ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 132/2008/QÐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 12 tháng 9 năm 2008 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành Văn bản QPPL của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự, thủ tục việc ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 91/1998/QĐ-UB ngày 31/10/1998 của UBND tỉnh về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND các cấp.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. UBND TỈNH |
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BAN HÀNH VÀ KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 132/2008/QĐ-UBND ngày 12/9/2008 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về trình tự, thủ tục; trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
2. Quy định này được áp dụng điều chỉnh đối với các loại văn bản QPPL theo các nội dung sau:
a) Đối với việc ban hành, soạn thảo:
- Văn bản QPPL do UBND các cấp ban hành dưới dạng Quyết định, Chỉ thị;
- Nghị quyết của HĐND do UBND cùng cấp trình.
b) Đối với hoạt động kiểm tra:
Văn bản QPPL hoặc văn bản có chứa đựng quy phạm của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ban hành; văn bản của Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Đối với văn bản của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao cho Sở Tư pháp tiến hành tự kiểm tra, rà soát. Trường hợp có sai phạm, báo cáo cơ quan có thẩm quyền tự xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nguyên tắc của việc ban hành và kiểm tra văn bản QPPL.
1. Văn bản QPPL phải do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo đúng trình tự, thủ tục do Luật định. Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và hình thức của một văn bản QPPL.
2. Đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh do UBND cấp tỉnh trình, dự thảo quyết định, chỉ thị của UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ xem xét, thông qua khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan tư pháp cùng cấp.
Dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã phải được công chức Tư pháp - Hộ tịch cùng cấp tham gia soạn thảo hoặc tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản.
3. Văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp sau khi ban hành phải được gửi đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện kiểm tra theo quy định của pháp luật.
4. Việc xử lý văn bản trái pháp luật phải được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu và cá nhân người ký văn bản trái pháp luật.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BAN HÀNH VĂN BẢN QPPL CỦA HĐND, UBND CÁC CẤP
Mục 1. Lập Chương trình Ban hành văn bản QPPL của tỉnh
Điều 3. Trách nhiệm lập Dự kiến Chương trình ban hành văn bản QPPL của tỉnh.
1. Hàng năm, các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh tiến hành rà soát, dự kiến văn bản QPPL sẽ trình HĐND, UBND tỉnh ban hành trong năm kế tiếp và gửi về Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tư pháp trước ngày 01/12.
2. Trên cơ sở tổng hợp đề nghị của các ngành, Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính lập dự kiến Chương trình ban hành văn bản QPPL của tỉnh, trình UBND tỉnh quyết định.
Dự kiến chương trình phải nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, tên văn bản, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản, những nội dung chính của văn bản, cơ quan soạn thảo văn bản, thời điểm ban hành văn bản.
Điều 4. Thông qua, sửa đổi, bổ sung Chương trình ban hành văn bản QPPL của tỉnh.
1. Chương trình ban hành văn bản QPPL của tỉnh được thông qua tại phiên họp đầu năm của UBND tỉnh. Nội dung chương trình phải ghi rõ tên văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, cơ quan phối hợp soạn thảo văn bản, thời điểm ban hành văn bản.
2. Chương trình ban hành văn bản QPPL của tỉnh có thể được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, văn bản QPPL của Trung ương hoặc do điều kiện thực tế ở địa phương.
Mục 2. Trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL của cấp tỉnh, cấp huyện
Điều 5. Phân công cơ quan soạn thảo văn bản QPPL.
Căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ quan trọng của văn bản, UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thể trực tiếp soạn thảo hoặc phân công cơ quan chuyên môn cùng cấp chủ trì soạn thảo.
Trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể thành lập Ban soạn thảo có sự tham gia của đại diện cơ quan tư pháp; đại diện các cơ quan chuyên môn hoặc Ban có liên quan của HĐND (đối với dự thảo Nghị quyết do UBND trình HĐND).
Điều 6. Xây dựng Dự thảo văn bản QPPL.
Quá trình xây dựng Dự thảo văn bản QPPL, cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện các nội dung công việc sau:
1. Khảo sát, đánh giá điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đối với các vấn đề liên quan đến dự thảo;
2. Nghiên cứu các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên về vấn đề được phân công dự thảo; chú ý đến quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng;
3. Chuẩn bị đề cương, biên soạn và chỉnh lý dự thảo;
4. Tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức lấy ý kiến nhân dân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; tập hợp và nghiên cứu tiếp thu ý kiến để chỉnh lý dự thảo;
5. Chuẩn bị Tờ trình và tài liệu liên quan đến dự thảo. Tờ trình phải nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, căn cứ pháp lý, quá trình xây dựng dự thảo, nội dung chính của dự thảo, những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau (nếu có);
6. Gửi Hồ sơ đề nghị thẩm định đến cơ quan tư pháp cùng cấp để tiến hành thẩm định theo quy định của pháp luật; giải trình, tổng hợp và tiếp thu ý kiến thẩm định;
7. Chỉnh sửa và hoàn thiện Hồ sơ ban hành văn bản QPPL báo cáo UBND cùng cấp.
Điều 7. Tổ chức lấy ý kiến xây dựng văn bản QPPL.
1. Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định việc tổ chức lấy ý kiến, nội dung cần lấy ý kiến và phương thức lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản QPPL.
2. Việc lấy ý kiến có thể được tiến hành thông qua các hình thức sau (có thể lựa chọn một hoặc kết hợp nhiều hình thức):
a) Gửi công văn (kèm theo bản dự thảo) đến cơ quan, tổ chức có liên quan đề nghị đóng góp ý kiến vào bản dự thảo. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được công văn, cơ quan được mời tham gia ý kiến có trách nhiệm đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi về cơ quan chủ trì soạn thảo.
Trường hợp cơ quan được mời tham gia đóng góp không gửi ý kiến tham gia về cơ quan chủ trì soạn thảo thì coi như đã đồng ý với bản dự thảo và phải chịu trách nhiệm trước UBND cùng cấp về các QPPL liên quan đến ngành mình.
b) Lấy ý kiến trực tiếp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo;
c) Lấy ý kiến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của địa phương; lấy ý kiến bằng khảo sát, phát phiếu thăm dò;
d) Đối với những lĩnh vực quan trọng liên quan đến cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân, dự thảo văn bản QPPL có thể được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân do Chủ tịch UBND quyết định.
3. Cơ quan được phân công soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến đóng góp để chỉnh lý dự thảo.
Bản tổng hợp ý kiến, văn bản giải trình về việc tiếp thu ý kiến phải được đưa vào hồ sơ trình dự thảo Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị.
Điều 8. Thẩm định về mặt pháp lý Dự thảo văn bản QPPL.
1. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày UBND họp. Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định, Chỉ thị của UBND tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm gửi hồ sơ thẩm định văn bản đến cơ quan tư pháp cùng cấp.
Hồ sơ đề nghị thẩm định bao gồm:
a) Công văn đề nghị thẩm định;
b) Tờ trình UBND về dự thảo văn bản QPPL;
c) Dự thảo văn bản QPPL đã chỉnh sửa;
d) Tổng hợp các ý kiến tham gia đóng góp, các vấn đề cần thảo luận về nội dung của Dự thảo;
đ) Danh mục các văn bản pháp luật làm căn cứ ban hành và các văn bản khác có liên quan.
2. Chậm nhất là 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Tư pháp có trách nhiệm thẩm định bằng văn bản gửi về cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản để chỉnh sửa, lập hồ sơ trình UBND.
Nội dung thẩm định bao gồm:
- Sự cần thiết phải ban hành;
- Tính hợp hiến, hợp pháp; đảm bảo phù hợp với văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên;
- Hình thức, bố cục của văn bản;
- Trình tự, thủ tục ban hành văn bản;
- Tính khả thi của văn bản (nếu cần thiết).
3. Trường hợp cơ quan soạn thảo gửi hồ sơ đề nghị thẩm định không đảm bảo theo đúng quy định, cơ quan tư pháp trả lại hồ sơ cho cơ quan soạn thảo để hoàn thiện.
4. Sau khi nhận được văn bản thẩm định, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm định, chỉnh lý dự thảo và xây dựng Tờ trình chính thức để trình UBND.
Tờ trình cần nêu rõ nội dung tiếp thu hay không tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm định; những nội dung còn vướng mắc cần xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
1. Chậm nhất là 05 ngày trước ngày UBND họp, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản lập hồ sơ gửi đến Văn phòng UBND gồm các tài liệu như sau:
a) Tờ trình UBND.
b) Dự thảo văn bản QPPL.
c) Văn bản thẩm định của cơ quan tư pháp cùng cấp.
d) Ý kiến tham gia của các cơ quan có liên quan.
đ) Danh mục các văn bản làm căn cứ ban hành văn bản QPPL.
e) Các tài liệu khác có liên quan.
2. Khi nhận được hồ sơ do cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản gửi đến, Văn phòng UBND có trách nhiệm xem xét, yêu cầu chỉnh lý lần cuối và gửi đến các thành viên UBND chậm nhất là 03 ngày trước ngày UBND họp.
Điều 10. Thông qua và ban hành văn bản QPPL.
1. Đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND do UBND trình:
1.1. UBND thông qua dự thảo Nghị quyết trước khi trình HĐND:
a) UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm xem xét, thảo luận tập thể để quyết định việc trình dự thảo Nghị quyết của HĐND cùng cấp do UBND trình theo trình tự sau đây:
- Cơ quan, tổ chức được phân công soạn thảo trình bày dự thảo Nghị quyết;
- Đại diện cơ quan thẩm định trình bày báo cáo thẩm định;
- Thành viên UBND thảo luận;
- Cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo trên cơ sở ý kiến của thành viên UBND;
- Thành viên UBND biểu quyết thông qua dự thảo.
b) Dự thảo Nghị quyết được UBND quyết định trình ra HĐND cùng cấp khi có quá nửa tổng số thành viên UBND biểu quyết tán thành.
c) UBND trực tiếp hoặc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Dự thảo Tờ trình của UBND để báo cáo HĐND ban hành Nghị quyết tại kỳ họp.
1.2. Xem xét, thông qua tại kỳ họp HĐND:
Thủ tục, trình tự trình và thông qua Dự thảo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tại kỳ họp HĐND được thực hiện theo quy định cụ thể tại Mục 1, Mục 2, Chương III, Luật Ban hành Văn bản QPPL của HĐND và UBND.
2. Đối với Dự thảo Quyết định, Chỉ thị của UBND cấp tỉnh, cấp huyện:
a) Việc xem xét, thông qua dự thảo quyết định, chỉ thị tại phiên họp UBND được tiến hành theo trình tự sau đây:
- Đại diện cơ quan soạn thảo trình bày dự thảo quyết định, chỉ thị;
- Đại diện cơ quan tư pháp trình bày báo cáo thẩm định;
- UBND thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo quyết định, chỉ thị.
b) Dự thảo quyết định, chỉ thị được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên UBND biểu quyết tán thành.
c) Sau khi tập thể UBND biểu quyết thông qua Dự thảo, Chủ tịch UBND thay mặt UBND ký ban hành hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch ký thay.
Văn phòng UBND tỉnh hoặc Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện có trách nhiệm phát hành và quản lý văn bản đã ban hành theo quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ.
3. Trường hợp Dự thảo văn bản QPPL không được thông qua thì hồ sơ được gửi trả cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản để chỉnh sửa lại theo ý kiến chỉ đạo của UBND.
Mục 3. Trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL của cấp xã
Điều 11. Phân công Dự thảo văn bản.
Dự thảo Nghị quyết của HĐND cấp xã; Quyết định, Chỉ thị của UBND cấp xã do Chủ tịch UBND phân công và chỉ đạo việc soạn thảo.
Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo văn bản, Chủ tịch UBND tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan, của nhân dân tại các thôn, làng, khu phố về dự thảo Nghị quyết bằng các hình thức thích hợp.
Điều 12. Tham gia ý kiến vào Dự thảo văn bản QPPL:
1. Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã có trách nhiệm tham gia soạn thảo hoặc đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị về những vấn đề sau:
- Sự cần thiết ban hành văn bản;
- Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của văn bản;
- Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Dự thảo với hệ thống pháp luật;
- Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.
2. Tổ chức, cá nhân được phân công dự thảo văn bản QPPL ở cấp xã có trách nhiệm tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo văn bản.
Điều 13. Thông qua dự thảo văn bản QPPL của cấp xã:
1. Đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND cấp xã:
a) Chậm nhất 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, UBND gửi tờ trình, dự thảo Nghị quyết và các tài liệu có liên quan đến các đại biểu HĐND.
b) Việc xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp HĐND được tiến hành theo trình tự sau đây:
- Đại diện UBND trình bày dự thảo Nghị quyết;
- HĐND thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết;
- Dự thảo Nghị quyết được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành.
- Chủ tịch HĐND ký chứng thực Nghị quyết.
2. Đối với dự thảo Quyết định, Chỉ thị của UBND cấp xã:
a) Tổ chức, cá nhân được phân công soạn thảo gửi tờ trình, dự thảo Quyết định, Chỉ thị, bản tổng hợp ý kiến và các tài liệu có liên quan đến các thành viên UBND chậm nhất là 03 ngày trước ngày UBND họp.
b) Việc xem xét, thông qua dự thảo Quyết định, Chỉ thị tại phiên họp UBND được tiến hành theo trình tự sau đây:
- Đại diện tổ chức, cá nhân được phân công soạn thảo trình bày dự thảo;
- UBND thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Quyết định, Chỉ thị.
- Dự thảo Quyết định, Chỉ thị được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên UBND biểu quyết tán thành.
c) Chủ tịch UBND thay mặt (hoặc ủy quyền Phó Chủ tịch UBND ký thay) ký ban hành Quyết định, Chỉ thị.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QPPL
Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo và ban hành văn bản.
1. Cơ quan được giao nhiệm vụ giúp HĐND, UBND các cấp trong việc soạn thảo văn bản có trách nhiệm thường xuyên rà soát, kiểm tra các văn bản do ngành, đơn vị mình tham mưu soạn thảo.
2. Văn phòng UBND, HĐND các cấp có trách nhiệm gửi văn bản QPPL đã ban hành đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra để thực hiện việc kiểm tra theo đúng quy định tại Điều 18, Nghị định 135/2003/NĐ-CP như sau:
- Văn bản QPPL cấp tỉnh: Gửi Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Văn bản QPPL cấp huyện: Gửi Sở Tư pháp;
- Văn bản QPPL cấp xã: Gửi Phòng Tư pháp cấp huyện.
Điều 15. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản.
Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND tỉnh trong việc tự kiểm tra văn bản của tỉnh và tiến hành kiểm tra văn bản QPPL của cấp huyện hoặc của cấp xã khi có yêu cầu, đề nghị.
Phòng Tư pháp có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc tự kiểm tra văn bản của cấp mình và tiến hành kiểm tra văn bản QPPL của cấp xã ban hành.
Tổ chức pháp chế các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm giúp Thủ trưởng đơn vị trong việc rà soát, tự kiểm tra văn bản QPPL do ngành mình tham mưu soạn thảo hoặc trực tiếp ban hành.
Điều 16. Trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra văn bản QPPL.
1. Trình tự, thủ tục kiểm tra văn bản QPPL.
a) Gửi văn bản đến cơ quan kiểm tra: Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký ban hành, văn bản của HĐND, UBND cấp huyện phải gửi về Sở Tư pháp; văn bản của HĐND, UBND cấp xã phải gửi về Phòng Tư pháp các huyện, Thành phố.
b) Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp thông báo để cơ quan đã ban hành văn bản phải tự kiểm tra, xử lý văn bản đó.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo; cơ quan ban hành văn bản phải tự tổ chức kiểm tra, xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản.
Việc xử lý Nghị quyết của HĐND phải được tiến hành tại kỳ họp gần nhất của HĐND cùng cấp.
c) Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp để xử lý trong trường hợp cơ quan đã ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không xử lý trong thời hạn quy định hoặc không nhất trí với kết quả xử lý văn bản của cơ quan đó.
d) Trường hợp nhận được yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân và phương tiện thông tin đại chúng về các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng tư pháp và cơ quan ban hành văn bản có trách nhiệm kiểm tra, xử lý văn bản theo thủ tục tại điểm b, điểm c, khoản 1, Điều này.
e) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện, Thành phố giúp Chủ tịch UBND cùng cấp kiểm tra văn bản của cơ quan tư pháp cấp mình trong trường hợp quy định tại điểm d, Điều này.
2. Nội dung kiểm tra:
- Căn cứ pháp lý để ban hành văn bản,
- Thẩm quyền ban hành văn bản,
- Các nội dung cụ thể của văn bản (phù hợp với văn bản cấp trên và đảm bảo tính khả thi),
- Trình tự, thủ tục, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
Điều 17. Xử lý văn bản trái pháp luật.
Văn bản trái pháp luật được xử lý qua các hình thức sau:
1. Cơ quan ban hành tự xử lý: Khi phát hiện văn bản trái pháp luật cơ quan ban hành phải tự xử lý văn bản theo thủ tục, thời hạn quy định bằng hình thức sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc đình chỉ việc thi hành.
2. Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện đình chỉ việc thi hành và bãi bỏ các văn bản trái pháp luật của cơ quan cấp dưới trực tiếp; đình chỉ việc thi hành Nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp và đề nghị HĐND cùng cấp bãi bỏ.
Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan, cá nhân ban hành văn bản trái pháp luật.
Tùy theo tính chất và mức độ của văn bản trái pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm dân sự hoặc trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Trách nhiệm các cơ quan:
1. Văn phòng HĐND, UBND các cấp:
Chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND cùng cấp trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND-UBND, quy định của tỉnh trong quá trình soạn thảo, ban hành và kiểm tra văn bản QPPL. Thực hiện nghiêm túc việc công bố văn bản, gửi văn bản QPPL đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra theo đúng quy định pháp luật. Thường xuyên tiến hành việc kiểm tra, theo dõi tiến độ thực hiện và chất lượng ban hành văn bản; định kỳ báo cáo HĐND, UBND.
2. Cơ quan tư pháp các cấp:
Có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp trong việc thẩm định về mặt pháp lý dự thảo văn bản QPPL; thường xuyên thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và thực hiện chức năng kiểm tra và xử lý văn bản QPPL trái pháp luật theo thẩm quyền.
3. Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản:
Có trách nhiệm với cơ quan tư pháp cùng cấp và các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức soạn thảo văn bản; thực hiện nghiêm túc quy định về việc gửi hồ sơ đề nghị thẩm định đến cơ quan tư pháp cùng cấp theo quy định pháp luật trước khi trình UBND thông qua. Định kỳ hàng năm tiến hành rà soát, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh dự kiến Chương trình ban hành văn bản QPPL liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
4. Cơ quan tài chính các cấp:
Tham mưu giúp UBND cùng cấp trong việc dự trù kinh phí đảm bảo hoạt động xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh theo quy định của Trung ương và của tỉnh; đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
5. Các tổ chức đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng:
Thường xuyên thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Tích cực tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân hoặc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản QPPL khi có yêu cầu.
Điều 20. Khen thưởng, kỷ luật:
Cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện tốt các quy định này được biểu dương, khen thưởng. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ mà bị xem xét, xử lý kỷ luật.
Giao Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy định này, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.
- 1Quyết định 11/2014/QĐ-UBND về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 2Quyết định 39/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi kèm theo Quyết định 04/2007/QĐ-UBND
- 3Quyết định 361/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành đến hết ngày 31/12/2013
- 4Quyết định 86/2011/QĐ-UBND về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 5Quyết định 21/2014/QĐ-UBND về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 6Quyết định 91/1998/QĐ-UB về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 1Quyết định 361/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành đến hết ngày 31/12/2013
- 2Quyết định 86/2011/QĐ-UBND về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 3Quyết định 91/1998/QĐ-UB về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 1Nghị định 135/2003/NĐ-CP về việc kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 4Quyết định 11/2014/QĐ-UBND về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 5Quyết định 39/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi kèm theo Quyết định 04/2007/QĐ-UBND
- 6Quyết định 21/2014/QĐ-UBND về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Quyết định 132/2008/QĐ-UBND về trình tự, thủ tục ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- Số hiệu: 132/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/09/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
- Người ký: Trần Văn Túy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/09/2008
- Ngày hết hiệu lực: 04/08/2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực