Hệ thống pháp luật

THANH TRA NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134-QĐ-TTNN

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TẠM THỜI TIÊU CHUẨN CHUNG VỀ NGHIỆP VỤ CỦA CÁC CẤP THANH TRA VIÊN

TỔNG THANH TRA NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 1-4-1991;
Căn cứ nghị định 244-HĐBT ngày 30-6-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức của hệ thống thanh tra Nhà nước và biện pháp bảo đảm hoạt động thanh tra;
Căn cứ nghị định 191-HĐBT ngày 18-6-1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế thanh tra viên;
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng - Trưởng ban Tổ chức và cán bộ của Chính phủ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành tạm thời tiêu chuẩn chung về nghiệp vụ của từng cấp Thanh tra viên trong hệ thống tổ chức Thanh tra Nhà nước.

Điều 2. Căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ chung của từng cấp T.T.V, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thuộc HĐBT ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng cấp T.T.V thuộc ngành lĩnh vực do mình quản lý.

Điều 3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thuộc HĐBT, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thi hành quyết định này.

 

 

Nguyễn Kỳ Cẩm

(Đã ký)

 

TIÊU CHUẨN CHUNG VỀ NGHIỆP VỤ CỦA TỪNG CẤP THANH TRA VIÊN
(Ban hành kèm theo QĐ số 134-QĐ-TTNN ngày 9-11-1991 của Tổng Thanh tra Nhà nước)

I. THANH TRA VIÊN CẤP 1

1. Chức trách

Thanh tra viên cấp I là công chức Nhà nước chuyên trách làm công tác thanh tra trong các tổ chức Thanh tra Nhà nước, được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng hoặc Tổng Thanh tra Nhà nước bổ nhiệm theo thẩm quyền, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra Nhà nước theo quy định của pháp luật;

Cụ thể là trực tiếp thực hiện các quyết định thanh tra của Thủ trưởng các tổ chức thanh tra Nhà nước có thẩm quyền bao gồm các công việc sau:

- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kết luận các vụ việc thanh tra ở phạm vi hẹp, có tình tiết tương đối phức tạp, nội dung thanh tra có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể trong quản lý, khối lượng thông tin, tài liệu phải thu thập, phân tích, tổng hợp ở mức độ nhất định.

- Kết quả thanh tra kết luận rõ việc làm đúng, việc làm sai, nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp giải quyết, chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận, kiến nghị của mình.

2. Năng lực thực tiễn

- Nắm được chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có khả năng vận dụng vào hoạt động thanh tra;

- Nắm được nguyên tắc, chế độ, thể lệ trong quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội, quản lý Nhà nước, có kiến thức nhất định về chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành.

- Có nghiệp vụ thanh tra, có năng lực phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động cấp cơ sở.

3. Trình độ được đào tạo, bồi dưỡng

- Tốt nghiệp đại học trở lên

- Đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về nghiệp vụ thanh tra.

- Có trình độ lý luận chính trị trung cấp.

- Có thời gian làm công tác thanh tra 2 năm (không kể thời gian tập sự), nếu từ các ngành, nghề khác chuyển về làm công tác thanh tra thì phải có 1 năm làm công tác thanh tra.

II. THANH TRA VIÊN CẤP 2

1. Chức trách

Thanh tra viên cấp 2 là công chức Nhà nước chuyên trách làm công tác thanh tra trong các tổ chức Thanh tra Nhà nước, được Tổng Thanh tra Nhà nước bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra theo quy định của pháp luật.

Cụ thể là trực tiếp thực hiện các quyết định thanh tra của Thủ trưởng các tổ chức thanh tra Nhà nước có thẩm quyền bao gồm các công việc sau:

- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kết luận các vụ việc thanh tra ở phạm vi tương đối rộng, tình tiết phức tạp; nội dung thanh tra có liên quan đến một số ngành, lĩnh vực quản lý, khối lượng thông tin, tài liệu thu thập tương đối nhiều, yêu cầu việc phân tích, tổng hợp ở trình độ tương đối cao.

- Kết quả thanh tra kết luận rõ việc làm đúng, việc làm sai, nguyên nhân, trách nhiệm; đề xuất được những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, ban hành phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị biện pháp giải quyết, chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kiến nghị, kết luận của mình.

2. Năng lực thực tiễn

- Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nắm được thực tiễn của hoạt động quản lý và tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội từ đó đề xuất được nội dung cần thanh tra và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

- Nắm vững nguyên tắc, chế độ, thể lệ trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành.

- Nắm vững nghiệp vụ thanh tra, có năng lực thực hiện các cuộc thanh tra, hướng dẫn điều hành được Thanh tra viên cấp 1 và Cộng tác viên thanh tra trong đoàn thanh tra, có khả năng nghiên cứu lý luận nghiệp vụ thanh tra.

- Có năng lực phân tích, tổng hợp, nghiên cứu những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của một ngành, một lĩnh vực hoặc một cấp quản lý như Sở, huyện, quận, Tổng công ty, Liên hiệp Xí nghiệp.

- Có khả năng phúc tra vụ việc Thanh tra viên cấp 1 đã kết luận.

3. Trình độ được đào tạo, bồi dưỡng

- Tốt nghiệp Đại học trở lên.

- Được bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước.

- Đã qua lớp bồi dưỡng chương trình nâng cao về nghiệp vụ thanh tra.

- Có trình độ lý luận chính trị cao cấp

- Có thời gian tối thiểu giữ chức danh thanh tra viên cấp 1 hoặc viên chức có trình độ tương đương là 6 năm.

III. THANH TRA VIÊN CẤP 3

1. Chức trách

Thanh tra viên cấp 3 là công chức Nhà nước chuyên trách làm công tác thanh tra trong các tổ chức thanh tra Nhà nước, được Chủ tịch HĐBT bổ nhiệm, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra theo quy định của pháp luật. Cụ thể là trực tiếp thực hiện các quyết định thanh tra của Thủ trưởng các tổ chức thanh tra Nhà nước có thẩm quyền, gồm các công việc sau:

- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kết luận vụ việc thanh tra ở phạm vi rộng, có nhiều tình tiết phức tạp; nội dung thanh tra có liên quan đến nhiều ngành nhiều lĩnh vực, nhiều cấp quản lý hoặc chuyên sâu một ngành, một lĩnh vực quản lý; khối lượng thông tin tài liệu thu thập nhiều, tính chất thông tin, tài liệu đa dạng, phức tạp, yêu cầu trình độ phân tích, tổng hợp rất cao.

- Kết quả thanh tra kết luận được việc làm đúng, việc làm sai, nguyên nhân, trách nhiệm; đề xuất được những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành phù hợp với yêu cầu quản lý của HĐBT; kiến nghị các biện pháp giải quyết, chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về các kết luận, kiến nghị của mình.

2. Năng lực thực tiễn

- Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng thời kỳ.

- Nắm vững các nguyên tắc, chế độ, thể lệ trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội.

- Am hiểu và tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra, có trình độ nghiệp vụ thanh tra cao nhất trong ngạch Thanh tra viên. Có khả năng tổng kết, nghiên cứu lý luận nghiệp vụ thanh tra, nghiên cứu về quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội được áp dụng vào thực tiễn.

- Phân tích tổng hợp được tình hình hoạt động quản lý ở cấp tỉnh, Bộ hoặc một lĩnh vực quản lý của HĐBT; đề xuất được nội dung cần thanh tra, tổ chức chỉ đạo các cuộc thanh tra, hướng dẫn, điều hành Thanh tra viên cấp 2, cấp 1 và Cộng tác viên thanh tra trong quá trình thanh tra.

- Có khả năng phúc tra vụ việc Thanh tra viên cấp 2 đã kết luận.

3. Trình độ được đào tạo, bồi dưỡng.

- Tốt nghiệp Đại học trở lên.

- Được bồi dưỡng các chuyên đề quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội chương trình cao cấp.

- Có trình độ lý luận chính trị cao cấp.

- Có thời gian tối thiểu giữ chức danh thanh tra viên cấp 2 hoặc viên chức có trình độ tương đương là 6 năm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 134-QĐ-TTNN năm 1991 ban hành tạm thời tiêu chuẩn chung về nghiệp vụ của các cấp Thanh tra viên của Tổng Thanh tra Nhà nước

  • Số hiệu: 134-QĐ-TTNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/11/1991
  • Nơi ban hành: Thanh tra Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Kỳ Cẩm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/11/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản