Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8608/BGDĐT-GDTrH
V/v: Thực hiện Hoạt động GD Nghề phổ thông lớp 11 năm học 2007-2008

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2007

 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo

Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Hoạt động giáo dục Nghề phổ thông (sau đây gọi tắt là GDNPT) lớp 11 được triển khai thực hiện từ năm học 2007-2008 đối với cấp trung học phổ thông (THPT). Tiếp theo hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học (GDTrH) tại công văn số 8227/BGDĐT-GDTrH ngày 06/8/2007, Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện GDNPT lớp 11 như sau:

I. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG

1. Mục tiêu của Hoạt động giáo dục Nghề phổ thông

a) Về kiến thức: Giáo dục cho học sinh (HS) hiểu được một số kiến thức cơ bản về công cụ, kỹ thuật, quy trình công nghệ và về an toàn lao động, vệ sinh môi trường đối với một NPT đã học, biết đặc điểm và yêu cầu của nghề đó.

b) Về kỹ năng: Hình thành cho HS một số kỹ năng sử dụng công cụ, kỹ năng thực hành kỹ thuật theo quy trình công nghệ để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của GDNPT và phát triển nhu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

c) Về thái độ của người học: Phát triển hứng thú kỹ thuật và nhu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng vào lao động, thói quen làm việc có kế hoạch, tuân thủ quy trình kỹ thuật và bảo đảm an toàn lao động, bước đầu có tác phong công nghiệp, giữ gìn vệ sinh môi trường, có ý thức tìm hiểu và lựa chọn nghề nghiệp.

2. Yêu cầu của Hoạt động giáo dục Nghề phổ thông

Luật Giáo dục năm 2005 quy định về mục tiêu của giáo dục THPT như sau: “Giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”. Trong quá trình thực hiện GDNPT và giáo dục hướng nghiệp, HS cần được tìm hiểu các lĩnh vực nghề nghiệp phổ biến trong xã hội để định hướng nghề nghiệp và thấy rõ sự phù hợp của năng lực bản thân với yêu cầu ở những nghề cụ thể, được rèn luyện các kỹ năng, tác phong lao động cần thiết. Thông qua GDNPT, HS được vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học ở môn Công nghệ và các môn học khác vào thực tiễn đời sống và sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

GDNPT phải góp phần rèn luyện phẩm chất, thói quen lao động có kế hoạch, có kỷ luật, có kỹ thuật và ý thức bảo đảm an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường.

II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Về việc lập kế hoạch GDNPT và tổ chức thực hiện

a) Chương trình GDNPT lớp 11 có 105 tiết (3 tiết/tuần), bố trí ngoài thời lượng học 1 buổi/ngày. Bộ GD&ĐT đã ban hành tài liệu dạy học 11 NPT: làm vườn, nuôi cá, trồng rừng, gò, điện dân dụng, điện tử dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt may, nấu ăn, thêu tay, tin học văn phòng. Ngoài ra, các Sở GD&ĐT có thể lựa chọn một số nghề phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu và thực hiện sau khi được Bộ GD&ĐT chấp thuận. Các Sở GD&ĐT xây dựng Kế hoạch thực hiện GDNPT lớp 11, phân công rõ trách nhiệm của các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (TTKTTH-HN) và các trường THPT trong việc phối hợp thực hiện GDNPT.

b) Căn cứ Kế hoạch của Sở GD&ĐT, các trường THPT xây dựng Kế hoạch dạy học GDNPT và thông báo cho HS đăng ký chọn nghề, sắp xếp lớp với số lượng HS phù hợp để tổ chức dạy học.

c) Về phương pháp dạy học, ngoài những phương pháp truyền thống, cần vận dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo tự rèn tay nghề, hình thành cho HS các kỹ năng lao động cơ bản thông qua dạy một nghề cụ thể.

2. Về đánh giá kết quả học tập của HS

a) Việc đánh giá được thực hiện bằng việc cho điểm các loại bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và tính điểm trung bình như một môn học, xếp loại theo quy định của Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS, HS THPT ban hành kèm theo Quyết định số 40/QĐ-BGDĐT ngày 05/10/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Kết quả học tập của HS được đánh giá trên cả 3 mặt: kiến thức, kỹ năng và thái độ học tập. Việc đánh giá kỹ năng của HS cần chú trọng cả quy trình kỹ thuật và năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đánh giá thái độ qua sự tự giác rèn luyện thói quen làm việc có kế hoạch, tôn trọng quy trình công nghệ, ý thức tiết kiệm, tinh thần hợp tác trong công việc, lòng say mê học tập.

b) Kết quả học tập của HS được ghi vào Sổ Gọi tên và ghi điểm và Học bạ (phần các môn học tự chọn). Nếu thực hiện GDNPT tại trường THPT thì ghi đầy đủ các loại điểm vào sổ Gọi tên và ghi điểm như các môn học khác, nếu dạy học NPT ở TTKTTH-HN (hoặc cơ sở khác) thì chỉ ghi điểm trung bình học kỳ và cả năm học theo kết quả mà cơ sở đó bàn giao cho trường. Kết quả học NPT của HS được lấy làm tiêu chí khuyến khích khi xếp loại hạnh kiểm học kỳ, cả năm học và là điều kiện để học tiếp thi lấy chứng chỉ NPT.

Điểm trung bình NPT không tham gia tính điểm trung bình các môn học từng học kỳ và cả năm học. Những HS đạt kết quả GDNPT từ trung bình trở lên nếu có nguyện vọng có thể bố trí học tiếp 75 tiết vào thời gian thích hợp, kể cả trong dịp hè, để thi lấy chứng chỉ NPT.

III. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở GD&ĐT

a) Lập Kế hoạch thực hiện GDNPT lớp 11: Kế hoạch cần phải quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm của các trường THPT và TTKTTH-HN trong việc bố trí GV, thiết bị dạy học, CSVC để thực hiện GDNPT lớp 11. Mỗi TTKTTH-HN phối hợp thực hiện GDNPT với một số trường THPT trên địa bàn (một số NPT có thể giao cho các trường THPT có đủ GV và CSVC tự đảm nhận, một số NPT có thể có sự phối hợp 2 bên, một số NPT do TTKTTH-HN đảm nhận). Các trường THPT nhận bàn giao kết quả học tập và phối hợp với các TTKTTH-HN quản lý HS trong quá trình học tập NPT. Những nơi không có TTKTTH-HN, các trường THPT cần nỗ lực cao nhất để thực hiện GDNPT và có thể đề xuất để các Sở GD&ĐT ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo khác (trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề).

b) Báo cáo để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê chuẩn Kế hoạch thực hiện GDNPT lớp 11 năm học 2007-2008, trong đó có dự toán kinh phí cho GDNPT từ kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục và các khoản thu của HS để học tiếp 75 tiết thi lấy chứng chỉ NPT (nếu có), cơ chế huy động sự phối hợp của các ngành, các cơ sở đào tạo khác trên địa bàn trong việc tổ chức thực hiện.

c) Chỉ đạo các trường THPT và TTKTTH-HN xây dựng kế hoạch thực hiện GDNPT cho lớp 11, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chương trình, tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động này.

d) Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện GDNPT với Bộ GD&ĐT theo quy định tại Kế hoạch thời gian năm học 2007-2008 của Bộ GD&ĐT. Báo cáo cần nêu rõ tình hình thực hiện GDNPT, phân công trách nhiệm giữa các TTKTTH-HN với các trường THPT; danh sách những trường lớp chưa thực hiện GDNPT, lý do và biện pháp khắc phục.

2. Các trường THPT và Trung tâm KTTH-HN

a) Xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch dạy học NPT lớp 11 và phối hợp với TTKTTH-HN được phân công để thực hiện GDNPT theo trách nhiệm được Sở GD&ĐT phân công.

b) Tăng cường GV, CSVC, thiết bị dạy học thực hiện GDNPT.

Đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, cần báo cáo Bộ GD&ĐT để kịp thời giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- TT Nguyễn Văn Vọng (để b/cáo);
- TT Lao động- Hướng nghiệp;
- Các trường THPT thuộc Bộ GD&ĐT, trường, khối chuyên thuộc các CSGDĐH;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ GIÁO DỤC TRUNG HỌC




Lê Quán Tần