sở lập dự án kế hoạch cân đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (trên cơ sở định mức lao động và năng suất lao động tiên tiến, bảo đảm tỷ lệ lao động gián tiếp không vượt mức quy định của Nhà nước), trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt theo từng kỳ kế hoạch.

III. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA SỞ THỦY LỢI VỚI BỘ THỦ LỢI VÀ CÁC SỞ, NGÀNH HỮU QUAN

Điều 6. Quan hệ giữa Sở Thủy lợi với Bộ Thủy lợi;

Sở Thủy lợi là cơ quan thuộc ngành thủy lợi, chịu sự chỉ đạo về kỹ thuật, nghiệp vụ và kiểm tra thực hiện của Bộ Thủy lợi, được Bộ hướng dẫn, giúp đỡ, truyền đạt những kinh nghiệm tiên tiến để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước và chấp hành đúng đắn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sở tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình, quy phạm kỹ thuật thuộc ngành thủy lợi do Hội đồng Chính phủ và Bộ Thủy lợi ban hành. Trong quá trình vận dụng thích hợp với điều kiện địa phương, nếu có sự thay đổi, Sở cần báo cáo xin ý kiến của Bộ Thủy lợi.

Trước khi chấp hành các chủ trương, chỉ thị của Bộ trưởng, đồng chí Giám đốc Sở cần báo cáo với Ủy ban Nhân dân thành phố, để xin ý kiến chỉ đạo cụ thể trước khi thực hiện.

Sở có trách nhiệm làm báo cáo định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, cả năm) về tình hình, nhiệm vụ công tác thủy lợi của địa phương và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của trên cho Ủy ban Nhân dân thành phố và Bộ Thủy lợi.

Điều 7. Giữa Sở Thủy lợi thành phố với Ủy ban Nhân dân và Ban Thủy lợi huyện

Sở Thủy lợi có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ Ủy ban Nhân dân và Ban Thủy lợi huyện xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về thủy lợi ở huyện và chấp hành chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc ngành thủy lợi.

Ban Thủy lợi huyện là cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân huyện, đồng thời là cơ quan chuyên trách thủy lợi cấp dưới của Sở Thủy lợi; Ban Thủy lợi chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban Nhân dân huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Sở Thủy lợi về kỹ thuật nghiệp vụ và thực hiện quy hoạch, kế hoạch thủy lợi.

Sở Thủy lợi có trách nhiệm giúp Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng, củng cố các Ban Thủy lợi huyện và các tổ chức thuộc ngành Thủy lợi ở cấp huyện và xã.p\

Điều 8. Quan hệ đối với các ban, ngành, sở của thành phố

- Sở Thủy lợi tăng cường quan hệ với các sở, ban, ngành thành phố có liên quan, trên nguyên tắc hợp tác xã hội chủ nghĩa và cộng đồng trách nhiệm theo chức năng của từng ngành, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, phát triển thủy lợi của Đảng bộ, Ủy ban Nhân dân thành phố giao từng thời kỳ trước mắt và lâu dài.

- Sở Thủy lợi tham gia ý kiến và kết hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp trong việc bố trí quy hoạch và lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp sát với quy hoạch, kế hoạch xây dựng thủy lợi và sát với điều kiện thực tế về xây dựng, khai thác nguồn nước trong từng thời vụ, trên từng địa bàn cụ thể; bảo đảm cải tạo đất phục vụ yêu cầu thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Kết hợp việc chỉ đạo xây dựng kinh tế đồng ruộng, trồng cây và kết hợp chặt chẽ khâu thủy lợi hóa với cơ giới hóa nông nghiệp.

- Sở Thủy lợi đặt quan hệ phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để được sự cung ứng kịp thời về vật liệu xây dựng cho các công trình thủy lợi, theo chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố và được Sở Xây dựng giúp đỡ, huy động một phần lực lượng thi công một số công trình thủy lợi cấp thiết. Sở Xây dựng nhận thiết kế và thi công phần điện hạ thế cho ngành thủy lợi.

- Sở Thủy lợi phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong việc quy hoạch thủy lợi kết hợp với quy hoạch giao thông đường thủy, giao thông nông thôn, tổ chức nạo vét kênh rạch vừa có yêu cầu giao thông, vừa có yêu cầu thủy lợi. Các công trình xây dựng mới: kênh rạch hoặc nạo vét, chủ yếu phục vụ cho ngành nào thì ngành ấy chịu trách nhiệm đầu tư và tổ chức thực hiện.

- Về cơ khí sửa chữa và sản xuất chuyên dùng phục vụ ngành thủy lợi, do Sở Thủy lợi phụ trách.

- Các loại máy móc, thiết bị có quy trình công nghệ chế tạo phức tạp như: máy bơm, tàu hút bùn, xáng cạp, các thiết bị cơ điện khác dùng vào việc thi công các công trình thủy lợi do Sở Công nghiệp phục trách.

Điều 9. Các quy định của thành phố ban hành trước đây trái với bản quy định này nay bãi bỏ. Bản quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 153/QĐ-UB năm 1978 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thủy lợi do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 153/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/07/1978
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Vũ Đình Liệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/07/1978
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản