Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/QÐ-UBND

Cà Mau, ngày 24 tháng 01 năm 2014.

 

QUYẾT ÐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CƠ SỞ BÁN BUÔN, BÁN LẺ TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Công văn số 7441/BCT-TTTN ngày 22/8/2008 của Bộ Công Thương về việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ tại địa phương;

Căn cứ Văn bản số 3215/UBND-KT ngày 03/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc Quy hoạch mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

Căn cứ Công văn số 4172/UBND-KT ngày 07/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc thống nhất đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Cà Mau đến 2020;

Căn cứ Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 31/01/2013 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc phê quyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 124/TTr-SCT ngày 11/12/2013 về phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Cà Mau đến năm 2020; ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2087/SKHĐT-KT ngày 30/12/2013,

QUYẾT ÐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Cà Mau đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Các quan điểm phát triển.

a) Phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh trước hết phải gắn với việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người sản xuất và các tầng lớp dân cư trong xã hội.

b) Phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại và nhiều loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đồng thời thiết lập các kênh phân phối làm cho quá trình lưu thông hàng hóa diễn ra thông suốt tạo điều kiện đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống.

c) Phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh gắn với việc xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại, nâng cao tỷ trọng dịch vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

d) Phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo kết hợp giữa mạng lưới bán buôn, bán lẻ hiện có với việc mở rộng và phát triển thêm mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ mới, hiện đại và có sự liên kết chặt chẽ để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu phát triển.

a) Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2011-2015 khoảng 14,5-15%/năm, trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 15,5-16%/năm. Trong cả thời kỳ 2011-2020 dự kiến đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 15%-15,5%/năm. Đến năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 48.958 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt khoảng 101.245 tỷ đồng.

b) Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo thành phần kinh tế đến năm 2015: Khu vực kinh tế trong tỉnh (bao gồm khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế ngoài nhà nước) chiếm khoảng 85%; khu vực có vốn đầu tư ngoài tỉnh, nước ngoài chiếm khoảng 15%; tỷ trọng này đến năm 2020 tương ứng là 75% và 25%.

c) Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa thông qua loại hình thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới cửa hàng tiện lợi...) đạt khoảng 15-20% vào năm 2015, đến năm 2020 đạt khoảng 25-30%.

d) Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ, đặc biệt là hệ thống cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế; hoàn thành về cơ bản chương trình phát triển các loại hình chợ (chợ dân sinh ở khu vực nông thôn và chợ trung tâm, chợ chuyên doanh, chợ đầu mối ở các vùng sản xuất nông sản tập trung, các thị trường tiêu thụ lớn).

3. Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở bán buôn, bán lẻ truyền thống.

a) Chợ đầu mối:

- Chợ đầu mối nông sản: Thực hiện các chức năng tập hợp và phân phối nông sản, tổ chức bán buôn và một phần bán lẻ, cung cấp đầy đủ dịch vụ chuyên nghiệp cho các hoạt động giao dịch, mua bán, giao nhận, vận chuyển, phân loại, đóng gói, chế biến, bảo quản, kiểm tra hàng hóa và các dịch vụ tài chính, thông tin, môi giới...

- Chợ đầu mối thủy sản: Thực hiện các chức năng tập hợp và phân phối thủy sản tại vùng sản xuất và đầu mối tập trung, bán buôn và một phần bán lẻ, cung cấp đầy đủ dịch vụ chuyên nghiệp cho các hoạt động giao dịch, mua bán, giao nhận, vận chuyển, phân loại, đóng gói, chế biến, bảo quản, kiểm tra hàng hóa và các dịch vụ tài chính, thông tin, môi giới...

b) Chợ bán buôn khu vực: Thực hiện chức năng tập hợp, phát luồng hàng hóa, trong đó bán buôn phát luồng hàng công nghiệp tiêu dùng và nông sản tươi sống.

c) Chợ bán lẻ: Trong kỳ quy hoạch cần nâng cấp hoặc chuyển đổi một số chợ bán lẻ ở phường, khóm tại các khu vực đô thị sang loại hình siêu thị tổng hợp và cửa hàng chuyên doanh thực phẩm. Các chợ bán lẻ được phân bố ở xã, ấp nhằm phục vụ các cụm, điểm dân cư nông thôn.

d) Cửa hàng bách hóa tổng hợp: Trong giai đoạn đến năm 2015 và 2020, Cà Mau cần nâng cấp và cải tạo Chợ Bách hóa phường 7, thành phố Cà Mau và xây mới cửa hàng bách hóa tổng hợp ở một số thị trấn huyện.

Trong kỳ quy hoạch, từng bước nâng cấp chuyển đổi các chợ bán lẻ ở phường tại các khu vực đô thị sang loại hình siêu thị và cửa hàng chuyên doanh nông sản thực phẩm; các chợ bán lẻ ở xã được phân bố, phục vụ các cụm, điểm dân cư nông thôn. Bên cạnh việc xây mới chợ tại các xã chưa có chợ, cần nâng cấp, cải tạo các chợ tạm hiện có. Đồng thời, khuyến khích các cửa hàng tạp hóa có diện tích từ 100 m2 trở lên đầu tư chuyển đổi thành cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích; khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng cửa hàng bách hóa tổng hợp ở thành phố Cà Mau và tại các thị trấn huyện lỵ.

4. Quy hoạch phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại.

- Trung tâm mua sắm: Dự kiến hoàn chỉnh Trung tâm mua sắm Cửu Long phường 5 và xây dựng các Trung tâm mua sắm phường 4 và phường 8.

- Siêu thị: Trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ nay đến năm 2020 dự kiến xây dựng một số siêu thị kinh doanh tổng hợp tại thành phố Cà Mau và thị trấn các huyện. Ngoài ra, có thể xây thêm một số siêu thị chuyên doanh như: siêu thị thực phẩm, siêu thị hàng thời trang, siêu thị hàng điện máy, siêu thị trang trí nội thất... tại các khu dân cư tập trung, giao thông thuận tiện.

- Trung tâm logistic.

Trong thời kỳ quy hoạch, trên địa bàn tỉnh dự kiến quy hoạch xây dựng 03 trung tâm logistic tại: Khu công nghiệp Hòa Trung, huyện Cái Nước; Khu kinh tế Năm Căn, huyện Năm Căn; Khu công nghiệp Sông Đốc, huyện Trân Văn Thời.

5. Phân bố cơ sở bán buôn, bán lẻ theo đơn vị hành chính.

* Thành phố Cà Mau:

- Hệ thống chợ: Dự kiến trong kỳ quy hoạch sẽ giải tỏa, sắp xếp lại 10 chợ, xây dựng mới 10 chợ; đến 2020 trên địa bàn thành phố sẽ có 25 chợ, trong đó có 02 chợ đầu mối, 04 chợ bách hóa tổng hợp bán buôn, bán lẻ, 01 chợ Trung tâm phường 7, 01 chợ chuyên doanh cá và 17 chợ bán lẻ.

- Tổng kho bán buôn, kho bán lẻ: Phát triển mới 01 tổng kho bán buôn; đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Cà Mau có 32 kho bán buôn, bán lẻ, trong đó có 05 tổng kho chuyên bán buôn gồm: 02 tổng kho xăng dầu, 01 tổng kho hàng nông sản, thực phẩm và 02 tổng kho hàng công nghệ phẩm; 27 kho vừa bán buôn, bán lẻ.

- Trung tâm thương mại: Nâng cấp Trung tâm thương mại phường 7; quy hoạch xây dựng 01 Trung tâm thương mại cấp tỉnh (dự kiến tại phường 5 thành phố Cà Mau).

- Trung tâm mua sắm: Trong kỳ quy hoạch, trên địa bàn thành phố Cà Mau sẽ có 03 Trung tâm mua sắm có quy mô diện tích đất 1-2 ha (Cửu Long phường 5, xây dựng mới tại phường 4 và phường 8) tại thành phố Cà Mau.

- Siêu thị: Trong kỳ quy hoạch trên địa bàn thành phố xây dựng 05 siêu thị độc lập ngoài Trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm (phường 1, phường 9, phường Tân Thành, xã Tắc Vân và Khu đô thị mới Hoàng Tâm, xã Lý Văn Lâm) và sẽ xây dựng thêm một số siêu thị chuyên doanh như siêu thị thời trang, siêu thị điện máy, siêu thị văn hóa phẩm...

- Cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi: Khuyến khích các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố nâng cấp cải tạo thành cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi. Hình thành các chuỗi cửa hàng tiện ích, bao gồm chuỗi cửa hàng bách hóa, lương thực, may mặc, đồ gia dụng...

* Huyện Thới Bình:

- Hệ thống chợ: Hiện tại huyện Thới Bình có 10 chợ. Dự kiến xây dựng mới 03 chợ; đến năm 2020 trên địa bàn huyện sẽ có 13 chợ, trong đó có 02 chợ vừa bán buôn, vừa bán lẻ và 11 chợ bán lẻ tổng hợp.

- Kho bán buôn: Dự kiến đến năm 2020, trên địa bàn huyện có 04 cụm kho bán buôn gồm: 01 kho tổng hợp tại thị trấn Thới Bình; 01 kho vật tư tổng hợp tại khóm 4 và khóm 9, thị trấn Thới Bình; 01 kho gạo trong nhà máy chế biến gạo tại xã Trí Phải và cụm kho tổng hợp ấp Bến Gỗ, xã Hồ Thị Kỷ.

- Siêu thị: Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện sẽ xây dựng 01 siêu thị hạng II tại khóm 8, thị trấn Thới Bình.

- Hệ thống cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng: Khuyến khích thương nhân phát triển loại hình cửa hàng tiện ích tại thị trấn Thới Bình và các khu dân cư tập trung.

* Huyện U Minh:

- Hệ thống chợ: Hiện tại huyện U Minh có 4 chợ. Dự kiến xây dựng thêm 04 chợ; đến năm 2020 trên địa bàn huyện sẽ có 08 chợ, trong đó có 02 chợ bán buôn, bán lẻ tổng hợp (chợ thị trấn và chợ Khánh Hội) và 06 chợ bán lẻ.

- Tổng kho bán buôn: Dự kiến quy hoạch trên địa bàn huyện có 01 cụm kho tổng hợp bán buôn tại khóm 3, thị trấn U Minh.

- Siêu thị: Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện xây dựng 02 siêu thị tại thị trấn U Minh và xã Khánh Hội.

- Hệ thống cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng: Khuyến khích nâng cấp các cửa hàng bán lẻ tại thị trấn U Minh, các khu dân cư tập trung thành các cửa hàng tự chọn, tiện ích.

* Huyện Trần Văn Thời:

- Hệ thống chợ: Hiện tại huyện Trần Văn Thời có 13 chợ. Dự kiến xây dựng mới 07 chợ, đồng thời giai đoạn 2016-2020 chuyển đổi công năng 05 chợ; đến năm 2020 trên địa bàn huyện sẽ có 15 chợ, trong đó có 13 chợ bán lẻ và 02 chợ vừa bán buôn, vừa bán lẻ.

- Kho bán buôn: Dự kiến đến năm 2020, trên địa bàn huyện có 02 cụm kho bán buôn được quy hoạch tại khóm 11, thị trấn Sông Đốc và khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời.

- Trung tâm thương mại: Tại thị trấn Sông Đốc xây dựng 01 Trung tâm thương mại hạng III với diện tích dự kiến 1,5-2 ha.

- Siêu thị: Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện sẽ xây dựng 01 siêu thị (loại II) tại thị trấn Trần Văn Thời.

- Hệ thống cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng: Khuyến khích thương nhân nâng cấp, cải tạo và phát triển loại hình cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích tại các thị trấn và khu dân cư tập trung để bán lẻ hàng tiêu dùng.

* Huyện Cái Nước:

- Hệ thống chợ: Hiện tại huyện Cái Nước có 06 chợ. Dự kiến xây mới 02 chợ; đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 08 chợ, trong đó có 02 chợ vừa bán buôn, vừa bán lẻ và 06 chợ bán lẻ.

- Kho bán buôn: Dự kiến xây dựng 01 cụm kho bán buôn tại xã Lương Thế Trân với diện tích khoảng 2,0 ha.

- Siêu thị: Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện sẽ phát triển 01 siêu thị (hạng II) tại thị trấn Cái Nước.

- Hệ thống cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng: Khuyến khích thương nhân xây mới và nâng cấp các cửa hàng tạp hóa thành cửa hàng tiện ích trên địa bàn các thị trấn và các khu đông dân cư.

* Huyện Phú Tân:

- Hệ thống chợ: Hiện tại huyện Phú Tân có 07 chợ. Trong kỳ quy hoạch chuyển đổi công năng 02 chợ. Dự kiến xây dựng mới 03 chợ; đến năm 2020 trên địa bàn huyện sẽ có 08 chợ, trong đó có 06 chợ bán lẻ; 02 chợ vừa bán buôn, vừa bán lẻ.

- Kho bán buôn: Dự kiến xây dựng 02 cụm kho bán buôn tại xã Phú Tân và khóm 1, thị trấn Cái Đôi Vàm với diện tích mỗi cụm khoảng 1,0 ha.

- Siêu thị: Dự kiến trong kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện sẽ xây dựng 01 siêu thị tại thị trấn Cái Đôi Vàm.

- Hệ thống cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng: Khuyến khích thương nhân cải tạo, nâng cấp các cửa hàng tạp hóa tại các thị trấn và khu dân cư tập trung thành cửa hàng tiện ích.

* Huyện Đầm Dơi:

- Hệ thống chợ: Hiện tại huyện Đầm Dơi có 09 chợ. Dự kiến trong kỳ quy hoạch chuyển đổi công năng 02 chợ (chợ Bà Hính và chợ ấp 9 Ngọc Chánh), xây mới 08 chợ; đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 15 chợ, trong đó có 01 chợ vừa bán buôn, vừa bán lẻ và 14 chợ bán lẻ.

- Kho bán buôn: Dự kiến đến năm 2020, trên địa bàn huyện có 01 kho bán buôn tại khóm 4, thị trấn Đầm Dơi với diện tích khoảng 1,0 ha.

- Siêu thị: Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện sẽ xây dựng 01 siêu thị (hạng II) tại khóm 4, thị trấn Đầm Dơi.

- Hệ thống cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng: Khuyến khích nâng cấp, cải tạo các cửa hàng tạp hóa ở thị trấn thành cửa hàng tiện ích bán lẻ hàng tiêu dùng.

* Huyện Năm Căn:

- Hệ thống chợ: Hiện tại huyện Năm Căn có 05 chợ. Dự kiến trong kỳ quy hoạch xây dựng mới 03 chợ; đến năm 2020, trên địa bàn huyện sẽ có 08 chợ, trong đó có 02 chợ vừa bán buôn, vừa bán lẻ và 06 chợ bán lẻ.

- Tổng kho bán buôn: Dự kiến đến năm 2020, trên địa bàn huyện có 01 kho bán buôn tại khóm 2, thị trấn Năm Căn.

- Trung tâm thương mại: Trong kỳ quy hoạch sẽ xây dựng 01 Trung tâm thương mại (hạng III) tại thị trấn Năm Căn với diện tích mặt bằng dự kiến 2,0 ha.

- Siêu thị: Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện sẽ xây dựng 01 siêu thị tổng hợp hạng II tại khóm 5, thị trấn Năm Căn.

- Hệ thống cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng: Khuyến khích thương nhân đầu tư cải tạo, nâng cấp các cửa hàng tạp hóa tại thị trấn Năm Căn và các khu dân cư tập trung trở thành cửa hàng tiện ích.

* Huyện Ngọc Hiển:

- Hệ thống chợ: Hiện tại huyện Ngọc Hiển có 06 chợ. Dự kiến xây dựng thêm 01 chợ tại xã Tân Ân; đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 07 chợ bán lẻ.

- Siêu thị: Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn huyện sẽ xây dựng 01 siêu thị (hạng II) tại thị trấn Rạch Gốc.

- Cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi: Khuyến khích các cửa hàng tạp hóa thị trấn huyện, các khu dân cư nâng cấp cải tạo thành cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích.

6. Nhu cầu sử dụng đất và vốn đầu tư phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ.

a) Nhu cầu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch khoảng 90,58 ha trong đó chợ: 27,08 ha; Trung tâm thương mại: 14,0 ha; Trung tâm mua sắm 15,0 ha; siêu thị: 3,7 ha; kho, cụm kho tổng hợp: 30,8 ha.

b) Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trong kỳ quy hoạch dự kiến khoảng 1.792 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho hệ thống chợ dự kiến 277 tỷ đồng, Trung tâm thương mại: 700 tỷ đồng, Trung tâm mua sắm: 150 tỷ đồng, siêu thị: 300 tỷ đồng, hệ thống kho: 365 tỷ đồng.

c) Dự kiến huy động vốn đầu tư từ các nguồn sau:

- Ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống chợ theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg cho các khoản đầu tư xây dựng chợ và các công trình kết nối hạ tầng giao thông đến các siêu thị, trung tâm thương mại. Dự kiến tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước: 180-260 tỷ đồng (khoảng 10-15%/tổng nhu cầu). Do điều kiện ngân sách tỉnh còn rất khó khăn, nên cần phải tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện, đồng thời chủ động huy động xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này.

- Nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: 1.500 - 1.600 tỷ đồng, huy động từ thương nhân kinh doanh trong chợ, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (kể cả doanh nghiệp FDI).

7. Các giải pháp thực hiện quy hoạch.

a) Các giải pháp và chính sách thu hút vốn đầu tư:

- Giải pháp tạo lập nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, từ các nguồn thu để trích lập tạo nguồn vốn đầu tư gồm:

+ Nguồn thu nộp ngân sách hàng năm từ phí, lệ phí, dịch vụ...

+ Các nguồn thu ngân sách hàng năm khác của tỉnh.

+ Đối với hệ thống chợ ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ theo quy định của Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ.

- Giải pháp huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước:

+ Thu hút vốn từ các thương nhân kinh doanh trong chợ.

+ Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

+ Dành quỹ đất xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động bán buôn, bán lẻ theo quy hoạch.

+ Công bố công khai, cụ thể các chính sách hỗ trợ.

- Giải pháp thu hút vốn nước ngoài:

+ Lập dự án và công bố chính sách ưu đãi đầu tư của dự án.

+ Tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để tạo sự hấp dẫn đầu tư đối với các doanh nghiệp, tập đoàn bán buôn, bán lẻ nước ngoài.

b) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh: Hàng năm mở các lớp ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ cho thương nhân nhằm phổ cập kiến thức kinh doanh, quản lý cho thương nhân kinh doanh trên địa bàn.

c) Giải pháp phát triển công nghệ cho thương mại bán buôn, dịch vụ bán lẻ hiện đại của tỉnh:

- Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ cho thương mại điện tử.

- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và xây dựng Website.

- Tổ chức tuyên truyền và mở các lớp đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao nhận thức chung trong xã hội về thương mại điện tử, có chính sách đào tạo cụ thể nguồn nhân lực cho thương mại điện tử thông qua việc liên kết đào tạo với các cơ sở trong và ngoài nước.

d) Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh:

- Đối với công tác tổ chức, quản lý các loại hình bán buôn, bán lẻ:

+ Ban hành nội quy mẫu đối với từng loại hình bán buôn, bán lẻ từng bước đưa hoạt động thương mại trên địa bàn đi vào nề nếp.

+ Từng bước chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ bán buôn, bán lẻ theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

+ Thí điểm thành lập mô hình HTX quản lý, kinh doanh khai thác chợ, theo đó các thương nhân kinh doanh trong chợ là những xã viên của HTX.

- Đối với công tác quản lý, khai thác cơ sở vật chất của hệ thống bán buôn, bán lẻ: việc khai thác cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống bán buôn, bán lẻ phải đạt được các yêu cầu cơ bản:

+ Không mâu thuẫn với chính sách thu hút thương nhân tham gia kinh doanh trong hệ thống.

+ Phù hợp với chính sách thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong xã hội vào việc xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

- Quy định các mức thu hồi vốn đầu tư phù hợp với các đối tượng để đảm bảo khả năng thu cũng như đảm bảo nguồn thu từ các hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

- Quản lý và sử dụng nguồn thu từ khai thác cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh:

+ Đối với các cơ sở bán buôn, bán lẻ do ngân sách đầu tư: Áp dụng phương thức khoán thu thông qua hình thức đấu thầu khoản thu nộp cho các đơn vị quản lý và khai thác cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống bán buôn, bán lẻ.

+ Đối với cơ sở bán buôn, bán lẻ do các doanh nghiệp đầu tư: Thực hiện việc quản lý theo quy định của doanh nghiệp và có sự điều chỉnh theo tính đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bán buôn, bán lẻ.

đ) Giải pháp phát triển nhu cầu sử dụng dịch vụ bán lẻ hiện đại của tỉnh:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và thực hiện phương thức bán lẻ hiện đại trên địa bàn như: Siêu thị, Trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn...

- Các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ hiện đại phải ký kết hợp đồng với các cơ sở cung ứng nguồn hàng ổn định, đảm bảo số lượng, phong phú về chủng loại, chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

e) Giải pháp bảo vệ môi trường đối với cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại.

Thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường, hàng năm các cơ sở bán buôn, bán lẻ phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hoạt động kinh doanh và cam kết thực hiện bảo vệ môi trường theo quy định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Công Thương: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lập dự án đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau công bố công khai và tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn đúng quy hoạch. Hàng năm tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động quản lý.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm, cần bố trí vốn đầu tư hợp lý cho nhu cầu cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thương mại phục vụ phát triển hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định khung giá cho thuê hoặc bán điểm kinh doanh có thời hạn của từng loại hình bán buôn, bán lẻ như chợ, siêu thị, TTTM..., cũng như các quy định khác về tổ chức các dịch vụ có thu theo hướng tăng cường tính chủ động cho các doanh nghiệp kinh doanh, phát triển hoạt động bán buôn, bán lẻ.

4. Sở Giao thông vận tải: Lập kế hoạch khảo sát, thiết kế và đề xuất đầu tư đường giao thông đấu nối các công trình thương mại với các tuyến trục giao thông chính, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của địa phương. Đồng thời, tiến hành quy hoạch và khảo sát thiết kế các tuyến giao thông gắn với chợ đảm bảo lưu thông thuận tiện cho người và hàng hóa qua các cơ sở bán buôn, bán lẻ, nhất là đối với cơ sở bán buôn, bán lẻ mới được xây dựng.

5. Sở Xây dựng: Thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán các dự án đầu tư, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nếu được ủy quyền; hướng dẫn chi tiết các quy định và trình tự thực hiện dự án xây dựng đối với các chủ đầu tư xây dựng cơ sở bán buôn, bán lẻ phù hợp với yêu cầu của các quy định về xây dựng cơ bản.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, phối hợp với các huyện, thành phố Cà Mau bố trí đất và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các công trình phục vụ hoạt động bán buôn, bán lẻ, đặc biệt đối với các công trình được mở rộng hoặc sẽ được xây dựng mới. Hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

7. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau:

Căn cứ quy hoạch cần xác định cụ thể kế hoạch đầu tư, xây dựng, nâng cấp mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thời kỳ đến năm 2020, trong đó cần xác định nguồn vốn đầu tư để có giải pháp huy động vốn cho phù hợp.

Phối hợp với các Sở: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Công Thương tiến hành kiểm tra và lập lại trật tự về giao thông, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn, trực tiếp xử lý các vi phạm đã và đang xảy ra. Giao trách nhiệm cụ thể cho các doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ, ban quản lý hoặc tổ quản lý thực hiện việc quản lý, đảm bảo về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên tại các cơ sở.

Chú trọng việc mời gọi các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thuộc mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn, nhằm góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

8. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề nghị các đơn vị có liên quan phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- PVP UBND tỉnh (Th);
- CVKT (T);
- Lưu: VT, Mi42/01.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 129/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Cà Mau đến năm 2020

  • Số hiệu: 129/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/01/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Dương Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản