Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 24 tháng 03 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 04/07/2008 của Bộ Xây dựng V/v Hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo số 37/BC-SXD ngày 11 tháng 3 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, với nội dung sau:

1. Phạm vi nghiên cứu, ranh giới lập quy hoạch:

a) Phạm vi nghiên cứu: Toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Bắc Giang với tổng diện tích tự nhiên là 3.849,71 km2, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1.850.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 679.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 36,7%.

b) Ranh giới lập quy hoạch:

- Phía Bắc: Giáp tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên;

- Phía Nam: Giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh;

- Phía Đông: Giáp tỉnh Quảng Ninh;

- Phía Tây: Giáp Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên.

2. Mục tiêu:

- Xây dựng mô hình phát triển hệ thống đô thị Bắc Giang đến năm 2030 phù hợp với định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia, vùng Thủ đô và điều kiện thực tế của tỉnh để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, thu hút dân cư - lao động, khoa học công nghệ và đầu tư;

- Đề xuất phương án phát triển tổng thể hệ thống đô thị tỉnh Bắc Giang và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ đô thị đến năm 2030;

- Lập kế hoạch phát triển đô thị theo các giai đoạn đến năm 2020 đến năm 2030;

- Xây dựng 3 - 4 đô thị có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh cao, thu hút mạnh mẽ cơ hội đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự tăng trưởng đột phá cho kinh tế toàn tỉnh;

- Hình thành các đô thị mới cho các vùng hiện còn đang thiếu để làm hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cung cấp dịch vụ;

- Xác định chương trình, dự án ưu tiên đầu tư để xây dựng đô thị đạt tiêu chuẩn của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị của Chính phủ;

- Tăng tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt gần mức trung bình và cả nước vào năm 2030.

3. Dự báo phát triển đô thị:

a) Dự báo quy mô dân số:

- Năm 2020 dự báo dân số đô thị của tỉnh Bắc Giang là 376.800 người chiếm 22,3 % dân số toàn tỉnh;

- Năm 2030 dân số đô thị của tỉnh Bắc Giang là 679.000 người chiếm 36,7 % dân số cả tỉnh.

b) Dự báo nhu cầu sử dụng đất đô thị:

- Đến năm 2020 quy mô đất đai quy hoạch xây dựng đô thị cả tỉnh khoảng 3.800 ha;

- Đến năm 2030 quy mô đất đai quy hoạch xây dựng đô thị cả tỉnh khoảng 6.500 ha;

(Quy mô của từng đô thị sẽ được cụ thể hóa tại quy hoạch chung của từng đô thị, phù hợp với tính chất và các giai đoạn phát triển)

4. Định hướng quy hoạch hệ thống đô thị toàn tỉnh:

4.1. Mô hình tổ chức hệ thống đô thị tỉnh Bắc Giang:

Tổ chức hệ thống đô thị tỉnh Bắc Giang theo mô hình phân tán, đa cực gồm đô thị lớn và nhỏ để tạo sự tương đối đều trên toàn lãnh thổ, cụ thể:

- Phát triển đô thị dọc theo các trục hành lang giao thông Quốc gia và đường Tỉnh, các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các vùng phát triển nông - lâm nghiệp hàng hóa tập trung… để tăng cường liên kết giao thương và có động lực phát triển;

- Phân bố đô thị tương đối đồng đều trên toàn lãnh thổ để tạo sự cân bằng trong phát triển và cung cấp dịch vụ, hỗ trợ khu vực nông thôn; là cơ sở cho việc xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần ổn định cuộc sống, hạn chế sự di dân đi các tỉnh khác;

- Lựa chọn đô thị có tiềm năng lợi thế để tập trung đầu tư trở thành đô thị động lực trung tâm của một tiểu vùng, là đầu tàu tăng trưởng kinh tế, nơi thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, tập trung cung ứng và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho khu vực phát triển nông - lâm nghiệp … có tác động lan tỏa kích thích đô thị nhỏ phát triển.

4.2 Định hướng quy hoạch hệ thống đô thị:

a) Giai đoạn đến năm 2020 tổng số đô thị của tỉnh là 21 đô thị, trong đó:

- 01 đô thị loại II: TP, Bắc Giang (nâng cấp từ loại III lên loại II);

- 03 đô thị loại IV: TT.Thắng, Chũ và Đồi Ngô, Nâng cấp từ đô thị loại V lên loại IV;

- 17 đô thị loại V: Trong đó có 13 đô thị hiện có là Neo, Cao THượng, Cầu Gồ, Vôi, Bích Động, Nếnh, An Châu, Thanh Sơn, Tân Dân, Nhã Nam, Bố Hạ, Kép, Lục Nam và 04 đô thị hình thành mới là Mỏ Trạng, Bách Nhẫn, Phương Sơn, Phố Kim.

b) Giai đoạn đến năm 2030 tổng số đô thị tỉnh là 25 đô thị, trong đó:

- 01 đô thị loại I: TP.Bắc Giang, Nâng cấp từ đô thị loại II lên loại I;

- 02 đô thị loại III: Thị xã Hiệp Hòa, Chũ (Nâng cấp từ loại IV lên thị xã loại III);

- 04 đô thị IV: Vôi, Đồi Ngô, Neo, Bích Động (Trong đó nâng cấp thị trấn Vôi, Bích Động, Neo từ đô thị từ loại V lên loại IV);

- 18 đô thị loại V: Trong đó 12 đô thị đã có là An Châu, Cầu Gồ, Cao Thượng, Tân Dân, Bách Nhẫn; Nhã Nam, Bố Hạ, Mỏ Trạng, Kép, Phương Sơn (Phố Sàn), Phố Kim, Thanh Sơn và hình thành mới 06 đô thị mới là Quán Rãnh, Kép II, Tân Sơn, Bỉ, Phố Hóa, Long Sơn.

5. Tổ chức không gian đô thị hóa:

5.1. Các trục giao thông + hành lang kinh tế và đô thị hóa chính:

a) Hàng lang kinh tế và đô thị hóa dọc Quốc lộ 1 + đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn:

Tập trung phát triển và nâng cấp các đô thị dọc tuyến đường, hình thành các đô thị lớn trung tâm tăng trưởng kinh tế có vai trò thúc đẩy kinh tế toàn tỉnh gồm thành phố Bắc Giang, huyện Lạng Giang, huyện Việt Yên. Mở rộng và tăng cường chức năng của các đô thị, xây dựng mạng lưới thương mại dịch vụ - du lịch trên cơ sở hình thành các trung tâm thương mại lớn…

b) Hành lang kinh tế và đô thị hóa dọc Quốc lộ 31:

Tập trung phát triển và nâng cấp các đô thị dọc tuyến đường, hình thành các đô thị trung bình, trung tâm tăng trưởng kinh tế có vai trò thúc đẩy kinh tế tiểu vùng. Xây dựng các đô thị chuyên ngành dịch vụ du lịch - nông - lâm nghiệp, chợ đầu mối nông lâm sản, phân phối sản phẩm nội và ngoại vùng gồm: thị trấn Đồi Ngô, thị xã Chũ, thị trấn Kim…).

c) Hành lang kinh tế và đô thị hóa dọc Quốc lộ 37:

Tập trung phát triển và nâng cấp các đô thị hiện trạng dọc tuyến đường, hình thành các đô thị mới, điểm dịch vụ…là trung tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cung cấp dịch vụ thương mại, tài chính, du lịch, đầu mối giao thông. Có vai trò động lực phát triển kinh tế tiểu vùng. Các đô thị, thị tứ dịch vụ - công nghiệp chính là thị xã Thắng, thị trấn Đồi Ngô, Kép, các thị tứ Hương Sơn, Bảo Sơn.

d) Hàng lang kinh tế và đô thị hóa dọc các đường Tỉnh: 398, 296, 295, 294, 293, 292…

Tập trung phát triển và nâng cấp các đô thị hiện trạng dọc tuyến đường, hình thành các đô thị mới, trung tâm dịch vụ thương mại - nông - lâm - công nghiệp, chợ đầu mối thu mua nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn. Xây dựng các đô thị mới, thị tứ, các khu du lịch lớn gắn với di tích lịch sử, văn hóa tâm linh cảnh quan thiên nhiên đẹp như Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, Khe Rỗ, khu du lịch căn cứ khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám, vùng ATK, du lịch sinh thái Núi Nham Biền…

5.2 Vùng đô thị hóa:

a) Thành phố Bắc Giang và vùng mở rộng:

Phạm vi gồm thành phố Bắc Giang hiện nay và mở rộng ra các xã lân cận thuộc huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang. Đô thị hạt nhân là Thành Phố Bắc Giang hiện nay, các đô thị chức năng gồm: "Đô thị dịch vụ thương mại", "Đô thị trung chuyển hàng hóa", "Đô thị nhà ở sinh thái du lịch và nông nghiệp chất lượng cao".

b) Huyện Việt Yên:

+ Giai đoạn năm 2013-2020: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các khu nhà ở cho công nhân tại thị trấn Bích Động, thị trấn Nếnh. Xây dựng khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ. Trong đó thị trấn Bích Động là đô thị trung tâm tổng hợp huyện Việt Yên; thị trấn Nếnh là đô thị dịch vụ thương mại, công nghiệp, dịch vụ vận tải đường sắt, đường bộ; Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ là đô thị dịch vụ nhà ở công nhân, nhà ở tái định cư…;

+ Giai đoạn 2020 - 2030: Sáp nhập thị trấn Bích Động, thị trấn Nếnh và Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ thành đô thị loại 4, trực thuộc huyện Việt Yên. Tập trung nguồn lực xây dựng trở thành "đô thị động lực", một trung tâm đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế lớn của tỉnh, có chức năng công nghiệp - dịch vụ, thu hút đầu tư trong và ngoài nước;

Xây dựng các Khu đô thị mới Quang Châu có chức năng dịch vụ nhà ở cho công nhân.

c) Huyện Yên Dũng:

+ Thị trấn Neo: Mở rộng không gian về phía Tây, sáp nhập với Khu đô thị - công nghiệp Nhan Sơn - Yên Lư trở thành đô thị loại 4. Có chức năng là trung tâm tăng trưởng kinh tế, động lực phát triển của huyện Yên Dũng - trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa lễ hội;

+ Thị trấn Tân Dân: Là đô thị loại 5 trực thuộc huyện. Có chức năng dịch vụ thương mại - công, nông nghiệp.

d) Huyện Lạng Giang:

+ Thị trấn Vôi: Mở rộng không gian đô thị, xây dựng trở thành đô thị loại 4. Là trung tâm tăng trưởng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Lạng Giang;

+ Thị trấn Kép: Mở rộng không gian đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Là đô thị loại 5 trực thuộc huyện.

e) Huyện Hiệp Hòa:

+ Xây dựng toàn huyện Hiệp Hòa trở thành thị xã trong đó khu vực nội thị là thị trấn Thắng. Có chức năng là trung tâm phát triển công nghiệp - đô thị, địa bàn thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trung tâm tài chính ngân hàng - thương mại dịch vụ - du lịch, trung tâm bán buôn bán lẻ khu vực phía Tây tỉnh Bắc Giang. Trung tâm cung ứng vật tư, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao;

+ Giai đoạn 2013 - 2020: Xây dựng thị trấn Bách Nhẫn;

+ Giai đoạn 2020 - 2030: Xây dựng thị trấn Phố Hoa, khu đô thị Đại Thành; Bảo An. Có chức năng dịch vụ thương mại - công - nông nghiệp và nhà ở cho công nhân.

f) Huyện Tân Yên:

+ Thị trấn Cao Thượng: Đô thị loại 5. Là Trung tâm tổng hợp, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện;

+ Thị trấn Nhã Nam: Mở rộng sáp nhập với xã Nhã Nam. Là đô thị loại 5; Có chức năng dịch vụ - thương mại - du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh, dịch vụ nông - công nghiệp tiểu vùng phía Bắc huyện Tân Yên và phía Nam huyện Yên Thế;

+ Xây dựng mới thị trấn Bỉ giai đoạn 2020 - 2030: Trở thành thị trấn loại 5. Có chức năng là trung tâm tiểu vùng phía Tây Nam huyện Tân Yên và phái Bắc huyện Việt Yên.

g) Huyện Yên Thế:

+ Thị trấn Cầu Gồ: đô thị loại 5. Có chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế tổng hợp của huyện Yên Thế. Trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa lễ hội Yên Thế của tỉnh Bắc Giang;

+ Thị trấn Bố Hạ: Là đô thị loại 5. Có chức năng dịch vụ công nghiệp - thương mại và nông nghiệp;

+ Xây dựng mới thị trấn Mỏ Trạng giai đoạn 2013 - 2020: Trở thành đô thị loại 5. Có chức năng dịch vụ thương mại - nông lâm nghiệp - vận tải phía Bắc huyện.

h) Huyện Lục Nam:

+ Thị trấn Đồi Ngô giai đoạn 2013 - 2020: Mở rộng không gian đô thị. Xây dựng trở thành đô thị loại 4. Có chức năng là trung tâm chính trị, tăng trưởng kinh tế của toàn huyện, trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, điểm dừng chân - dịch vụ du lịch; Giai đoạn 2020 - 2030 sẽ sáp nhập với thị trấn Lục Nam để trở thành một đô lớn;

+ Thị trấn Lục Nam giai đoạn 2020 - 2030: Sáp nhập với thị trấn Đồi Ngô;

+ Xây dựng mới thị trấn Phương Sơn (Phố Sàn) giai đoạn 2013 - 2020: Trở thành đô thị loại 5. Có vai trò là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Tây huyện, là đô thị dịch vụ thương mại - dịch vụ vận tải - dịch vụ nông nghiệp.

i) Huyện Lục Ngạn:

+ Thị xã Chũ giai đoạn năm 2020 - 2030: Nâng cấp từ đô thị loại 4 trở thành thị xã (đô thị loại 3). Có chức năng là trung tâm kinh tế - đầu tàu tăng trưởng cho khu vực phía Đông, trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển nông - lâm nghiệp; Trung tâm tài chính - ngân hàng dịch vụ thương mại, bán buôn bán lẻ, đầu mối phân phối hàng nông - lâm sản quy mô lớn phục vụ thị trường trong và ngoài nước; Trung tâm đào tạo, văn hóa lễ hội - thể thao - dịch vụ du lịch vùng phía Đông tỉnh; Trung tâm cung ứng vật tư nông nghiệp và sản xuất cây ăn quả đặc sản chất lượng cao của cả nước;

- Xây dựng mới thị trấn Phố Kim giai đoạn năm 2013 - 2020: Xây dựng trở thành đô thị loại 5. Có vai trò là đô thị Trung tâm kinh tế - văn hóa - dịch vụ phía Tây huyện Lục Ngạn;

- Xây dựng mới thị trấn Kép Hai giai đoạn năm 2013 - 2020: Xây dựng trở thành đô thị loại 5. Có chức năng là trung tâm huyện lỵ(sau khi Chũ trở thành thị xã) kinh tế tổng hợp, cung cấp dịch vụ và thúc đẩy phát triển nông - lâm nghiệp;

- Xây dựng mới thị trấn Tân Sơn giai đoạn năm 2020 - 2030: Xây dựng thị trấn Tân Sơn trở thành đô thị loại 5. Có vai trò là trung tâm dịch vụ tổng hợp, trong đó nổi trội là dịch vụ du lịch.

k) Huyện Sơn Động:

+ Thị trấn An Châu: Đô thị loại 5. Là Trung tâm chính trị, dịch vụ phát triển nông - lâm nghiệp và du lịch sinh thái, du lịch văn hóa các dân tộc. Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn huyện Sơn Động;

+ Thị trấn Thanh Sơn: Là đô thị loại 5, trung tâm dịch vụ công nghiệp năng lượng, dịch vụ thương mại - nông - lâm nghiệp;

+ Xây dựng mới thị trấn Long Sơn giai đoạn 2020 - 2030: Trở thành đô thị loại 5.

l) Các điểm dân cư tập trung (thị tứ):

Ngoài đô thị, trên địa bàn 9 huyện còn có các thị tứ phát triển dịch vụ thương mại, du lịch nông - lâm nghiệp như: Tân Sỏi, Cổng Châu, Xuân Lương (huyện Yên Thế); Kim Tràng, Quế Nham (huyện Tân Yên); Quỳnh Sơn, Đức Giang, Xuân Phú (huyện Yên Dũng)… sẽ tiến hành lập quy hoạch chung để quản lý.

BẢNG DANH MỤC CÁC ĐÔ THỊ ĐẾN NĂM 2030

STT

Tên đô thị

Quy mô dân số (1000 người)

Quy mô đất đai (ha)

Cấp đô thị

Tính chất đô thị

1

TP Bắc Giang

400

6.677

1

Trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục cấp tỉnh; Đô thị động lực phát triển kinh tế toàn tỉnh - trung tâm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thành phố, vườn, sinh thái.

2

Thị xã Thắng

45

1.378

3

Trung tâm tổng hợp; Đô thị động lực vùng phía Tây tỉnh Bắc Giang

3

Thị xã Chũ

69

2.323

3

Trung tâm tổng hợp; động lực phát triển kinh tế vùng Phía Đông tỉnh Bắc Giang, Dịch vụ hành chính công + dịch vụ thương mại + đào tạo + cung ứng vật tư, chuyển giao công nghệ phát triển nông, lâm công nghiệp + dịch vụ du lịch sinh thái + vườn cây ăn trái.

4

Thị trấn Neo

30

1.147

4

Trung tâm tổng hợp huyện Yên Dũng, dịch vụ vận tải thủy + dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, văn hóa tâm linh

5

Thị trấn Vôi

25

600

4

Trung tâm tổng hợp huyện Lạng Giang, CCN Vôi - Yên Mỹ, 13,2 ha, dịch vụ hành chính công + dịch vụ du lịch + thương mại + đầu mối vận chuyển, phân phối hàng hóa

6

Thị trấn Đồi ngô - Lục Nam

35

955

4

Trung tâm tổng hợp huyện Lục nam, CCN thị trấn 60 ha + CCN Lục Nam 10 ha, dịch vụ thương mại, dịch vụ hành chính công + dịch vụ đào tạo + dịch vụ dừng nghỉ du lịch + đầu mối phân phối hàng hóa + dịch vụ cung ứng vật tư, chuyển giao công nghệ phát triển nông - lâm nghiệp chất lượng cao

7

Thị Trấn Bích Động

57

1.500

4

Thị trấn huyện lỵ, trung tâm tổng hợp, đô thị đối trọng, động lực phát triển kinh tế - xã hội + đô thị cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh

8

Thị trấn Quán Rãnh

8

500

5

Trung tâm kinh tế - văn hóa - dịch vụ thương mại công - nông nghiệp

9

Thị trấn Tân Dân

15

465

5

Dịch vụ - du lịch - nông - công nghiệp huyện Yên Dũng

10

Thị trấn Bách Nhẫn

12

531

5

Hoạt động TT. Thử nghiệm ô tô Việt Nam + công nghiệp sản xuất VLXD + dịch vụ thương mại + nông nghiệp

11

Thị trấn Phố Hoa

10

490

5

Dịch vụ - nông - công nghiệp

12

Thị trấn Cao Thượng

20

824

5

Trung tâm tổng hợp huyện Tân Yên, CCN + dịch vụ hành chính công + dịch vụ thương mại + đào tạo + dịch vụ phát triển nông nghiệp

13

Thị trấn Nhã Nam

15

558

5

Dịch vụ thương mại – du lịch + nông - công nghiệp

14

Thị trấn Bỉ

12

400

5

Dịch vụ thương mại - nông - công nghiệp

15

Thị trấn Cầu Gồ

20

500

5

Trung tâm tổng hợp huyện Yên Thế, CCN Cầu Gồ 20 ha, dịch vụ hành chính công + dịch vụ du lịch văn hóa lễ hội + thương mại + cung ứng vật tư phát triển nông - lâm nghiệp

16

Thị trấn Bố Hạ

14

450

5

Dịch vụ - công nghiệp

17

Thị trấn Mỏ Trạng

10

430

5

Dịch vụ - công nghiệp

18

Thị trấn Kép

10

430

5

Dịch vụ thương mại + đầu mối giao thông + dịch vụ phân phối hàng hóa

19

Thị trấn Phương Sơn

7

370

5

Dịch vụ thương mại + dịch vụ vận tải đường bộ đường sắt + đầu mối phân phối hàng hóa + dịch vụ nông nghiệp

20

Thị trấn Kim

16

620

5

Trung tâm kinh tế - văn hóa - dịch vụ phía Tây H. Lục Ngạn, Dịch vụ thương mại + công, nông, lâm nghiệp; CCN Cầu Đất 50 ha, đầu mối thu mua và phân phối quả vải đặc sản

21

Thị trấn Tân Sơn

6

400

5

Dịch vụ thương mại + du lịch nông, nông lâm nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Cấm Sơn

22

Thị trấn Kép Hai

12,5

505

5

Trung tâm tổng hợp huyện Lục Ngạn, Dịch vụ thương mại + nông, lâm công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác vật liệu xây dựng và may mặc xuất khẩu

23

Thị trấn An Châu

10

430

5

Trung tâm tổng hợp huyện Sơn Động

24

Thị trấn Thanh Sơn

7

370

5

Dịch vụ + công nghiệp

25

Thị trấn Long Sơn

6,5

300

5

Dịch vụ

6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

6.1. Hệ thống giao thông:

a) Giao thông đường bộ:

- Đường quốc lộ: Thực hiện theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tiếp tục đầu tư nâng cấp những tuyến, đoạn tuyến quan trọng đạt tiêu chuẩn đường cấp III, triển khai xây dựng tuyến vành đai V Thủ đô Hà Nội theo tiêu chuẩn đường cao tốc 6-8 làn xe; Xây dựng đường cao tốc qua tỉnh Bắc Giang theo quy hoạch;

- Đường sắt: nâng cấp đường sắt, ga đường sắt;

- Cảng: Đầu tư nâng cao năng lực bốc xếp của cảng hiện có; Xây dựng mới một số cảng trên các tuyến sông Thương, Sông Cầu, Sông Lục Nam;

- Đường tỉnh: Cải tạo nâng cấp, đưa vào cấp các tuyến đường tỉnh. Vùng đồng bằng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV trở lên, miền núi đạt tiêu chuẩn tối thiểu V. Đoạn qua thị trấn thành phố đạt tiêu chuẩn đường đô thị;

- Giao thông đô thị: Phát triển giao thông đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, đảm bảo đất giao thông đô thị đạt 20-25% đất xây dựng đô thị. Trục phố chính đạt quy mô 4 làn xe trở lên; Bố trí đầy đủ công trình phụ trợ, hiện đại và đảm bảo mỹ quan;

- Xây dựng các tuyến đường tránh QL, ĐT đi qua đô thị;

- Bến xe: Toàn tỉnh xây dựng thêm 16 bến xe khách ở các huyện, TP: là TP. Bắc Giang, Yên Thế, Yên Dũng, Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Hiệp Hòa;

Xây dựng 9 bến xe hàng tại các huyện Sơn Động, Yên Thế, Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang, Hiệp Hòa.

6.2 Chuẩn bị kỹ thuật:

- Thực hiện quản lý các cao độ xây dựng khống chế và các trục tiêu chính trong vùng như sông, suối, kênh trục chính để đảm bảo an toàn cho các đô thị và các điểm dân cư, tần suất chống lũ phải phù hợp với cấp đô thị, tính chất khu vực xây dựng.

- Xây dựng đồng bộ, hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải cho các đô thị từ loại I đến loại V. Tùy điều kiện cụ thể của từng đô thị tại giai đoạn lập quy chung sẽ xác định các loại hình thoát riêng, thoát chung hay thoát nửa riêng.

6.3 Cấp nước:

Giải pháp cấp nước sạch cho các đô thị quy hoạch theo mô hình kết hợp vừa tập trung theo cụm đô thị vừa phân tán tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng đô thị, cụ thể:

- TP. Bắc Giang + Tân Dân + các khu công nghiệp và các xã lân cận: Nguồn cấp nước từ nhà máy nước Bắc Giang. Cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước hiện có lên 35.000m3/ng.đ và xây dựng mới nhà máy nước số 2 công suất 25.000m3/ng.đ sử dụng nguồn nước mặt sông Thương. Nâng tổng công suất đợt đầu lên 60.000m3/ngđ, tương lai 100.000m3/ngđ;

- Thị trấn Bích Động + TT. Nếnh + TT. Quán Rãnh và khu vực các xã lân cận: Được cấp nước từ trạm xử lý xây dựng mới, công suất 12.000m3/ngđ, sử dụng nguồn nước sông Cầu; Giai đoạn đầu Thị trấn Bích Động vẫn sử dụng nguồn nước ngầm, công suất trạm xử lý 6.000m3/ngđ;

- Thị trấn Neo, khu du lịch và các xã lân cận: Sử dụng nguồn nước sông Thương, công suất khu xử lý đợt đầu 5.000m3/ngđ, tương lai 12.000m3/ngđ;

- Khu đô thị - công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư và các xã lân cận nằm phía Nam: Được cấp nước từ nhà máy nước phía Tây khu đô thị, sử dụng nguồn nước sông Cầu. Công suất trạm xử lý 5.200m3/ng.đ;

- Thị xã Thắng và các xã lân cận: Sử dụng nguồn nước sông Cầu. Công suất trạm xử lý giai đoạn đầu 10.000m3/ngđ; Tương lai 20.000m3/ngđ;

- Thị trấn Phố Hoa + Thị trấn Bách Nhẫn + Cụm CN Hợp Thịnh + KCN Châu Minh - Mai Đình: Sử dụng nhà máy nước Xuân Cẩm, lấy nguồn nước sông Cầu; Công suất khu xử lý giai đoạn đầu là 5.000m3/ngđ, tương lai nâng công suất lên 20.000m3/ngđ;

- Thị trấn Cầu Gồ + Thị trấn Nhã Nam + Mỏ Trạng và các xã lân cận: Sử dụng nhà máy nước tại xã Tam Tiến, lấy nguồn nước đập sông Sỏi. Công suất trạm xử lý giai đoạn đầu là 5.000m3/ngđ, tương lai 12.000m3/ngđ;

- Thị trấn Cao Thượng + Thị trấn Bỉ: Cấp nước từ nhà máy nước Cao Thượng, lấy nguồn nước sông Thương; Công suất trạm xử lý giai đoạn đầu 6.000m3/ngđ tương lai nâng công suất lên 12.000m3/ngđ;

- Thị trấn Kép và các xã lân cận: Sử dụng chung nhà máy nước, nguồn nước sông Thương; Công suất trạm xử lý giai đoạn đầu 3.000m3/ngđ, tương lai nâng công suất lên 6.000m3/ngđ;

- Thị xã Chũ + Thị trấn Kép Hai: Sử dụng chung nhà máy nước, nguồn nước sông Lục Nam. Công suất trạm xử lý giai đoạn đầu 5.000m3/ngđ, tương lai nâng công suất lên 10.000m3/ngđ;

- Thị trấn Đồi Ngô + Thị trấn Lục Nam + Thị trấn Phương Sơn: Dự kiến sử dụng chung nhà máy nước, nguồn nước sông Lục Nam. Công suất khu xử lý giai đoạn đầu 5.000 m3/ngđ, tương lai công suất lên 10.000 m3/ngđ;

- Các thị trấn Vôi, Bố Hạ, Tân Sơn, An Châu, Thanh Sơn, Long Sơn, sử dụng nhà máy nước riêng cho từng đô thị.

6.4. Cấp điện:

- Nguồn điện: Dự kiến tỉnh Bắc Giang được cấp điện từ nguồn điện tại 02 trạm: trạm 220KV Bắc Giang, hiện tại có công suất 125 MVA, giai đoạn đầu nâng công suất lên 125 + 250 MVA, dài hạn có công suất là 2x250MVA; trạm 220KV Hiệp Hòa công suất đợt đầu (125+250) MVA, giai đoạn dài hạn nâng công suất trạm lên (2x250)MVA.

- Lưới 110KV được phân làm 3 vùng theo 3 vùng phụ tải điện:

+ Vùng phụ tải I: Là vùng phụ tải ở phía Nam thành phố Bắc Giang và 3 huyện Hiệp Hòa, Việt Yên và Yên Dũng. Vùng I là vùng có địa lý thuận lợi tập trung nhiều khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp lớn của tỉnh. HIện tại vùng I tiêu thụ điện năng lớn nhất trong 3 vùng. Vùng I được cấp điện từ 2 trạm 110kv là Đồi Cốc và Đình Trám;

+ Vùng phụ tải II: là vùng phụ tải ở phía Bắc của tỉnh Bắc Giang bao gồm các huyện Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên đây là vùng có mức tăng trưởng điện năng trung bình. Vùng II được cung cấp điện từ trạm 110kV Đồi Cốc và Cầu Gồ;

+ Vùng phụ tài III: Là vùng phụ tải phía Đông của tỉnh Bắc Giang gồm các huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Đây là vùng có địa hình miền núi, chiếm một nửa diện tích của tỉnh. Phụ tải điện tiêu thụ chủ yếu sinh hoạt và chiếu sáng.

Để đảm bảo cung cấp điện cho các huyện và thành phố cần xây dựng cải tạo các trạm 220kV và trạm 110kV như sau:

TT

Danh mục trạm

Hiện trạng MVA

Đợt đầu 2020 MVA

Dài hạn 2030 MVA

A

Trạm 220kV

 

 

 

1

Bắc Giang

125+250

125+250

2x250

2

Hiệp Hòa

 

125+250

2x250

B

Trạm 110kv

 

 

 

1

Đồi Cốc

40+40

2x40

2x40

2

Đình Trám

40+25

40+25

40+63

3

Cầu Gồ

25

2x25

40+25

4

Lục Ngạn

25

25+40

2x40

5

Lục Nam

 

40

2x40

6

Yên Dũng

 

25

2x25

7

Lạng Giang

 

40+25

2x40

8

X.M Hương Sơn

 

25

25

9

Tân Yên

 

40

2x40

10

Đức Thắng

40

40

40+63

11

Song Khê + Nội Hoàng

 

25

2x25

12

Vân Trung

 

25

2x25

13

Quang Châu

 

25

25

14

Sơn Động

 

 

40

15

Nam Thành phố

 

 

40

6.5 Thoát nước thải - vệ sinh môi trường:

a) Thoát nước thải:

- Nước thải sinh hoạt: Nước thải sinh hoạt tại thành phố Bắc Giang, các thị xã, thị trấn phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận;

+ Hệ thống thoát nước riêng: Sẽ áp dụng cho các khu vực xây dựng mới (dây chuyền công nghệ: cống thoát nước → trạm bơm → trạm xử lý nước thải);

+ Hệ thống thoát nước nửa riêng: Sẽ áp dụng cho các khu vực đô thị cũ đã xây dựng hệ thống thoát nước chung (dây chuyền công nghệ: cống thoát nước chung → cống bao → trạm bơm → trạm xử lý nước thải);

- Nước thải công nghiệp: Đối với các Khu, cụm công nghiệp nước thải phải được xử lý 2 lần đạt tiêu chuẩn vệ sinh trước khi xả ra nguồn tiếp nhận; đối với nhà máy xí nghiệp nằm rải rác trong đô thị phải được xử lý cục bộ trong từng nhà máy trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung.

b) Chất thải rắn, vệ sinh môi trường - nghĩa trạng:

* Chất thải rắn, vệ sinh môi trường:

- Xây dựng 3 khu liên hợp xử lý (KXL) chất thải rắn quy mô lớn gồm: KXL Đa Mai, thành phố Bắc Giang; KXL Nham Sơn - Thắng Cương, huyện Yên Dũng và KXL Cao Xá, huyện Tân Yên. Sử dụng công nghệ chế biến phân hữu cơ, tái chế CTR;

- Xây dựng 6 khu xử lý cấp vùng huyện, xử lý cho khu vực đô thị và khu vực nông thôn phụ cận. Sử dụng công nghệ phân loại, lò đốt cho KXL Cao Xá, huyện Tân Yên, Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa và Biên Sơn, huyện Lục Ngạn;

- Xây dựng 10 khu xử lý tập trung của huyện, trong đó có 2 khu xử lý cho cụm xã nông thôn xa các khu các khu xử lý tập trung là Quý Sơn, huyện Lục Ngạn và Đồng Tâm, huyện Hiệp Hòa.

*Nghĩa trang:

- Các nghĩa trang đảm bảo tiêu chuẩn quy định vẫn tiếp tục sử dụng, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong nghĩa trang;

- Các nghĩa trang không đảm bảo tại các đô thị không có khả năng di dời sẽ cải tạo thành công viên nghĩa trang, không tiếp tục sử dụng;

- Các nghĩa trang nhỏ lẻ trong khu vực phát triển mở rộng đô thị sẽ từng bước di chuyển đến nghĩa trang tập trung của đô thị.

7. Các chương trình, dự án thực hiện theo giai đoạn:

a) Các chương trình, dự án thực hiện giai đoạn 2014-2020:

- Xây dựng 11 chương trình phát triển đô thị: Thành phố Bắc Giang, Bích Động, Nếnh, Neo, Thắng, Vôi, Đồi Ngô, Chũ, Tân Dân, Cao Thượng và Nhã Nam;

- Lập quy hoạch chung cho 4 đô thị: Quán Rãnh, Phương Sơn, Bỉ, Tân Sơn;

- Thành lập mới 4 thị trấn: Bách Nhẫn, Mỏ Trạng, Phương Sơn, Kim;

- Lập đề án nâng loại cho 2 đô thị: Thành phố Bắc Giang và thị trấn Đồi Ngô;

- Lập điều chỉnh quy hoạch chung 5 thị trấn: Vôi, Cầu Gồ, An Châu, Thanh Sơn, Lục Nam;

- Lập điều chỉnh địa giới hành chính 6 đô thị: Thị trấn Thắng, Cao Thượng, Nhã Nam, Bố Hạ, Kép, Chũ;

- Nâng cấp các tuyến đường liên kết đô thị với Quốc lộ, Tỉnh lộ và vùng cận;

- Lập quy hoạch chung cho các thị tứ, các điểm dân cư tập trung (Tân Sỏi, Kim Tràng, Đức Giang, Xuân Phú, Dĩnh Trì, Thái Đào, Biển Động…;

- Xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước, cấp điện…

b) Các chương trình, dự án thực hiện giai đoạn 2020 - 2030:

- Xây dựng 12 chương trình phát triển đô thị: Thành phố Bắc Giang, An Châu, Cầu Gồ, Quán Rãnh, Bách Nhẫn, Phố Hoa, Bỉ, Mỏ Trạng, Kép, Phương Sơn, Phố Kim, Thanh Sơn;

- Lập đề án nâng loại cho 6 đô thị: Thành phố Bắc Giang, Bích Động, Thắng, Chũ, Neo, Vôi;

- Lập đề án thành lập thị xã cho 2 đô thị: Thị xã Thắng và Chũ

- Lập điều chỉnh quy hoạch chung cho 22 đô thị: Thành phố Bắc Giang, Bích Động, Cao Thượng, Bố Hạ, Thắng, Neo, Tân Dân, Bách Nhẫn, Phố Hoa, Nhã Nam, Bỉ, Cầu Gồ, Mỏ Trạng, Vôi, Kép, Đồi Ngô, Phương Sơn, Chũ, Kim, An Châu, Thanh Sơn, Tân Sơn;

- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó ưu tiên các đô thị từ loại 4 lên loại 3 và từ loại 5 lên loại 4;

- Lập điều chỉnh địa giới hành chính 5 đô thị: Thành phố Bắc Giang, Bích Động, Neo, Cầu Gồ, Vôi;

- Lập quy hoạch chung cho các thị tứ, các điểm dân cư tập trung (Xuân Lương, Quỳnh Sơn, Phố Giỏ, Đào Mỹ, Bảo Sơn, Biên Sơn…;

- Đầu tư, hoàn thiện các trạm cấp nước đảm bảo 100 % dân số đô thị được cấp nước sạch;

- Hoàn chỉnh các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch.

8. Tổ chức thực hiện:

- Giao Sở Xây dựng công bố quy hoạch, lập quy hoạch chung vùng huyện; Chỉ đạo và đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện các chương trình, các dự án quy hoạch theo Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 được phê duyệt;

- UBND các huyện, thành phố: Rà soát, lập quy hoạch chung cho các đô thị, các khu du lịch, chương trình phát triển đô thị…

9. Các nội dung khác: Theo Tờ trình số 145/TTr-SXD ngày 21 tháng 02 năm 2014 của Sở Xây dựng.

Điều 2. Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND huyện Sơn Động và các cơ quan liên quan công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Lưu: VT, CN.
Bản điện tử:
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh;
+ LĐVP, TH, TKCT,
+ TPKT, XD, VX, KTN

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Thanh Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 139/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Bắc Giang đến năm 2030

  • Số hiệu: 139/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/03/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Lại Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản