Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1339/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 30 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN Y, DƯỢC CỔ TRUYỀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Y, Dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch phát triển Y, Dược cổ truyền thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2015”, với những nội dung cụ thể như sau:

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:

- Công văn số 7508/BYT-YH ngày 05 tháng 10 năm 2006 của Bộ Y tế về việc tăng cường phát triển mạng lưới Y, Dược học cổ truyền (YDHCT) tuyến y tế cơ sở;

- Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các Bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”.

- Chỉ thị số 24/CT/TW ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới;

- Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020.

II. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:

2.1. Vị trí địa lý:

Thành phố Cần Thơ nằm trên bờ Sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 169 km về phía Tây nam, có diện tích 1.389,59km2, dân số 1.187.089 người, dân cư thành thị chiếm 65,8%; dân tộc Kinh chiếm đa số (97,7%), Khmer 1,9%, Hoa 1,27%.

2.2. Tình hình hoạt động Y học cổ truyền (YHCT):

- Hệ thống mạng lưới y tế thực hiện công tác Y học cổ truyền: thành phố hiện có 01 Bệnh viện Đa khoa trực thuộc Trung ương, 01 Bệnh viện Đa khoa thuộc Quân khu 9, 08 Bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến thành phố, 04 Bệnh viện tư nhân, 09 Phòng Y tế, 07 Bệnh viện đa khoa quận, huyện và 85 Trạm Y tế xã.

- Sở Y tế có cán bộ chuyên trách công tác Y học cổ truyền tại Phòng Nghiệp vụ Y.

- Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Cần Thơ với quy mô 150 giường bệnh nội trú, 125 cán bộ công chức, viên chức (trong đó gồm 01 Tiến sỹ Bác sỹ, 01 Bác sỹ Chuyên khoa II, 10 Bác sỹ Chuyên khoa I, 11 Bác sỹ, 39 Y sỹ Y học cổ truyền; 01 Dược sĩ Chuyên khoa I, 03 Dược sĩ đại học, 17 Dược sĩ trung học...); hoạt động về chuyên ngành không ngừng phát triển với 10 Khoa, Phòng; là cơ sở thực hành về Y học cổ truyền cho trường Đại học Y Dược và Cao đẳng Y tế trong các năm qua; xứng tầm là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của thành phố và Bệnh viện Y học cổ truyền khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

- Phòng Y tế: 100% Phòng Y tế có cán bộ quản lý công tác Y học cổ truyền trong đó có 2/9 đơn vị có cán bộ chuyên trách Y học cổ truyền;

- Bệnh viện Đa khoa thành phố, quận, huyện: có 11 Bác sỹ, 17 Y sỹ và 02 Lương y đang công tác tại Khoa/Tổ Y học cổ truyền, có 6/9 đơn vị có Bác sỹ Y học cổ truyền.

- Trạm Y tế: có 03 Bác sỹ Y học cổ truyền, 69 Y sỹ Đông y và 35 Lương y đang làm việc tại các Trạm Y tế xã; trong đó có 11/85 (13%) Trạm Y tế chưa có Y sĩ/Lương Y chuyên trách Y học cổ truyền.

- Hoạt động chuyên môn:

+ Khoa, Tổ Y học cổ truyền: 7/9 Bệnh viện Đa khoa quận, huyện đã triển khai khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền (trừ Cái Răng và Cờ Đỏ).

+ Trạm Y tế: hiện 71/85 trạm y tế triển khai được công tác khám chữa bệnh cho nhân dân bằng Y học cổ truyền;

- Về cơ sở đào tạo: có 02 cơ sở đào tạo lý thuyết cho cán bộ y tế chuyên khoa Y học cổ truyền (Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ) và 01 cơ sở thực hành (Bệnh viện Y học cổ truyền).

2.3. Thuận lợi:

2.3.1. Luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế, UBND thành phố Cần Thơ trong công cuộc kế thừa, phát triển nền Y học cổ truyền trong nước nói chung, của thành phố Cần Thơ nói riêng trong thời gian qua.

2.3.2. Xuyên suốt có nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn thực hiện.

2.4. Khó khăn:

- Việc chia tách tỉnh trong các năm qua đã gây ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của ngành Y học cổ truyền. Từ tỉnh Cần Thơ chia tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đã tác động rất lớn đến việc phát triển mạng lưới Y học cổ truyền, đặc biệt về nhân lực trên địa bàn thành phố;

- Cơ sở vật chất của Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố đã xuống cấp, trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị đa số đã cũ, chưa được đầu tư mới, vì vậy ảnh hưởng không ít đến công tác nghiên cứu, kế thừa và phát huy các bài thuốc hay, cây thuốc quý; ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và công tác đào tạo;

- Một số đơn vị mới tách chưa có Trạm Y tế, 03 Trạm Y tế phường Trà An, Bùi Hữu Nghĩa và An Thới (quận Bình Thủy) có cán bộ YHCT nhưng chưa có Trạm Y tế; vì vậy không thể triển khai chuẩn IV trong 10 chuẩn Quốc gia y tế;

- Sự phối hợp giữa các Hội Y - Dược cổ truyền với các Trạm Y tế chưa chặt chẽ, chưa tạo thành động lực thúc đẩy cho hoạt động của ngành;

- Kinh phí cho hoạt động về Y học cổ truyền tại các Khoa và các Trạm Y tế chưa rõ ràng, cụ thể và còn nhiều hạn chế;

- Các đơn vị chưa tận dụng và phát huy tích cực thế mạnh của việc thực hiện Đề án 1816.

III. MỤC TIÊU:

3.1. Mục tiêu tổng quát:

- Không ngừng củng cố và phát triển mạng lưới Y học cổ truyền, thực hiện thành công các chủ trương, ý kiến chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp;

- Kế thừa, bảo tồn và phát triển ngành y dược học cổ truyền trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, xây dựng nền y dược học cổ truyền hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

3.2.1. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý y, dược cổ truyền các cấp trên địa bàn thành phố:

Đến năm 2015, 100% cơ sở khám chữa bệnh, Trạm Y tế trên địa bàn thành phố xây dựng và kiện toàn Bệnh viện YHCT theo hướng Bệnh viện Đa khoa.

3.2.2. Khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền:

Đến năm 2015, 100% Trạm Y tế xã có cán bộ chuyên trách về Y học cổ truyền, khám chữa bệnh cho nhân dân bằng Y học cổ truyền.

3.2.3. Hiện đại hóa y, dược cổ truyền và kết hợp y, dược cổ truyền với y, dược hiện đại:

Đến năm 2015, Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố được đầu tư các thiết bị hiện đại trong chẩn đoán, điều trị theo tiêu chuẩn các hạng bệnh viện của Bộ Y tế.

3.2.4. Đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đảm bảo chất lượng cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền.

- Không ngừng kế thừa, phát huy nền y dược học cổ truyền trong thành phố, trong nước cũng như trong khu vực qua các đề tài nghiên cứu khoa học về cây thuốc, con thuốc và những bài thuốc dân gian gia truyền áp dụng vào khám và điều trị bệnh.

- Xã hội hóa công tác Y học cổ truyền thông qua hình thức cây thuốc, cây cảnh, vườn thuốc mẫu phủ kín các Trạm Y tế xã. Tuyên truyền kiến thức về nuôi trồng, thu hái, chế biến và sử dụng thuốc nam trong nhân dân.

- Phát huy thế mạnh việc kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại trong điều trị các loại bệnh lý mãn tính.

3.2.5. Đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhân lực y, dược cổ truyền ở trình độ trung học, đại học và sau đại học vào năm 2015, cụ thể:

- Củng cố nhân lực, bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Y học cổ truyền tại các tuyến: thành phố, quận/huyện và tuyến xã. Đặc biệt xây dựng và nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố đạt Bệnh viện hạng II, quy mô 200 giường nội trú; đảm bảo là cơ sở thực hành về chuyên môn cho cán bộ y tế từ trung cấp đến sau đại học về Y học cổ truyền.

- Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho Hệ thống tổ chức mạng lưới của Y, Dược
cổ truyền thành phố Cần Thơ giai đoạn 2010 - 2015, nhu cầu về nhân lực như sau:

TT

Trình độ Cán bộ viên chức

Hiện có và định hướng đến 2015

Nhu cầu Đào tạo, bổ sung

Có đến 6/2010

2010 - 2015

1

Sau đại học Y dược cổ truyền

12

32

 

2

Đại học Y dược cổ truyền

26

50

 

3

Trung học Y Dược cổ truyền

184

285

 

 

Tổng số

222

367

 

- Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, thầy thuốc thực hành: Lương y, Điều dưỡng/Y sĩ Y học cổ truyền, Bác sĩ Y học cổ truyền, Bác sĩ Chuyên khoa I (CKI), CKII, Thạc sĩ, Tiến sĩ... về Y học cổ truyền cho các cơ sở nghiên cứu và các tuyến điều trị.

3.2.6. Chuẩn hóa trình độ chuyên môn đội ngũ lương y, lương dược; tăng cường vai trò Hội Đông y trong việc bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam.

IV. CÁC GIẢI PHÁP:

4.1. Về cơ chế, chính sách:

- Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở đào tạo y dược cổ truyền; phát triển nuôi trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên một cách hợp lý, bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn dược liệu;

- Bố trí y dược cổ truyền chủ trì hoặc cùng thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế;

- Tăng cường phân cấp quản lý và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc thành lập các cơ sở đông y, đông dược;

- Xây dựng, ban hành các chế độ khuyến khích các Thầy thuốc cống hiến và phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh bằng y dược cổ truyền có hiệu quả; bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu và nghiên cứu kế thừa, ứng dụng và kết hợp y, dược cổ truyền với y, dược hiện đại;

- Xây dựng, ban hành chính sách đẩy mạnh công tác xã hội hóa y dược cổ truyền. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực y, dược cổ truyền; mở rộng liên kết, hợp tác giữa các cơ sở y, dược cổ truyền nhà nước với các cơ sở y, dược cổ truyền tư nhân, giữa cơ sở trong nước với nước ngoài. Các cơ sở y tế nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở y, dược cổ truyền tư nhân;

- Mở rộng hợp tác quốc tế và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển y dược cổ truyền ra nước ngoài.

4.2. Giải pháp về tổ chức, bộ máy:

- Sở Y tế phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án xây dựng và nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ lên Bệnh viện hạng II tiến tới Bệnh viện Y học cổ truyền khu vực có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho khám và điều trị, nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ y tế chuyên ngành Y học cổ truyền cho thành phố và khu vực;

- Sở Y tế chỉ đạo:

+ Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập trung chỉ đạo các Trạm y tế xã triển khai thực hiện chuẩn IV quốc gia về Y dược cổ truyền, đảm bảo 100% trạm y tế có cán bộ chuyên trách về Y học cổ truyền;

Phấn đấu đến năm 2015: 100% Bệnh viện Đa khoa huyện có Khoa Y học cổ truyền đều có Bác sỹ chuyên khoa Y học cổ truyền; trong đó 03 đơn vị (Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt, Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn) phải có Bác sỹ Chuyên khoa I về Y học cổ truyền.

+ Các Bệnh viện Đa khoa đã thành lập Khoa Y học cổ truyền cần bồi dưỡng, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực là Bác sỹ Y học cổ truyền và đặc biệt cán bộ sau đại học;

+ Các Bệnh viện Đa khoa có Tổ Y học cổ truyền, cần rà soát, xem xét tiêu chuẩn thành lập Khoa Y học cổ truyền theo nội dung Thông tư 02/BYT/TT ngày 28 tháng 2 năm 1997 của Bộ Y tế;

+ Các đơn vị chưa tổ chức hoạt động khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền cần triển khai công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong địa bàn, đặc biệt cho các gia đình, cá nhân thuộc diện chính sách, thanh toán Bảo hiểm y tế khi điều trị bằng Y học cổ truyền;

- Sở Y tế phối hợp Ủy ban nhân dân xã, phường thị trấn chỉ đạo thực hiện đối với tuyến xã, phường, thị trấn đến năm 2015:

+ Đảm bảo 100% Trạm Y tế có cán bộ Y học cổ truyền, thực hiện tốt chuẩn IV - Y học cổ truyền trong 10 chuẩn Quốc gia về y tế xã.

+ Khuyến khích, hợp đồng các Lương y có kinh nghiệm cộng tác với Trạm Y tế xã.

+ Cơ cấu lãnh đạo Trạm Y tế tham gia Ban Chấp hành Chi hội Đông y và có lịch sinh hoạt định kỳ, tạo sự liên kết chặt chẽ, thúc đẩy hoạt động Y học cổ truyền tuyến cơ sở đạt hiệu quả.

4.3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực và đào tạo:

- Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tham mưu việc đào tạo theo các hình thức đối với lực lượng cán bộ chuyên khoa Y học cổ truyền, lực lượng khác theo quy định (tại Trường Cao đẳng Y tế, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hoặc tại địa chỉ đào tạo tin cậy khác);

+ Thực hiện tuyển dụng, bổ sung cán bộ chuyên ngành y, dược cổ truyền từ nguồn học sinh tốt nghiệp hàng năm: Căn cứ kế hoạch đào tạo cử viên chức của chuyên khoa Y, dược cổ truyền đi học đến năm 2015 và nguồn học sinh của thành phố Cần Thơ hiện đang theo học tại các Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để xét tuyển;

+ Lựa chọn các cơ sở đào tạo:

* Sau đại học và Đại học Y Dược cổ truyền: đào tạo tại các cơ sở

+ Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh;

+ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ;

+ Trường Đại học Y Hà Nội;

vv……

* Trung cấp y dược cổ truyền, Lương y: đào tạo tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ.

* Kết hợp với Hội Đông y tổ chức đào tạo các loại hình cán bộ chuyên ngành Đông y, trong đó có Lương y, Lương dược;

* Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các tỉnh, thành trong nghiên cứu khoa học về y dược học cổ truyền;

- Sở Y tế có các giải pháp cụ thể thực hiện việc kết hợp y dược học cổ truyền với y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh; bổ sung kiến thức hàng năm theo chương trình đào tạo lại liên tục, cập nhật kiến thức về y dược học cổ truyền cho cán bộ công chức trong các cơ sở y tế.

- Thực hiện Đề án 1816 hỗ trợ cho tuyến dưới chưa có cán bộ chuyên trách về Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng cần triển khai khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền tại đơn vị khi đã xây dựng xong vì hiện nay đã có Bác sỹ Y học cổ truyền.

4.4. Giải pháp phát triển hệ thống khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh Y học cổ truyền:

- Sở Y tế phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo Hội Đông y thành phố và hệ thống Chi hội Đông y quận, huyện phối hợp với các Bệnh viện Đa khoa quận, huyện, Phòng Y tế tổ chức phổ biến những kiến thức thông thường của Y học cổ truyền: thuốc nam đơn giản, xoa bóp, bấm huyệt, luyện tập y võ dưỡng sinh... thành phong trào trong cộng đồng.

- Sở Y tế phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án (hoặc Kế hoạch):

+ Không ngừng cải tiến trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Cần Thơ và một số Khoa Y học cổ truyền (ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt và Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn...) nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu khoa học đặc biệt là các đề tài ứng dụng y dược học cổ truyền trên lâm sàng, làm động lực phát triển cho các đơn vị khác trong thành phố;

+ Bổ sung, nâng cấp danh mục trang thiết bị thiết yếu cho Khoa Y học cổ truyền của các Bệnh viện Đa khoa quận, huyện, Trạm Y tế xã theo Công văn số 4463/BYT-YDCT ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Bộ Y tế;

- Sở Y tế chỉ đạo:

+ Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố chủ trì, xây dựng quy trình chẩn đoán và phác đồ điều trị kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại cho các tuyến;

+ Tất cả các Khoa/Tổ Y học cổ truyền, Trạm Y tế xã đều phải có vườn thuốc mẫu và đủ danh mục cây thuốc theo quy định của Bộ y tế.

+ Triển khai và thực hiện tốt các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng dược liệu theo quy định;

+ Bổ sung danh mục thuốc thành phẩm Y học cổ truyền vào danh mục thuốc sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh đặc biệt là thuốc Bảo hiểm y tế ở tuyến xã;

+ Đảm bảo đủ cơ số thuốc thiết yếu, phục vụ cho khám chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền;

+ Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học tại các Khoa, Tổ Y học cổ truyền; đặc biệt cần kết hợp giữa các tuyến, các bệnh viện trong nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến đối với các đề tài về bài thuốc gia truyền và bài thuốc cổ phương, dân gian trên cơ sở đảm bảo tính an toàn và hiệu quả điều trị, mà vẫn giữ được tính đặc thù của Y học cổ truyền;

- Sở Y tế phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, có kế hoạch tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ - Sáng kiến cải tiến về Y học cổ truyền cho các đơn vị trong toàn thành phố;

+ Chỉ đạo Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Cần Thơ tổ chức sinh hoạt khoa học định kỳ về chuyên ngành Đông y thông qua hình thức “Câu lạc bộ Đông y” tại bệnh viện cho các Lương y, Lương dược và cán bộ Đông y cùng học tập trao đổi kinh nghiệm;

- Sở Y tế phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo các Trạm y tế xã đến cuối năm 2015 phải đạt các chỉ tiêu:

+ Tỷ lệ khám chữa bệnh bằngY học cổ truyền /số bệnh nhân khám bệnh tại Trạm đạt từ 30% trở lên.

+ Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc/Tổng số bệnh nhân điều trị bằng Y học cổ truyền đạt 20% trở lên.

+ Tỷ lệ tiền sử dụng thuốc nam/tổng số tiền thuốc Y học cổ truyền đạt 30%.

4.5. Xã hội hóa lĩnh vực YHCT:

- Đẩy mạnh xã hội hóa Y học cổ truyền và phát triển mạng lưới Y học cổ truyền đến các tổ, cụm dân cư trong xã. Hướng dẫn nhân dân biết nuôi trồng và sử dụng một số cây thuốc nam chữa trị những bệnh thông thường: nồi xông, cháo giải cảm, biết day bấm huyệt (điều trị không dùng thuốc), tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân yếu liệt ½ người...

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ các đơn vị trong tuyến thực hiện các mục tiêu kế hoạch đề ra;

- Phân công đơn vị đầu mối có trách nhiệm triển khai kế hoạch, đôn đốc kiểm tra đánh giá hoạt động mạng lưới Y học cổ truyền của Trạm Y tế xã/phường;

- Khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công cuộc phát huy, kế thừa, phát triển nền Y học cổ truyền của thành phố hàng năm; kịp thời xử lý theo thẩm quyền (hoặc đề xuất xử lý) đối với cá nhân và tập thể không hoàn thành nhiệm vụ, làm sai hoặc thiếu trách nhiệm.

- Hàng năm, tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động y dược học cổ truyền trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò của y, dược cổ truyền trong phòng và chữa bệnh;

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản chỉ đạo về Y, Dược cổ truyền; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phát triển y, dược cổ truyền trên địa bàn thành phố.

- Chủ trì nghiên cứu, bố trí nhiệm vụ lĩnh vực cho y, dược cổ truyền thực hiện, tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, theo kế hoạch của Sở Y tế.

- Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan xây dựng, phê duyệt hoặc trình phê duyệt các đề án xây mới, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố; các đề án về sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, phát triển dược liệu và các Đề án khác.

- Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng đề án hiện đại hóa y, dược cổ truyền kết hợp y, dược cổ truyền với y, dược hiện đại; giữ gìn phát huy bản sắc, tính đặc thù của Y, Dược cổ truyền Việt Nam.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế ưu đãi trong việc nuôi trồng dược liệu và quy hoạch vùng chuyên nuôi trồng dược liệu đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu;

- Phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành có liên quan quản lý chặt chẽ việc mua, bán dược liệu, thuốc đông y và thuốc từ dược liệu;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế chuyên môn trong các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền và sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc đông y thuốc từ dược liệu để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

- Chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y, Dược cổ truyền.

- Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng cho những người có nhiều công lao trong việc thực hiện, phát triển YHCT trên địa bàn thành phố.

- Rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc thành lập mới Ban Chỉ đạo (nếu thấy cần thiết)

2. Sở Tài chính:

Bố trí ngân sách chi thường xuyên, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí chi đầu tư phát triển để thực hiện đề án, dự án, nhiệm vụ y, dược cổ truyền của kế hoạch này; kiểm tra chi tiêu theo chế độ tài chính hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các sở, ban, ngành, quận, huyện có liên quan cân đối, bố trí vốn hàng năm cho các đề án, dự án thực hiện kế hoạch này.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

Có chính sách ưu tiên triển khai những đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền; kết hợp y, dược cổ truyền với y dược hiện đại.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan thực hiện các quy định của Luật Di sản Văn hóa về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của y, dược cổ truyền.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu quảng bá và phát triển hình thức du lịch kết hợp chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền tại Việt Nam.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Phối hợp với Sở Y tế và các địa phương nghiên cứu xây dựng đề án, bảo vệ, tái sinh và tổ chức nuôi trồng dược liệu, đặc biệt là việc thuần hóa, phát triển những dược liệu quý đã thích nghi được, đồng thời có kế hoạch nuôi trồng tập trung những dược liệu có nhu cầu sử dụng lớn và giá trị kinh tế cao; tạo ra và duy trì nguồn cây thuốc, trồng cây thuốc sẵn có ở địa phương phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân và góp phần xóa đói giảm nghèo từ cây thuốc, nguồn dược liệu.

7. Sở Công Thương:

Cùng với Sở Y tế phối hợp với Chi cục Hải quan, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ, hợp lý việc xuất, nhập khẩu dược liệu và các chế phẩm thuốc cổ truyền.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Sở Y tế lựa chọn một số trường phổ thông thực hiện thí điểm trồng vào vườn thực vật của trường một số cây thuốc; đặc biệt là các cây thuốc sẵn có ở địa phương, hướng dẫn cách sử dụng và giới thiệu truyền thống YDHCT cho học sinh.

9. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường và ngành y tế của địa phương có trách nhiệm chỉ đạo phát triển YDHCT trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các Hội Y học cổ truyền, Hội Châm cứu, Hội Đông y… hoạt động, phát triển và góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tăng cường xã hội hóa, mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh bằng YDHCT nhằm huy động mọi lực lượng YDHCT phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Việc trồng cây thuốc gia đình nên gắn liền với phát triển kinh tế gia đình, cải tạo môi trường và phong trào xóa đói giảm nghèo.

- Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt, triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả những nội dung và nhiệm vụ của Kế hoạch này;

- Căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện của quận, huyện; bố trí ngân sách để triển khai kịp thời kế hoạch này;

- Xây dựng cơ chế ưu đãi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương để thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y, dược cổ truyền;

- Tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các cấp Hội liên quan lĩnh vực YHCT hoạt động và phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân;

- Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng năm gửi báo cáo về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan có liên quan quy hoạch đất trồng dược liệu.

10. Hội Đông y:

- Tiếp tục củng cố tổ chức Hội, chú trọng nâng cao y đức và chất lượng chuyên môn cho hội viên, vận động hội viên tích cực tham gia công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về y, dược cổ truyền;

- Nghiên cứu cơ chế đổi mới hoạt động, chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng chuyên môn của các hội viên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng Đề án tăng cường vai trò của các Hội (YHCT, Đông y, Châm cứu…) trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam;

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này.

Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện Kế hoạch này, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện Kế hoạch và đề xuất biện pháp để tiếp tục thực hiện Kế hoạch này. Tùy tình hình thực tế, Kế hoạch này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo, phản ảnh trực tiếp về Sở Y tế để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và địa phương tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch phát triển Y, Dược cổ truyền thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2015”.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tô Minh Giới

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1339/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Kế hoạch phát triển Y, Dược cổ truyền giai đoạn 2011 - 2015 do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 1339/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/05/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Tô Minh Giới
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản