Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/2002/QĐ-BQP

Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÀ TANG LỄ SỐ 5 TRẦN THÁNH TÔNG, HÀ NỘI

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

- Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12/11/1996;

- Căn cứ Nghị định số 41/CP ngày 5 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Quốc phòng;

- Căn cứ Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần;

- Căn cứ vào Quyết định số 34/2002/QĐ-TTg ngày 20 tháng 2 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng và quản lý Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội;

- Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Tư lệnh Quân khu Thủ đô, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG




Thượng tướng Phạm Văn Trà

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÀ TANG LỄ SỐ 5 TRẦN THÁNH TÔNG, HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 138/2002/QĐ-BQP ngày 25 tháng 9 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh:

Quy chế này quy định việc quản lý và sử dụng Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (sau đây viết tắt là Nhà tang lễ); quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Nhà tang lễ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc quản lý và sử dụng Nhà tang lễ.

Điều 2. Nguyên tắc sử dụng Nhà tang lễ

Việc sử dụng Nhà tang lễ để tổ chức lễ tang phải đúng đối tượng theo quy định tại Quyết định số 34/2002/QĐ-TTg ngày 20/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quyết định số 34/2002/QĐ-TTg) và Quy chế về tổ chức lễ tang trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Lễ tang cần được tổ chức trang nghiêm, phù hợp với truyền thống dân tộc, nếp sống văn minh, đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Điều 3. Thứ tự ưu tiên khi sử dụng Nhà tang lễ

1. Lễ Quốc tang;

2. Lễ tang cấp Nhà nước;

3. Lễ tang đối với cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và đoàn thể theo quy định tại mục III, IV, V, VI (Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 34/2002/QĐ-TTg).

4. Lễ tang đối với cán bộ, sĩ quan quân đội hy sinh từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (sau đây viết tắt là BVTƯQĐ 108)

Điều 4. Nhà tang lễ bao gồm các hạng mục sau

1. Nhà tang lễ chính, nhà chờ số 1, số 2;

2. Nhà làm việc của Ban quản lý Nhà tang lễ, cổng, sân, đường, tường bao...;

3. Nhà bảo quản thi hài thuộc khoa giải phẫu bệnh lý BVTƯQĐ 108;

4. Trang thiết bị kỹ thuật được biên chế và các doanh dụng cụ phục vụ cho Nhà tang lễ;

5. Đường dây, trạm biến áp hạ thế;

6. Xe tang (xe chở thi hài).

Điều 5. Việc sử dụng Nhà tang lễ

Việc sử dụng xe tăng lễ, trang trí lễ đài và sử dụng cơ sở vật chất của Nhà tang lễ trong tổ chức các loại lễ tang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 62/2001/NĐ-CP.

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ TỔ CHỨC BIÊN CHẾ CỦA BAN QUẢN LÝ NHÀ TANG LỄ

Điều 6. Chức năng của Ban quản lý Nhà tang lễ

Ban quản lý Nhà tang lễ là đơn vị hoạt động sự nghiệp trực thuộc BVTƯQĐ 108, có chức năng quản lý và sử dụng Nhà tang lễ theo đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Nhiệm vụ của Ban quản lý Nhà tang lễ

1. Tổ chức bảo đảm và phục vụ lễ tang tại Nhà tang lễ;

2. Trực tiếp quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của Nhà tang lễ theo Quyết định của Giám đốc BVTƯQĐ 108;

3. Phối hợp với Khoa giải phẫu bệnh lý BVTƯQĐ 108 tiếp nhận, bảo quản và khâm liệm thi hài của người hy sinh, từ trần đúng đối tượng theo quy định tại Quyết định 34/2002/QĐ-TTg;

4. Làm công tác chuẩn bị cho buổi lễ tang; vận hành các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho lễ tang; đảm bảo xe tang (trừ Quốc tang và lễ tang cấp Nhà nước);

5. Xếp lịch tổ chức lễ tang; hợp đồng với các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo cho lễ tang, Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng trong việc quản lý và sử dụng Nhà tang lễ.

6. Đăng ký, quản lý, lưu trữ danh sách và hồ sơ đối tượng tổ chức lễ tang của Nhà tang lễ.

Điều 8. quyền hạn của Ban quản lý Nhà tang lễ

1. Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức và gia đình có người hy sinh, từ trần khi sử dụng Nhà tang lễ thực hiện đúng đối tượng, đúng quy định.

2. Quan hệ với các cơ quan trong và ngoài quân đội để thực hiện nhiệm vụ được giao;

3. Được đăng ký và sử dụng con dấu riêng của Ban Quản lý Nhà tang lễ trong quan hệ, giao dịch công tác.

Điều 9. Mối quan hệ công tác của Ban quản lý Nhà tang lễ

1. Chịu sự chỉ huy trực tiếp của Ban Giám đốc BVTWQĐ 108;

2. Đối với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng có liên quan là quan hệ chỉ đạo và chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ;

3. Đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức và gia đình có người hy sinh, từ trần khi sử dụng Nhà tang lễ là quan hệ phối hợp, hiệp đồng trong phục vụ lễ tang.

Điều 10. Tổ chức, biên chế của Ban quản lý Nhà tang lễ

1. Ban Quản lý Nhà tang lễ có Trưởng Ban và một số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, Hạ sĩ quan, chiến sĩ.

2. Biên chế cụ thể của Ban quản lý Nhà tang lễ do Bộ Tổng Tham mưu quy định.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Đối với các cơ quan, tổ chức và gia đình có người hy sinh, từ trần

1. Thực hiện đúng đối tượng theo quy định tại Quyết định số 34/2002/QĐ-TTg;

2. Thống nhất với Ban Quản lý Nhà tang lễ về kế hoạch tổ chức lễ tang; hợp đồng cụ thể các nội dung phục vụ tổ chức lễ tan do Ban Quản lý Nhà tang lễ đảm nhiệm;

3. Thực hiện đúng quy định khi sử dụng Nhà tang lễ.

Điều 12. Đối với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

1. Trực tiếp quản lý toàn bộ Nhà tang lễ gồm: Các hạng mục quy định tại Điều 4 Quy chế này; hồ sơ, tài liệu về đất đai, về đầu tư xây dựng và hồ sơ tài liệu khác có liên quan đến Nhà tang lễ; định kỳ kiểm kê và kiểm tra, sửa chữa những hư hỏng về trang thiết bị kỹ thuật của Nhà tang lễ.

2. Chỉ huy trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với Ban quản lý Nhà tang lễ; soạn thảo trình Bộ ban hành chế độ làm việc của Ban quản lý Nhà tang lễ và thủ tục hợp đồng khi sử dụng Nhà tang lễ.

3. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với Ban quản lý Nhà tang lễ phục vụ và đảm bảo lễ tang theo nhiệm vụ được giao.

Điều 13. Đối với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng

1. Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm chủ trì soạn thảo và trình Bộ Quốc phòng ban hành hướng dẫn về nghi thức tổ chức lễ tang đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 3 Quy chế này; giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị tham gia phục vụ lễ Quốc tang, lễ tang cấp Nhà nước theo phân công của Ban lễ tang Nhà nước; quy định về biên chế của Ban Quản lý Nhà tang lễ; đảm bảo và trang bị cho Nhà tang lễ.

2. Tổng cục Chính trị có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động của Nhà tang lễ đảm bảo việc thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 34/2002/QĐ-TTg và Quy chế của Bộ Quốc phòng;

3. Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng có liên quan: (Cục Chính sách/TCCT. Cục Cán bộ/TCCT, Cục Bảo vệ An ninh/TCCT, Cục Quân y/TCHC, Cục Tài chính/BQP, Cục Quân huấn/BTTM...) theo phạm vi nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện để Nhà tang lễ hoạt động có hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Điều 14. Đối với Quân khu Thủ đô

Quân khu Thủ đô chịu trách nhiệm bảo đảm lực lượng, phương tiện phục vụ lễ tang theo hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Nhà tang lễ

1. Kinh phí điện, nước, xăng dầu; kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ Nhà tang lễ do BVTWQĐ 108 lập dự toán trong kinh phí thường xuyên hàng năm của Bộ Quốc phòng.

2. Tiền mai táng (quan tài, đồ phục vụ khâm liệm,...) thực hiện theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Chi phí phục vụ lễ tang của đối tượng từng cấp thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung Quy chế, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan phản ánh về Tổng cục Chính trị để đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 138/2002/QĐ-BQP về Quy chế quản lý và sử dụng Nhà tang lễ số 5 Trần Nhân Tông, Hà Nội do Bộ Quốc phòng

  • Số hiệu: 138/2002/QĐ-BQP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/09/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phạm Văn Trà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/10/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản