Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1233/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ TRUNG TÂM ĐIỆN LỰC LONG PHÚ - SÓC TRĂNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ nhất về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 và Nghị định sửa đổi, bổ sung số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025;

Căn cứ ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan và ý kiến thoả thuận quy hoạch địa điểm của UBND tỉnh Sóc Trăng (số 2648/CTUBND-HC ngày 10 tháng 9 năm 2007);

Xét Tờ trình số 573/TTr-EVN-HĐQT ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình Bộ Công Thương phê duyệt kèm theo Hồ sơ Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Long Phú - Sóc Trăng do Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 3 lập tháng 7 năm 2007;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Năng lượng và Dầu khí,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực (TTĐL) Long Phú, tỉnh Sóc Trăng do Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 3 (PECC3) lập tháng 7/2007 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình tại tờ trình số 573/TTr-EVN-HĐQT ngày 10 tháng 7 năm 2007, với các nội dung chính sau đây:

1. Tên dự án: Trung tâm điện lực (TTĐL) Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

2. Địa điểm quy hoạch TTĐL: xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, nằm bên bờ phải sông Hậu và cách thành phố Sóc Trăng khoảng 20 km về phía Đông.

Tổng diện tích của TTĐL khoảng 330 ha, trong đó bãi chứa tro xỉ (khoảng 85 ha).

3. Quy mô công suất, công nghệ và bố trí tổng mặt bằng quy hoạch

a) Quy mô công suất, công nghệ: Trên cơ sở các điều kiện tự nhiên về diện tích mặt bằng, khả năng nhập khẩu than, nguồn cấp nước làm mát, nước ngọt, đấu nối lưới điện, ảnh hưởng môi trường,... dự kiến phát triển quy mô công suất khoảng 4.400 MW (quy mô công suất cuối cùng của TTĐL phụ thuộc vào việc đầu tư cải tạo, xây dựng kênh Quan Chánh Bố và khả năng xây dựng cảng trung chuyển than), gồm 03 dự án nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống, cụ thể như sau:

- Dự án nhà máy điện (NMĐ) Long Phú 1, quy mô công suất 2x600 MW;

- Dự án NMĐ Long Phú 2, quy mô công suất 2x600 MW;

- Dự án NMĐ Long Phú 3, quy mô công suất 2x1000 MW.

Cấu hình, công nghệ và công suất của từng dự án sẽ được xác định cụ thể trong Dự án đầu tư xây dựng công trình.

b) Quy hoạch tổng thể mặt bằng:

TTĐL Long Phú được quy hoạch dự kiến cho 3 dự án, bố trí mặt bằng các nhà máy điện trong TTĐL theo thứ tự từ phía Tây Bắc đến Đông Nam là NMĐ Long Phú 1, NMĐ Long Phú 2, NMĐ Long Phú 3 (Theo phương án 1 - Bản vẽ 26004A-NĐ-03).

Nguyên tắc bố trí các hạng mục công trình của toàn TTĐL (theo hướng từ Tây Bắc xuống Đông Nam), như sau:

- Các công trình nhà máy điện Long Phú 1, Long Phú 2 và Long Phú 3;

- Trạm phân phối 220KV, 500KV nằm phía dưới khu vực nhà máy;

- Các kho bãi chứa than cho từng nhà máy theo thứ tự 1,2,3;

- Kênh thải nước làm mát hở cho các nhà máy;

- Bãi thải xỉ;

- Cửa lấy nước được bố trí riêng cho từng nhà máy;

- Khu nhà máy chính nằm ngay phía trên sân phân phối, thuận tiện cho việc đấu nối các tổ máy phát tới sân phân phối;

- Tuyến hành lang thải nước làm mát nằm giữa sân phân phối và khu vực nhà máy chính;

- Khu vực gian máy chính đươc bố trí theo thứ tự: Gian máy, lò hơi, FGD, ống khói, khu phụ trợ khác, phù hợp với yêu cầu công nghệ, tối ưu trong vận hành và bảo dưỡng;

- Khu vực kho than bao gồm kho than ngoài trời và kho than trong nhà được bố trí phía Đông Nam của tổng mặt bằng, cuối hướng gió, đảm bảo việc phát tán bụi từ kho than ảnh hưởng nhỏ nhất đến môi trường;

- Khu vực trạm bơm nước làm mát bố trí dọc bờ sông Hậu, gồm 3 trạm bơm cho 3 nhà máy;

- Cảng than, dầu, đá vôi, thạch cao và cảng bốc dỡ thiết bị nặng được bố trí dọc bờ sông, cạnh với kho than để giảm thiểu chiều dài tuyến băng tải;

- Khu vực bãi thải xỉ nằm tiếp theo kho than về phía hạ lưu sông Hậu;

Khu vực kho bãi thi công 12ha và 22ha nằm bên trái và bên phải hai sân trạm 220KV, 500KV

4. Quy hoạch các hệ thống và cơ sở hạ tầng chính

a) Hệ thống nhiên liệu

- Nhiên liệu chính: Nhu cầu than của TTĐL Long Phú khoảng 8,9 triệu tấn/năm, nguồn than nhập khẩu.

- Nhiên liệu phụ FO/DO: Nhu cầu tiêu thụ khoảng 10.000 tấn/ngày, từ các nhà máy lọc dầu trong nước hoặc nhập khẩu.

Than được vận chuyển đến TTĐL bằng tầu 10.000DWT - 20.000DWT, từ cảng trung chuyển qua kênh Quan Chánh Bố tới địa điểm.

b) Hệ thống bến cảng: Xây dựng hệ thống cảng sông, gồm 03 bến tiếp nhận than quy mô tiếp nhận tầu từ 20.000 DWT trở lên, được đầu tư theo từng giai đoạn và 01 cảng tổng hợp cho loại tầu 1.000 DWT sử dụng chung cho toàn TTĐL.

c) Hệ thống kho than: Quy hoạch riêng cho từng nhà máy, mỗi nhà máy sẽ xây dựng 01 kho than ngoài trời và 01 kho than trong nhà. Lượng than dự trữ cho nhà máy hoạt động tối thiểu trong 30 ngày.

d) Kho dầu: Các bồn chứa dầu dung tích khoảng 31.000 tấn cho toàn TTĐL, đảm bảo dự phòng cho các nhà máy trong 7 ngày và được bố trí trong những khu vực riêng biệt tuân thủ theo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.

e) Quy hoạch bãi thải tro xi: Bãi thải xỉ được quy hoạch chung cho toàn bộ TTĐL với diện tích khoảng 85 ha, đảm bảo vận hành trong thời gian 10 năm với quy mô 4.400 MW.

Thải tro xỉ bằng thuỷ lực, trạm bơm thải xỉ được thiết kế riêng cho từng giai đoạn và bố trí trạm bơm nước lắng trong tái tuần hoàn.

Các chủ đầu tư dự án có trách nhiệm nghiên cứu quy hoạch các cơ sở xử lý sử dụng hết lượng tro xỉ làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và cho các mục đích khác nhằm giảm thiểu tác động môi trường khu vực đảm bảo các tiêu chuẩn hiện hành về phát thải.

f) Hệ thống nước làm mát: Nguồn nước làm mát là nước sông Hậu, tổng nhu cầu nước làm mát khoảng 205 m3/s và thiết kế riêng cho từng nhà máy.

Cửa nhận nước trực tiếp từ sông Hậu, qua đường ống ngầm để lấy nước từ tầng sâu của sông Hậu đưa vào trạm bơm tuần hoàn (bố trí dọc theo bờ sông Hậu) và dẫn bằng các đường ống ngầm từ trạm bơm tuần hoàn đến từng nhà máy.

Thải nước làm mát từ các nhà máy bằng các đường cống hộp bê tông hoặc ống thép riêng và dẫn vào kênh thải nước làm mát chung của toàn TTĐL.

g) Cung cấp nước ngọt: Tổng nhu cầu nước ngọt khoảng 48.000m3/ngày đêm và được quy hoạch chung cho TTĐL, có xét đến các giai đoạn thi công.

Nguồn cung cấp lấy từ sông Hậu, tại vị trí của TTĐL (theo đề nghị của UBND tỉnh tại văn bản số 1329/CTUBND-HC ngày 10/9/2007). Trong những tháng mùa khô (từ tháng 2 đến tháng 6) cần có giải pháp kỹ thuật để khử muối đạt chất lượng nước đáp ứng yêu cầu sử dụng.

Phương án cung cấp nước ngọt sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư giai đoạn 1.

5. Quy hoạch hệ thống điện, thông tin liên lạc

a) Đấu nối với lưới điện: TTĐL Long Phú được đấu nối với lưới điện quốc gia bằng 2 cấp điện áp 220 kv và 500 kv, gồm 2 sân phân phối 220 kv và 500 kv riêng. Phương án đấu nối:

- Giai đoạn 1 (NMĐ Long Phú 1): Tổ máy số 1 NMĐ Long Phú 1 đấu nối lên lưới 220 KV, tổ máy số 2 đấu nối lên lưới 500KV

- Giai đoạn 2 (NMĐ Long Phú 2): Cả 2 tổ máy đấu nối nối lên lưới 500 KV. Giữa 2 cấp 220KV và 500KV lắp đặt 01 máy biến áp liên lạc 500KV/220KV.

- Giai đoạn 3 (NMĐ Long Phú 3): Tổ máy so 1 đấu nối lên lưới 500KV, tổ máy số 2 đấu nối lên lưới 220KV qua sân trạm 220KV đã được hoàn thành từ giai đoạn trước. Lắp đặt MBA liên lạc số 2: 500KV/220KV

b) Điện tự dùng: Thiết kế riêng cho từng nhà máy, cấp điện áp tự dùng của từng nhà máy sẽ được chuẩn xác trong các giai đoạn tiếp theo.

c) Điều khiển và đo lường: Thiết kế riêng cho từng nhà máy, có xem xét đấu nối các tín hiệu giám sát và vận hành đến phòng điều khiển điện trung tâm tại sân phân phối 500 kv.

d) Hệ thống SCADA: Đảm bảo thông tin liên lạc, truyền số liệu giữa các nhà máy trong Trung tâm và giữa Trung tâm với Điều độ miền và Điều độ quốc gia.

e) Chiếu sáng: Quy hoạch cho toàn TTĐL.

6. Quy hoạch phần kiến trúc xây dựng

a) Cao trình san nền: Cao độ san nền: dự kiến +3,15 m (theo hệ cao độ quốc gia, được xác định chuẩn xác trong giai đoạn lập dự án đầu tư).

b) Nhà hành chính: Nhà hành chính được bố trí chung cho TTĐL (thuận tiện cho việc quản lý vận hành với hình thức EVN làm Chủ đầu tư).

c) Đường vào TTĐL: Đường chính vào TTĐL được thiết kế quy hoạch chung, nối từ đường Nam sông Hậu vào, đầu tư trong giai đoạn 1.

Các tuyến đường nội bộ trong TTĐL được quy hoạch riêng các tuyến đường nội bộ đảm bảo giao thông thuận tiện trong mỗi nhà máy.

d) Hệ thống thải nước mặt: Thiết kế riêng cho mỗi nhà máy. Nước thải sẽ được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, trước khi thải ra sông Hậu.

e) Hệ thống cây xanh: Quy hoạch cho toàn TTĐL.

f) Mặt bằng thi công: Được thiết kế quy hoạch chung cho toàn TTĐL nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến các nhà máy đang vận hành.

7. Quy hoạch các hệ thống khác

a) Hành lang kỹ thuật của các tuyến: Các hành lang kỹ thuật của toàn bộ TTĐL sẽ thực hiện quy hoạch theo nguyên tắc hạn chế tối thiểu sự giao chéo nhau, thuận tiện cho việc quản lý, thi công và vận hành theo từng giai đoạn phát triển của TTĐL.

b) Hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC): Quy hoạch chung cho toàn TTĐL, có bố trí thiết bị riêng cho từng nhà máy và có hệ thống PCCC phối hợp.

8. Bảo vệ môi trường

Các dự án NMĐ của TTĐL sẽ thiết kế và lắp đặt các thiết bị đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường hiện hành.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sẽ được lập riêng cho từng dự án và trình duyệt theo quy định.

9. Dự kiến tiến độ các dự án

TT

Tên nhà máy và công suất (MW)

Tiến độ

Chủ đầu đầu tư

1

Giai đoạn 1 - Long Phú 1: 2x600

2013-2014

EVN

2

Giai đoạn 2 - Long Phú 2: 2x600

2015

EVN

3

Giai đoạn 3 - Long Phú 3: 2x1000

2016-2017

EVN

10. Các quy hoạch khác

Các vấn đề quy hoạch khác được thực hiện theo đề án Quy hoạch tổng thể TTĐL Long Phú do Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 3 lập tháng 7/2007.

Điều 2. Trên cơ sở quy hoạch TTĐL được duyệt, giao EVN:

- Phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng dùng chung của TTĐL, thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và hoàn chỉnh các quy hoạch hạ tầng cơ sở liên quan (chuyển quyền sử dụng đất, phương án đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt, đường ôtô, đường dây tải điện,...);

- Tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông vận tải về tiến độ đầu tư xây dựng kênh Quan Chánh Bố và vấn đề đảm bảo khả năng vận chuyển than đến TTĐL.

- Triển khai lập dự án đầu tư giai đoạn 1 (Nhà máy điện Long Phú 1) và tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý về địa điểm xây dựng TTĐL.

- Đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ, đáp ứng tiến độ yêu cầu của các dự án trong TTĐL.

- Phối hợp với Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, tiếp tục khảo sát nguồn than nhập khẩu đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ lâu dài cho TTĐL Long Phú và các dự án nhiệt điện than khác đã được phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Năng lượng và Dầu khí, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ GTVT (phối hợp);
- UBND tỉnh Sóc Trăng;
- TV3 (thực hiện);
- Lưu VT, NLDK.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hữu Hào

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1233/QĐ-BCT năm 2007 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Long Phú - Sóc Trăng do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 1233/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/10/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Đỗ Hữu Hào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản