Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/2003/NQ-HĐ

 Quảng Ninh, ngày 29 tháng 7 năm 2003

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHOÁ X – KỲ HỌP THỨ 8

(Từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 7 năm 2003)

NGHỊ QUYẾT

TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 04, KỲ HỌP THỨ 7, HĐND DÂN TỈNH KHOÁ IX VỀ "BẢO VỆ - CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM QUẢNG NINH" (TỪ NAY TỚI NĂM 2010)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/6/1994.

- Sau khi nghiên cứu và thảo luận báo cáo số 25/BC-UB ngày 02/7/2003 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐ, ngày 26/7/1997, kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá IX về "Bảo vệ - chăm sóc và giáo dục trẻ em Quảng Ninh từ năm 1997 đến năm 2000" và Nghị quyết số 28/2001/NQ-HĐ ngày 22/02/2001 của Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá X kỳ họp thứ 3 "V/v tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04 Hội đồng Nhân dân tỉnh về công tác Bảo vệ - chăm sóc và giáo dục trẻ em"; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội về "Bảo vệ - chăm sóc và giáo dục trẻ em".

QUYẾT NGHỊ

I.- KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HĐND TỈNH VỀ CÔNG TÁC "BẢO VỆ - CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM QUẢNG NINH" TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2003:

1/ Những kết quả:

- Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, công tác Bảo vệ - chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày càng tiến bộ và cụ thể hơn; trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường ở gia đình - nhà trường - xã hội.

- Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được triển khai tương đối đồng bộ và có sự chuyển biến ở các vùng miền trong tỉnh, được đưa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng cấp, được ưu tiên đầu tư về nguồn lực đối với những mục tiêu khó đạt ở các vùng khó khăn của tỉnh.

- Các quyền cơ bản của trẻ em được quan tâm thực hiện, 6/7 mục tiêu chính trong chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh đã đạt và vượt so với các mục tiêu chương trình hành động quốc gia vì trẻ em.

- Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em từ tỉnh tới cơ sở được củng cố và tăng cường đã góp phần thiết thực vào việc hướng dẫn triển khai, đôn đốc thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em.

2/ Những hạn chế:

- Nhận thức ở một số ngành, địa phương về công tác bảo vệ - chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa đầy đủ, chưa thấy được tầm quan trọng lâu dài đối với từng gia đình và tương lai của xã hội, vì vậy chưa triển khai tốt việc thực hiện Nghị quyết và chưa tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động vì trẻ em.

- Một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, phân công trách nhiệm, chưa kiểm tra đôn đốc thường xuyên nên hiệu quả thực hiện các mục tiêu chương trình chưa cao.

- Ngoài nguồn ngân sách của Trung ương và của tỉnh, việc huy động các nguồn lực khác chưa được nhiều, phong trào xã hội hoá trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh chưa mạnh.

- Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em từ tỉnh tới cơ sở tuy được củng cố, kiện toàn nhưng chưa đủ mạnh, có nơi chưa làm tốt nhiệm vụ tham mưu với lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp, công tác hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc còn chưa trở thành thường xuyên.

II.- NHỮNG MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP VỀ "BẢO VỆ - CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM QUẢNG NINH" TỪ NAY TỚI NĂM 2010:

1/ Mục tiêu cụ thể:

- Giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi từ 23%o năm 2000 xuống còn 19%o năm 2005 và 17%o năm 2010; Giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi từ 39%o năm 2000 xuống còn 24%o năm 2005 và 22%o năm 2010.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi từ 30% năm 2000 xuống còn 20% năm 2005 và 17% năm 2010.

- Giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ/100.000 ca đẻ sống từ 0,3%o năm 2000 xuống còn 0,25%o năm 2010.

- Phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ dân dùng nước sạch, chú trọng nhân dân vùng nông thôn, miền núi.

- Nâng tỷ lệ xã, phường, thị trấn xây dựng và quản lý sử dụng tốt điểm vui chơi dành cho trẻ em từ 18% năm 2000 lên 60% năm 2005 và 100% năm 2010. Đến năm 2010 có 100% huyện, thị xã, thành phố có đủ trung tâm vui chơi thanh thiếu nhi cấp huyện và quản lý sử dụng phát huy được hiệu quả.

- Nâng tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở từ 30,6% năm 2000 lên trên 90% năm 2005 (để toàn tỉnh đạt phổ cập giáo dục THCS năm 2005) và 95% năm 2010. Duy trì vũng chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ.

- Nâng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc từ 70% năm 2000 lên 100% năm 2005 và duy trì vững chắc kết quả đạt được.

2/ Những giải pháp trọng tâm:

Tán thành các chủ trương, giải pháp mà Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã trình bày và nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau:

a - Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cả chiều rộng và chiều sâu để mọi người, mọi gia đình, các tổ chức đoàn thể và xã hội có nhận thức đầy đủ hơn về các quyền của trẻ em; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; xác định vị trí quan trọng của trẻ em đối với từng gia đình và xã hội từ đó ưu tiên và dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

b - Chương trình hành động vì trẻ em Quảng Ninh từ nay tới năm 2010 phải sớm được cụ thể hoá cho phù hợp với nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương, các tổ chức xã hội trong tỉnh và đưa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Yêu cầu các cấp, các ngành phải coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị mình, cần phải tăng cường chỉ đạo thực hiện và có sự kiểm điểm nghiêm túc về kết quả hàng năm.

c - Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cần tiếp tục được củng cố, kiện toàn, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, cung cấp những điều kiện cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từng bước cải thiện chế độ, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này, nhất là ở cơ sở.

d - Ngoài nguồn ngân sách của Trung ương, hàng năm tỉnh giành một khoản bằng 1% tổng chi ngân sách thường xuyên của địa phương để đầu tư cho chương trình hàng động vì trẻ em, ưu tiên đầu tư cho những địa bàn còn nhiều khó khăn; Các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn hàng năm cũng dành nguồn ngân sách với tỷ lệ thích hợp cho chương trình này ở đơn vị mình. Tổ chức thực hiện tốt phương châm "Xã hội hoá", tích cực vận động sự đóng góp của nhân dân địa phương, của các cá nhân và các tổ chức trong và ngoài tỉnh, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước để xây dựng các công trình phục vụ cho trẻ em và giúp đỡ trẻ em ở những vùng khó khăn.

e - Đưa các nội dung chương trình hành động vì trẻ em thành một tiêu chí thi đua khen thưởng của tỉnh. Khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện công tác này.

Hội đồng Nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết về "Bảo vệ - chăm sóc và giáo dục trẻ em Quảng Ninh" mạnh mẽ hơn, kiên quyết và triệt để hơn từ nay tới hết năm 2010; Có báo cáo kết quả thực hiện chương trình tại các kỳ họp cuối năm của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Hội đồng Nhân dân tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng, lực lượng vũ trang, đồng bào các dân tộc trong tỉnh hãy vì tương lai của trẻ em, tương lai của xã hội, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tập trung thực hiện tốt nhất chương trình hành động vì trẻ em; Hãy giành những gì tốt đẹp nhất để trẻ em các dân tộc Quảng Ninh có đạo đức, trí tuệ, thể lực, thẩm mỹ ngày một tốt hơn, là những chủ nhân tương lai vững vàng xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh giàu đẹp, văn minh./.

 

 

Nơi nhận:
- VP: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ (b/c).
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh.
- Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh.
- Đại biểu HĐND tỉnh.
- UB. MTTQ và các đoàn thể của tỉnh.
- TT HĐND,UBND các huyện,TX,TP
- Các Sở, Ban ngành và các cơ quan, đơn vị của tỉnh và TW đóng tại tỉnh.
- Thông tấn xã VN, Th. trú Báo Nhân dân, Báo Lao động tại QN.
- Đài PTTH, Báo QN, Báo Hạ Long.
- VP.HĐND và UBND tỉnh.
- Ch.viên HĐND, UBND tỉnh,
 Thư ký Đoàn ĐBQH của tỉnh.
- Lưu: HĐ,VP/UB.
 H-NQ09

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
CHỦ TỊCH




Hà Văn Hiền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 118/2003/NQ-HĐ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04 về "Bảo vệ - chăm sóc và giáo dục trẻ em Quảng Ninh" (từ nay tới năm 2010)

  • Số hiệu: 118/2003/NQ-HĐ
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 29/07/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Hà Văn Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản