Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2021/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 18 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CANH TÁC TRÊN VÙNG CANH TÁC HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018 ;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;

Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;

Căn cứ Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức CTXH tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Như điều 3;
- Công báo Tuyên Quang;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Chuyên viên NLN;
- Lưu: VT, NLN (Hòa).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

QUY ĐỊNH

VỀ CANH TÁC TRÊN VÙNG CANH TÁC HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 18 /9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định các hoạt động canh tác áp dụng trên các vùng canh tác hữu cơ được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (sau đây gọi tắt là vùng canh tác hữu cơ) . Trách nhiệm của các tổ chức , cá nhân có liên quan trong hoạt động canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Những quy định khác về canh tác hữu cơ không được quy định tại quy định này được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân canh tác trên vùng canh tác hữu cơ; tổ chức, cá nhân liên quan đến canh tác hữu cơ trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Nguyên tắc canh tác trên vùng canh tác hữu cơ

1. Trên vùng canh tác hữu cơ, trong giai đoạn chuyển tiếp từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ vẫn có thể thực hiện hai hình thức canh tác là canh tác thông thường và canh tác hữu cơ.

2. Canh tác hữu cơ trên vùng canh tác hữu cơ phải đảm bảo yêu cầu tại Điều 69 Luật Trồng trọt năm 2018 và thực hiện nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Điều 4 Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 28/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

3. Từng hình thức canh tác phải tuân thủ các hoạt động canh tác theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Canh tác hữu cơ là quá trình sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trang thiết bị, vật tư nông nghiệp và áp dụng quy trình sản xuất phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ để tạo ra các sản phẩm cây trồng hữu cơ.

2.Vùng canh tác hữu cơ là vùng canh tác đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Sản phẩm cây trồng hữu cơ là bộ phận thu hoạch của cây trồng (không bao gồm cây lâm nghiệp, cây cảnh) được sản xuất, chứng nhận và ghi nhãn phù hợp theo quy định tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ.

Chương II

QUY ĐỊNH CÁC HOẠT ĐỘNG CANH TÁC TRÊN VÙNG CANH TÁC HỮU CƠ

Điều 4. Canh tác thông thường

1. Các hoạt động canh tác không được gây ảnh hưởng đến khu vực sản xuất chuyển đổi hữu cơ và khu vực sản xuất hữu cơ.

a) Phải có bờ bao và mương thoát nước riêng, không được để nước tưới và nước mưa chảy trực tiếp từ vùng sản xuất thông thường sang khu vực sản xuất chuyển đổi hữu cơ và khu vực sản xuất hữu cơ.

b) Phải có ranh giới rõ ràng; áp dụng một trong các biện pháp cách ly (rào cản vật lý, sản xuất cây trồng khác hoặc bố trí khác thời vụ) với khu vực sản xuất chuyển đổi hữu cơ và khu vực sản xuất hữu cơ.

c) Khi phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón vô cơ phải có biện pháp ngăn chặn không được để thuốc hoặc phân bón phát tán sang các khu vực đang sản xuất chuyển đổi hữu cơ và khu vực sản xuất hữu cơ.

2. Các hoạt động canh tác không được làm tăng thêm lượng tồn dư hóa chất, vi sinh vật độc hại trong đất và nguồn nước tưới.

a) Khuyến khích sử dụng các loại phân bón thuộc nhóm phân bón hữu cơ, nhóm phân bón sinh học; thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ thực vật (thảo mộc, thảo dược) để thay thế phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nếu sử dụng phân bón vô cơ, chất điều hòa sinh trưởng phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.

b) Phòng trừ sâu bệnh: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong canh tác. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phòng trừ sâu, bệnh hại khi thật sự cần thiết và chỉ được sử dụng các loại thuốc đúng với đối tượng phòng trừ/loại cây trồng có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Sử dụng thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách”.

3. Phải bảo quản thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng theo đúng quy định.

Điều 5. Canh tác hữu cơ

Quá trình sản xuất phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, tiêu chuẩn hữu cơ của nước ngoài được đăng ký áp dụng và hướng dẫn của tổ chức chứng nhận. Các quy định cụ thể:

1. Khu vực sản xuất hữu cơ

a) Khu vực sản xuất hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.

b) Cơ sở phải quy định vùng đệm cụ thể và dễ nhận diện. Chiều cao của cây trồng trong vùng đệm và chiều rộng cụ thể của vùng đệm phụ thuộc vào chiều cao của cây trồng trong khu vực sản xuất thông thường; nguồn gây ô nhiễm cần được xử lý phù hợp với địa hình và điều kiện khí hậu địa phương.

c) Nếu có nguy cơ ô nhiễm từ bên ngoài do nguồn nước thì bên ngoài vùng đệm tạo một bờ đất hoặc rãnh thoát nước triệt để, nhằm tránh nước xâm lấn, ô nhiễm vào khu vực sản xuất hữu cơ.

d) Các cây trồng trong vùng đệm không được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ.

2. Quản lý đất

a) Đất canh tác trong vùng canh tác hữu cơ phải đáp ứng về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất theo quy định.

b) Canh tác hữu cơ cần đảm bảo duy trì hoặc tăng cường độ phì và hoạt tính sinh học của đất; áp dụng các biện pháp canh tác nhằm chống thoái hóa, xói mòn, ô nhiễm đất và các rủi ro liên quan khác gây mất đất.

c) Không đốt các thảm thực vật, tàn dư cây trồng trong quá trình làm đất trừ trường hợp tàn dư cây trồng bị nhiễm sinh vật gây hại phải thu gom, tiêu hủy.

3. Quản lý nước

a) Nước sử dụng trong vùng canh tác hữu cơ phải đáp ứng về chất lượng nước mặt và chất lượng nước dưới đất theo quy định.

b) Nước sử dụng trong canh tác hữu cơ cần được sử dụng hợp lý theo nhu cầu của cây trồng và tránh lãng phí. Phải áp dụng các biện pháp b ảo vệ nguồn nước để tránh bị ô nhiễm.

c) Phải có biện pháp ngăn chặn nước tưới thừa và nước mưa chảy trực tiếp từ khu vực sản xuất thông thường, khu vực sản xuất chuyển đổi hữu cơ sang khu vực sản xuất hữu cơ.

4. Quản lý không khí

Chất lượng môi trường không khí trong vùng canh tác hữu cơ phải được kiểm soát đảm bảo không vượt quá giới hạn cho phép theo quy định.

5. Quản lý sinh vật gây hại

a) Luân canh cây trồng, quản lý dinh dưỡng đối với đất và cây trồng.

b) Vệ sinh để loại bỏ các mầm bệnh, hạt cỏ dại và môi trường sống cho sinh vật gây hại.

c) Sử dụng loài, giống cây trồng có khả năng kháng các loài sinh vật gây hại phổ biến và thích nghi với môi trường.

d) Bảo vệ các loài thiên địch của sinh vật gây hại qua việc tạo môi trường sống thuận lợi: Phóng thích các loài thiên địch, bao gồm cả các loài côn trùng ăn thịt và các loài ký sinh; trồng cây xua đuổi sinh vật gây hại, cây dẫn dụ thiên địch; dùng bẫy, rào chắn, ánh sáng, nhiệt độ và tiếng động.

đ) Sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, chất khoáng hoặc chế phẩm sinh học không chứa các chất tổng hợp để kiểm soát dịch hại; được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nêu trong tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và có biện pháp ngăn chặn sự tiếp xúc với sản phẩm cây trồng hữu cơ.

6. Quản lý trang thiết bị và vật tư nông nghiệp

a) Trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu sử dụng trong canh tác hữu cơ được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Các thiết bị phòng, chống sinh vật gây hại đã được sử dụng trong sản xuất thông thường không được sử dụng trong sản xuất hữu cơ.

b) Vật tư đầu vào trong canh tác hữu cơ phải đảm bảo theo quy định tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp; không dùng chất diệt cỏ, sinh vật biến đổi gen, chất kích thích sinh trưởng cây trồng.

c) Giống cây trồng phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.

d) Phân bón và chất cải tạo đất, thuốc bảo vệ thực vật và chất kiểm soát sinh vật gây hại, chất phụ gia và các vật tư đầu vào khác sử dụng trong canh tác hữu cơ phải đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc được sản xuất từ các nguyên liệu và phương pháp phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

7. Thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm

a) Sự toàn vẹn của sản phẩm hữu cơ phải được đảm bảo và duy trì trong quá trình thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm. Cơ sở phải có các biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm và ngăn ngừa việc trộn lẫn sản phẩm cây trồng hữu cơ với sản phẩm cây trồng không hữu cơ.

b) Không sử dụng các công nghệ có hại cho quá trình thu hoạch, sơ chế và chế biến sản phẩm cây trồng hữu cơ; sản phẩm, vật tư, nguyên liệu có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen; bức xạ ion hóa (chiếu xạ) để kiểm soát sinh vật gây hại.

c) Quá trình chế biến phải tuân thủ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và đáp ứng các quy định khác có liên quan.

8. Thu gom, xử lý, vận chuyển, sử dụng chất thải và phụ phẩm cây trồng theo đúng quy định.

9. Đối với diện tích đang canh tác thông thường chuyển đổi sang canh tác hữu cơ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Trong giai đoạn chuyển đổi, các hoạt động canh tác phải tuân thủ các yêu cầu của canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7,

8 của Điều này; khu vực chuyển đổi hữu cơ phải có bờ bao và mương nước thoát riêng, không được để nước tưới và nước mưa chảy trực tiếp từ khu vực sản xuất chuyển đổi hữu cơ sang khu vực sản xuất hữu cơ.

b) Thời gian sản xuất chuyển đổi bắt đầu từ ngày ghi nhận việc quản lý sản xuất hữu cơ trong hồ sơ hoặc ngày mà tổ chức chứng nhận chấp nhận đơn đăng ký. Thời gian sản xuất chuyển đổi đối với cây hàng năm ít nhất 12 tháng; đối với cây lâu năm ít nhất 18 tháng.

c) Tổ chức, cá nhân không được ghi nhãn liên quan đến hữu cơ đối với sản phẩm trong vòng 36 tháng sau khi sử dụng các chất không được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ.

d) Thời gian sản xuất chuyển đổi có thể được rút ngắn nếu có bằng chứng về việc không sử dụng các chất cấm làm vật tư, nguyên liệu đầu vào hoặc không thực hiện các hoạt động bị cấm. Thời gian chuyển đổi sau khi rút ngắn không được ít hơn 6 tháng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh; các quy định về nông nghiệp hữu cơ, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Trung ương và của tỉnh.

2. Tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nhân dân mở rộng sản xuất.

3. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước trong hoạt động sản xuất, cấp chứng nhận sản xuất trồng trọt hữu cơ theo quy định.

4. Phối hợp với các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giới thiệu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư liên kết với các tổ chức, cá nhân có đất sản xuất trong vùng canh tác hữu cơ của tỉnh để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

5. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Điều 7. Sở Khoa học và Công nghệ

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và quy chuẩn kỹ thuật liên quan trên địa bàn.

2. Tổ chức hội thảo, diễn đàn giới thiệu về công nghệ thiết bị, tiến bộ khoa học và công nghệ ứng dụng trong canh tác hữu cơ.

Điều 8. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Điều 9. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, cơ quan liên quan thực hiện quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sản phẩm trồng trọt hữu cơ theo quy định.

Điều 10. Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang

1. Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan; chính quyền và các hội, tổ chức nghề nghiệp ở địa phương tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ.

2. Tiếp tục vận động, kết nạp các hội viên có đất sản xuất, có nhu cầu sản xuất hữu cơ trong các vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Tham gia đào tạo, tập huấn, giám sát các hội viên sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ.

3. Tư vấn cho các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất trong vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, phát triển bền vững.

Điều 11. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

1. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về canh tác trong vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn; phổ biến các quy định về nông nghiệp hữu cơ, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Trung ương và của tỉnh.

2. Phối hợp với các đơn vị liên quan giới thiệu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư liên kết với các tổ chức, cá nhân trong vùng canh tác hữu cơ của địa phương đầu tư phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

3. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

4. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã có diện tích đất sản xuất thuộc vùng canh tác hữu cơ xây dựng kế hoạch sản xuất hàng năm để nhân dân tổ chức sản xuất.

5. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nhân dân mở rộng sản xuất. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp xã hướng dẫn nhân dân thực hiện các quy định về canh tác trong vùng canh tác hữu cơ; giải quyết các tranh chấp phát sinh trong sản xuất tại vùng canh tác hữu cơ.

Điều 12. Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về canh tác trong vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn; phổ biến các quy định về nông nghiệp hữu cơ, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ của Trung ương và của tỉnh.

2. Hàng năm tổng hợp nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nhân dân để xây dựng và công bố kế hoạch sản xuất trong vùng canh tác hữu cơ thuộc địa phương quản lý để nhân dân tổ chức sản xuất. Kế hoạch sản xuất phải cụ thể từng khu vực sản xuất thông thường, sản xuất chuyển đổi hữu cơ và sản xuất hữu cơ.

3. Hướng dẫn, đôn đốc nhân dân thực hiện các quy định về canh tác trong vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn; giải quyết các tranh chấp phát sinh trong sản xuất tại vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn

Điều 13. Tổ chức, cá nhân canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh

Tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định về canh tác trong quá trình canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm khi công bố chất lượng sản phẩm cây trồng theo quy định.