Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 846/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 15 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ KHU DÂN CƯ NÔNG THÔN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 124/TT-SXD ngày 16/11/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch xây dựng với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên công trình: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Bình Định đến năm 2020.

2. Mục tiêu quy hoạch:

- Hình thành và phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020;

- Cụ thể hóa các định hướng chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh Bình Định nhằm khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, tổ chức tốt môi sinh đô thị - nông thôn và bảo vệ môi trường tự nhiên, mục tiêu làm cho mỗi đô thị là một hạt nhân phát triển bền vững;

- Phát triển hệ thống các đô thị hạt nhân gắn với các vùng kinh tế của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thúc đẩy phát triển vùng và các ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh;

- Hình thành các đô thị thuộc tỉnh, đô thị huyện lỵ, đô thị chuyên ngành, đô thị mới và các khu dân cư nông thôn tập trung phù hợp với định hướng phát triển đô thị của quốc gia đến năm 2020, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đặc thù của từng vùng.

3. Quan điểm quy hoạch:

- Định hướng phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, sản xuất, phân bố dân cư và lao động của từng vùng trong tỉnh. Mỗi đô thị hoặc khu dân cư nông thôn có một vai trò riêng:

+ Đô thị: Bao gồm thị trấn, thị xã, thành phố đảm nhận vai trò hạt nhân phát triển của một vùng hoặc tiểu vùng;

+ Khu dân cư nông thôn: Là cụm điểm dân cư nông thôn tập trung có quy mô dân số khá lớn đảm nhiệm vai trò trung tâm xã, trung tâm cụm xã.

- Quy hoạch hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn phải đi đôi với quy hoạch xây dựng phát triển đồng bộ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật tỉnh và vùng.

- Xác định các đô thị mới sẽ hình thành đến năm 2020. Xác định hệ thống khu dân cư nông thôn có vai trò tác động phát triển ở nông thôn.

4. Quy mô dân số và đất xây dựng theo các giai đoạn quy hoạch:

4.1. Đến 2010:

Dự báo dân số toàn tỉnh 1,67 triệu người;

Dân số đô thị là : 0,602 triệu người;

Đất xây dựng đô thị là : 7430 ha;

Tỷ lệ đô thị hóa : 35% - 36%.

4.2. Đến 2020:

Dự báo dân số toàn tỉnh 1,95 triệu người;

Dân số đô thị là : 1,008 triệu người;

Đất đô thị là : 11.575 ha;

Tỷ lệ đô thị hóa : 52%.

5. Định hướng phát triển không gian hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn:

5.1. Đô thị:

- Quy Nhơn là đô thị cấp vùng, là hạt nhân phát triển của cụm các đô thị phía Nam tỉnh bao gồm các đô thị hiện trạng và phát triển các đô thị hình thành mới;

- Phát triển các đô thị theo Quốc lộ 1A thuộc vùng đồng bằng ven biển và Quốc lộ 19 theo hướng mở rộng các đô thị hiện hữu, hình thành mới các đô thị ở vùng đông dân cư;

- Phát triển các đô thị khu vực trung du và miền núi theo hướng nâng cấp, chỉnh trang mở rộng đô thị hiện hữu.

5.2. Khu dân cư nông thôn:

- Định hướng xây dựng và cải tạo chỉnh trang trung tâm các xã đồng bằng theo tiêu chuẩn đô thị Thị tứ;

- Tiếp tục phát triển trung tâm cụm xã ở miền núi theo tiêu chuẩn đô thị Thị tứ.

6. Quy hoạch hệ thống các đô thị thuộc tỉnh đến 2020:

6.1. Hệ thống đô thị thuộc tỉnh: Giai đoạn 2010 toàn tỉnh có 19 đô thị, đến năm 2020 toàn tỉnh có 25 đô thị.

6.2. Phân loại, phân cấp đô thị:

- Đô thị cấp vùng là đô thị loại I: Thành phố Quy Nhơn;

- Đô thị cấp tỉnh là đô thị loại IV: Các thị xã Bình Định, Bồng Sơn, Phú Phong;

- Đô thị chuyên ngành là đô thị loại IV: Thị xã Cát Tiến;

- 10 đô thị loại V là thị trấn huyện lỵ: Các thị trấn Ngô Mây, Phù Mỹ, Tam Quan, Nhơn Tân, Tây Bình, Tuy Phước, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Vân Canh và Vĩnh Thạnh;

- 10 đô thị trung tâm tiểu vùng là các thị trấn Gò Bồi, Phước Lộc, Đồng Phó, An Thái, Gò Loi, Xuân Phong, Cát Khánh, An Lương, Bình Dương và Chợ Gồm.

6.3. Bảng danh mục quy hoạch hệ thống các đô thị tỉnh Bình Định đến 2020:

TT

Danh mục

Hiện trạng (2005)

Quy hoạch đến năm 2020

Phân loại đô thị

Dân số

(người)

DT đất XD

(ha)

Phân loại đô thị

Dân số

(người)

Diện tích đất XD (ha)

 

Tổng dân số toàn tỉnh

 

1.562.400

 

 

1.950.000

 

 

Tỷ lệ đô thị hóa (%)

 

25

 

 

52

 

 

Số lượng đô thị

14

 

 

25

 

 

 

Quy mô dân số, đất xây dựng đô thị

 

392.527

4.743

 

1.008.000

11.575

A

Đô thị cấp vùng + tỉnh (số lượng)

1

 

 

1

 

 

1

Thành phố Quy Nhơn (Thị trấn Diêu Trì nhập vào nội thành )

II

234.269

3.025

I

520.000

6.000

B

Đô thị cấp tỉnh + chuyên ngành (số lượng)

0

 

 

4

 

 

2

Đô thị Bình Định

V (t.trấn)

18.022

190

IV

(thị xã)

100.000

1.000

3

Đô thị Bồng Sơn

V (t.trấn)

20.223

245

IV

(thị xã)

85.000

800

4

Đô thị Phú Phong

V (t.trấn)

13.930

140

IV

(thị xã)

50.000

600

5

Đô thị Cát Tiến

(**)

0

0

IV

(thị xã)

50.000

500

C

Đô thị là thị trấn huyện lỵ (số lượng)

9

 

 

10

 

 

 

Huyện Hoài Nhơn

Hiện tại huyện lỵ là thị trấn Bồng Sơn, quy hoạch Bồng Sơn là thị xã thuộc tỉnh

6

Thị trấn Tam Quan

V

12.349

124

V

20.000

250

 

Huyện An Lão

Hiện tại huyện lỵ chưa đạt tiêu chuẩn là thị trấn

7

Thị trấn An Lão (An Trung)

(**)

0

0

V

8.000

120

 

Huyện Hoài Ân

 

 

 

 

 

 

8

Thị trấn Tăng Bạt Hổ

V

7.699

85

V

10.500

130

 

Huyện Vĩnh Thạnh

 

 

 

 

 

 

9

Thị trấn Vĩnh Thạnh

V

5.874

60

V

8.000

100

 

Huyện Phù Mỹ

 

 

 

 

 

 

10

Thị trấn Phù Mỹ

V

12.355

130

V

20.000

250

 

Huyện Phù Cát

 

 

 

 

 

 

11

Thị trấn Ngô Mây

V

11.776

124

V

25.000

300

 

Huyện Tuy Phước

 

 

 

 

 

 

12

Thị trấn Tuy Phước

V

13.074

170

V

20.000

250

 

Huyện An Nhơn

Hiện tại huyện lỵ là thị trấn Bình Định, quy hoạch Bình Định + Đập Đá là thị xã thuộc tỉnh

13

Thị trấn Nhơn Tân

(**)

0

0

V

10.000

120

 

Huyện Tây Sơn

Hiện tại là thị trấn Phú Phong, 2015 quy hoạch thành thị xã thuộc tỉnh

14

Thị trấn Mỹ Yên (xã Tây Bình)

(**)

0

0

V

10.000

120

 

Huyện Vân Canh

 

 

 

 

 

 

15

Thị trấn Vân Canh

V

5.479

55

V

10.000

120

D

Đô thị chuyên ngành (số lượng)

1

 

 

10

 

 

16

Thị trấn Xuân Phong (An Hòa - Huyện An Lão)

(**)

0

 

V

4.000

60

17

Thị trấn Gò Loi (Ân Tường Tây - Huyện Hoài Ân)

(**)

0

 

V

5.000

75

18

Thị trấn Bình Dương (Huyện Phù Mỹ)

V

5.742

60

V

12.000

150

19

Thị trấn An Lương (Mỹ Chánh - Huyện Phù Mỹ)

(**)

0

0

V

4.000

60

20

Thị trấn Chợ Gồm (Cát Hanh - Huyện Phù Cát)

(**)

0

0

V

7.000

105

21

Thị trấn Cát Khánh (Đề gi - Huyện Phù Cát )

(**)

0

0

V

7.500

105

22

Thị trấn Gò Bồi (Phước Hoà - Huyện Tuy Phước)

(**)

0

0

V

6.000

105

23

Thị trấn Phước Lộc (Phước Lộc - Huyện Tuy Phước)

(**)

0

0

V

6.000

105

24

Thị trấn An Thái (Nhơn Phúc - Huyện An Nhơn)

(**)

0

0

V

5.000

75

25

Thị trấn Đồng Phó (Huyện Tây Sơn)

(**)

0

0

V

5.000

75

 

Thị trấn Diêu Trì (Huyện Tuy Phước)

V

12.723

135

Sau 2010 nhập về thành phố Quy Nhơn

 

Thị trấn Đập Đá (Huyện An Nhơn)

V

19.012

200

Trước 2010 nhập về thị xã Bình Định

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: (**) Thị trấn chưa thành lập.

7. Khu dân cư nông thôn tập trung (thị tứ, trung tâm cụm xã, trung tâm xã):

Về cơ bản ổn định các khu dân cư nông thôn hiện có, một số khu vực đặc biệt do cần phải thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, sẽ phải giải tỏa di dời dân cư đến các khu ở mới, các khu tái định cư kết hợp với việc xây dựng các trung tâm xã hoặc trung tâm cụm xã.

Hiện nay toàn tỉnh có 10 trung tâm cụm xã đã và đang được đầu tư xây dựng, định hướng đến năm 2020 mỗi trung tâm xã và trung tâm cụm xã phát triển đạt tiêu chuẩn thị tứ. Tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực nông thôn, ưu tiên các chương trình phát triển những khu dân cư tập trung: Xây dựng khu dân cư theo mô hình vùng chuyên canh, khu vực khai khoáng và chế biến, v.v...; phát triển các trung tâm xã và cụm xã theo hướng trung tâm dịch vụ sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp chế biến.

8. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn:

8.1. Hệ thống giao thông:

Đường hàng không: Đến năm 2010 tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sân bay Phù Cát; sau năm 2010, thực hiện nâng cấp hạng sân bay hiện có và mở rộng tuyến bay.

Đường sắt: Nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch ngành đường sắt đến 2020. Nâng cấp và mở rộng ga Diêu Trì, ga chính của tỉnh và một phần phục vụ các tỉnh Tây Nguyên. Đề nghị ga Bồng Sơn trở thành ga hành khách tuyến Bắc - Nam.

Đường thủy: Tiếp tục nâng cấp cải tạo Cảng Quy Nhơn đạt công suất lớn nhất 4 triệu tấn/năm, Cảng Thị Nại nâng cấp cải tạo đạt công suất 0,8 - 1,0 triệu tấn/năm, Cảng Nhơn Hội xây dựng mới, công suất thiết kế 11,5 - 12 triệu tấn/năm. Đầu tư, nâng cấp Cảng Tam Quan, Cảng Đề Gi với chức năng là cảng tổng hợp, gắn kết đầu mối của cơ sở sản xuất phục vụ khai thác và nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, thương mại.

Đường bộ: Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định theo định hướng chiến lược của Bộ Giao thông vận tải. Nâng cấp và cải tạo đoạn tuyến QL1A, QL1D, QL19 đạt cấp II, III đồng bằng. Xây dựng và nâng cấp trục giao thông đường bộ phía Tây của tỉnh đạt cấp IV đồng bằng. Nâng cấp tuyến ven biển ĐT639 (Nhơn Hội - Tam Quan) lên cấp III đồng bằng.

8.2. Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật:

Giải pháp về san nền:

Đối với vùng đất đồi núi, khi xây dựng các công trình ven sườn đồi, ven núi phải san nền cục bộ giật cấp từng công trình, còn sân vườn để nguyên địa hình tự nhiên, tránh đào đắp nhiều gây sạt lở và tốn kém kinh phí.

Đối với vùng đất thấp, hay bị ngập lụt khi xây dựng các công trình cần phải chọn cao độ nền xây dựng cho phù hợp với từng đô thị khu dân cư nông thôn để đảm bảo không bị ngập úng, cụ thể:

- Các thành phố, thị xã, khu dân cư, khu công nghiệp chọn cao độ nền xây dựng có tần suất ngập lụt P ≥ 1%. Khu công viên cây xanh P ≥ 5 - 10%;

- Thị trấn, trung tâm cụm xã chọn cao độ nền xây dựng có tần suất ngập lụt P ≥ 10%;

- Cụm dân cư tập trung chọn cao độ nền lớn hơn cao độ ngập lũ hàng năm.

Giải pháp về thoát nước:

Sử dụng hệ thống thoát nước hoạt động theo chế độ tự chảy trên cơ sở của độ dốc nền tự nhiên. Giai đoạn đầu sử dụng hệ thống thoát nước chung nước mưa và nước bẩn, giai đoạn sau tùy theo tính chất và sự phát triển của mỗi đô thị có thể tách riêng hoặc vẫn sử dụng chung.

Hệ thống thoát nước, tùy thuộc vào loại cấp đô thị để chọn hệ thống thoát nước chung hoặc thoát nước riêng hay nửa chung nửa riêng.

Đối với các thành phố, thị xã: Ở khu trung tâm cũ, xây dựng hệ thống thoát nước chung một nửa, cuối miệng xả có cống bao nước bẩn dẫn vào trạm xử lý trước khi xả ra sông. Ở khu vực xây dựng mới và khu công nghiệp tập trung, xây dựng cống thoát nước riêng hoàn toàn.

Đối với các thị trấn: Đợt đầu xây dựng hệ thống thoát nước chung, dài hạn xây dựng hệ thống thoát nước chung một nửa, có cống bao nước bẩn.

8.3. Quy hoạch cấp nước:

Nhu cầu dùng nước:

Đô thị : Năm 2010: 195.000 m3/ngđ, năm 2020 : 372.000 m3/ngđ.

Nông thôn: Năm 2010: 56.000 m3/ngđ, năm 2020 : 80.000 m3/ngđ.

Nguồn nước: Sử dụng nước mặt và nước ngầm: Sông Côn, sông Hà Thanh, sông Lại Giang, sông La Tinh...

Đối với hệ thống cấp nước dân cư nông thôn, sử dụng hình thức cấp nước tập trung vừa và nhỏ, nước tự chảy và các giếng khoan, giếng đào đúng quy cách kỹ thuật.

8.4. Quy hoạch cấp điện:

Tổng phụ tải điện toàn tỉnh: Dự báo đến năm 2010 là 640MW, đến năm 2020 là 1200MW.

Nguồn điện:

Đến năm 2020 ngoài các nguồn hiện có là trạm 220KV Phú Tài có công suất đã được nâng thành 125 + 250MW cấp điện thông qua hệ thống đường dây 110KV, nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn có công suất 66MW cấp lên lưới 110KV. Phụ tải điện của toàn tỉnh còn được cấp bởi các nguồn sau:

- Nhà máy thủy điện An Khê - Kanăk;

- Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ;

- Nhà máy phong điện tại bán đảo Phương Mai có công suất 36MW;

- Các nguồn thủy điện vừa và nhỏ, các hệ thống cấp điện sử dụng năng lượng mặt trời.

Trạm điện và lưới điện: Theo quy hoạch ngành điện đã được phê duyệt.

8.5. Quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

Bảo vệ môi trường: Tất cả các đô thị phải có chương trình kiểm soát, giám sát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, các chất thải gây ô nhiễm phải được xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường tự nhiên.

Hướng giải quyết thoát nước thải:

Thành phố Quy Nhơn: Xây dựng hệ thống thoát nước hỗn hợp (dự án đang được triển khai). Khu trung tâm thành phố cũ xây dựng hệ thống thoát nước chung một nửa (hệ thống cống bao). Toàn bộ nước thải tập trung về các trạm làm sạch để xử lý. Khu vực xây dựng mới (thành phố mở rộng) xây dựng hệ thống nước thải riêng. Toàn bộ nước thải tập trung về các trạm làm sạch để xử lý.

Các khu, cụm công nghiệp: Nước thải được xử lý đạt TCVN mới được thải vào môi trường tự nhiên.

Các khu dân cư nông thôn:

Các thị tứ, cụm dân cư tập trung xây dựng hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước thải). Toàn bộ nước thải phải được xử lý trong các bể tự hoại trước khi xả ra hệ thống cống chung.

Các khu dân cư sống phân tán, rải rác kiểu nhà vườn, vận động nhân dân xây dựng nhà vệ sinh tự thấm, dội nước và 2 ngăn hợp vệ sinh.

Vệ sinh môi trường:

Chất thải rắn: Hiện trạng và dự kiến có 3 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng liên đô thị, cụ thể như sau: Khu xử lý Long Mỹ (dự án đã được phê duyệt), khu xử lý phía Nam núi Bà, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát có quy mô 70ha, khu xử lý thuộc khu vực núi Tách Bờ, huyện Hoài Nhơn có quy mô 30ha.

Các đô thị khác (thuộc các thị trấn huyện lỵ) mỗi thị trấn và các xã lân cận xây dựng 01 khu xử lý riêng. Vị trí các khu xử lý như các huyện đã dự kiến. Công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh. Khuyến khích quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn cho nhiều đô thị và khu dân cư nông thôn.

Nghĩa địa: Dự kiến xây dựng 2 nghĩa địa có công nghệ hỏa táng cấp vùng phục vụ cho dân cư trong toàn tỉnh bao gồm:

- Phía Bắc xây dựng khu hỏa táng ở Bồng Sơn;

- Phía Nam xây dựng khu hỏa táng ở khu vực suối Trầu, thành phố Quy Nhơn.

Các đô thị lớn cấp thành phố và thị xã hạn chế sử dụng quỹ đất cho nghĩa địa theo hình thức địa táng, khuyến khích đầu tư các khu cải táng và hỏa táng.

Các đô thị khác có thể xây dựng nghĩa địa riêng nếu có đủ điều kiện, khuyến khích xây dựng các nghĩa địa liên vùng phục vụ chung cho các đô thị và khu dân cư nông thôn.

9. Chính sách và biện pháp thực hiện quy hoạch:

9.1. Chính sách về quản lý đô thị:

Hoàn chỉnh phân cấp, phân loại hệ thống đô thị của tỉnh, để từ đó đề ra chính sách điều hòa tăng trưởng các loại đô thị, chính sách ưu tiên phát triển đô thị nhỏ, phát triển đô thị mới, khu kinh tế, ...

Cụ thể hóa việc thực hiện các Nghị định của Chính phủ về việc xử lý các tồn tại và lập trật tự kỷ cương trong quản lý xây dựng.

Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ quản lý đô thị, đặc biệt tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, cán bộ có chuyên môn cao trong các ngành mũi nhọn: Công nghệ thông tin, công nghiệp, du lịch, dịch vụ v.v...

9.2. Chính sách tạo nguồn thu cho đô thị:

Các đô thị cần nâng cao năng lực tài chính của mình để có thể dần tự cân đối ngân sách, do vậy cần tăng nguồn thu tại địa phương, thay thế dần nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, khuyến khích phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn đô thị.

9.3. Chính sách tạo nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị:

Thực hiện chính sách xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khuyến khích sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân và của tất cả mọi thành phần kinh tế ở tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, đặc biệt là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ công cộng.

Huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước bằng các biện pháp phát triển các dự án phát triển đất đô thị, đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng hoặc xây dựng nhà để bán. Khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà ở, cơ sở hạ tầng và công trình dịch vụ công cộng, vv... thông qua các hình thức BOT, BO.

Ưu tiên việc sử dụng vốn ODA, WB, ADB để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đô thị và vùng.

Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở khu dân cư nông thôn; khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư phát triển các khu nhà ở mới; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn.

Thực hiện chính sách phát triển khu dân cư nông thôn.

9.4. Biện pháp thực hiện:

- Sau khi phê duyệt phải công bố rộng rãi và phổ biến quy hoạch này đến từng cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ban, ngành và nhân dân trong tỉnh để thực hiện.

- Thực hiện phân loại, phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng, phân rõ chức năng, nhiệm vụ từng cấp chính quyền, các thành phần trong xã hội trong phát triển xây dựng đô thị và các khu dân cư nông thôn.

- Lập các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng, lập các dự án xây dựng các khu đô thị, các khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư nông thôn tập trung trên phạm vi toàn tỉnh để làm căn cứ pháp lý trong việc quản lý và chỉ đạo xây dựng.

- Xây dựng các chương trình hành động thực hiện quy hoạch:

+ Chương trình 1: Nâng cao hiệu lực quản lý quy hoạch đô thị, hiệu quả quản lý sử dụng đất và phát triển đất đô thị. Đảm bảo trật tự kỷ cương trong xây dựng ở đô thị. Đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị;

+ Chương trình 2: Tổ chức quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản ở đô thị, hình thành và phát triển từng bước thị trường bất động sản theo định hướng của quốc gia;

+ Chương trình 3: Quy hoạch xây dựng tất cả các trung tâm xã, thị tứ, trung tâm cụm xã làm cơ sở cho chỉ đạo phát triển;

+ Chương trình 4: Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã trong xây dựng và phát triển khu dân cư nông thôn.

Điều 2. Quyết định này làm căn cứ để quy hoạch xây dựng hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Bình Định đến năm 2020.

Mọi sự thay đổi về nội dung quy hoạch phải thông qua Sở Xây dựng thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt mới được thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Vũ Hoàng Hà

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 846/QĐ-UBND năm 2006 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Bình Định đến năm 2020

  • Số hiệu: 846/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/12/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Vũ Hoàng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản