Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1331/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG BIỂU TRƯNG CHƯƠNG TRÌNH THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 259/2005/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2005 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn Quốc gia - Chương trình Thương hiệu Quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 250/2006/QĐ - TTg ngày 31 tháng 10 năm 2006 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Thương hiệu Quốc gia đến năm 2010 và Quyết định số 259/2005/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2005 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn Quốc gia - Chương trình Thương hiệu Quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 0119/QĐ-BTM ngày 25/1/2007 về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế Quản lý và sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu Quốc gia.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông thành viên Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, các thành viên Ban Thư ký, Hội đồng các Ban chuyên gia và các doanh nghiệp tham gia chương trình chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Lưu: VT, XTTM.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thành Biên

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG BIỂU TRƯNG CHƯƠNG TRÌNH THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1331/QĐ-BCT ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Mục đích

Quy chế này quy định việc quản lý và sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu quốc gia.

Điều 2: Phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh

1 Phạm vi áp dụng

Quy chế này áp dụng cho các tổ chức sử dụng Biểu trưng Chương trình Thương hiệu quốc gia.

2 Đối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh của Quy chế này là các nội dung về việc quản lý và sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu quốc gia.

Điều 3: Các nguyên tắc chung khi sử dụng biểu trưng thương hiệu quốc gia

- Đảm bảo thực hiện các giá trị của chương trình thương hiệu quốc gia với giá trị doanh nghiệp theo đuổi;

- Hình ảnh và bản sắc thương hiệu quốc gia phải được tôn trọng, gìn giữ và phát triển;

- Đảm bảo uy tín của Chương trình Thương hiệu quốc gia;

- Không thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái pháp luật;

- Không tạo các liên tưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam;

- Không thực hiện các hoạt động đi ngược truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Chương 2

BIỂU TRƯNG CHƯƠNG TRÌNH THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA

Điều 4: Kết cấu của biểu trưng

1. Biểu trưng Chương trình THQG bao gồm phần hình và phần chữ. Phần hình thể hiện sự cách điệu của hình 4 con chim xếp thành một vòng tròn đồng tâm đối xứng. Phần chữ là dòng chữ bằng tiếng Anh “Vietnam Value”;

2. Tỷ lệ kết cấu của từng mảng miếng của logo được quy định theo hình mẫu logo dưới đây:

Điều 5: Ý nghĩa của Biểu trưng

Về mặt hình ảnh, biểu trưng thể hiện cách điệu 4 hình chim hạc cùng hướng tới các giá trị chất lượng, đổi mới, sáng tạo và năng lực lãnh đạo là những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Chim hạc vừa thể hiện sự kế thừa quá khứ của dân tộc vừa thể hiện sự thống nhất trong ý chí và quyết tâm đưa sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) của Việt Nam ra khắp thế giới.

Bốn hình chim hạc được sắp xếp theo chiều quay của đồng hồ thể hiện sự phát triển không ngừng của đất nước nói chung và nền kinh tế nói riêng dựa trên việc nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực đổi mới, khả năng sáng tạo và nâng cao năng lực lãnh đạo.

Điều 6: Kích thước của Biểu trưng

Tùy theo không gian và chất liệu thể hiện mà biểu trưng Chương trình THQG được bố trí cho đẹp, hợp thẩm mỹ. Đối với các bao bì sản phẩm có gắn biểu trưng Chương trình THQG thì kích thước tối thiểu của Biểu trưng được sử dụng trên bao bì sản phẩm là 25mm x 25mm.

Điều 7: Màu sắc của Biểu trưng

1. Biểu trưng được sử dụng chủ đạo bằng hai màu. Đối với hình 2 con chim được xếp theo chiều dọc, màu xanh mang các chỉ số CMYK (C40, M100, Y0, K0), Pantone Process (DS 298-1C), RGB (DS 211-4C). Đối với hình 2 con chim được xếp theo chiều ngang, màu xanh mang các chỉ số CMYK (C100, M20, Y0, K0), Pantone Process (DS 211-4C), RGB (DS 211-4C);

2. Toàn bộ Biểu trưng có thể sử dụng một màu đơn nhất dưới dạng Âm bản hay Dương bản;

3. Tùy theo phạm vi và không gian biểu trưng được sử dụng hay thể hiện biểu trưng trên các chất liệu khác nhau mà màu của toàn bộ biểu trưng có thể sử dụng một màu đơn nhất theo 5 phương án mầu dưới đây:

a. Phương án 1: CMYK (C40, M100, Y0, K0),

b. Phương án 2: CMYK (C100, M20, Y0, K0),

c. Phương án 3: CMYK (C0, M60, Y100, K0)

d. Phương án 4: CMYK (C45, M75, Y0, K0),

đ. Phương án 5: CMYK (C75, M45, Y0, K0)

Điều 8: Vị trí đặt Biểu trưng bên cạnh các Biểu trưng khác

Khoảng cách giữa Biểu trưng Chương trình THQG khi được đặt cạnh Biểu trưng khác trong việc truyền tải thông tin và hình ảnh phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Nếu các biểu trưng được xếp theo chiều ngang thẳng hàng thì kích thước tính theo chiều cao của Biểu trưng Chương trình THQG không nhỏ hơn kích thước tính theo chiều cao của Biểu trưng khác xếp cùng hàng ngang;

2. Nếu các biểu trưng được xếp theo chiều dọc thẳng hàng thì kích thước tính theo chiều rộng của Biểu trưng Chương trình THQG không nhỏ hơn kích thước tính theo chiều rộng của Biểu trưng khác xếp cùng hàng dọc;

3. Nếu đặt các Biểu trưng xếp theo chiều ngang thì Biểu trưng Chương trình THQG phải được đặt ở vị trí dễ nhìn từ trái sang phải;

4. Nếu đặt các Biểu trưng xếp theo chiều dọc thì Biểu trưng Chương trình THQG phải được đặt ở vị trí trên cùng so với tất cả các Biểu trưng khác.

Chương 3

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG BIỂU TRƯNG THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA

Điều 9: Đối tượng sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu quốc gia:

a. Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia;

b. Thành viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia, Hội đồng các Ban Chuyên gia, Ban Tư vấn Chiến lược;

c. Các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình;

d. Các tổ chức được sự đồng ý bằng văn bản của Cục Xúc tiến Thương mại cho phép sử dụng biểu trưng Chương trình THQG trong từng hoạt động cụ thể.

Điều 10: Cơ quan quản lý

1. Cục Xúc tiến Thương mại - Ban Thư ký Chương trình THQG chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng biểu trưng Chương trình THQG

2. Hàng năm, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia báo cáo Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia việc sử dụng biểu trưng Chương trình THQG trong báo cáo tổng kết năm của Chương trình.

Điều 11: Trách nhiệm và quyền hạn của Ban Thư ký Chương trình THQG

1. Trách nhiệm

a. Cục Xúc tiến Thương mại chịu trách nhiệm quản lý, triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc sử dụng biểu trưng Chương trình THQG;

b. Xây dựng và ban hành các quy trình hướng dẫn các đơn vị có liên quan trong quá trình quản lý và sử dụng Thương hiệu quốc gia;

c. Đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ gắn với biểu trưng Chương trình THQG.

2. Quyền hạn

a. Cục Xúc tiến Thương mại được quyền sử dụng biểu trưng Chương trình THQG cho các hoạt động của Chương trình;

b. Cục Xúc tiến Thương mại được quyền cho phép các tổ chức sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm mục đích quảng bá và truyền thông cho Chương trình;

c. Cục Xúc tiến Thương mại được quyền đình chỉ hoặc chấm dứt quyền sử dụng biểu trưng Chương trình THQG của các tổ chức, cá nhân nếu các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh của Chương trình;

d. Có quyền chấm dứt việc sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật và các cam kết đã ký với Cục Xúc tiến Thương mại và/hoặc vi phạm các quy định tại Quy chế này.

e. Có quyền yêu cầu các đơn vị sử dụng Thương hiệu quốc gia gửi các báo cáo liên quan đến việc sử dụng biểu trưng Chương trình;

f. Có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và chấm dứt các hành vi sử dụng Thương hiệu quốc gia một cách bất hợp pháp và không đúng quy định;

g. Có quyền thu hồi và yêu cầu chấm dứt việc sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG trên các sản phẩm, dịch vụ mà Cục Xúc tiến Thương mại thấy cần thiết để đảm bảo uy tín và danh dự của Chương trình.

i. Có quyền đình chỉ việc thực hiện công việc hoặc ngừng ngay việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ gắn Biểu trưng Chương trình THQG mà các sản phẩm này không đáp ứng được Tiêu chuẩn chất lượng nhưng đã được bán ra thị trường.

Điều 12: Trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu quốc gia

1. Trách nhiệm:

a. Các tổ chức khi sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu quốc gia phải tuân thủ các quy định tại Quy chế này;

b. Có trách nhiệm gìn giữ và phát triển thương hiệu quốc gia trong quá trình sử dụng biểu trưng của Chương trình;

c. Báo cáo hàng năm cho Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia về việc sử dụng biểu trưng của Chương trình, chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của các thông tin báo cáo;

d. Tạo mọi điều kiện để Ban Thư ký Chương trình kiểm tra quá trình xây dựng chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh và marketing sản phẩm, dịch vụ có sử dụng biểu trưng Chương trình THQG do tổ chức thực hiện;

e. Kịp thời khắc phục và sửa chữa các sai phạm trong quá trình sử dụng biểu trưng Chương trình THQG;

f. Phối hợp cùng Cục xúc tiến thương mại trong việc xử lý và ngăn chặn các hành vi sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG trái pháp luật.

2. Quyền hạn:

a. Các tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm tạo lập và gắn kết các liên tưởng tích cực với thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp;

b. Các tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu quốc gia được hưởng lợi từ các hoạt động hỗ trợ của Chương trình THQG theo quy định;

c. Được Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ và hướng dẫn việc sử dụng biểu trưng của Chương trình THQG.

Điều 13: Thời hạn sử dụng

a. Thời hạn sử dụng đối với các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình 2 năm tính từ ngày có quyết định phê duyệt việc lựa chọn doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm tham gia chương trình;

b. Doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình thương hiệu quốc gia sẽ được trao một Biểu tượng của Chương trình kèm theo quyết định, doanh nghiệp được quyền lưu giữ biểu tượng này trong thời gian 2 năm tính từ ngày nhận được quyết định. Sau 2 năm, nếu doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm tiếp tục được lựa chọn tham gia Chương trình thì doanh nghiệp vẫn được lưu giữ Biểu tượng, nếu doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm không được lựa chọn tiếp tục tham gia Chương trình thì doanh nghiệp phải trả lại Biểu tượng Chương trình cho Ban Thư ký Chương trình;

c. Thời hạn sử dụng đối với các tổ chức căn cứ theo quy định hoặc sự cho phép bằng văn bản của Ban Thư ký Chương trình THQG.

Điều 14: Sản phẩm sử dụng Biểu trưng

a. Các văn bản chính thức, tài liệu giao dịch, tài liệu, chương trình quảng cáo, tiếp thị, truyền thông của Ban Thư ký Chương trình THQG;

b. Trên các vật phẩm truyền thông của doanh nghiệp liên quan đến thương hiệu sản phẩm được công nhận tham gia Chương trình THQG;

c. Trên bao bì sản phẩm của các sản phẩm được công nhận tham gia Chương trình;

d. Trên biểu tượng của Chương trình;

e. Các hình thức khác phù hợp với các quy định của Pháp luật và chấp thuận của Ban Thư ký Chương trình THQG.

Điều 15. Kiểm tra, đánh giá việc sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG

1. Hàng năm, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia thực hiện việc rà soát sử dụng và ứng dụng biểu trưng Chương trình THQG;

2. Trước ngày 25/12 hàng năm, tổ chức hoặc cá nhân có sử dụng biểu trưng Chương trình THQG phải lập báo cáo sử dụng biểu trưng và gửi về Ban Thư ký Chương trình THQG bằng thư đảm bảo;

3. Trên cơ sở rà soát việc sử dụng biểu trưng Chương trình THQG, Ban Thư ký Chương trình THQG lập báo cáo đánh giá và đề xuất phương án giải quyết đối với những vấn đề phát sinh.

Điều 16. Vi phạm và xử lý vi phạm

1. Trên cơ sở báo cáo đánh giá việc ứng dụng và sử dụng biểu trưng vi phạm các quy định tại quy chế này, Ban Thư ký Chương trình THQG đưa ra các phương án xử lý vi phạm tùy vào tính chất và mức độ vi phạm trong việc sử dụng;

2. Các hình thức xử lý vi phạm có thể áp dụng bao gồm:

a. Nhắc nhở: Khi phát hiện bất kỳ đơn vị/cá nhân nào vi phạm một trong các quy định của Quy chế này trong quá trình quản lý sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG, Ban Thư ký Chương trình THQG sẽ tiến hành nhắc nhở bằng văn bản gửi đơn vị/cá nhân có hành vi vi phạm. Khi nhận được văn bản nhắc nhở, đơn vị/cá nhân vi phạm có trách nhiệm sửa chữa và khắc phục ngay trong thời gian do Ban Thư ký Chương trình THQG quy định. Sau khi hoàn tất việc sửa chữa, khắc phục, đơn vị/cá nhân có trách nhiệm báo cáo Ban Thư ký Chương trình THQG bằng văn bản về việc sửa chữa, khắc phục;

b. Đối với những trường hợp, Ban Thư ký Chương trình THQG đã có văn bản nhắc nhở đến lần thứ ba nhưng đơn vị/cá nhân không khắc phục hoặc tái diễn vi phạm nhiều lần làm ảnh hưởng tới uy tín của Chương trình, Ban Thư ký Chương trình THQG sẽ áp dụng một trong các biện pháp sau để xử lý vi phạm:

- Đình chỉ việc được quyền sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG;

- Chấm dứt việc được quyền sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG với đơn vị/cá nhân vi phạm và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc chấm dứt này. Kể từ thời điểm có quyết định hoặc thông báo chấm dứt việc sử dụng, đơn vị/cá nhân vi phạm không được phép sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG;

- Ban Thư ký Chương trình THQG có quyền yêu cầu đơn vị/cá nhân hủy bỏ toàn bộ những sản phẩm có sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng theo quy định pháp luật.

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17: Điều khoản thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký;

2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Tổng Thư ký - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại trình Chủ tịch Hội đồng THQG quyết định;

3. Các Thành viên Hội đồng THQG, Ban Thư ký, Hội đồng các Ban chuyên gia, Ban Tư vấn Chiến lược, các doanh nghiệp tham gia chương trình và những bên liên quan có trách nhiệm thực hiện theo các quy định của Quy chế này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1331/QĐ-BCT năm 2008 về Quy chế Quản lý và sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 1331/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/03/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Thành Biên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/03/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản