Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỄN THÁM QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2040

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 01 tháng 01 năm 2014;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đo đạc và Bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” (sau đây gọi là Chiến lược) với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển viễn thám với thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại; có trọng tâm, trọng điểm phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Nhà nước tập trung đầu tư hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, phát triển công nghệ viễn thám, quan trắc và giám sát bằng viễn thám trong một số lĩnh vực; khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội trong phát triển ứng dụng viễn thám.

3. Thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và được chia sẻ, sử dụng có hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn từ nay đến năm 2030

a) Làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu;

b) Xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh;

c) Ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám;

d) Đào tạo được nguồn nhân lực viễn thám có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được nhu cầu quản lý, ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám.

2. Tầm nhìn đến năm 2040

Chủ động công nghệ chế tạo và hoàn thành việc xây dựng chùm vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu đồng bộ, hiện đại, cung cấp đầy đủ dữ liệu viễn thám đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; đưa trình độ ứng dụng công nghệ viễn thám của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, các nước đang phát triển trên thế giới.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về viễn thám. Đến năm 2020, hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực viễn thám và cơ chế thu nhận, chia sẻ thông tin, dữ liệu viễn thám.

2. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về viễn thám.

3. Xây dựng và phát triển hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám

a) Đầu tư chế tạo vệ tinh viễn thám quang học độ phân giải siêu cao, radar độ phân giải siêu cao, siêu phổ và chùm vệ tinh viễn thám nhỏ; tăng cường đầu tư phần cứng, phần mềm viễn thám phục vụ cập nhật, chia sẻ, khai thác dữ liệu viễn thám;

b) Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trạm thu dữ liệu viễn thám (trạm cố định, trạm di động, trạm ảo và trạm thu dữ liệu viễn thám khí tượng), trạm điều khiển; hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu viễn thám và mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám để cung cấp dữ liệu viễn thám cho các bộ, ngành, địa phương;

c) Phát triển thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu để cung cấp dữ liệu viễn thám phục vụ nhu cầu giám sát tài nguyên môi trường và dự báo khí tượng thủy văn;

d) Đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám.

4. Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia

a) Xây dựng, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia, trong đó dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải cao được cập nhật hàng năm, dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải siêu cao được cập nhật 05 năm một lần phủ trùm lãnh thổ Việt Nam và hàng năm cho khu vực đô thị;

b) Tích hợp dữ liệu viễn thám được thu nhận tại các trạm thu và các nguồn khác vào cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia;

c) Mua dữ liệu viễn thám của nước ngoài trong trường hợp cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

5. Đẩy mạnh sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám

a) Cung cấp thông tin, dữ liệu viễn thám, định kỳ công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia;

b) Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám giữa các cơ quan quản lý dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng;

c) Thúc đẩy sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám trong các ngành, lĩnh vực.

6. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

a) Tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về viễn thám trong đó tập trung nghiên cứu đổi mới, chuyển giao công nghệ theo hướng hiện đại;

b) Nghiên cứu thiết kế và làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám vừa và nhỏ, thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu, thiết bị cảm biến viễn thám, trạm thu dữ liệu và trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, mạng lưới truyền dẫn, phần cứng, phần mềm xử lý dữ liệu viễn thám;

c) Khuyến khích, huy động chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ viễn thám, nhất là trong quan trắc, giám sát bằng công nghệ viễn thám;

d) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc xây dựng và khai thác hạ tầng thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, chia sẻ dữ liệu viễn thám, khuyến khích, thúc đẩy phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ với các nước trong khu vực và trên thế giới.

IV. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN, NHIỆM VỤ ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

Để thực hiện Chiến lược, cần thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ trong phụ lục kèm theo.

V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

1. Huy động nguồn vốn

a) Nguồn ngân sách nhà nước cấp theo các quy định hiện hành;

b) Lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án khác;

c) Nguồn vốn ODA (nếu có);

d) Các nguồn vốn huy động khác.

2. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư viễn thám

a) Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho phát triển công nghệ và hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm viễn thám;

b) Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động viễn thám theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chiến lược; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án bảo đảm phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp của Chiến lược này;

b) Chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất các đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên đầu tư, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình cụ thể, xác định những đề án, dự án, nhiệm vụ trọng điểm trong từng giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược này; định kỳ 5 năm sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện Chiến lược; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh Chiến lược trong trường hợp cần thiết.

2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật liên quan.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chiến lược phần liên quan đến bộ, ngành, địa phương mình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục: CN, NN, QHQT, QHĐP, KSTT;
- Lưu: VT, KGVX (2).XH

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỄN THÁM QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2040
(Kèm theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên nhiệm vụ

Sản phẩm

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian phê duyệt

1

Đề án Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan

2019

2

Đề án Tăng cường năng lực quản lý viễn thám

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các Bộ: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo

2020

3

Đề án Ứng dụng viễn thám phục vụ công tác quốc phòng

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Bộ Quốc phòng

Các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan

2020

4

Đề án Ứng dụng viễn thám phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia Việt Nam

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Bộ Công an

Các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan

2020

5

Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng - an ninh”

Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan

2020

6

Đề án Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia; ứng dụng viễn thám trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển theo quy hoạch, giao thông vận tải, công thương)

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan

2021

7

Đề án Nghiên cứu, phát triển vệ tinh viễn thám

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan

2021

8

Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách về viễn thám (trong đó hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực viễn thám, cơ chế thu nhận, chia sẻ thông tin, dữ liệu viễn thám)

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan

2022

9

Đề án Phát triển hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám (trong đó có kế hoạch phát triển trạm thu)

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan

2025

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 149/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 149/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/02/2019
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản