Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1378/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 01 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: NÂNG CẤP VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THỦY LỢI, KHAI THÁC NGUỒN NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT VÀ SINH HOẠT CỦA NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025);

Thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 của Tỉnh ủy về việc ban hành Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025;

Thực hiện Kết luận số 357-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 86/TTr-SNN-TL ngày 04/7/2022,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án: Nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, với các nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu

- Bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Công suất cấp nước đạt khoảng 365.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đạt khoảng 559.800m3/ngày đêm giai đoạn 2026-2030.

- Mở rộng các tuyến ống truyền tải cấp nước trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành các khu vực cấp nước liên huyện, các nhà máy trong cùng một khu vực có thể bổ sung, hỗ trợ để cấp nước an toàn liên tục, kết nối vùng.

II. Nhiệm vụ

- Đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, tạo nguồn và công trình cấp nước đảm bảo cho phát triển các ngành kinh tế xã hội trên toàn tỉnh đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Giai đoạn 2021-2025 hướng đến ổn định dân cư vùng biên giới, vùng thiên tai nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng; chống biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Đề xuất đầu tư các công trình nhằm đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cây trồng cạn, phục vụ trồng trọt và phát triển tiểu thủ công nghiệp địa phương, các vùng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, vùng chuyên canh, cho các vùng hạn hán, khó khăn trong cấp nước; nước sinh hoạt cho nông thôn, cải tạo tiểu khí hậu, môi trường sinh thái; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Đảm bảo cho công tác cấp nước phát triển công nghiệp; cấp nước cho khu kinh tế, khu thương mại - dịch vụ - công nghiệp trên địa bàn tỉnh; cấp nước cho khu đô thị và khu dân cư tập trung.

- Ưu tiên tạo nguồn và xây dựng phương án cấp nước cho các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 16/12/2019 và Nghị quyết 20/NQ-HĐND ngày 13/7/2020. Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

III. Giải pháp

1. Giải pháp công trình

1.1. Công trình thủy lợi

- Giai đoạn 2021 - 2025: Đầu tư xây dựng mới 12 dự án thủy lợi (trong đó 08 dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua bố trí vốn trong giai đoạn đầu tư công trung hạn và 04 dự án từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn vay ADB đã được chấp thuận và đang triển khai thực hiện.

- Giai đoạn 2026 - 2030: Đầu tư xây dựng mới 06 dự án và 17 công trình sửa chữa để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả công trình. Đề xuất vốn từ Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn hợp pháp khác.

1.2. Công trình cấp nước

a) Công trình cấp nước cho các khu đô thị, công nghiệp, cụm dân cư:

- Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của tỉnh giai đoạn 2021-2025 cần duy trì, đầu tư mới và nâng công suất 19 công trình nhà máy nước chính với tổng công suất thiết kế 473.400m3/ngày.đêm; công suất cấp nước thực đạt khoảng 365.000 m3/ngày.đêm.

- Đến giai đoạn 2025-2030, nâng công suất tổng thiết kế lên 722.900m3/ngày.đêm, công suất cấp nước thực đạt khoảng 559.800m3/ngày.đêm. Đồng thời, đấu nối mở rộng các tuyến ống của các nhà máy nước hiện hữu.

- Các tuyến ống truyền tải cấp nước chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước: Hướng tới năm 2025, 2030 khi các tuyến ống truyền tải cấp nước chính được đầu tư, sẽ hình thành các khu vực cấp nước liên huyện, các nhà máy trong cùng một khu vực có thể bổ sung cho nhau để đảm bảo cấp nước an toàn liên tục, kết nối vùng theo Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư mới và phát triển các nhà máy cấp nước trọng điểm là Nhà máy nước Chơn Thành 180.000 m3/ngày.đêm và Nhà máy nước Nha Bích 180.000m3/ngày.đêm; Nhà máy nước Tân Hiệp; Nhà máy nước hồ Cần Đơn; Nhà máy nước Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư; Nhà máy nước Phước Long; Nhà máy nước Đồng Xoài.

b) Cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn:

Giai đoạn 2021-2030, xây dựng mới 03 công trình cấp nước tập trung tại các khu vực đông dân cư và khó khăn về nước sinh hoạt, đã được cử tri đề xuất như: Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng; Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Long Bình, huyện Phú Riềng; Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Thanh An, huyện Hớn Quản. Nâng cấp, sửa chữa, mở rộng các tuyến ống của các công trình cấp nước hiện hữu.

2. Giải pháp về nguồn, huy động nguồn vốn và kinh phí

a) Tổng nguồn vốn giai đoạn 2021-2025: 5.550.603 triệu đồng (Năm triệu, năm trăm năm mươi nghìn, sáu trăm lẻ ba triệu đồng).

Trong đó:

- Ngân sách tỉnh: 1.109.000 triệu đồng (Nguồn vốn 08 dự án thủy lợi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị Quyết số 14/NQ-HĐND ngày 13/7/2020 là 1.055.000 triệu đồng và đề xuất bố trí vốn 54.000 triệu đồng để đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn);

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn vay: 1.490.000 triệu đồng (Nguồn vốn thực hiện tại: Quyết định số 3156/QĐ-BNN-KH ngày 19/7/2021; số 3156/QĐ-BNN-KH ngày 23/7/2021; vốn vay ADB tại Tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư 113/TTr-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh);

- Nguồn vốn huy động xã hội hóa công trình cấp nước: 2.951.603 triệu đồng (Các doanh nghiệp đầu tư phát triển các nhà máy cấp nước đô thị, khu công nghiệp).

b) Tổng nguồn vốn giai đoạn 2026-2030: 4.934.968 triệu đồng (Bốn triệu, chín trăm ba mươi bốn nghìn, chín trăm sáu mươi tám triệu đồng).

Trong đó:

- Ngân sách tỉnh: 148.000 triệu đồng.

- Trung ương hỗ trợ và vốn khác: 1.056.000 triệu đồng.

- Nguồn vốn huy động xã hội hóa công trình cấp nước: 3.730.958 triệu đồng

3. Các giải pháp khác

a) Giải pháp về thông tin - truyền thông:

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động làm thay đổi nhận thức và hành vi liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường và các công trình cấp nước; hạn chế việc khai thác quá mức các nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là nước dưới đất, không để xảy ra tình trạng suy kiệt nguồn nước ngầm.

- Xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho chính quyền các cấp và người dân biết, thực hiện.

b) Các chính sách ưu đãi, khuyến khích:

- Nhà đầu tư xây dựng mới, đầu tư nâng cấp mở rộng công suất, đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước các công trình cấp nước sạch thì được hỗ trợ từ ngân sách theo quy định về các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư.

- Nguồn vốn của nhà đầu tư: Ngoài nguồn vốn tự có, nhà đầu tư được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần; vốn vay; vốn đóng góp của người sử dụng nước sạch; vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng và kinh doanh công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Nhà đầu tư có trách nhiệm quản lý, khai thác, sửa chữa, nâng cấp và kinh doanh công trình cấp nước sạch do mình đầu tư hoặc có thể thuê, thỏa thuận, ký hợp đồng với một đơn vị khác có đủ năng lực để quản lý, khai thác công trình nhưng phải bảo đảm cam kết cung cấp dịch vụ nước sạch.

c) Giải pháp về thể chế:

- Chính quyền rà soát, kiểm tra tất cả các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực cấp nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các đơn vị phải có đầy đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực cấp nước và quá trình vận hành hệ thống cấp nước, chất lượng nước sau xử lý, công tác đảm bảo cấp nước an toàn phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Nhà nước. Có giải pháp thu hồi vùng cấp nước đối với các đơn vị được giao nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện trên.

- Có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp nước trong việc đầu tư các hệ thống cấp nước liên vùng, liên huyện và mua bán, sáp nhập các đơn vị cấp nước nhỏ, lẻ, không có đủ năng lực hoạt động. Để tiến tới việc bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục liên vùng theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục.

d) Giải pháp về tăng cường công tác quản lý hệ thống cấp nước sau đầu tư:

- Đối với các khu dân cư đang hoặc sắp triển khai thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đề nghị chính quyền địa phương yêu cầu Chủ đầu tư chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước và các đơn vị cấp nước trên địa bàn thống nhất phương án cấp nước cho các hộ dân trong khu vực trước khi triển khai dự án để đảm bảo tính đồng bộ.

- Đối với các khu dân cư hiện hữu chưa có đường ống cấp nước hoặc chưa tiến hành đấu nối vào mạng lưới cấp nước chung, đề nghị chính quyền địa phương yêu cầu Chủ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo đúng các quy định hiện hành và phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành, Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Phước và các nhà đầu tư để thống nhất các dự án đầu tư cấp nước trên địa bàn.

đ) Giải pháp về ứng dụng tưới tiên tiến tiết kiệm cho cây trồng cạn

- Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao để nâng hiệu quả kinh tế và phòng, chống hạn hán trong điều kiện biến đổi khí hậu.

- Tuyên truyền, nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm hiệu quả để người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã áp dụng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp và góp phần hiện đại hóa trong phát triển ngành nông nghiệp.

- Đối với các vùng hạn hán trong mùa khô nhất là khu vực sản xuất nông nghiệp, ngoài giải pháp cấp nước từ các ao, đầm, giếng khoan, giếng đào, sông, suối nhỏ; thì những khu vực không có công trình thủy lợi, cần có giải pháp áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để đáp ứng nhu cầu nước cho cây trồng.

e) Giải pháp về đất xây dựng

UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư khi có nhu cầu thu hồi đất và thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phê duyệt của cấp thẩm quyền, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cấp nước và công trình thủy lợi.

f) Các ưu tiên liên quan đến công tác đầu tư

- Ưu tiên triển khai các dự án thủy lợi đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và các dự án đã được Trung ương chấp thuận hỗ trợ vốn cho tỉnh.

- Ưu tiên đầu tư cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu nước sinh hoạt; khu vực có nguồn nước ô nhiễm hoặc chưa có hệ thống cấp nước, các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.

- Tập trung nâng cấp về quy mô để bổ sung nguồn nước cho các hệ thống cấp nước hiện có nhưng đang hoạt động quá tải, vượt công suất thiết kế, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của Nhân dân trong mùa khô.

- Đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp để đảm bảo cấp nước cho Nhân dân trong mùa khô hạn.

- Ưu tiên cho các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp nước trong việc đầu tư phát triển các hệ thống cấp nước liên vùng, liên huyện và mua bán, sát nhập theo quy định các đơn vị cấp nước nhỏ, lẻ, không có đủ năng lực hoạt động.

(Kèm theo Đề án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập)

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định.

- Phối hợp với Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh tham mưu triển khai các dự án thủy lợi và cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn.

- Tổng hợp, tham mưu sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Tỉnh ủy theo quy định.

4.2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tổ chức khảo sát, thăm dò và đánh giá trữ lượng nước ngầm trên phạm vi của tỉnh; đánh giá tác động của việc khai thác nước ngầm tới sụt lún mặt đất, ô nhiễm nguồn nước. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm và cập nhật trong Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Phước. Tổ chức giám sát, kiểm tra việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn và tổ chức triển khai thực hiện.

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ các nguồn nước thô và tình hình ô nhiễm nguồn nước; tổ chức triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn nước.

4.3. Sở Xây dựng

- Hướng dẫn thực hiện đồng bộ các dự án phát triển mạng lưới đường ống cấp nước với các dự án phát triển công suất các nhà máy nước.

- Xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch.

4.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu UBND tỉnh phân bổ các nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho thực hiện các nhiệm vụ Đề án; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến Đề án, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện.

- Tham mưu đảm bảo các chính sách tài chính cho việc thực hiện Đề án này.

4.5. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh để sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi tuân thủ theo Thông tư số 05/2019/TT-BNNPTNT ngày 02/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và Quyết định số 2433/QĐ-UBND ngày 18/11/2019 của UBND tỉnh.

4.6. Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh

- Phối hợp với các ngành đề xuất, đầu tư các dự án trong Đề án (ngoài dự án cấp nước do các nhà đầu tư thực hiện); Xây dựng chủ trương đầu tư các công trình dự án theo thứ tự ưu tiên trong Đề án để xây dựng phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt trong dân và cấp nước cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, triển khai xây dựng dự án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi và thích ứng với biến đổi khí hậu” trên địa bàn tỉnh

4.7. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Tuyên truyền đến người dân về vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1327/QĐ-UBND ngày 24/5/2021; không lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch trên địa bàn tỉnh.

4.8. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh

Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ về điều phối, bố trí nguồn vốn khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương; tăng cường thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển thủy lợi, nước sạch, đảm bảo phòng, chống thiên tai nói riêng và cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn nói chung.

4.9. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án của địa phương; phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện phù hợp với nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để triển khai hiệu quả Đề án này.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành: Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Phước; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP, P.KT;
- Lưu: VT (Th qd 19-022).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Anh Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1378/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án: Nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi, khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 1378/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/08/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Huỳnh Anh Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản