Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1317/2009/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 29 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ 1% TỔNG CHI THƯỜNG XUYÊN CỦA NGÂN SÁCH TỈNH HỖ TRỢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU ­ƯU TIÊN VÌ TRẺ EM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 26/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001- 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 118/2003/NQ-HĐ ngày 29/7/2003 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khoá X - kỳ họp thứ 8 "V/v tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá IX về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Quảng Ninh từ nay đến năm 2010”;
Xét đề nghị của Liên Sở: Lao động, Thương binh và Xã hội - Kế hoạch và Đầu Tư - Tài chính tại Tờ trình số 1004/TT-LN ngày 16/3/2009; báo cáo thẩm định số 17/BC-STP-KTVB ngày 03/4/2009 của Sở Tư pháp; đề nghị của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại văn bản số 1386/LĐTBXH-BVCSTE ngày 08/4/2009
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định quản lý, sử dụng nguồn kinh phí 1% tổng chi thường xuyên của ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ­ưu tiên vì trẻ em.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Bản Quy định ban hành kèm theo Quyết định này thay thế bản Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1134/2006/QĐ-UBND ngày 27/4/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ tưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 (t/h);
- Bộ Lao động TB&XH (b/c);
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp (b/c);
- TT.Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (b/c);
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành: Tư pháp, Y tế, GDĐT, VHTTDL, XD, TTTT, CAn tỉnh, Đài PTTH tỉnh, Báo QNinh;
- Trung tâm Công báo - Tin học - Lưu trữ tỉnh;
- V1, TM2, TH1, NC, VX4;
- Lưu: VT, VX4.
 52b H-QĐ23

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
 KT. CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đọc

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ 1% TỔNG CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH TỈNH HỖ TRỢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU ­ƯU TIÊN VÌ TRẺ EM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1317/2009 /QĐ-UBND ngày 29/4/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này được áp dụng đối với việc sử dụng và quản lý nguồn kinh phí 1% tổng chi thường xuyên ngân sách của địa phương hỗ trợ các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em theo Nghị quyết số 118/2003/NQ-HĐ ngày 29/7/2003 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khoá X - kỳ họp thứ 8 "V/v tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04, kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Quảng Ninh từ nay đến năm 2010”.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và thực hiện các mô hình hoạt động để bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh.

2. Hỗ trợ các xã khó khăn thực hiện mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi.

3. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nâng cấp và quản lý các điểm vui chơi, các trung tâm vui chơi dành cho trẻ em; trang thiết bị học tập, vui chơi trẻ em cho các trường mầm non.

4. Hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí dành cho trẻ em

Hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí bằng 1% tổng chi thường xuyên của ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ­ưu tiên vì trẻ em. Nguồn kinh phí này giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ cho các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và thực hiện các mô hình hoạt động để bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh

1. Hỗ trợ các hoạt động để phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt:

a. Nội dung hỗ trợ:

- Hỗ trợ công tác tuyên truyền, các dịch vụ, tư vấn phục hồi cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các đối tượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, gia đình trẻ và cộng đồng nơi trẻ cư trú.

- Tổ chức thực hiện các mô hình quản lý, giáo dục, các dịch vụ giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật hoà nhập cộng đồng.

- Hỗ trợ công tác điều tra khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực đối với người làm công tác tuyên truyền, tư vấn cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các đối tượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

b. Định mức chi: Thực hiện theo các đề án được phê duyệt.

2. Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:

a. Đối tượng: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định tại Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15/6/2004 và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh.

b. Nội dung và định mức chi:

Căn cứ các quy định tại Thông tư Liên tịch số 86/2008/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 06/10/2008 của Liên Bộ: Tài chính - Lao động Thương binh và Xã hội "Hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Quyết định 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010", Thông tư Liên tịch số 08/2006/TTLT/ BTC-BLĐTBXH ngày 23/01/2006 của Liên Bộ: Tài chính - Lao động Thương binh và Xã hội “Hướng dẫn kinh phí thực hiện Quyết định số 65/2005/QĐ-TTg ngày 25/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học và trẻ em, nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005-2010”, Quyết định số 701/2008/QĐ-UBND ngày 12/3/2008 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung chính sách và chế độ trợ cấp, trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; các ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương xây dựng đề án chi tiết báo cáo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện.

c. Điều kiện, thủ tục đề nghị hỗ trợ: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể.

3. Hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và cơ sở bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:

a. Nội dung hỗ trợ và định mức chi: Thực hiện theo đề án được phê duyệt.

b. Điều kiện, thủ tục đề nghị hỗ trợ: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể; tiến hành thẩm định, phê duyệt đề án do các ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương xây dựng để triển khai thực hiện.

Điều 5. Hỗ trợ mục tiêu sức khoẻ, dinh dưỡng cho trẻ em:

1. Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi cho các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Hàng năm, Sở Y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, đề xuất định mức, dự toán chi cụ thể gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn:

a. Đối tượng hỗ trợ:

Trẻ em dưới 16 tuổi, bị mắc bệnh tim bẩm sinh, sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trẻ đăng ký hộ khẩu xác nhận.

b. Mức hỗ trợ: Chỉ hỗ trợ một lần cho một trẻ phẫu thuật tim tại các cơ sở y tế trong nước, cụ thể:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% tổng kinh phí phẫu thuật cho mỗi trường hợp, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/01 trường hợp (30% số kinh phí còn lại do gia đình trẻ đóng góp và từ các nguồn huy động, tài trợ, đóng góp khác hỗ trợ cho trẻ).

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí phẫu thuật/01 trường hợp đối với trường hợp trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn bị mắc bệnh tim bẩm sinh, sống ở địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II hoặc trẻ em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể xác nhận.

c. Hồ sơ thủ tục và chứng từ thanh toán: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện.

Điều 6. Hỗ trợ kinh phí thực hiện mục tiêu vui chơi giải trí của trẻ em:

1. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp và trang sắm thiết bị cho các điểm vui chơi, các trung tâm vui chơi dành cho trẻ em:

a. Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho mục tiêu xây dựng điểm vui chơi chỉ được thanh toán cho các hạng mục xây lắp và mua trang thiết bị, dụng cụ vui chơi dành cho trẻ em. Kinh phí chi cho việc san gạt tôn tạo mặt bằng, kiến thiết cơ bản khác các đơn vị được giao kế hoạch đầu tư dùng kinh phí địa phư­ơng để thực hiện. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Đầu tư mới điểm vui chơi cấp xã, phường, thị trấn: Mức hỗ trợ căn cứ theo dự án được Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, mức tối đa là 300 triệu đồng. Mức hỗ trợ này đã bao gồm cả xây lắp và mua trang thiết bị. Những địa phương xây dựng dự toán cao hơn mức trên thì chủ động bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương hoặc huy động sự đóng góp của cộng đồng.

Đối với những xã, phường, thị trấn do điều kiện quỹ đất và đặc điểm dân cư không tập trung, nếu xây điểm vui chơi cấp xã sẽ không phát huy được hiệu quả thì đầu tư cho khu vui chơi tại các nhà trẻ, mẫu giáo và khu tập trung dân cư, có thể là cho một hoặc một số thôn, bản, khu phố (sau đây gọi là khu vui chơi dành cho trẻ em), mức cụ thể như sau:

Khu vui chơi ở xã, phường, thị trấn: tối đa không quá 100 triệu đồng/khu.

Khu vui chơi ở vùng sâu, vùng xa: tối đa không quá 150 triệu đồng/khu.

Mức hỗ trợ này đã bao gồm cả xây lắp và mua trang thiết bị

- Sửa chữa nâng cấp:

+ Điểm vui chơi cấp xã, phường, thị trấn: đối với những điểm đang phát huy hiệu quả nhưng cơ sở vật chất đã xuống cấp, cần đầu tư nâng cấp cải tạo thì mức hỗ trợ tối đa là 150 triệu đồng, trong đó kinh phí dành cho mua sắm thiết bị là 70 triệu đồng. Những địa phương xây dựng dự toán cao hơn mức trên phải chủ động bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương hoặc huy động sự đóng góp của cộng đồng.

+ Trung tâm vui chơi dành cho trẻ em cấp huyện: mức hỗ trợ tối đa để đầu tư nâng cấp cải tạo là 200 triệu đồng, trong đó kinh phí dành cho mua sắm thiết bị là 100 triệu đồng.

b. Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho:

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Hướng dẫn quy hoạch, mô hình nội dung các khu vui chơi, điểm vui chơi; khảo sát, giới thiệu mẫu thiết bị vui chơi trẻ em cho các địa phương; tổ chức kiểm tra việc sử dụng kinh phí đảm bảo đúng mục đích.

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện: Quyết định về quy mô, nội dung của khu vui chơi, điểm vui chơi; lựa chọn các hạng mục cần đầu tư mua sắm trang thiết bị, phê duyệt dự án, tổ chức thực hiện đầu tư, trang sắm.

3. Kinh phí quản lý, tổ chức hoạt động điểm vui chơi cấp xã:

Cấp cho các xã đã có điểm vui chơi dành cho trẻ em có Ban quản lý, có quy chế hoạt động và hoạt động thường xuyên, phát huy tốt hiệu quả đầu tư với mức 500.000 đồng/tháng/xã. Nguồn kinh phí này được cấp cho phòng Lao động Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố để quản lý và cấp cho các xã, phường, thị trấn chi cho các nội dung: chi phí tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em; bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ các thiết bị vui chơi; điện nước; bảo vệ.

4. Hỗ trợ cho mỗi huyện, thị xã, thành phố để tổ chức các hoạt động bồi dưỡng năng khiếu và tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em mỗi năm là 50 triệu đồng. Nguồn kinh phí này được cấp uỷ quyền qua Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để cấp cho Ban Thường vụ Đoàn thanh niên các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ban quản lý Nhà thiếu nhi hoặc Ban quản lý Trung tâm vui chơi thanh thiếu nhi thực hiện.

Điều 7. Hỗ trợ kinh phí quản lý, tổ chức điều hành, kiểm tra, giám sát và thực hiện các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em

1. Nội dung chi: Hỗ trợ chi phí xây dựng mạng lưới, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng; công tác nghiên cứu, biên soạn tài liệu, phổ biến các trò chơi dành cho trẻ em; các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em.

2. Định mức chi: Căn cứ nhu cầu thực tế, hàng năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch hoạt động và kinh phí, thống nhất với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 8. Hàng năm, căn cứ quy hoạch được phê duyệt và nhu cầu đầu tư, các ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch, gửi về đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trước ngày 30/9 của năm trước năm kế hoạch). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, thẩm định và thống nhất với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quy định này.

Điều 10. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm truớc Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả, về sự chính xác của các nội dung được đề cập trong các đề án, quy hoạch điểm vui chơi, tiến độ xây dựng, chất lượng và việc phát huy hiệu quả của các điểm vui chơi dành cho trẻ em ở địa phương.

Điều 11. Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc, thường xuyên kiểm tra, giám sát các địa phương, các đơn vị có liên quan để thực hiện có hiệu quả nguồn lực này, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu ưu tiên của tỉnh trong từng giai đoạn và tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh định kỳ hàng năm.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề khó khăn, v­ướng mắc các địa phương, đơn vị cần phản ánh kịp thời về Uỷ ban Nhân dân tỉnh qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1317/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý, sử dụng nguồn kinh phí 1% tổng chi thường xuyên của ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ­ưu tiên vì trẻ em do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 1317/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/04/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/05/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản