Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2014/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 09 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ ĐỐI TƯỢNG LÀ NGƯỜI LANG THANG; NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN NHƯNG KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH; NGƯỜI LÀ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRỞ VỀ TẠI TRUNG TÂM HỖ TRỢ NGƯỜI LANG THANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người và Thông tư số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/9/2013 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - TB&XH về hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 11/TTr-SLĐTBXH ngày 01/4/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc tiếp nhận, quản lý đối tượng là người lang thang; người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định; người là nạn nhân bị mua bán trở về tại Trung tâm Hỗ trợ người lang thang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 26/2009/QĐ-UBND ngày 08/5/2009; Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND ngày 27/4/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

QUY ĐỊNH

VIỆC TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ ĐỐI TƯỢNG LÀ NGƯỜI LANG THANG; NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN NHƯNG KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH; NGƯỜI LÀ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRỞ VỀ TẠI TRUNG TÂM HỖ TRỢ NGƯỜI LANG THANG (SAU ĐÂY GỌI TẮT LÀ TRUNG TÂM)
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh tại Trung tâm và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Đối tượng, trình tự thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan và chế độ chính sách trong việc tiếp nhận, quản lý một số đối tượng tại Trung tâm thực hiện theo quy định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lang thang bao gồm: người xin ăn; người lang thang sống nơi công cộng; người tâm thần lang thang.

2. Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định.

3. Người là nạn nhân bị mua bán trở về.

4. Các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Người lang thang bao gồm:

a) Người xin ăn: là những người trực tiếp đi xin ăn; người vừa kết hợp làm việc khác với việc xin ăn như: đánh giầy, bán báo, bán vé số, bán hàng rong hoặc giả danh đi tìm người thân, bị mất cắp trên đường, nhỡ tàu xe để xin ăn;

b) Người lang thang sống nơi công cộng: là những người bị cơ nhỡ do tàu xe, bị mất cắp tạm thời phải xin ăn ở những nơi công cộng; những người có nơi cư trú nhưng đi lang thang kiếm sống và ăn ở tại những nơi công cộng như: vỉa hè, chợ, bến xe, nhà ga, công viên;

c) Người tâm thần lang thang: là những người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần đi lang thang, có khả năng có hành vi gây nguy hiểm cho người khác, gây mất trật tự xã hội nơi công cộng.

2. Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định: là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi trong 06 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng. Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục, thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ.

3. Người là nạn nhân bị mua bán trở về: là người bị xâm hại bởi hành vi mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục; nô lệ tình dục; cưỡng bức lao động hoặc lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

Chương II

VỀ TẬP TRUNG, PHÂN LOẠI VÀ TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ ĐỐI TƯỢNG LÀ NGƯỜI LANG THANG

Điều 4. Phương thức thực hiện tập trung người lang thang

Mở các đợt tập trung đối tượng là người lang thang vào những đợt cao điểm (lễ, tết và những nơi hàng năm thường xuyên diễn ra lễ hội ở các địa phương) và thực hiện tập trung thường xuyên tại các địa bàn xã, phường, thị trấn khi phát hiện có người lang thang.

Điều 5. Quy trình tập trung, phân loại, xử lý người lang thang

1. UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo công an cùng cấp có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, dân phòng tổ chức tập trung đối tượng là người lang thang; chịu trách nhiệm lập hồ sơ ban đầu cho từng đối tượng. Hồ sơ gồm:

a) Biên bản tập trung (biểu số 1);

b) Biên bản ghi lời khai (biểu số 2);

c) Bản tóm tắt lý lịch (biểu số 3);

d) Biên bản bàn giao đối tượng (biểu số 4);

Thời hạn quản lý đối tượng và lập hồ sơ ban đầu không quá 24 giờ kể từ khi tập trung đối tượng.

2. Sau khi lập đầy đủ hồ sơ ban đầu của đối tượng, công an xã, phường, thị trấn tham mưu cho UBND nơi tập trung đối tượng ra quyết định tập trung đối tượng, đồng thời thông báo cho Trung tâm đến tiếp nhận đối tượng đưa về quản lý tạm thời. Đối với đối tượng là người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc nghi tâm thần, sau khi tiếp nhận, Trung tâm có trách nhiệm đưa đối tượng vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị và kết luận; nếu đối tượng không phải là người tâm thần mãn tính thì Bệnh viện tỉnh có trách nhiệm điều trị; nếu là người tâm thần mãn tính thì Bệnh viện tỉnh thông báo cho Trung tâm để phối hợp với thân nhân gia đình đối tượng có biện pháp quản lý tại gia đình hoặc đưa vào quản lý, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (nếu đối tượng không có thân nhân hoặc bị gia đình từ bỏ).

Điều 6. Hồ sơ, thủ tục tiếp nhận và giải quyết người lang thang

1. Hồ sơ, thủ tục tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm:

Khi tiếp nhận đối tượng vào quản lý tạm thời tại Trung tâm, chậm nhất sau 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận đối tượng, Trung tâm phải tiến hành lập hồ sơ cá nhân của từng người, tham mưu cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội xem xét, quyết định tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm. Hồ sơ gồm:

a) Báo cáo việc tiếp nhận đối tượng là người lang thang (kèm theo danh sách đối tượng do các xã, phường, thị trấn nơi tập trung bàn giao);

b) Hồ sơ ban đầu của đối tượng do các xã, phường, thị trấn nơi tập trung bàn giao (bản phô tô).

2. Hồ sơ, thủ tục giải quyết người lang thang:

Trong thời gian quản lý đối tượng, Trung tâm có trách nhiệm thông báo và liên hệ với các xã, phường, thị trấn trong và ngoài tỉnh (nơi đối tượng cư trú) để xác minh, làm rõ thân nhân của đối tượng và hoàn chỉnh hồ sơ đối tượng báo cáo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết đưa đối tượng về gia đình hoặc đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Nếu hồ sơ cần xác minh tại các tỉnh ở xa, Trung tâm phải xin ý kiến Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng không được quá 90 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị đưa đối tượng ra khỏi Trung tâm (kèm theo danh sách đối tượng);

b) Hồ sơ ban đầu của đối tượng do xã, phường, thị trấn nơi tập trung bàn giao (đối với đối tượng đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội nộp bản chính);

c) Các giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ do cơ quan công an cấp (nếu đối tượng không có giấy tờ tùy thân);

d) Giấy ra viện có kết luận của Bệnh viện tỉnh là tâm thần mãn tính (đối với người tâm thần).

Điều 7. Chế độ, chính sách đối với người lang thang

1. Chế độ, chính sách đối với người lang thang trong thời gian tập trung tại Trung tâm chờ đưa về nơi cư trú, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

2. Một số chế độ chi cho công tác tập trung, xử lý các đối tượng là người lang thang:

a) Chế độ trực ngoài giờ cho cán bộ, viên chức Trung tâm: áp dụng theo Công văn số 2666/UBND-TH ngày 10/6/2011 của UBND tỉnh về việc chế độ trực ngoài giờ của Trung tâm Bảo trợ xã hội;

b) Chế độ chi bồi dưỡng y, bác sỹ trực đối với người tâm thần mới tập trung chưa xử lý: thực hiện theo quy định tại Công văn số 1018/SNV-TC ngày 09/5/2013 của Sở Nội vụ về việc vận dụng phụ cấp ưu đãi nghề y tế và phụ cấp độc hại nguy hiểm cho công chức, viên chức và người lao động tại Trung tâm Hỗ trợ người lang thang;

c) Chế độ bảo hộ lao động: áp dụng theo quy định tại Công văn số 2926/UBND-TH ngày 24/6/2011 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh chế độ bảo hộ lao động cho cán bộ, viên chức của Trung tâm Bảo trợ xã hội;

d) Chi cho công tác kiểm tra sức khỏe ban đầu cho đối tượng mới tập trung: theo phiếu thu của cơ sở y tế;

đ) Chi xăng xe tiếp nhận người lang thang do xã, phường, thị trấn nơi tập trung bàn giao: Theo thực tế;

e) Chi phí đưa đối tượng về lại nơi cư trú (chỉ áp dụng cho những trường hợp không có thân nhân hoặc chính quyền địa phương nơi đối tượng cư trú đến nhận), gồm: chi hỗ trợ tiền tàu xe cho đối tượng trở về địa phương nơi cư trú: theo giá vé và phương tiện thông thường; chi hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng theo ngày thực tế đi đường: 27.000 đồng/người/ngày; riêng đối với trẻ em là 36.000 đồng/người/ngày (áp dụng theo tiết b, c Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP).

3. Kinh phí thực hiện: Sử dụng nguồn kinh phí trong kế hoạch hàng năm cân đối cho Trung tâm Hỗ trợ người lang thang.

Chương III

VỀ TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ ĐỐI TƯỢNG LÀ NGƯỜI ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN NHƯNG KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH

Điều 8. Tiếp nhận người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định

1. Trung tâm có trách nhiệm lập biên bản tiếp nhận người và bàn giao hồ sơ đối tượng theo quy định tại Khoản 3, Điều 13 và Điều 14 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Khi tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm quản lý, chậm nhất sau 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận, Giám đốc Trung tâm phải hoàn chỉnh hồ sơ cá nhân, tham mưu cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm. Hồ sơ gồm:

- Biên bản tiếp nhận, bàn giao hồ sơ đối tượng;

- Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ;

- Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP .

2. Thời hạn quản lý đối tượng tại Trung tâm từ 03 đến 06 tháng. Trong thời gian quản lý đối tượng, Trung tâm có trách nhiệm xác minh nơi cư trú của đối tượng. Khi đối tượng đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng, Trung tâm có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ cá nhân, tham mưu cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định đưa đối tượng về nơi cư trú.

Điều 9. Chế độ, chính sách đối với người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương IV

VỀ TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ ĐỐI TƯỢNG LÀ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRỞ VỀ

Điều 10. Tiếp nhận người là nạn nhân bị mua bán trở về

1. Khi tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm quản lý, chậm nhất sau 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận, Giám đốc Trung tâm phải hoàn chỉnh hồ sơ cá nhân của từng người, tham mưu cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm. Hồ sơ gồm:

- Biên bản tiếp nhận, bàn giao hồ sơ đối tượng;

- Giấy xác nhận của cơ quan công an huyện, thị xã, thành phố theo quy định tại các Khoản 4, Điều 24 và giấy xác nhận của cơ quan giải cứu theo quy định tại Điều 25 của Luật Phòng, chống mua bán người;

- Giấy xác nhận của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân;

- Giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân.

2. Thời hạn quản lý đối tượng tại Trung tâm không quá 90 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Khi đối tượng đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng, Trung tâm có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ cá nhân, tham mưu cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định đưa đối tượng về nơi cư trú.

Điều 11. Chế độ, chính sách đối với người là nạn nhân bị mua bán trở về, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH và các quy định hiện hành của Trung ương và địa phương.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Trung tâm, xem xét và ra quyết định tiếp nhận các đối tượng đủ điều kiện vào chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh;

b) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cấp chính quyền có liên quan trong và ngoài tỉnh trong việc đưa các đối tượng ngoài tỉnh về nơi cư trú và quản lý có hiệu quả đối tượng này;

d) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt chế độ được hỗ trợ, cứu trợ xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung của quy định này.

2. Công an tỉnh:

a) Chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp thực hiện thường xuyên việc tập trung các đối tượng lang thang, bảo đảm đúng trình tự, hồ sơ, thủ tục quy định;

b) Thực hiện việc xác định danh tính đối tượng (lai lịch, chụp hình, lấy vân tay) cho các đối tượng không có giấy tờ tùy thân.

3. Sở Y tế:

Có trách nhiệm chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận đối tượng có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc nghi tâm thần do Trung tâm chuyển giao để tiến hành kiểm tra, kết luận, phân loại và xử lý theo quy trình.

4. Sở Tài chính:

Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan tham mưu kinh phí, hướng dẫn chính sách phục vụ công tác tiếp nhận, tập trung, phân loại, xử lý và quản lý các đối tượng tại Trung tâm Hỗ trợ người lang thang trên địa bàn tỉnh theo quy định.

5. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất về biên chế của Trung tâm tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, Ban Quản lý các Khu, điểm du lịch không để người lang thang hoạt động trong phạm vi quản lý của mình; khi phát hiện có người lang thang thì phải thông báo kịp thời cho công an xã, phường, thị trấn tại địa bàn đó biết để thực hiện tập trung, xử lý theo quy định.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh:

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nội dung Quy định này để nhân dân biết, hưởng ứng, ủng hộ. Giáo dục, vận động nhân dân không cho tiền, quà trực tiếp đối với người xin ăn. Kịp thời nêu gương điển hình, biểu dương những địa phương, đơn vị thực hiện tốt và phê phán những địa phương, đơn vị làm chưa tốt, còn để xảy ra tình trạng người xin ăn xuất hiện nhiều tại địa bàn quản lý, nhất là vào dịp lễ, tết.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tỉnh:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức vận động, cảm hóa, giáo dục, phát động toàn dân tham gia phòng ngừa và giải quyết tốt vấn đề người lang thang. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, vận động xã hội giúp đỡ người lang thang là người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các đối tượng ổn định cuộc sống.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo Công an huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức tập trung người lang thang theo nội dung Quy định này trên địa bàn;

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về tác động xã hội của việc đi lang thang, nhất là đi lang thang xin ăn gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa”, vận động nhân dân không cho tiền, quà trực tiếp đối với người xin ăn. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm việc thiện thì địa phương chọn và giới thiệu để tổ chức, cá nhân trực tiếp trao tiền, quà cho đối tượng có hoàn cảnh thực sự khó khăn;

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp nhận đối tượng của địa phương mình do Trung tâm chuyển giao để có kế hoạch quản lý, giáo dục, hỗ trợ họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

10. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

a) Chỉ đạo Công an cùng cấp phối hợp với các đơn vị, lực lượng dân quân tự vệ địa phương kiên quyết thực hiện việc tập trung, xử lý các đối tượng lang thang; chịu trách nhiệm lập hồ sơ ban đầu cho từng đối tượng và thông báo cho Trung tâm đến tiếp nhận quản lý tạm thời. Những xã, phường, thị trấn có điểm du lịch, các chùa có tổ chức lễ hội, công viên, bến xe thì thành lập Tổ tập trung người lang thang do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND làm Tổ trưởng, công an làm thường trực và một số ban ngành, đoàn thể có liên quan, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm;

b) Có trách nhiệm quản lý người thuộc diện trợ giúp xã hội thường xuyên và thực hiện việc trợ cấp theo đúng chế độ chính sách hiện hành. Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xem xét, lập hồ sơ báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố có công văn gửi cơ quan chức năng đưa họ vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Tuyệt đối không để người thuộc diện trợ giúp xã hội thường xuyên tại địa phương mình đi xin ăn./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 14/2014/QĐ-UBND về việc tiếp nhận, quản lý đối tượng là người lang thang; người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định; người là nạn nhân bị mua bán trở về tại Trung tâm Hỗ trợ người lang thang do tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 14/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/05/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tiến Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản