Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2008/QĐ-UBND

Mỹ Tho, ngày 08 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MẠNG LƯỚI THÚ Y XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/4/2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Công văn số 1569/TTg-NN ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nhân viên thú y cấp xã;

Căn cứ Nghị quyết số 121/2006/NQ-HĐND ngày 08/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc điều chỉnh, bổ sung chức danh và chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, ấp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình Liên ngành số 32/TTr-SNN&PTNT-SNV ngày 07/3/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Mức chi hỗ trợ cho Trưởng Thú y theo Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định này được áp dụng từ ngày 01/01/2008.

Điều 3. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính tổ chức triển khai, và hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính;

Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- VP Chính phủ;
- Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Cục KTVB (Bộ TP);
- Website Chính phủ;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- CT& các PCT;
- Công báo tỉnh,Website tỉnh;
- Lưu VT, PCNN (Sơn).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phòng

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MẠNG LƯỚI THÚ Y XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 14/2008/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Để kiện toàn hệ thống thú y đến tận cơ sở, nhằm phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi; Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là mạng lưới thú y cấp xã) như sau :

Điều 1. Vị trí, chức năng của mạng lưới thú y cấp xã

1. Mạng lưới thú y cấp xã là tổ chức hoạt động về chuyên môn thú y theo quy định của Pháp lệnh Thú y và các văn bản pháp luật có liên quan; chịu sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) và sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Trạm Thú y huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công (gọi tắt là Trạm Thú y cấp huyện).

2. Mạng lưới thú y cấp xã có Trưởng Thú y và một số nhân viên thú y khác (gọi tắt là Thú y viên) được Chi cục Thú y cấp chứng chỉ hành nghề thú y theo quy định của pháp luật.

3. Mạng lưới thú y cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thành lập trên cơ sở trao đổi và có văn bản thống nhất ý kiến của Trưởng Trạm Thú y cấp huyện.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền lợi của Trưởng Thú y

1. Nhiệm vụ của Trưởng Thú y

Trưởng Thú y có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý về công tác thú y tại địa phương; hoàn thành công việc chuyên môn thú y đúng thời hạn và đạt yêu cầu chỉ tiêu theo kế hoạch hàng năm đã được phê duyệt, cụ thể:

a) Theo dõi, phát hiện, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho Ủy ban nhân dân cấp xã và Trạm Thú y cấp huyện.

b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi: tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh; vệ sinh, tiêu độc khử trùng các ổ dịch, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo kế hoạch và hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan thú y cấp trên.

c) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức, thực hiện công tác điều tra thống kê đàn vật nuôi tại địa phương theo quy định của pháp luật, quản lý chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô từ nhỏ trở lên.

d) Giám sát hoạt động hành nghề thú y của các thành viên trong mạng lưới thú y xã; các hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn xã.

đ) Thực hiện các dịch vụ thú y theo quy định về hành nghề thú y và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả hành nghề của mình hoặc của cơ sở do mình phụ trách.

e) Đề xuất với cơ quan cấp trên khen thưởng, kỷ luật đối với các thành viên trong mạng lưới thú y cấp xã theo quy định của pháp luật.

g) Phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các thông tin, pháp luật về thú y, đặc biệt là việc tiêm phòng và những biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác trên đàn vật nuôi.

h) Tổ chức họp định kỳ mạng lưới thú y cấp xã mỗi quý một lần và đột xuất khi cần triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật trên địa bàn quản lý.

i) Tham gia đầy đủ các cuộc họp định kỳ, đột xuất và tập huấn chuyên môn khi được phân công.

k) Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình hành nghề thú y.

2. Quyền lợi của Trưởng Thú y

a) Được Ủy ban nhân dân cấp xã trả phụ cấp bằng hệ số 01 so với mức lương tối thiểu hiện hành (540.000 đồng/tháng).

b) Trong trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra, khi được huy động tham gia công tác chống dịch (xác minh dịch bệnh, tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh; vệ sinh tiêu độc khử trùng các ổ dịch v.v…) tại địa phương sẽ được Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch viêm đường hô hấp do vi rút các xã, phường, thị trấn chấm công và hưởng chế độ thù lao (ngoài phụ cấp hàng tháng) theo hướng dẫn của ngành tài chính.

c) Hàng năm được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ do ngành thú y tổ chức.

d) Được Chi cục Thú y cấp Chứng chỉ hành nghề thú y theo quy định của pháp luật về thú y và được hưởng các thù lao từ lao động kỹ thuật thú y theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền lợi của Thú y viên

1. Nhiệm vụ của Thú y viên

Thú y viên có trách nhiệm giúp Trưởng Thú y tổ chức thực hiện các hoạt động về thú y tại địa phương; hoàn thành công việc chuyên môn đúng thời hạn và đạt chỉ tiêu kế hoạch, cụ thể:

a) Tham gia thực hiện kế hoạch điều tra và tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm tại địa bàn được phân công.

b) Tham gia công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo sự điều động của Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan thú y cấp trên.

c) Theo dõi, ghi chép và báo cáo định kỳ hàng tuần và đột xuất tình hình bệnh gia súc, gia cầm (thông qua hoạt động điều trị) cho Trưởng Thú y để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã.

d) Thực hiện các nhiệm vụ tại điểm đ, g, i, k của khoản 1 Điều 2 của Quy chế này.

2. Quyền lợi của Thú y viên

a) Được Chi cục Thú y cấp Chứng chỉ hành nghề thú y theo quy định của pháp luật về thú y và được hưởng các thù lao từ lao động kỹ thuật thú y theo quy định của Bộ Tài chính.

b) Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra, khi được chính quyền địa phương huy động tham gia công tác chống dịch (xác minh dịch bệnh, tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh; vệ sinh, tiêu độc khử trùng các ổ dịch v.v…) sẽ được Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch viêm đường hô hấp do vi rút các xã, phường, thị trấn chấm công và hưởng chế độ thù lao theo hướng dẫn của ngành tài chính.

c) Hàng năm được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ do ngành thú y tổ chức.

Điều 4. Mối quan hệ giữa Trưởng Thú y với Ủy ban nhân dân cấp xã và Trạm Thú y cấp huyện:

1. Trưởng Thú y có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý về hoạt động thú y tại địa phương; chịu sự quản lý về mặt tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp xã; được Ủy ban nhân dân cấp xã chi trả phụ cấp hàng tháng và hoạt động phí (tiền phụ cấp đi công tác và văn phòng phẩm) để thực hiện nhiệm vụ được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quy chế này.

2. Trưởng Thú y chịu sự chỉ đạo của Trạm Thú y cấp huyện về mặt chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Trong trường hợp Trưởng Thú y cấp xã không thực hiện đúng nhiệm vụ được quy định trong Quy chế này, Trạm Thú y cấp huyện sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã để thống nhất xử lý.

Điều 5. Tổ chức thực hiện Quy chế

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và có trách nhiệm:

- Tổ chức triển khai, thực hiện Quy chế này trên địa bàn phụ trách.

- Chỉ đạo cho Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Trạm Thú y cấp huyện tuyển chọn những người có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn bố trí làm Trưởng Thú y; đồng thời, xây dựng kế hoạch thường xuyên củng cố và nâng chất hoạt động mạng lưới thú y cấp xã;

- Theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện, chi trả phụ cấp và hoạt động phí hàng tháng theo đúng quy định hiện hành để tạo điều kiện cho Trưởng Thú y hoàn thành chức năng nhiệm vụ được phân công;

- Chỉ đạo các ngành chức năng cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xử lý những tổ chức, cá nhân hành nghề nhưng không có Chứng chỉ hành nghề thú y hoặc vi phạm Pháp lệnh Thú y.

2. Chi cục Thú y tỉnh trong phạm vi quyền hạn cho phép có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo các hoạt động mạng lưới thú y cấp xã, cụ thể:

- Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ mạng lưới thú y cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thú y cho mạng lưới thú y cấp xã.

Điều 6. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Trưởng Thú y và các thú y viên trong mạng lưới thú y cấp xã có thành tích trong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được chính quyền địa phương các cấp và ngành thú y khen thưởng theo chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước.

2. Những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được phân công hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.