Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1350/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 26 tháng 5 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ DỊCH VỤ TRONG NÔNG NGHIỆP, THỦY SẢN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 87/2007/QĐ-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề án định hướng và giải pháp phát triển kinh tế dịch vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2007 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 16/2009/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về phát triển kinh tế dịch vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 85/TTr-SNN-KH ngày 16 tháng 4 năm 210,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế dịch vụ trong nông nghiệp, thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2010 - 2015 với nội dung như sau:

I. Mục tiêu và nhiệm vụ thực hiện:

1. Mục tiêu:

- Phát huy những tiềm năng của ngành nông nghiệp - thủy sản, lợi thế của một tỉnh ven biển thúc đẩy phát triển kinh tế dịch vụ, tạo động lực thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư nhằm phát triển đa dạng các loại hình hoạt động kinh tế dịch vụ, thực hiện chính sách hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo nguồn nhân lực, tài chính tín dụng, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng hoạt động dịch vụ tạo tiền đề cho phát triển một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững.

- Khuyến khích phát triển loại hình kinh tế hợp tác, liên kết hình thành các chuỗi sản phẩm dịch vụ chất lượng cao từ các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ, phấn đấu nâng giá trị sản xuất dịch vụ trong ngành nông nghiệp từ 4.700 triệu đồng hiện nay lên 7.000 triệu đồng vào năm 2015.

2. Nhiệm vụ:

- Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế dịch vụ.

- Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ:

+ Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

+ Xúc tiến thương mại - thông tin thị trường.

+ Hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật.

+ Chính sách hỗ trợ tài chính - tín dụng.

- Tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị, loại hình dịch vụ.

- Tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động dịch vụ.

II. Giải pháp thực hiện:

1. Tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật:

- Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân các xã phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Hợp tác xã, Luật Thuỷ sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Giao thông đường thuỷ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và một số văn bản quy định khác có liên quan cho đối tượng là các đơn vị cung ứng dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản, cán bộ, xã viên hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp, chủ trang trại, chủ tàu thuyền khai thác thủy sản, cơ sở chế biến hải sản.

- Trong giai đoạn 2010 - 2015, tổ chức 20 lớp, cho khoảng 1.000 lượt người, kinh phí thực hiện 200 triệu đồng.

2. Bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực:

- Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý Thuỷ nông, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản tổ chức các khoá đào tạo bồi dưỡng cho đối tượng là các đơn vị cung ứng dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản cán bộ, xã viên hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp, chủ trang trại, chủ tàu khai thác thủy sản, cơ sở chế biến, tiêu thụ hải sản.

- Trong giai đoạn 2010 - 2015, tổ chức 30 lớp, cho khoảng 1.600 lượt người, kinh phí thực hiện 600 triệu đồng.

3. Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ:

- Hỗ trợ về tài chính tín dụng: ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ khi vay vốn đầu tư các dự án dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn (dịch vụ cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, chế biến tiêu thụ nông sản, hải sản, muối,. . .).

- Chính sách thuế: các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế dịch vụ nông nghiệp, thủy sản được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập tạo ra từ việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã viên và các hộ nông dân (theo Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã).

- Xúc tiến thương mại: kinh phí hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2010 - 2015 hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp và 200 triệu đồng/năm, cho các hoạt động:

+ Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu nông sản hàng hoá như: giống lúa xác nhận của hợp tác xã An Nhứt, trứng vịt an toàn của hợp tác xã Tam Phước, bánh tráng An Ngãi,... kinh phí thực hiện 600 triệu đồng.

+ Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp - thủy sản tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu quảng bá sản phẩm; hỗ trợ 100% kinh phí cho các hoạt động chi phí gian hàng, trang trí khu vực hội chợ, chi phí đi lại, ăn, ở, vận chuyển sản phẩm hàng hóa. Kinh phí thực hiện 70 triệu đồng/năm.

+ Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Kinh phí thực hiện 30 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị: các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế dịch vụ nông nghiệp có dự án đổi mới trang thiết bị, máy móc ứng dụng khoa học công nghệ phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản được hỗ trợ 30% kinh phí dự án được phê duyệt (tối đa không quá 100 triệu đồng/01 dự án). Kinh phí thực hiện 22 hợp tác xã x 100 triệu đồng = 2.200 triệu đồng.

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: thực hiện lồng ghép các chương trình đầu tư nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ phát triển kinh tế dịch vụ nông nghiệp, thủy sản như: hệ thống chợ đầu mối nông sản, hải sản, hệ thống công trình thuỷ lợi, hệ thống cảng cá, kho lạnh bảo quản sản phẩm,...

4. Tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị dịch vụ và loại hình dịch vụ:

Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương vận động thành lập các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, thuỷ sản; liên hiệp hợp tác xã ngành nông nghiệp; tổ chức hợp tác dùng nước; các tổ, đội dịch vụ nông nghiệp, thuỷ sản,. . . phấn đấu đến năm 2015 vận động thành lập 02 liên hiệp hợp tác xã (liên hiệp hợp tác xã khai thác hải sản, liên hiệp hợp tác xã chế biến - tiêu thụ nông sản), 12 hợp tác xã nông nghiệp - thủy sản, 50 tổ hợp tác, nâng tổng số lên 34 hợp tác xã, 700 tổ hợp tác hoạt động dịch vụ trong nông nghiệp, thủy sản.

5. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động dịch vụ:

- Các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện rà soát nhiệm vụ về công tác dịch vụ của cơ quan, đơn vị phụ trách. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Nuôi trồng thủy sản rà soát các văn bản liên quan, đề xuất cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý.

- Thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ về giống, quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi,... Hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình để từ đó có các giải pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ về công tác dịch vụ.

- Tăng cường nhân sự, cơ sở vật chất trang thiết bị, củng cố bộ máy thanh tra chuyên ngành, nâng cao chất lượng các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh tế dịch vụ nông nghiệp, thủy sản.

III. Kinh phí thực hiện và phân kỳ đầu tư:

1. Kinh phí thực hiện: tổng kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế dịch vụ trong nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2015 là: 4.200 triệu đồng. Trong đó:

- Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật                              : 200 triệu đồng.

- Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực                            : 600 triệu đồng.

- Xúc tiến thương mại                                                                 : 1.200 triệu đồng.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ                  : 2.200 triệu đồng.

2. Phân kỳ đầu tư:

- Năm 2010       : 697 triệu đồng.

- Năm 2011       : 707 triệu đồng.

- Năm 2012       : 707 triệu đồng.

- Năm 2013       : 697 triệu đồng.

- Năm 2014       : 697 triệu đồng.

- Năm 2015       : 695 triệu đồng.

Giao cho Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất ý kiến trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí theo phân kỳ đầu tư hàng năm cho Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo nội dung được phê duyệt tại Điều 1; thanh quyết toán nguồn vốn theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới