Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 29 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
GIAI ĐOẠN 2021-2025 CỦA TỈNH GIA LAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 622/QĐ-TTG ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025”;

Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai (có Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, KGVX.h

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thanh Lịch

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

 

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Quy mô mạng lưới trường lớp

Triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp tinh gọn mạng lưới trường lớp phù hợp với quy mô học sinh và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 1.029 cơ sở giáo dục, gồm 265 trường mầm non, 495 trường phổ thông, 268 cơ sở giáo dục thường xuyên và 01 trường cao đẳng sư phạm trực thuộc tỉnh, cụ thể:

- Giáo dục mầm non (GDMN) tiếp tục phát triển với quy mô 265 trường, tăng 05 trường so với năm học 2015-2016, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ, đặc biệt là số lượng trường mầm non ngoài công lập tăng mạnh với 41 trường, chiếm tỷ lệ 15,5%.

- Giáo dục phổ thông (GDPT) cơ bản đã sắp xếp tinh gọn với quy mô 495 trường, giảm 66 trường so với năm học 2015-2016, trong đó có 17 trường PTDT Nội trú ở các huyện, thị xã, thành phố và 25 trường PTDT Bán trú ở các xã vùng KT-XH đặc biệt khó khăn.

- Giáo dục thường xuyên (GDTX) có 268 đơn vị gồm: 01 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 12 trung tâm GDNN-GDTX (giảm 04 trung tâm GDNN- GDTX thuộc An Khê, Ayun Pa, Ia Pa, Kông Chro), 35 trung tâm ngoại ngữ, tin học và 220 trung tâm học tập cộng đồng. Đây là giai đoạn phát triển mạnh các trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập với 30 trung tâm được thành lập mới phục vụ nhu cầu học tập của người dân, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

- 01 trường Cao đẳng Sư phạm đang tổ chức hoạt động lại cho phù hợp với tình hình đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019.

Ngoài ra còn có Trường Cao đẳng Gia Lai, 02 Phân hiệu đại học gồm Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP HCM, phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp; 01 cơ sở của Trường Đại học Đông Á; các cơ sở GDNN hoạt động trên địa bàn tỉnh. (có Phụ lục I so sánh quy mô cơ sở giáo dục đính kèm)

2. Quy mô học sinh, sinh viên

a) Giáo dục mầm non và phổ thông

Tổng số học sinh mầm non và phổ thông đầu năm học 2020-2021 có 400.149 học sinh, tăng 26.590 học sinh so với năm học 2015-2016, trong đó học sinh mầm non 82.557 học sinh, tăng 7.287 học sinh; học sinh phổ thông 317.592 học sinh, tăng 19.303 học sinh (học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập 22.060 học sinh, chiếm tỷ lệ 5,5%, tăng 2% so với năm học 2015-2016).

Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp giai đoạn 2016-2020 tăng đều ở các cấp học, mẫu giáo từ 86% lên 89%, tiểu học từ 99,7% lên 99,9%, trung học cơ sở từ 81,5% lên 91,5% và trung học phổ thông từ 46,6% lên 52%.

b) Giáo dục thường xuyên

Hệ thống GDTX trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến mạnh mẽ, 04 trung tâm GDNN và GDTX giải thể, nhưng học viên tham gia học bổ túc THCS và THPT vẫn được duy trì với số lượng 2.120 học viên trong năm học 2020-2021. Đồng thời, số lượng trung tâm tin học, ngoại ngữ phát triển rộng khắp tỉnh đã thu hút 7.804 học viên tham gia học tập, trong đó tin học là 1.326 học viên, ngoại ngữ là 6.478 học viên.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong các cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục duy trì: Bồi dưỡng các lớp tiếng dân tộc Jrai, Bahnar cho 1.823 người, chức danh nghề nghiệp giáo viên cho 349 người, cán bộ quản lý giáo dục 106 người; bồi dưỡng thăng hạng giáo viên tiểu học 283 người, THCS 73 người; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên 40 người; Tin học, tiếng Anh 534 người.

Phổ cập Giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi 17/17 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn. Phổ cập giáo dục Tiểu học 17/17 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn (mức độ 3: 8; mức độ 2: 9). Phổ cập giáo dục THCS 17/17 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn (mức độ 3: 1; mức độ 2: 7; mức độ 1: 9). Công tác xóa mù chữ 17/17 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn(mức độ 2: 13; mức độ 1: 4).

c) Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục đại học

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai duy trì công tác đào tạo với quy mô 15 lớp chính quy với 473 sinh viên, trong đó hệ CĐSP có 13 lớp với 422 sinh viên; hệ TCCN có 02 lớp với 51 sinh viên. Liên kết đào tạo không chính quy sau đại học 13 lớp với 270 học viên; đại học hệ từ xa 02 lớp với 45 học viên; đại học hệ vừa học vừa làm 04 lớp với 297 học viên.

Trung tâm GDTX tỉnh đang liên kết đào tạo đại học hệ từ xa 10 lớp, 483 học viên, hệ vừa học - vừa làm 11 lớp, 634 học viên.

Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh hiện có 397 sinh viên, đào tạo ở 8 chuyên ngành nông học, kế toán, thú y, công nghệ thông tin (CNTT), lâm học, ngôn ngữ Anh và công nghệ thực phẩm.

Cơ sở Trường Đại học Đông Á tại Gia Lai có 196 sinh viên với 04 chuyên ngành điều dưỡng, kế toán, quản trị văn phòng và xây dựng.

Trường Cao đẳng Gia Lai hiện có 4.527 sinh viên, học viên, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng 537 sinh viên ở 11 chuyên ngành, trình độ trung cấp 1.190 sinh viên ở 23 chuyên ngành, sơ cấp 425 học viên, học nghề 2.375 học viên.

(có Phụ lục I so sánh quy mô học sinh, sinh viên, học viên đính kèm)

3. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo (GDĐT)

Ngành GDĐT đã triển khai công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung về đổi mới thực hiện chương trình; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo; đổi mới thi tốt nghiệp THPT; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được thực hiện gắn với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai trên diện rộng, trong đó chú trọng công tác tự đánh giá và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá ngoài.

Chất lượng và các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ trong các trường mầm non luôn được chú trọng. 100% trẻ được đảm bảo an toàn, không có tình trạng ngộ độc xảy ra. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 6,08% (giảm 1,65% so với năm học 2015-2016), suy dinh dưỡng thể thấp còi 7,06% (giảm 1,63% so với năm học 2015-2016), 100% nhóm, lớp thực hiện chương trình GDMN mới.

Chất lượng giáo dục của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo trong độ tuổi đến lớp tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi bậc tiểu học đạt và vượt chỉ tiêu “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020” của Chính phủ. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh tăng bền vững, kết quả đỗ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 97,53% (riêng khối THPT đạt 99,5%). Tỷ lệ học sinh phổ thông xếp loại học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt hàng năm đều tăng. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được đặc biệt chú trọng, chất lượng học sinh giỏi tiếp tục được nâng cao. Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2019-2020 đạt 28 giải (02 giải nhì, 12 giải ba, 14 giải khuyến khích), năm học 2020-2021 đạt 29 giải (01 giải nhất, 09 giải nhì, 09 giải ba, 10 giải khuyến khích).

Giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) từng bước được nâng lên về quy mô và chất lượng, hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú tiếp tục được duy trì, giữ vững. Đến tháng 12/2020, toàn tỉnh có 15 trường PTDT Nội trú cấp THCS; có 02 trường PTDT Nội trú cấp THPT; có 25 trường PTDT Bán trú cấp TH và THCS được bảo đảm điều kiện tổ chức, hoạt động và phát triển. Chất lượng hai mặt giáo dục đối với học sinh DTTS tiếp tục được giữ vững và nâng cao.

Hoạt động ở các trung tâm GDNN-GDTX ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên. Trung tâm GDTX tỉnh liên kết với các trường đại học, cao đẳng đào tạo bằng nhiều hình thức, ngành nghề góp phần giải quyết nhu cầu học tập của người học và phát triển KT-XH của tỉnh. Các cơ sở GDNN từng bước cải tiến mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, gắn chuẩn kiến thức, kỹ năng với vị trí việc làm theo nhu cầu xã hội.

Số trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 384/760 trường, đạt 50,53% (tăng 26,73% so với năm 2015), trong đó: Mầm non có 128/265 trường đạt 48,3%, TH có 115/210 trường đạt 54,76%, THCS có 122/235 trường đạt 51,91%, THPT 19/50 trường đạt 38%.

4. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên

Năm học 2020-2021, toàn ngành có 22.526 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác ở các cơ sở GDMN, GDPT, GDTX và cao đẳng do tỉnh quản lý, so với năm học 2015-2016 giảm 3.248 người, trong đó cán bộ quản lý (CBQL) giảm 153 người, giáo viên giảm 1.411 người, nhân viên giảm 1.684 người. Kết quả trên thể hiện công tác triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương trong ngành GDĐT. Tỷ lệ giáo viên/lớp hiện tại mầm non 1,44, tiểu học 1,20, THCS 1,69 và THPT 2,05.

Về trình độ đào tạo của giáo viên năm 2020 tăng so với năm 2015, đó là sự quan tâm của các cấp chính quyền trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, sự nỗ lực của giáo viên trong công tác rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 mầm non 66,6%, TH 76,5%, THCS 84,3% và THPT 100%.

Công tác bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ cho đội ngũ CBQL, giáo viên rất được quan tâm nhằm mục đích bổ sung về đổi mới phương pháp dạy học, những kiến thức cập nhật trong chương trình, sách giáo khoa trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới; bồi dưỡng CBQL, giáo viên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình của Bộ GDĐT; chú trọng việc bồi dưỡng tại chỗ bằng cách tổ chức đa dạng, sáng tạo các hình thức sinh hoạt chuyên môn theo từng tổ chuyên môn. Định kỳ tổ chức các hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh nhằm khảo sát kiến thức giáo viên, tạo động thái tích cực để giáo viên có ý thức tự học, tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của nhà nước đối với giáo viên và CBQL như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi, công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Công tác đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm thực hiện nghiêm túc; đánh giá, xếp loại CBQL, giáo viên, nhân viên cuối năm thực hiện đảm bảo, chặt chẽ, dân chủ, công khai; thi đua khen thưởng, xử lý kỷ luật thực hiện nghiêm túc, khách quan. Tỉnh đã ban hành một số chính sách đãi ngộ, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức học các lớp đào tạo, bồi dưỡng. (có Phụ lục I so sánh cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đính kèm)

5. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học

Cơ sở vật chất (CSVC) trường, lớp và thiết bị dạy học (TBDH) tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, cụ thể:

- Mầm non: 3.089 phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, trong đó 1.210 phòng kiên cố, đạt 39%; phòng phục vụ học tập 229 phòng (80 phòng giáo dục thể chất; 90 phòng giáo dục nghệ thuật; 59 phòng đa chức năng); 193 phòng y tế.

- Tiểu học: 5.559 phòng học, trong đó 3.664 phòng kiên cố, đạt 66%; phòng phục vụ học tập 900 phòng (265 thư viện, 124 phòng thiết bị giáo dục, 167 phòng Tin học, 201 phòng ngoại ngữ, 55 phòng giáo dục nghệ thuật, 56 phòng âm nhạc, 32 phòng giáo dục thể chất/nhà đa năng).

- THCS: 2.467 phòng học, trong đó 2.177 phòng kiên cố, đạt 88%; phòng phục vụ học tập 518 (232 thư viện, 204 phòng thiết bị giáo dục, 82 phòng giáo dục thể chất/nhà đa năng); phòng học bộ môn 781 (219 phòng Tin học, 150 phòng Ngoại ngữ, 283 phòng Vật lý/Hóa học/Sinh học, 72 phòng Công nghệ, 57 phòng Âm nhạc).

- THPT: 857 phòng học, 100% phòng học kiên cố; phòng phục vụ học tập 113 (47 thư viện, 31 phòng thiết bị giáo dục, 35 phòng giáo dục thể chất/nhà đa năng); phòng học bộ môn 238 (81 phòng Tin học, 23 phòng Ngoại ngữ, 128 phòng Vật lý/Hóa học/Sinh học, 04 phòng Công nghệ, 02 phòng Âm nhạc).

Giai đoạn 2016-2020, từ các chương trình, dự án được tỉnh, trung ương đầu tư tăng cường CSVC, mua sắm TBDH với số lượng 328 phòng học, 203 phòng học bộ môn, 23 thư viện, 46 nhà đa năng, 24 nhà hiệu bộ, 12 nhà công vụ, 12 nhà nội trú cho học sinh, 96 bộ thiết bị dạy học ngoại ngữ và những hạng mục xây mới, cải tạo, thiết bị khác với kinh phí 742.024 triệu đồng.

Đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng CSVC, TBDH, từ đó thực hiện điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng... đảm bảo đủ điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt chú trọng đến các vùng KT-XH khó khăn, vùng đồng bào DTTS, trường chuyên biệt.

(có Phụ lục I so sánh cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đính kèm)

6. Triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS; Tăng cường Ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập; Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông

a) Đề án Dạy và học ngoại ngữ

Thực hiện đảm bảo các mục tiêu Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 theo Kế hoạch số 2946/KH-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh. Dạy và học tiếng Anh hệ 10 năm tiếp tục được triển khai ở các cấp học, kết quả năm học 2020-2021:

- Mầm non có 48 trường, gồm 32 trường công lập, 16 trường ngoài công lập triển khai thí điểm cho 5.557 trẻ làm quen với tiếng Anh.

- Học sinh phổ thông tham gia học chương trình tiếng Anh 10 năm có sự biến chuyển tích cực: Tiểu học có 24.777/93.665 học sinh lớp 3-5, tỷ lệ 26,45%, số lượng học sinh học tiếng Anh tự chọn 2-3 tiết/tuần là 49.123/93.665 học sinh, tỷ lệ 52.4%; THCS có 12.903/104.218 học sinh, tỷ lệ 12,38%; THPT có 3.907/44.113 học sinh, tỷ lệ 6,57%.

- GDTX môn tiếng Anh giảng dạy theo nhu cầu của học viên, tính từ năm học 2017-2018 đến nay Trung tâm GDTX tỉnh, Trung tâm GDNN-GDTX Chư Pah tổ chức với tổng số 755 học viên tham gia.

Các cơ sở giáo dục thực hiện đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá qua các hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập, báo cáo kết quả thực hiện dự án; khuyến khích kiểm tra kỹ năng nghe, nói, giáo viên sử dụng bài thuyết trình, bài viết, dự án, sản phẩm nghiên cứu liên môn, … để thay thế điểm kiểm tra định kỳ.

Bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ và năng lực sư phạm cho giáo viên tiếng Anh các cấp, toàn tỉnh hiện có 1.014/1.093 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ, tỷ lệ 92,8% (Tiểu học 265/288, THCS 515/555, THPT 234/250), 300 giáo viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và được cấp chứng chỉ. Bồi dưỡng phương pháp dạy học chương trình tiếng Anh hệ 10 trong hè hàng năm, bồi dưỡng tập trung giáo viên cốt cán TH, THCS, THPT, để giáo viên cốt cán triển khai bồi dưỡng đại trà tại các trường học.

Tăng cường truyền thông đối với các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của việc dạy học ngoại ngữ; khuyến khích nhà trường xây dựng môi trường dạy học ngoại ngữ thân thiện, thiết thực, tăng cường lồng ghép các hoạt động để học sinh có cơ hội được thực hành giao tiếp, thể hiện sự sáng tạo, phát triển các kỹ năng khác. Duy trì và phát triển các hội thi về tiếng Anh ở các cấp học, động viên, khuyến khích học sinh học và tham gia các kỳ thi để đánh giá năng lực ngôn ngữ như Cambridge, IELTS.

b) Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS

Các cơ sở giáo dục chủ động trong triển khai thực hiện Đề án, nâng cao chất lượng và kết quả tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS. Kết quả đã huy động trẻ mầm non, học sinh tiểu học ra lớp, học 2 buổi/ngày tăng, thời lượng học tiếng Việt được tổ chức lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động giáo dục để dạy tiếng Việt phù hợp với tình hình thực tế; áp dụng nhân rộng chương trình giáo dục phù hợp bối cảnh địa phương, đổi mới sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS. Truyền thông tích cực đến phụ huynh về giáo dục mầm non đến sự phát triển của trẻ em trước tuổi đi học phổ thông để nhân dân cùng tham gia đưa trẻ đến trường, khắc phục tình trạng phụ huynh đưa trẻ lên rẫy dài ngày.

Đội ngũ CBQL, GV, nhân viên được tăng cường bổ sung cả số lượng và chất lượng; được tham gia học các lớp bồi dưỡng tiếng DTTS và giao tiếp bằng tiếng DTTS để làm cầu nối tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học ở vùng DTTS; tạo mọi điều kiện để am hiểu về văn hóa địa phương, làm giàu phương ngữ của từng dân tộc, hiểu được phong tục tập quán của trẻ ở vùng DTTS, lập kế hoạch giáo dục phù hợp với tình hình của địa phương.

Các cơ sở giáo dục ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng DTTS được quan tâm đặc biệt từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, huyện đã đầu tư xây dựng trường, lớp học khang trang, kiên cố.

c) Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” theo Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, ngành GDĐT đã đạt được thành quả nhất định.

Từ năm học 2017-2018, ngành đã triển khai sử dụng thống nhất hệ thống quản lý trường học (SMAS) ở tất cả các trường mầm non, phổ thông và trung tâm GDTX. Song song với việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GDĐT, Gia Lai đã từng bước triển khai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu các trường mầm non, phổ thông trên phần mềm SMAS để xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục địa phương và đồng bộ sang hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ GDĐT quản lý. Từ cơ sở dữ liệu các trường học, trung tâm triển khai trên hệ thống SMAS, Sở GDĐT tạo đã phối hợp với Viettel Gia Lai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trong toàn ngành có địa chỉ http://csdl.smas.edu.vn. Xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển hệ thống, hệ sinh thái trong các trường học; hỗ trợ công tác quản lý điều hành của nhà trường, đồng bộ, liên thông ở tất cả các cấp học; tin học hóa quản lý một cách toàn diện, thống nhất từ các cơ sở giáo dục đến cơ quan quản lý phòng GDĐT, Sở GDĐT.

Các cơ sở giáo dục đã triển khai quản lý học sinh, quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ liên lạc, sổ đăng bộ, sổ điểm điện tử trên phần mềm. Các trường THCS, THPT đã triển khai sổ điểm điện tử từ năm học 2017-2018, sử dụng học bạ điện tử từ năm học 2018-2019, năm học 2019-2020 triển khai lịch báo giảng điện tử. Năm học 2020-2021, triển khai thí điểm tuyển sinh lớp 10 trực tuyến qua mạng ở các trường THPT, từ đó rút kinh nghiệm mở rộng tuyển sinh trực tuyến đến các trường THCS, trường Tiểu học.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (QLVBĐH) đã được triển khai sử dụng ở Sở GDĐT, 53 đơn vị trực thuộc Sở, 17 phòng GDĐT, 12 trung tâm GDNN và GDTX, 259 trường mầm non, tiểu học và THCS.

Đã triển khai họp, tập huấn trực tuyến giữa Sở GDĐT với phòng GDĐT, đơn vị trực thuộc Sở, trung tâm GDNN và GDTX trên hệ thống phần mềm Adobe Connect do Bộ GDĐT cung cấp, bước đầu đã mang lại hiệu quả trong tiết kiện chi phí và thời gian đi lại của cán bộ, giáo viên.

d) Đề án Giáo dục hướng nghiệp (GDHN) và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2019-2025

Triển khai Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2134/KH-UBND ngày 26/9/2019 về việc triển khai Đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 theo trên địa bàn tỉnh.

Các Sở GDĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn và Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai phối hợp tổ chức thành công Hội nghị triển khai thực hiện Kế hoạch số 2134/KH-UBND ngày 26/9/2019 với sự tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Văn hóa Xã hội - HĐND tỉnh, Ban Dân tộc, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình; các đơn vị trong ngành Giáo dục, Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo các đơn vị đào tạo nghề tại Gia Lai và các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Dạy nghề phổ thông tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn Công văn số 8608/BGDĐT-GDTrH ngày 16/8/2007 của Bộ GDĐT, tổ chức dạy ôn thi nghề trong thời gian hè, vận động học sinh khối 11 tham gia dự kỳ thi nghề nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong vấn đề chọn nghề sau này; tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn cho các đối tượng học sinh; tư vấn hướng nghiệp cho học sinh được lồng ghép thường xuyên trong hoạt động ngoại khóa, các tiết dạy giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh; cung cấp rộng rãi thông tin, tình hình phát triển KT-XH, nhu cầu thị trường lao động, phục vụ nhu cầu địa phương.

7. Công tác xã hội hóa giáo dục

Trong nhiều năm qua thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển GDĐT, nhất là phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Một số địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo trong công tác xã hội hóa như bổ sung, mở rộng diện tích đất và cấp mới cho các trường học, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và nhân dân đóng góp nhân lực, tài chính cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều trường hoạt động có hiệu quả đã góp phần quan trọng cho nhà trường tăng cường CSVC phục vụ công tác giảng dạy của giáo viên đạt hiệu quả cao.

Sự phát triển của các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập từ nguồn lực của xã hội đã góp phần thúc đẩy việc áp dụng những cách tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (trường ngoài công lập: Mầm non 41/265 trường, tỷ lệ 15,47%; phổ thông 04/495 trường, tỷ lệ 0,8%).

Quy mô học sinh các trường ngoài công lập tăng mạnh, nhất là giáo dục mầm non với 19.687 học sinh, tỷ lệ 23,8%, so với năm học 2015-2016 với quy mô 12.331 học sinh, tỷ lệ 15,1% (tăng 7.356 học sinh); giáo dục phổ thông tăng nhẹ với quy mô 2.373 học sinh, tỷ lệ 0,7%, so với năm học 2015-2016 với quy mô 816 học sinh, tỷ lệ 0,3% (tăng 1.557 học sinh).

Tổng kinh phí đầu tư của xã hội phát triển mạng lưới trường, lớp ngoài công lập giai đoạn 2016-2020 là 301.524 triệu đồng, trong đó giáo dục mầm non gồm 15 trường và các nhóm, lớp với kinh phí xây dựng CSVC, TBDH 139.986 triệu đồng; giáo dục phổ thông 02 trường, kinh phí xây dựng CSVC, TBDH 161.538 triệu đồng; 30 trung tâm ngoại ngữ, tổng vốn điều lệ 405.905 triệu đồng; 12 trung tâm tư vấn du học, tổng vốn điều lệ 95.800 triệu đồng.

Nguồn huy động, đóng góp của xã hội tại các trường học để hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, làm các hạng mục phụ trợ, tổ chức ăn, ở học sinh bán trú ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, học bổng cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đóng góp khác là 56.529 triệu đồng. Nhân dân ở các địa phương AyunPa, Chư Prông và Kông Chro tự nguyện hiến đất xây dựng trường học với 14.439 m² đất (chi tiết có biểu tổng hợp ở Phụ lục I).

8. Thực hiện chế độ chính sách đối với người học và chi ngân sách sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng là con em các DTTS, dân tộc rất ít người, khuyết tật, ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2016-2020 với số lượng 425.851 đối tượng, kinh phí 643.948 triệu đồng, bình quân mỗi năm xuất ngân sách chi hỗ trợ 129 tỷ đồng.

Tổng kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề giai đoạn 2016-2020 16.744.284 triệu đồng, tỷ lệ bình quân đạt 25,32% so với tổng chi ngân sách địa phương của tỉnh (chi tiết có biểu tổng hợp ở Phụ lục I).

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV, sự nghiệp GDĐT của tỉnh trong những năm qua đã được duy trì củng cố vững chắc, có nhiều bước phát triển ở tất cả các cấp học và trên các lĩnh vực công tác, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền và các địa phương. Quy mô, mạng lưới trường, lớp từng bước được sắp xếp ổn định tinh gọn và hiệu quả, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập nhân dân; CSVC, TBDH được quan tâm đầu tư. Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến tích cực và phát triển vững chắc; công tác giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế; các hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức, truyền thống, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường,… tích cực triển khai. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo được quan tâm, chú trọng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chất lượng giáo dục, đặc biệt là đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2020-2025, các tiêu chí, tiêu chuẩn của Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019.

Ngành GDĐT đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, tạo được sự thống nhất và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc quan tâm, chăm lo, đầu tư phát triển; công tác PCGD, xây dựng CSVC trường học, trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng xã hội học tập suốt đời trong cộng đồng dân cư được nâng lên. Đổi mới quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp quản lý đi đôi với kiểm tra, giám sát, giao quyền tự chủ và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác thanh kiểm tra góp phần giữ vững kỷ cương, nề nếp trường, lớp học.

Những kết quả đạt được nêu trên là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực phấn đấu thực hiện của ngành GDĐT.

2. Những tồn tại hạn chế và nguyên nhân

Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp ở giáo dục mầm non và phổ thông chưa đáp ứng các chỉ tiêu “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020” của Chính phủ, đó là: Đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non (kết quả 6,5%); tỷ lệ đi học đúng độ tuổi trung học cơ sở 95% (kết quả 91,5%) và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ vấn trung học phổ thông và tương đương (kết quả 52%).

Chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh nhà đã được củng cố, nâng cao nhưng khoảng các giữa các vùng, miền, các địa phương còn chênh lệch lớn. Việc tinh, giản, sáp nhập các trường học theo Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, công tác dồn lớp, tập trung quy mô hoạt động về điểm trường chính ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức hoạt động nhà trường và môi trường học tập thuận lợi của học sinh. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học chưa đáp ứng được yêu cầu; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống còn hạn chế.

Việc tinh giản biên chế dẫn đến số lượng giáo viên bố trí giảng dạy trong các cơ sở giáo dục còn tương đối thấp so với định mức quy định đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bố trí, sắp xếp, phân công giảng dạy tại các trường học, nhất là thời gian đầu năm học mới (Tỷ lệ giáo viên/lớp thiếu ở mầm non 0,6, tiểu học 0,3, THCS 0,2, THPT 0,2 so với mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực GDĐT tại Quyết định 2161/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2017 của Bộ GDĐT).

Công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực chưa được chú trọng; còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tuyển mới giáo viên chưa đáp ứng đủ định biên trên lớp ở các trường vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, vùng căn cứ cách mạng.

Số lượng phòng học, phòng học bộ môn, phòng phục vụ học tập vẫn thiếu so với nhu cầu sử dụng, tỷ lệ phòng học kiên cố chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày của các trường học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (thiếu thiết bị dạy học tối thiểu; thiếu các phòng học tin học, tiếng Anh, nghệ thuật; nhà đa năng, sân chơi, bãi tập...) do nguồn lực đầu tư cho GDĐT chưa đáp ứng nhu cầu; hầu hết các công trình trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên đã được xây dựng từ lâu nên xuống cấp, hư hỏng (nhu cầu đầu tư, xây dựng bổ sung tối thiểu ở Mầm non: 293 phòng học, 68 phòng giáo dục thể chất, 75 phòng giáo dục nghệ thuật, 52 phòng y tế; Phổ thông: 1.181 phòng học, 535 phòng học bộ môn, 206 phòng mỹ thuật, 199 phòng âm nhạc, 185 phòng đa chức năng, 82 thư viện, 115 phòng y tế).

Công tác đảm bảo cơ sở vật chất cho trẻ em đi nhà trẻ chưa đạt yêu cầu; hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT chưa tốt; giáo dục nghề nghiệp sau công tác phân luồng chưa đáp ứng được yêu cầu của học sinh, không tạo ra thị trường lao động, sinh kế của học sinh, chưa gắn với nhu cầu lao động phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi có đội ngũ công nhân công nghệ, kỹ thuật cao.

Quản lý giáo dục còn có mặt hạn chế như sai phạm trong quản lý tài chính ở các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục, tình trạng lạm thu trong các trường học; tổ chức quản lý, hoạt động dạy thêm, học thêm chưa đảm bảo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được quan tâm đầu tư song còn thiếu và chưa đồng bộ do điều kiện KT-XH của tỉnh còn khó khăn, kinh phí đầu tư thực hiện các chương trình phát triển GDĐT chưa đạt kế hoạch đề ra; ngân sách đầu tư CSVC, TBDH chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GDĐT ở một số địa phương, đơn vị chưa hiệu quả, chưa phát huy xã hội hóa giáo dục.

3. Bài học kinh nghiệm

Đội ngũ CBQL, GV là yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục và sự thành bại của sự nghiệp đổi mới giáo dục, vì vậy phải xây dựng được đội ngũ nhà giáo các cấp học đủ về số lượng, có năng lực và trình độ chuyên môn đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, biết giữ gìn đạo đức nhà giáo, có tinh thần trách nhiệm cao, say mê, tâm huyết và tận tụy với nghề, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt, phải đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, lấy chất lượng, hiệu quả công việc để đánh giá người đứng đầu và đơn vị. Người đứng đầu phải có trí, có tâm, có tầm và có tinh thần trách nhiệm cao, có tác phong và phương pháp làm việc khoa học để có khả năng quy tụ, khơi dậy sức mạnh tập thể chung sức hoàn thành nhiệm vụ.

Cần phải thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra nhằm giữ vững kỷ cương, nề nếp trường, lớp học; đặc biệt coi trọng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Khi xây dựng kế hoạch phải phải đảm bảo tính sát thực, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm với những giải pháp cụ thể; thường xuyên rà soát tiến độ để kịp thời có những giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước chi cho GDĐT còn khó khăn, cần làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục. Trong đó coi trọng sự phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt các hoạt động xã hội hóa giáo dục và đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Triển khai tốt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong ngành GDĐT; thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông và chương trình khởi nghiệp.

 

Phần II

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025; Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025”; Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GDMN và GDPT giai đoạn 2017-2025; Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025”; Quyết định số 622/QĐ-TTG ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;

Quyết định số 2161/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực GDĐT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025;

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2025

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; chú trọng phát triển quy mô trường lớp theo hướng hiện đại gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1 Giáo dục Mầm non

Tiếp tục củng cố, duy trì nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi; đến năm 2025, có ít nhất 20% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở GDMN, ngoài công lập đạt tỉ lệ 30% trở lên; tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 98%, tổ chức ăn bán trú cho trẻ đạt trên 68%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì được khống chế; 95% giáo viên mầm non đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 80% trở lên; trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 67,17%.

2.2 Giáo dục phổ thông

Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được củng cố, nâng cao, đặc biệt chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, thực hành, ngoại ngữ, tin học. Tổ chức thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cùng với Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018; đảm bảo đầy đủ các điều kiện CSVC, TBDH; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các cấp; đổi mới nội dung sách giáo khoa theo lộ trình.

a) Giáo dục Tiểu học

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học hằng năm đạt trên 99%, đến năm 2025, có 80% số xã, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 99,9%; 78,57% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 100% giáo viên đạt chuẩn.

b) Giáo dục Trung học cơ sở

Tiếp tục duy trì và nâng cao phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ học sinh học đi học đúng độ tuổi THCS đạt 97%; 74,04% trường THCS đạt chuẩn quốc gia; 98% giáo viên THCS đạt chuẩn.

c) Giáo dục Trung học phổ thông

Tỷ lệ học sinh học đi học đúng độ tuổi THPT đạt 53,5%; 56% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; 100% giáo viên THPT đạt chuẩn.

2.3 Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục đại học

Tiếp tục duy trì, cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; củng cố, phát triển nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS; xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người vừa làm vừa học nhằm nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội.

Tổ chức cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh phù hợp với đặc điểm, tình hình KT-XH của địa phương. Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội vùng.

(so sánh chỉ số phát triển GDĐT giai đoạn 2021-2025 ở Phụ lục II)

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức, sắp xếp hệ thống mạng lưới trường, lớp

Tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh gọn mạng lưới trường lớp phù hợp với quy mô huy động học sinh và phát triển KT-XH của tỉnh, các địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tổ chức chuyển đổi mô hình trường mẫu giáo thành trường mầm non ở những nơi đảm bảo điều kiện về CSVC, TBDH và giáo viên để thu hút trẻ em trong độ tuổi đi học nhà trẻ ra lớp, tăng tỷ lệ huy động trẻ em 3, 4 tuổi đến trường.

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục các trường PTDT Nội trú; xây dựng, chuyển đổi, tổ chức hoạt động Trường THCS PTDT Nội trú AyunPa thành Trường THCS&THPT PTDT Nội trú AyunPa để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác nuôi dưỡng, giáo dục học sinh dân tộc vùng đông nam của tỉnh.

Củng cố và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục trường PTDT Bán trú ở các xã vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS; thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường THPT chuyên Hùng Vương; xây dựng mô hình đào tạo các lớp chuyên trong trường THPT đảm bảo điều kiện về chất lượng đội ngũ nhà giáo ở các địa bàn thị xã An Khê, AyunPa và huyện Chư Sê.

Tổ chức, sắp xếp hoạt động Trường Cao đẳng sư pham Gia Lai theo Chương trình số 64-CTr/TU ngày 05/6/2018 của Tỉnh ủy.

2. Tăng cường công tác quản lý

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành và các cấp quản lý trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Kết luận 51 và Nghị quyết 44; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động tham gia giám sát, phản biện các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực GDĐT.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong quản lý nhà nước về giáo dục; tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đi đôi với cơ chế công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân. Đảm bảo công tác dân chủ hóa trong giáo dục, thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá người dạy, giáo viên, giảng viên đánh giá cán bộ quản lý, cán bộ quản lý cấp dưới tham gia đánh giá cấp trên, cơ sở giáo dục tham gia đánh giá cơ quan quản lý giáo dục.

Thực hiện quản lý theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và phát triển nhân lực của các ngành, địa phương phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, khu vực.

Tổ chức quản lý tốt chất lượng giáo dục, chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở ứng dụng CNTT, những thành tựu về khoa học công nghệ và khoa học quản lý tiên tiến; công khai chất lượng giáo dục, các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính của các cơ sở giáo dục; thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng hiệu quả giáo dục; tiếp tục triển khai hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử trong ngành GDĐT hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đất nước.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở GDĐT, phòng GDĐT theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ cho phù hợp thực tiễn.

Phối hợp với các trường đại học có phân hiệu, cơ sở đóng chân trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo công tác đào tạo nguồn nhân lực, gắn liền với thực tiễn phát triển KT-XH của tỉnh, địa phương.

3. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành giáo dục; rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đối với các cấp học. Đảm bảo từng bước có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện theo chương trình giáo dục mầm non và phổ thông, dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật và giáo dục đặc biệt.

Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo để đến năm 2025, giáo viên mầm non và phổ thông đảm bảo đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, giảng viên giáo dục đại học đạt trình độ thạc sỹ trở lên và sử dụng thành thạo một ngoại ngữ. Thực hiện bồi dưỡng đội ngũ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ sức thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ưu tiên bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp để thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới. Có cơ chế giám sát để đảm bảo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai có hiệu quả, thực chất và bền vững.

Triển khai các giải pháp thực hiện thành công Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giáo viên và nhất là chế độ tiền lương nhằm tạo động lực cho giáo viên yên tâm công tác, thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Thực hiện các chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần tạo động lực cho các nhà giáo và cán bộ quản lý, nhất là với giáo viên mầm non; có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm, uy tín trong và ngoài nước tham gia phát triển giáo dục tỉnh nhà.

Chuẩn hóa trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đánh giá nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong và tư cách của đội ngũ nhà giáo để làm gương cho học sinh, sinh viên.

4. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Trên cơ sở đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và thực hiện Chương trình giáo dục mới năm 2018 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững thống nhất trong toàn quốc, phù hợp với đặc thù của tỉnh Gia Lai. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, tri thức pháp luật và ý thức công dân; tăng cường giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp; dạy học ngoại ngữ và tin học; các giá trị văn hóa truyền thống học sinh phổ thông.

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông, công tác chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy và học tập. Phát triển các chương trình GDTX đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi người, giúp người học hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc và cuộc sống.

Tăng cường công tác thống kê, theo dõi tiếp cận, chất lượng và hiệu quả giáo dục; thực hiện định kỳ đánh giá về chất lượng học tập của học sinh phổ thông nhằm xác định mặt bằng chất lượng và làm căn cứ đề xuất chính sách nâng cao chất lượng giáo dục các địa phương và toàn tỉnh.

Thực hiện có chất lượng nội dung chương trình giáo dục mầm non mới, chú trọng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực và hình thành nhân cách; triển khai hiệu quả chương trình bồi dưỡng, hướng dẫn phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ.

Triển khai thực hiện linh hoạt, có hiệu quả nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng dẫn của Bộ GDĐT; tích hợp các chủ đề về giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, giáo dục giới tính toàn diện, công dân toàn cầu, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp trong trường phổ thông.

Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các cấp học, các chương trình giáo dục, đào tạo, tài liệu giáo dục địa phương và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người; đặc biệt quan tâm dạy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số tại địa phương Jrai, Bahnar; chú trọng giáo dục truyền thống, xây dựng và phát triển những giá trị truyền thống các dân tộc thiểu số.

Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục theo lộ trình Đề án đổi mới “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá trong tất cả các môn học; ưu tiên triển khai các giải pháp có tính đồng bộ cao (bao gồm kho học liệu số, bài giảng e-learning, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo và phần mềm dạy học); triển khai ứng dụng CNTT phải thiết thực, có hiệu quả. Chú trọng xây dựng bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trực tuyến, các học liệu điện tử về đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên để bổ sung vào kho học liệu số của Hệ tri thức Việt số hóa; triển khai thi, kiểm tra trực tuyến các môn học.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội; trong quá trình học tập, người học phải được trải nghiệm thực tế, được tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, gắn với nội dung ngành nghề đào tạo.

Tiếp tục thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, thực hiện xoá mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập theo Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị và Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ.

Trong giai đoạn mới 2021-2025, các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh cần cải cách để có bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh:

- Thứ nhất đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019;

- Thứ hai đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức chất lượng cao, đội ngũ khoa học kỹ thuật để phát triển công nghiệp, hiện đại hóa kinh tế;

- Thứ ba đảm bảo phát triển đại học dựa trên nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu nguồn nhân lực phát triển KT-XH của tỉnh về 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, chế biến nông sản, lâm sản, du lịch và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ.

5. Tăng cường các nguồn lực đầu tư bảo đảm các điều kiện thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục

Tiếp tục rà soát mạng lưới trường, điểm trường trên địa bàn tỉnh để thực hiện dồn ghép các trường, điểm trường đảm bảo phù hợp, sắp xếp lại lớp học đảm bảo sƿ số trên lớp theo quy định; ưu tiên tài chính và quỹ đất để bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày nhất là ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, trước hết tập trung cho GDMN và GDTH; bảo đảm đủ các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch.

Bảo đảm bố trí kinh phí thực hiện đầu tư CSVC, TBDH triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình GDMN và GDPT giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để tăng cường ngân sách đầu tư CSVC, TBDH đạt chuẩn quốc gia cho các trường học vùng KT- XH đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách xã hội; xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú; tăng cường điều kiện tiếp cận giáo dục, đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho đồng bào vùng DTTS, vùng KT-XH khó khăn.

Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục; nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm đối với Nhà nước, người học và xã hội.

Thực hiện có lộ trình công tác tự chủ tài chính, tự chủ tài chính một phần, đảm bảo nguồn chi đối với các trường học; xây dựng mức thu học phí để triển khai tự bảo đảm chi thường xuyên đối với các trường học có điều kiện trong triển khai dịch vụ giáo dục nhằm huy động nguồn lực đóng góp của xã hội, người học, giảm chi từ ngân sách Nhà nước.

Đối với các trường học cấp tỉnh, Sở GDĐT giao tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên cho 06 trường THPT trên địa bàn thành phố Pleiku từ năm học 2022-2023, mỗi năm học 20 lớp, đến năm học 2024-2025 số lớp tự chủ là 60 lớp, quy mô dự kiến đạt 25% tổng số lớp 06 trường; đồng thời rút kinh nghiệm mở rộng tự chủ kinh phí chi thường xuyên đến các trường THPT ở địa bàn thuận lợi như An Khê, AyunPa và Chư Sê từ năm học 2023-2024.

Đối với các trường học cấp huyện, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch và thực hiện giao tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên cho các trường mầm non, tiểu học và THCS ở địa bàn thuận lợi từ năm học 2022-2023; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT xây dựng mức học phí triển khai dịch vụ giáo dục phù hợp thực tế ở địa phương, kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt trước khi giao tự chủ cho các trường.

Đảm bảo tỷ lệ chi cho giáo dục trong tổng ngân sách nhà nước từ 20% trở lên, phù hợp với điều kiện KT-XH của từng địa phương và quản lý sử dụng có hiệu quả. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục được tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập; giáo dục ở những vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, DTTS và các đối tượng chính sách xã hội; giáo dục năng khiếu và tài năng; đào tạo nhân lực chất lượng cao; đào tạo các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn, khoa học mũi nhọn và những ngành khác mà xã hội cần nhưng khó thu hút người học; ưu tiên đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường chuyên, trường dân tộc nội trú, bán trú.

Đầu tư ngân sách nhà nước có trọng điểm, không bình quân dàn trải cho các cơ sở giáo dục công lập, đầu tư đến đâu đạt chuẩn đến đó. Từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo đủ nguồn lực tài chính và phương tiện dạy học tối thiểu của tất cả các cơ sở giáo dục theo lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Có cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong đầu tư phát triển đào tạo nhân lực, đặc biệt đào tạo nhân lực chất lượng cao và nhân lực thuộc ngành nghề mũi nhọn. Quy định trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và gia đình trong việc đóng góp nguồn lực và tham gia các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập. Xây dựng và thực hiện chế độ học phí mới nhằm đảm bảo sự chia sẻ hợp lý giữa nhà nước, người học và các thành phần xã hội.

Triển khai các chính sách cụ thể để hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học đóng chân trên địa bàn tỉnh, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường phổ thông ngoài công lập, trước hết về đất đai, thuế và vốn vay. Xác định rõ ràng, cụ thể các tiêu chí thành lập cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức KT-XH tham gia thành lập trường theo quy hoạch phát triển của Nhà nước.

6. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Dựa vào khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc do Bộ GDĐT ban hành, các cơ sở giáo dục xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học chi tiết, cụ thể, phù hợp với đối tượng, nguồn lực của từng đơn vị.

Phát triển đội ngũ giáo viên tiếng Anh đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng để dạy học tiếng Anh hệ 10 năm đảm bảo lộ trình đề ra; tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong lĩnh vực dạy và học tiếng Anh, nhất là trong giai đoạn thiếu biên chế như hiện nay. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, hợp tác, đầu tư, cung cấp các dịch vụ dạy và học ngoại ngữ theo khung 6 Bậc do Bộ GDĐT ban hành, đặc biệt là các chương trình dạy và học tiếng Anh hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh hệ 10 năm và tiếng Anh giao tiếp.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ, truyền thông về việc dạy và học ngoại ngữ nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến toàn xã hội, đặc biệt là giáo viên, học sinh và CBQL; tăng cường xây dựng môi trường ngoại ngữ, duy trì phong trào học và sử dụng ngoại ngữ.

7. Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” theo Quyết định số 760/QĐ-UBND ngày 13/10/2016 của UBND tỉnh. Tăng cường các biện pháp huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp, tạo điều kiện để trẻ em được đến trường và giao tiếp bằng tiếng Việt. Bổ sung đầy đủ định biên giáo viên, đào tạo, bồi dưỡng trình độ đạt chuẩn chuyên môn công tác tại vùng DTTS; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước đối giáo viên, học sinh vùng DTTS.

Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú; tổ chức tốt việc dạy – học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú. Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường PTDT bán trú, để các em có đủ điều kiện về nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, học tập. Xây dựng phòng học, phòng bộ môn, các cơ sở vật chất khác đầy đủ phục vụ cho việc giảng dạy, xây dựng nhà đa năng cho trường bán trú để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Tăng cường bồi dưỡng tiếng DTTS cho CBQL, GV công tác tại vùng DTTS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong nhân dân về tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non nói riêng, học sinh DTTS nói chung để phát triển giáo dục. Xây dựng chương trình hoạt động giáo dục trong nhà trường với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS; hỗ trợ, cung cấp các ấn phẩm, báo, truyện giúp cho học sinh em có nhiều cơ hội để tăng cường tiếng Việt tại các trường học vùng DTTS, đặc biệt là các trường PTDT bán trú, trường PTDT Nội trú.

Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét điều chỉnh mức học bổng học sinh các trường PTDTNT để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu; duy trì các chế độ chính sách như cấp gạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền ở và các chính khác cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

8. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập; xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số

Tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT nhằm đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử; cung cấp DVCTT trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý giáo dục; đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học, công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục.

- Trong công tác quản lý, điều hành: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành giáo dục và đào tạo, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của tỉnh, ngành, địa phương. Xây dựng, nâng cấp DVCTT ở Sở GDĐT, phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục; phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo DVCTT mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% TTHC đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp 50% các DVCTT mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài 1òng về việc giải quyết TTHC. Phấn đấu 90% các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% hội nghị giao ban, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn giữa các cơ quan Sở GDĐT, phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục được thực hiện trên hệ thống họp, tập huấn trực tuyến.

- Trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kho học liệu số dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác. 100% cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ứng dụng CNTT trong quản lý nhà trường; sử dụng sổ quản lý điện tử. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống học tập trực tuyến trong toàn ngành, phấn đấu 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp. Triển khai mô hình học tập ảo, bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức cho học sinh qua mạng Internet; mô hình dạy học, dự giờ, thao giảng trực tuyến trên mạng Internet.

Hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn có năng lực mạnh về CNTT và truyền thông để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử trong ngành GDĐT.

9. Triển khai có hiệu quả Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông

Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 2134/KH- UBND ngày 26/9/2019 của UBND tỉnh, đảm bảo đạt được hiệu quả và chỉ tiêu đề ra. Tập trung lãnh đạo triển khai hiệu quả 7 giải pháp, trong đó cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp.

Xây dựng mô hình thí điểm về GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông tại địa phương đại diện cho các vùng kinh tế, trong đó áp dụng phương thức hướng nghiệp tiên tiến, có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp.

Xây dựng chính sách khuyến khích học sinh trung học tham gia học nghề theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ; các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan chủ động trong công tác tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động, nhu cầu việc làm cho người dân.

Các cơ sở giáo dục tập trung xây dựng các giải pháp, vận dụng linh hoạt các phương thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp với tâm lý, lứa tuổi để triển khai hiệu quả và đạt mục tiêu trong công tác GDHN và định hướng phân luồng cho học sinh. Các cơ sở đào tạo nghề cần tổ chức linh hoạt chương trình đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học; đồng thời có giải pháp tích cực phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, cơ quan, đơn vị liên quan.... trong việc định hướng đầu ra cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp nghề.

10. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

Triển khai tích cực và có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GDĐT giai đoạn 2019-2025; huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho GDĐT; thực hiện chính sách phát triển xã hội hoá giáo dục, đặc biệt là chính sách phát triển trường lớp mầm non tại các khu, cụm công nghiệp, tại các vùng chuyên canh cây cà phê, cao su trên địa bàn tỉnh; phát triển trường phổ thông chất lượng, đảm bảo nguồn thu học phí để duy trì hoạt động, giảm chi ngân sách và biên chế giáo viên; có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển giáo dục chất lượng cao, đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng kiên cố hoá trường, lớp học theo hướng chuẩn hoá và hiện đại hoá, đồng thời với việc mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục phát triển.

Tập trung thu hút nguồn lực, thủ tục hành chính thuận lợi để xã hội để phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non ngoài công lập, với các nhóm, lớp dân lập, trường học tư thục thu hút trẻ em ra lớp, giải phóng sức lao động của người dân, chăm lo phát triển kinh tế; các trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập để góp phần thực hiện thành công Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu từ dịch vụ giáo dục trong các trường học để tự bảo đảm toàn bộ, một phần chi thường xuyên, giảm chi từ ngân sách Nhà nước, đồng thời thực hiện có hiệu quả việc tinh, giản biên chế.

Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục, tuyên truyền để các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các đơn vị công lập, ngoài công lập và nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa trong lĩnh giáo dục.

Phấn đấu đến năm 2025 quy mô học sinh các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 9,2% so với quy mô học sinh mầm non và phổ thông, giáo dục mầm non có điều kiện phát triển xã hội hóa thuận lợi cần phải huy động đạt tỷ lệ 30%, giáo dục phổ thông đạt tỷ lệ 3%.

Tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người lao động có quan niệm đúng về vấn đề học nghề, giải quyết việc làm; nhận thức rõ vai trò, vị trí của vấn đề giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong việc tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển giáo dục, tạo thêm việc làm.

Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp triển khai thực hiện các công việc như đầu tư phát triển giáo dục; xây dựng phong trào xã hội học tập, phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, phong trào khuyến học, khuyến tài; hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Chấn chỉnh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng DTTS, tăng cường mối liên lạc mật thiết giữa nhà trường và gia đình, trong đó nhà trường đóng vai trò chủ động. Thực hiện công khai các hoạt động giảng dạy, kết quả học tập của nhà trường.

Tăng cường thông tin về hoạt động nhà trường và việc học tập của con em cho cha mẹ học sinh biết thông qua nhiều kênh như: họp phụ huynh định kỳ, thông tin trên website, liên lạc trực tiếp đến gia đình…, chú ý việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ cha mẹ học sinh và kể cả học sinh. Từ đó, sẽ tăng cường sự hợp tác, phối hợp nhiều hơn từ phía gia đình học sinh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng các hoạt động giáo dục; quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định, nội quy, quy chế; xử lý nghiêm, kịp thời đối với các cá nhân và tổ chức vi phạm.

11. Đảm bảo các nguồn lực thực hiện kế hoạch

a) Nguồn vốn triển khai

Nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện kế hoạch các đơn vị, địa phương linh hoạt cân đối, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đạt hiệu quả cao, gồm:

- Nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025;

- Nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo;

- Nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

- Nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

- Nguồn trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn khác.

b) Đảm bảo nguồn lực thực hiện kế hoạch

- Đầu tư xây dựng CSVC giai đoạn 2021-2025 các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện theo Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường lớp học vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, đầu tư có trọng điểm không dàn trải.

- Mua sắm TBDH trong giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở định mức thiết bị dạy học tối thiểu và các thiết bị dạy học chuyên môn khác do Bộ GDĐT quy định, các đơn vị, địa phương cân đối nguồn lực, tổ chức mua sắm trang bị đảm bảo cho các trường hoạt động chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí.

- Bố trí đảm bảo định biên giáo viên trên lớp để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2020-2025, ưu tiên cho các trường lớp học vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng DTTS.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện kế hoạch; kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; đề xuất giải pháp giải quyết những phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối vốn đầu tư phát triển hàng năm để xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương cho sự nghiệp giáo dục phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp ngân sách hiện hành để thực hiện kế hoạch.

4. Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành khác theo chức năng và nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi thẩm quyền.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên lồng ghép bố trí vốn đã phân bổ để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch. Phân công trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành của địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, sắp xếp thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của địa phương. Bố trí quỹ đất phù hợp, đồng thời cập nhật vào Quy hoạch sử dụng đất và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét tiếp tục chỉ đạo thực hiện./.

 

PHỤ LỤC I

SO SÁNH KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Quy mô cơ sở giáo dục

 STT

 Cơ sở giáo dục

Năm học 2020-2021

Năm học 2015-2016

Tăng (-giảm)

 

Tổng cng

1.029

1.064

-35

1

Giáo dục mm non

265

260

5

 

Nhà trẻ

 

 

0

 

Trường Mu giáo

147

151

-4

 

Trường Mm non

118

109

9

 

Trong đó: Trưng ngoài công lập

41

26

15

2

Giáo dục phổ thông

495

561

-66

 

Trường Tiu học

210

277

-67

 

Trường Tiu học và Trung học cơ sở

72

30

42

 

Trường Trung học cơ sở

163

208

-45

 

Trường Trung học phổ thông

43

44

-1

 

Trường THCS THPT

5

1

4

 

Trường Tiu học, THCS THPT

2

1

1

 

Trong đó: Trưng ngoài công lập

4

2

2

3

Giáo dục thường xuyên

268

242

26

 

Trung tâm Giáo dục thưng xuyên tnh

1

1

0

 

Trung tâm GDNN và GDTX

12

16

-4

 

Trung tâm Ngoi ngữ, Tin học

35

8

27

 

Trung tâm Học tập cộng đồng

220

217

3

 

Trong đó: Trung tâm ngoài công lập

34

4

30

4

Giáo dục đại học

1

1

0

 

Trường Đại học

 

 

0

 

Trường Cao đng Sư phm

1

1

0

2. Quy mô học sinh

 Cp học, bc hc

ĐVT

Năm học 2020-2021

Năm học 2015-2016

Tăng (-giảm)

I. Số lượng học sinh

 

 

 

 

1. Giáo dục Mầm non

Học sinh

82.557

75.270

7.287

- Nhà trẻ

Tr

5.211

5.151

60

- Mu giáo

Học sinh

77.346

70.119

7.227

Trong đó: Ngoài công lập

Học sinh

19.687

12.331

7.356

2. Giáo dục Phổ thông

Học sinh

317.592

298.289

19.303

- Tiu học

Học sinh

167.962

164.676

3.286

- Trung học cơ sở

Học sinh

105.860

94.752

11.108

- Trung học phổ thông

Học sinh

43.770

38.861

4.909

Trong đó: Ngoài công lập

Học sinh

2.373

816

1.557

Tổng cng

Học sinh

400.149

373.559

26.590

II. Tỷ lệ huy đng ra lớp

 

 

 

 

1. Giáo dục Mầm non

 

 

 

 

- Nhà trẻ

%

6,5

6,6

-0,1

- Mẫu giáo

%

89,0

86,0

3,0

2. Giáo dục Phổ thông

 

 

 

 

- Tiểu học

%

99,9

99,7

0,2

- Trung học cơ sở

%

91,5

81,5

10,0

- Trung học phổ thông

%

52,0

46,6

5,4

3. Quy mô học viên

 Cp học, bc hc

ĐVT

Năm học 2020-2021

Năm học 2015-2016

Tăng (-giảm)

Bổ túc văn hóa

 

2.120

3.691

-1.571

- Trung học cơ sở

Học viên

93

1.766

-1.673

- Trung học phổ thông

Học viên

2.027

1.925

102

Tin học

Học viên

1.326

684

642

Ngoại ngữ

Học viên

6.478

479

5.999

Tổng cng

Học viên

9.924

4.854

5.070

4. Số lượng đội ngũ

 Cp học, bc học

Năm 2020

Năm 2015

 Tăng (-giảm)

Tổng số

Chia ra

Tổng số

Chia ra

CBQL

GV

NV

CBQL

GV

NV

Mm non

5.755

588

4.332

835

5.654

567

3.933

1.154

101

Tiu học

8.267

637

7.116

514

9.964

717

8.096

1.151

-1.697

THCS

5.760

479

4.722

559

6.954

548

5.352

1.054

-1.194

THPT

2.466

147

2.110

209

2.758

126

2.232

400

-292

GDTX

197

27

131

39

284

38

176

70

-87

CĐ, ĐH

81

2

71

8

160

37

104

19

-79

Tổng cng

22.526

1.880

18.482

2.164

25.774

2.033

19.893

3.848

-3.248

5. Tỷ lệ giáo viên/lớp giáo dục mầm non và phổ thông

 Cp học, bc học

Năm 2020

Năm 2015

 Tăng (-giảm)

Tổng số lớp

Tổng số giáo viên

 Tỷ lệ

Tổng số lớp

Tổng số giáo viên

 Tỷ lệ

Mm non

3.008

4.332

1,44

3.297

3.933

1,19

0,25

Tiu học

5.756

6.905

1,20

6.572

7.912

1,20

0,00

THCS

2.692

4.543

1,69

2.641

5.210

1,97

-0,29

THPT

1.027

2.110

2,05

964

2.231

2,31

-0,26

6. Trình độ đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông năm học 2020-2021

Cp học, bc học

 Trung cấp

 Cao đng

 Đi học

 Thc sỹ

 Tiến sỹ

Trình độ khác

 Tổng

Nhà trẻ

317

45

76

 

 

118

556

Mu giáo

1.129

568

1.743

 

 

336

3.776

Tiu học

981

639

4.912

6

 

367

6.905

THCS

 

712

3.789

42

 

 

4.543

THPT

 

 

1.523

352

2

233

2.110

Tổng cng

2.427

1.964

12.046

400

2

1.054

17.890

7. Tỷ lệ phòng học/lớp giáo dục mầm non và phổ thông

Cấp học, bậc học

Năm 2020

Năm 2015

Tăng (-giảm)

Tổng số lớp

Tổng số phòng học

Tỷ lệ

Tổng số lớp

Tổng số phòng học

Tỷ lệ

Mầm non

3.008

3.089

1,03

3.297

3.011

0,91

0,11

Tiểu học

5.756

5.559

0,97

6.572

5.053

0,77

0,20

THCS

2.692

2.467

0,92

2.641

2.163

0,82

0,10

THPT

1.027

857

0,83

964

786

0,82

0,02

Tổng cộng

12.483

11.972

0,96

13.474

11.013

0,82

0,14

8. Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học từ các chương trình, dự án

TT

Chương trình, dự án

Khối lưng

Kinh phí (Triệu đng)

Ghi chú

1

Đề án kiên cố hóa trường, lớp học

135 phòng học (42 MN, 93 TH)

70.001

Vốn trái phiếu chính

2

Dự án THCS khu vực khó khăn nht giai đoạn 2

24 phòng học, 4 phòng học bộ môn, 3 t viện, 11 nhà công vụ, 10 phòng ni trú

25.929

Vốn ADB 19.710, đi ng 6.219

3

Chương trình phát trin giáo dục trung học giai đon 2

Xây dựng 2 Nhà đa năng, 12 phòng hc bộ môn, 15 phòng thí nghim thực hành cho 7 tng THPT

41.616

Vốn ADB 35.000, đi ng 6.616

4

Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số

25 trường đưc sửa chữa khu nội t, nhà ăn nhà bếp; mua sm TBDH ti thiểu, thiết b n trú và thiết b nhà ăn, nhà bếp

63.450

Vn Trung ương 47.618, địa phương 15.832

5

Đầu công trung hn giai đon 2016-2020

169 phòng học, 172 phòng học b môn, 44 nhà đa năng, 24 nhà hiu bộ, 20 thư viện, 2 khu nhà nội t, 1 nhà công v

458.229

Vn ngân sách đa phương

6

Đu cơ sở vật cht và trang thiết bị cho các cơ sở GDNN-GDTX

 

52.063

Vn trung ương

7

Đ án dy học ngoi ngữ

Mua sắm 96 b thiết b

30.736

 

 

Tổng cng

 

742.024

 

9. Kinh phí huy động xã hội hóa từ các nguồn lực của xã hội 2016-2020

ĐVT: Triệu đồng.

Nội dung

Kinh phí

Tổng kinh phí

859.758

Kinh phí xây dng CSVC, TBDH 15 trường MN và các nhóm lớp thành lp mới

139.986

Kinh phí xây dng CSVC, TBDH 02 trường phổ thông thành lập mới

161.538

Vốn điu lệ đăng ký kinh doanh 30 trung tâm ngoại ngữ thành lập mới

405.905

Vốn điu lệ đăng ký kinh doanh 12 trung tâm tư vn du học thành lp mới

95.800

Huy động xã hội hóa từ các trường học

56.529

- Huy động, đóng góp xây dng trưng đạt chuẩn quốc gia

1.015

- Huy động, đóng góp cho trưng tổ chức bán trú vùng k khăn

17.329

- Huy động, đóng góp làm các hạng mc phụ trợ

15.836

- Huy động đóng góp học bổng cho HS giỏi, HS khó khăn

7.487

- Huy động, đóng góp khác

14.859

Tự nguyn hiến đt để xây dựng trường học

14.439

Nhân dân thị xã AyunPa

3.429

Nhân dân huyện Chư Prông

10.000

Nhân dân huyện Kông Chro

1.010 m²

10. Thực hiện chi các chế độ chính sách và chi sự nghiệp GDĐT

ĐVT: Triệu đồng.

Nội dung

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng chi chế độ, chính ch học sinh, sinh viên

 104.274

 123.880

 129.751

 137.134

 148.909

Htrợ chi phí học tập và cấp bù miễn,  giảm học  phí theo Nghị đnh số 86/2015/NĐ-CP

 49.997

 55.252

 47.183

 45.851

 46.699

Chính sách h trợ hc sinh trường phổ thông xã, thôn đc bit  khó  khăn  theo  Ngh đnh 116/2016/-CP

  22.155

  34.778

  47.194

  53.612

  59.996

Chính sách học bổng đi vi hc sinh dân tc ni trú, bán t theo Thông     tư     liên     tch     số 43/2007/TTLT/BTC-BGT; chính ch đối vi ngưi khuyết tật   Thông   tư   liên   tc số 42/2013/TTLT-BGT- BTBXH-BTC

    27.900

    28.457

    30.085

    33.006

    38.411

Chính ch hỗ trợ hc tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tc thiểu số rt ít người theo Nghị đnh 57/2017/NĐ-CP

 

  840

  473

  354

  356

H trợ cho học sinh, sinh viên học  cao  đẳng,  trung  cấp  theo Quyết đnh số 53/2015/QĐ-TTg

 604

 1.550

 1.578

 1.311

 447

Chế độ cử tuyn vào đại học, cao đẳng, trung cấp theo Nghị đnh số                   134/2006/NĐ-CP, 49/2015/-CP

  3.618

  3.003

  3.238

  3.000

  3.000

Tổng chi ngân ch địa phương toàn tỉnh

 11.012.945

 12.388.729

 14.130.932

 14.789.384

 13.632.175

Trong đó: Chi thường xuyên

6.955.484

7.577.287

8.503.222

8.847.499

9.588.378

Tổng chi sự nghip giáo dc - đào to, dạy nghề

 2.909.552

 3.258.803

 3.321.754

 3.534.383

 3.719.792

Tỷ l % chi sự nghiệp giáo dục - đào to, dạy nghề so vi tng chi ngân sách

 26,42

 25,50

 23,51

 23,90

 27,29

 

 

PHỤ LỤC II

CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2021-2025

Cấp học, bậc học

ĐVT

Thực hiện năm 2020

Kế hoạch năm 2025

Tăng (-giảm)

I. Số lượng học sinh

 

 

 

 

1. Giáo dục Mầm non

Học sinh

82.557

98.000

15.443

- Nhà trẻ

Trẻ

5.211

16.000

10.789

- Mẫu giáo

Học sinh

77.346

82.000

4.654

Trong đó: Ngoài công lập

Học sinh

19.687

29.400

9.713

2. Giáo dục Phổ thông

Học sinh

317.592

327.000

9.408

- Tiểu học

Học sinh

167.962

170.000

2.038

- Trung học cơ sở

Học sinh

105.860

112.000

6.140

- Trung học phổ thông

Học sinh

43.770

45.000

1.230

Trong đó: Ngoài công lập

Học sinh

2.373

9.810

7.437

Tổng cộng (1+2)

Học sinh

400.149

425.000

24.851

II. Tỷ lệ huy động ra lớp

 

 

 

 

1. Giáo dục Mầm non

 

 

 

 

- Nhà trẻ

%

6,5

20,0

13,5

- Mẫu giáo

%

89,0

95,0

6,0

2. Giáo dục Phổ thông

 

 

 

 

- Tiểu học

%

99,9

99,9

0,0

- Trung học cơ sở

%

91,5

97,0

5,5

- Trung học phổ thông

%

52,0

53,5

1,5

III. Trường đạt chuẩn quốc gia

%

50,5

71,71

21,21

- Mầm non

%

48,3

67,17

18,87

- Tiểu học

%

54,7

78,57

23,87

- Trung học cơ sở

%

51,9

74,04

22,14

- Trung học phổ thông

%

38,0

56,0

18.00

IV. Giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo

 

 

 

 

- Mầm non

%

66,6

95,0

28,4

- Tiểu học

%

76,5

100,0

23,5

- Trung học cơ sở

%

84,3

98,0

13,7

- Trung học phổ thông

%

100,0

100,0

0,0

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 137/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai

  • Số hiệu: 137/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Nguyễn Thị Thanh Lịch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản