Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1212/QĐ-UBND

An Giang, ngày 22 tháng 5 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỄN THÁM QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2040” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đo đạc và Bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040;

Căn cứ Công văn số 1413/BTNMT-VTQG ngày 27 tháng 3 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược viễn thám;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 174/TTr-STNMT ngày 13 tháng 05 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh: CT và các PCT;
- Các Sở: TNMT, TC, KHĐT;
- Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố;
- VPUBND tỉnh: LĐVP, P.KTN;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Thư

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỄN THÁM QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2040” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1212/QĐ-UBND ngày 22 tháng 05 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh An Giang như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nội dung “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về viễn thám.

2. Yêu cầu

Kế hoạch phải được triển khai đồng bộ, kịp thời và phù hợp với các nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Các sở, ban, ngành có liên quan phải xác định được mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của ngành, từ đó tổng hợp nhu cầu, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển viễn thám.

II. MỤC TIÊU

Ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành điều tra cơ bản, quản lý, quan trắc và giám sát tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương, đồng thời phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Xây dựng hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thám hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của địa phương.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1. Tổ chức triển khai thực hiện các đề án, dự án về ứng dụng viễn thám trên phạm vi địa bàn tỉnh.

1.2. Bảo đảm hành lang an toàn kỹ thuật và bảo vệ các công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám và các quy định pháp luật khác có liên quan.

1.3. Xây dựng nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám trên phạm vi toàn tỉnh định kỳ hàng năm, 05 năm và theo nhiệm vụ đột xuất Nhà nước giao, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và thống nhất việc thu nhận.

1.4. Triển khai thực hiện việc thu nhận, lưu trữ, xử lý dữ liệu ảnh viễn thám.

1.5. Xây dựng, cập nhật, công bố siêu dữ liệu viễn thám để đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; cung cấp bản sao dữ liệu và siêu dữ liệu ảnh viễn thám mua từ nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước để tích hợp vào cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia.

1.6. Quản lý chất lượng sản phẩm viễn thám, lưu trữ và cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám trên địa bàn toàn tỉnh.

1.7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thám.

1.8. Hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình hoạt động viễn thám thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

2. Giải pháp

2.1. Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về viễn thám áp dụng trên địa bàn tỉnh.

2.2. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về viễn thám của tỉnh.

2.3. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng lưới trạm thu dữ liệu viễn thám (trạm cố định, trạm di động, trạm ảo và trạm thu dữ liệu viễn thám khí tượng), trạm điều khiển; hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu viễn thám và mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám để cung cấp dữ liệu viễn thám cho các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ do Trung ương giao.

2.4. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng, phát triển viễn thám trong quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

2.5. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về viễn thám; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ứng dụng và phát triển viễn thám. Thúc đẩy sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám trong các ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, lâm nghiệp, xâm ngập mặn,...

2.6. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (phần cứng, phần mềm) về vận hành các trạm thu dữ liệu viễn thám nhằm phục vụ cập nhật, chia sẻ, khai thác dữ liệu viễn thám vào từng mục đích cụ thể.

2.7. Đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám giữa các cơ quan quản lý dữ liệu với sở, ban, ngành, các cá nhân có nhu cầu sử dụng.

2.8. Thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thẩm định chất lượng các sản phẩm viễn thám triển khai trên địa bàn tỉnh.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm theo quy định hiện hành;

2. Lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

3. Nguồn vốn ODA (nếu có);

4. Các nguồn vốn huy động khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Làm cơ quan đầu mối, tiếp nhận, quản lý các sản phẩm về hoạt động viễn thám theo các đề án, dự án, nhiệm vụ do Trung ương chủ trì bàn giao cho tỉnh;

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản pháp lý, làm căn cứ thực hiện công tác quản lý nhà nước về các hoạt động viễn thám trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai xây dựng ban hành các văn bản về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám, xây dựng các quy chế về giao nộp dữ liệu, quy trình thẩm định giao nộp dữ liệu viễn thám của tỉnh; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về viễn thám; cập nhật công bố siêu dữ liệu viễn thám để đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng tại địa phương;

- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực kịp thời nhằm tiếp nhận, quản lý, làm chủ công nghệ, đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thám tại địa phương;

- Tổng hợp, cập nhật nhu cầu, kết quả thực hiện việc ứng dụng dữ liệu viễn thám của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, theo các nhiệm vụ, đề án, dự án mà Trung ương và của tỉnh giao để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Kiểm tra, thẩm định các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ, chất lượng sản phẩm viễn thám trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lập báo cáo định kỳ hàng năm về các hoạt động viễn thám để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Theo chức năng và nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện đảm bảo thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán theo quy định.

3. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Hàng năm xây dựng kế hoạch nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám phục vụ cho các chương trình, đề án, dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị gửi ý kiến về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1212/QĐ-UBND năm 2019 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 1212/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/05/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Trần Anh Thư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/05/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản