Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2007/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 02 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HOÁ KÊNH MƯƠNG THUỶ LỢI TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2006-2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương;

Căn cứ Quyết định số 184/2004/QĐ-TTg ngày 22/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước để tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Nghị quyết số 43/2006/NQ-HĐND ngày 08/7/2006 của HĐND tỉnh khoá X- Kỳ họp thứ 9 về việc thông qua Đề án Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Quyết định số 56/2006/QĐ-UBND ngày 26/9/2006 của UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Đề án Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/2/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; giấy phép xây dựng và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006;

Căn cứ Quyết định số 07/2007/QĐ-UBND ngày 15/02/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Bản quy định tạm thời về một số nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 07/BC-STP ngày 15/01/2007; xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 548/TTr-NN và PTNT ngày 18/4/2007 về việc xin phê duyệt Quy chế thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi giai đoạn 2006-2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, thực hiện Đề án Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này trên phạm vi toàn tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Ban ngành; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Ngãi; các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG THUỶ LỢI TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND ngày 02/5/2007của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Quy chế này chỉ áp dụng cho việc quản lý, thực hiện các tuyến kênh loại III thuộc Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 56/2006/QĐ-UBND ngày 26/9/2006.

2. Các tuyến kênh cùng cấp ngoài phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 Điều này. Các tuyến kênh loại II, các tuyến kênh thuộc chương trình, dự án lồng ghép thực hiện theo quy định quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Phân loại kênh và chủ đầu tư

1. Phân loại kênh:

- Kênh loại I: Kênh trục chính của những hệ thống lớn ở đồng bằng và một số hệ thống quan trọng ở miền núi.

- Kênh loại II: Kênh liên huyện, liên xã.

- Kênh loại III: Là kênh nhánh của hệ thống thuỷ lợi Thạch Nham nằm trong 01 xã có Ft< 150 ha và kênh nội đồng thuộc hệ thống thuỷ lợi khác.

2. Chủ đầu tư:

- Kênh loại II: Giao cho Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh làm chủ đầu tư.

- Kênh loại III: Chủ yếu giao cho UBND xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư (gọi chung là cấp xã). Trong trường hợp cụ thể, có thể giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Hợp tác xã dùng nước làm chủ đầu tư khi hội đủ các điều kiện về tài chính, năng lực, kinh nghiệm.

- Kênh các dự án chương trình lồng ghép khác: Chủ đầu tư do cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định.

Điều 3. Quản lý thống nhất nguồn vốn

Các nguồn vốn đưa vào kế hoạch hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương loại III được tập trung quản lý thống nhất qua ngân sách cấp xã. Việc phân bổ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách tỉnh để thực hiện kiên cố hoá kênh theo phương thức hỗ trợ có mục tiêu. Ngân sách tỉnh hỗ trợ cho ngân sách huyện, thành phố; ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách cấp xã theo danh mục công trình đăng ký hàng năm và khả năng huy động các nguồn lực.

Điều 4. Thực hiện nguyên tắc công khai dân chủ

1. Căn cứ danh mục, công trình được phê duyệt trong Đề án của huyện, thành phố; công trình do xã, phường, thị trấn nào quản lý thì UBND cấp đó có trách nhiệm thông báo cho nhân dân vùng hưởng lợi biết về quyền hạn, trách nhiệm của mình khi triển khai thực hiện công trình. Phương thức thông báo thực hiện theo Quy định của Quy chế dân chủ ở cơ sở hiện hành.

2. Trên cơ sở ý kiến tham gia của nhân dân trong vùng hưởng lợi (thể hiện thông qua Biên bản họp dân) và khả năng huy động của các nguồn lực, UBND cấp xã xây dựng kế hoạch kiên cố hoá kênh mương trên địa bàn xã, trình HĐND cấp xã quyết định và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện HĐND, UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các Quy định của Qui chế dân chủ cơ sở; bảo đảm cho nhân dân trong vùng hưởng lợi của công trình thực hiện đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia góp vốn, kiểm tra, giám sát tất cả các khâu trong quá trình tổ chức thực hiện công trình.

Chương II

TỔ CHỨC BỘ MÁY, QUI TRÌNH THỦ TỤC THỰC HIỆN VIỆC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 5. Tổ chức bộ máy quản lý

1. UBND các huyện, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo do UBND huyện, thành phố quy định. Ban Chỉ đạo tham mưu giúp UBND huyện, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn.

2. Chủ đầu tư theo điểm 2, khoản 2, Điều 2. Kênh loại 3 có trách nhiệm:

2.1 Quyết định thành lập, tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý dự án kiên cố hoá kênh mương; Trưởng Ban Quản lý dự án là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã; nếu xã, phường, thị trấn đã có Ban Quản lý dự án thực hiện các chương trình, dự án khác của xã thì có thể bổ sung nhiệm vụ thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương cho Ban Quản lý dự án xã. Trong trường hợp xã không có đủ cán bộ có năng lực thực hiện nhiệm vụ điều hành dự án thì chủ đầu tư ký kết hợp đồng thuê các tổ chức tư vấn quản lý dự án hoặc đề nghị UBND huyện, thành phố giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án của huyện, thành phố hoặc phòng chuyên môn của huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ điều hành dự án.

Ban Quản lý dự án thực hiện các nhiệm vụ sau:

2.1.1 Quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, nguồn vốn huy động từ nhân dân và các tổ chức xã hội cho kiên cố hoá kênh mương.

2.1.2 Báo cáo công khai trước nhân dân hoặc đại biểu nhân dân các hạng mục và kinh phí đầu tư, bao gồm phần vốn hỗ trợ của Ngân sách nhà nước, phần vốn huy động của xã (kể cả vật tư, vật liệu, ngày công huy động thực tế) và các nguồn vốn khác.

2.1.3 Lập kế hoạch tổ chức thi công đối với các công trình do nhân dân tự tổ chức thi công; nếu xã, phường, thị trấn không tự tổ chức thi công được thì ký kết hợp đồng với các nhà thầu đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện.

2.1.4 Quản lý chất lượng công trình theo quy định hiện hành của nhà nước.

2.1.5 Thực hiện việc nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư và bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 11 của Quy chế này và công khai quyết toán trước nhân dân hoặc đại diện nhân dân.

2.1.6 Thực hiện các nhiệm vụ khác của chủ đầu tư (nếu có).

2.2 Quyết định thành lập, quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (nếu xã đã có Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thì sử dụng ban giám sát đã có). Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có Trưởng Ban, Phó trưởng Ban và các thành viên khác là đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cấp xã và từ 01 đến 03 công dân tiêu biểu do nhân dân trên địa bàn đề cử. Thành viên của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng không phải là người đương nhiệm trong UBND cấp xã.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có nhiệm vụ:

2.2.1 Giám sát toàn bộ các mặt, các khâu của việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các khoản đóng góp của nhân dân và các nguồn khác đầu tư xây dựng công trình.

2.2.2 Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án, tư vấn, đơn vị thi công; giám sát quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao và quyết toán công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

2.2.3 Giám sát, phát hiện và thông báo kịp thời cho cấp có thẩm quyền để xử lý các trường hợp vi phạm trong quá trình thi công, nghiệm thu; tổ chức huy động vốn, nhân lực, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp xây dựng công trình.

2.2.4 Các nhiệm vụ khác của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện theo Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng ban hành kèm theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Công tác chuẩn bị đầu tư

1. Lập Bảng đăng ký thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương loại III:

1.1 Chủ đầu tư đăng ký thực hiện kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi hàng năm phải phù hợp với Đề án kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi giai đoạn 2006-2010 đã được UBND huyện, thành phố phê duyệt.

1.2 Căn cứ khả năng nguồn lực huy động trong nhân dân và kế hoạch thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương loại III đã được HĐND cấp xã phê duyệt, UBND cấp xã lập kế hoạch đăng ký danh mục công trình kiên cố hoá kênh mương trên địa bàn cấp xã gửi UBND huyện, thành phố phê duyệt. Nội dung kế hoạch đăng ký gồm:

1.2.1 Bảng đăng ký kế hoạch danh mục kiên cố hoá kênh mương loại III theo mẫu hướng dẫn số 2 kèm theo Quy chế này.

1.2.2 Văn bản cam kết của UBND cấp xã và Biên bản họp dân hoặc đại diện nhân dân trong vùng dự án cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp vốn xây dựng công trình và thực hiện đúng các quy định của Quy chế này. Nội dung biên bản họp dân theo mẫu hướng dẫn số 1 kèm theo Quy chế.

2. Thông báo về việc chấp thuận bảng đăng ký thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương loại III:

2.1 UBND huyện, thành phố căn cứ Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi giai đoạn 2006-2010 được UBND tỉnh phê duyệt, khả năng huy động các nguồn lực (bao gồm cả nguồn hỗ trợ của Ngân sách tỉnh) và kế hoạch đăng ký của các xã, phường, thị trấn để thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn việc chấp thuận bảng đăng ký thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương của UBND xã, phường, thị trấn.

Nội dung thông báo theo mẫu hướng dẫn số 3 kèm theo Quy chế này.

Điều 7. Công tác chuẩn bị xây dựng

1. Lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán: Căn cứ quyết định phân bổ vốn và danh mục tuyến kênh của Chủ tịch UBND cấp huyện, chủ đầu tư chỉ đạo Ban Quản lý dự án ký kết hợp đồng kinh tế với các đơn vị tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình. Quy mô, khối lượng và chất lượng bảo đảm các quy định về dự toán và thiết kế mẫu được ban hành theo Quyết định số 1678/QĐ- UB ngày 04/6/2002 của UBND tỉnh về việc phê duyệt thiết kế- kỹ thuật thi công định hình kiên cố hoá kênh tưới các loại Ft = (10-100) ha thuộc Dự án tổng thể kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2002-2005 được tiếp tục áp dụng cho giai đoạn 2006-2010. Nếu điều kiện cụ thể không thể áp dụng được thiết kế mẫu thì tự thiết kế.

2. Thẩm định, phê duyệt Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình: Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình. Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thẩm định thì có thể thuê các đơn vị tư vấn đủ năng lực chuyên môn hoặc đề nghị các phòng chuyên môn cấp huyện thẩm định để làm cơ sở phê duyệt triển khai thực hiện.

Điều 8. Thực hiện đầu tư

1. Căn cứ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán được phê duyệt, Ban Quản lý dự án cấp xã tổ chức họp dân công khai các nội dung chính của công trình như: quy mô, tổng vốn đầu tư của công trình (gồm vốn hỗ trợ của Ngân sách nhà nước, vốn huy động nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác); thông báo kế hoạch và tiến hành thu nguồn huy động của nhân dân để thực hiện chương trình (kể cả vật tư, vật liệu do nhân dân tự khai thác đóng góp thay cho nộp tiền và giá trị đền bù nếu có).

2. Công trình chỉ được tiến hành khởi công xây dựng khi đảm bảo các điều kiện về thủ tục đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng (nếu có), bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo tỷ lệ quy định.

3. Đối với công trình do nhân dân địa phương tự thực hiện thì Ban Quản lý dự án cấp xã có trách nhiệm lập kế hoạch tổ chức thi công và theo dõi hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch thi công, giao nhiệm vụ cho đội thi công của địa phương dưới sự giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã. Giá xây lắp thanh toán công trình hoàn thành tối đa bằng giá xây lắp của dự toán được phê duyệt.

4. Đối với công trình do nhà thầu thực hiện phần xây lắp:

- Ban Quản lý dự án chọn từ 02 đến 03 nhà thầu có đủ điều kiện (có tư cách pháp nhân), đề nghị UBND cấp xã quyết định chọn nhà thầu thi công xây lắp công trình.

- Ban Quản lý dự án thương thảo, ký kết hợp đồng kinh tế thi công với nhà thầu được UBND cấp xã quyết định chọn giao thầu và thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành công trình đến khi công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Điều 9. Bồi thường, giải phóng mặt bằng

Trường hợp xây dựng công trình có phát sinh bồi thường, giải phóng mặt bằng thì thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định của UBND tỉnh về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Điều 10. Giám sát thi công

1. Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát (khi chủ đầu tư thuê), thực hiện việc giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo các quy định có liên quan đến công tác giám sát, quản lý chất lượng công trình.

2. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã thực hiện giám sát theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5 của Quy chế này.

Điều 11. Nghiệm thu, quyết toán bàn giao công trình đưa vào sử dụng

1. Hồ sơ hoàn công công trình: Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát có trách nhiệm lập bộ hồ sơ hoàn công công trình ngay sau khi công trình hoàn thành; hồ sơ hoàn công công trình bao gồm:

Phần I: Các văn bản, tài liệu trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng. Phần II: Các tài liệu liên quan đến thiết kế và thi công.

Phần III: Hồ sơ bản vẽ hoàn công công trình.

Hồ sơ hoàn công được lập thành 05 bộ gửi: UBND cấp xã 01 bộ; Phòng chuyên môn trực tiếp cấp huyện, thành phố 01 bộ, Ban Quản lý dự án 01 bộ, 02 bộ còn lại dùng để lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư công trình.

2. Ban Quản lý dự án có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng; thành phần nghiệm thu bao gồm: đại diện UBND cấp xã, Ban Quản lý dự án cấp xã, đại diện Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát (đối với công trình có thuê Tư vấn giám sát), đơn vị thi công, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã, và đại diện các phòng chức năng của huyện, thành phố.

3. Ban Quản lý dự án có trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư công trình chậm nhất là 06 tháng kể từ ngày nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

4. UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, giao nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo dưỡng công trình theo quy định của Nhà nước.

5. Trình thẩm định, phê duyệt quyết toán công trình: UBND cấp xã có trách nhiệm gửi hồ sơ quyết toán đến Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành.

Chương III

NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ, QUẢN LÝ, CẤP PHÁT VÀ THANH QUYẾT TOÁN VỐN

Điều 12. Nguồn vốn đầu tư

1. Nguồn vốn thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương thực hiện theo Nghị quyết số 43/2006/NQ-HĐND ngày 08/4/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khoá X- kỳ họp thứ 9 về Đề án Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi giai đoạn 2006-2010 và Quyết định số 56/2006/QĐ-UBND ngày 26/9/2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi tỉnh giai đoạn 2006-2010.

2. Nguồn vốn huy động đóng góp: Huy động từ các nguồn sau:

+ Đóng góp trực tiếp bằng tiền.

+ Đóng góp bằng ngày công lao động.

+ Đóng góp bằng nguyên vật liệu.

+ Các hình thức đóng góp khác phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, được tối thiểu 60% nhân dân đồng tình.

+ Từ các nguồn của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho địa phương để đầu tư kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi.

Điều 13. Bố trí kế hoạch vốn đầu tư

1. Căn cứ quyết định của UBND tỉnh về giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch vốn thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi cho UBND các huyện, thành phố.

2. Căn cứ quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch vốn thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi của UBND tỉnh, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp bổ sung có mục tiêu cho Ngân sách huyện, thành phố.

3. UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho UBND cấp xã qua Kho bạc Nhà nước huyện, Uỷ ban nhân dân thành phố cấp kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho UBND xã, phường qua Kho bạc Nhà nước tỉnh.

Điều 14. Trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc huy động, bố trí, quản lý và thanh, quyết toán vốn đầu tư

1. Căn cứ để UBND cấp huyện quyết định bố trí kế hoạch vốn thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương:

1.1 Thông báo của UBND cấp huyện về việc chấp thuận Bảng đăng ký thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi cho cấp xã.

1.2 Kế hoạch huy động các nguồn lực thực hiện chương trình thuộc trách nhiệm của huyện, thành phố.

1.3 Bảng đăng ký và văn bản cam kết của UBND cấp xã về trách nhiệm huy động các nguồn lực thuộc trách nhiệm của xã.

1.4 Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch vốn thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi của UBND tỉnh.

2. UBND cấp huyện là đầu mối tiếp nhận kế hoạch vốn hỗ trợ của Ngân sách tỉnh để thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi. UBND cấp huyện có trách nhiệm:

2.1 Tổ chức thực hiện việc huy động các nguồn lực của UBND huyện, thành phố; chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện kế hoạch huy động vốn đóng góp cho công trình.

2.2 Căn cứ kế hoạch vốn được phân bổ và khả năng huy động các nguồn lực của địa phương, UBND cấp huyện quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch vốn thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi cho các xã, phường, thị trấn.

2.3 Quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích; định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện cho UBND tỉnh và các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư.

2.4 Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước huyện và các phòng chức năng của huyện, thành phố thực hiện chức năng kiểm soát chi và báo cáo quyết toán vốn với Sở Tài chính.

Điều 15. Trách nhiệm của UBND và Ban quản lý dự án cấp xã trong việc huy động, quản lý, thanh, quyết toán vốn đầu tư

1. Trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc huy động, quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư công trình:

1.1 Xây dựng, trình HĐND cấp xã phê duyệt kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi trên địa bàn.

1.2 Chỉ đạo Ban Quản lý dự án, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị tiến hành vận động, huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác theo nghị quyết của HĐND cấp xã; nhận kế hoạch vốn hỗ trợ do UBND cấp huyện giao.

1.3 UBND cấp xã có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các nguồn vốn và thực hiện việc quyết toán các nguồn vốn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về quản lý ngân sách cấp xã và các hoạt động tài chính khác ở xã, phường, thị trấn.

1.4 Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức huy động nguồn lực, kiểm tra, giám sát việc thanh toán khối lượng, quyết toán vốn đầu tư.

2. Trách nhiệm của Ban Quản lý dự án cấp xã trong việc tổ chức huy động nguồn lực, quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư:

2.1 Mở tài khoản của Ban Quản lý dự án tại Kho bạc Nhà nước huyện (tại Kho bạc Nhà nước tỉnh đối với các ban quản lý dự án thuộc Thành phố Quảng Ngãi) để thực hiện các giao dịch trong việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho công trình.

2.2 Ban quan Quản lý dự án có trách nhiệm cung cấp các tài liệu theo hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước để thực hiện việc kiểm soát, tạm ứng, thanh, quyết toán vốn đầu tư cho công trình; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và các quy định khác theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Tài chính về việc quản lý, thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình thuộc cấp xã quản lý.

Điều 16. Quản lý nguồn vốn huy động

1. Tất cả các nguồn vốn đầu tư cho công trình đều phải chuyển vào tài khoản của Ban Quản lý dự án mở tại Kho bạc Nhà nước và thực hiện các giao dịch tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán công trình thông qua việc kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước.

2. Trường hợp nguồn vốn đóng góp của nhân dân là hiện vật hoặc ngày công lao động thì UBND cấp xã quyết định giá của từng loại vật tư, vật liệu và giá của 01 ngày công lao động phù hợp với giá thị trường tại địa phương và không cao hơn thông báo giá của cơ quan tài chính (đối với các loại vật tư có trong danh mục thông báo giá của cơ quan tài chính). Đối với công trình do nhân dân tự thi công thì phần vật tư và ngày công lao động do nhân dân góp được qui thành tiền và được khấu trừ vào phần đóng góp của nhân dân khi quyết toán công trình; đối với công trình giao cho nhà thầu thi công thì phần vật tư và ngày công lao động do nhân dân đóng góp được qui thành tiền và được khấu trừ khi thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu. Chứng từ làm cơ sở khấu trừ là biên bản giao nhận vật liệu, biên bản xác nhận ngày công lao động và biên bản xác nhận giá trị qui đổi từ vật tư, ngày công lao động thành tiền giữa Ban Quản lý dự án với đơn vị thi công.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Khen thưởng

1. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân tích cực tham gia trong công tác tổ chức thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi tỉnh giai đoạn 2006-2010 được các cấp có thẩm quyền tuyên dương, khen thưởng kịp thời theo quy định của pháp luật về khen thưởng.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan có trách nhiệm tổng kết công tác thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi và đề nghị các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư tuyên dương, khen thưởng đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân đã có những đóng góp tích cực và có hiệu quả trong tổ chức, thực hiện

chương trình.

3. Các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định tuyên dương, khen thưởng đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong tổ chức, thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi giai đoạn 2006-2010.

Điều 18. Xử lý vi phạm

1. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm được phân công để làm trái với quy định của pháp luật và Quy chế này.

2. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Quảng Ngãi có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc và tổ chức thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc hoặc chưa phù hợp thì báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) điều chỉnh bổ sung./.

 

Mẫu số: 1

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
------------------------

................ngày,........ tháng........ năm..............

BIÊN BẢN HỌP DÂN

Về việc thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi loại III.

Hôm nay, vào lúc..............giờ, ngày.......... tháng......... năm 200........, tại................ xã....................; UBND và Ban quản lý dự án xã (phường, thị trấn)................ tổ chức cuộc họp bàn việc thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương loại III của xã.

Thành phần dự họp:

1. Đại diện UBND xã, Ban quản lý dự án của xã và hội, đoàn thể của xã:

- Ông (bà):............................................................ Chức vụ:.........................................

- Ông (bà):............................................................ Chức vụ:.........................................

- Ông (bà):............................................................ Chức vụ:.........................................

- Ông (bà):............................................................ Chức vụ:.........................................

2. Thôn trưởng (tổ trưởng) trong vùng dự án:

- Ông (bà):............................................................ Chức vụ:.....................................

- Ông (bà):............................................................ Chức vụ:.....................................

- Ông (bà):............................................................ Chức vụ:.....................................

- Ông (bà):............................................................ Chức vụ:.....................................

3. Đại diện nhân dân trong vùng dự án:

- Ông (bà):.......................................... Địa chỉ nơi cư trú:.........................................

- Ông (bà):............................................ Địa chỉ nơi cư trú:.......................................

- Ông (bà):........................................... Địa chỉ nơi cư trú:........................................

Chủ trì cuộc họp:

- Ông (bà):.......................................................... Chức vụ:.......................................

Thư ký cuộc họp:

- Ông (bà):.......................................................... Chức vụ:.......................................

Cuộc họp đã nghe đại diện UBND và Ban QLDA của xã phổ biến các quy định có liên quan về việc thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh thuỷ lợi loại III trên địa bàn xã; nêu trách nhiệm, quyền hạn của xã và nhân dân trong trong việc tổ chức thực hiện chương trình để các đại biểu và đại diện nhân dân tham dự họp thảo luận và quyết định các việc liên quan.

Cuộc họp đã thảo luận và đi đến thống nhất các nội dung sau:

1. Tuyến kênh được kiên cố hoá:

- Tên tuyến kênh được kiên cố hoá:..........................................................................

- Chiều dài kiên cố hoá:.............................................................................................

- Kinh phí khái toán:..................................................................................................... (Các số liệu về chiều dài, kinh phí đầu tư là tạm tính và sẽ được chuẩn xác khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình).

II. Nguồn vốn và phân chia các nguồn kinh phí:

Căn cứ các quy định của UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố; cuộc họp thống nhất phân chia tỷ lệ các nguồn vốn đầu tư cho công trình như sau:

Tổng vốn đầu tư (tạm tính):...............................Triệu đồng; trong đó:

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ:.....................................Triệu đồng; tỷ lệ:............................

+ Ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ:................Triệu đồng; tỷ lệ:...........................

+ Huy động của nhân dân: ..............................Triệu đồng; tỷ lệ:..............................

+ Các nguồn huy động khác:...............................Triệu đồng; tỷ lệ:...........................

III. Kết luận:

1. Thống nhất huy động các nguồn đóng góp của xã cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Ngân sách nhà nước để thực hiện việc kiên cố tuyến kênh nói trên nhằm sử dụng có hiệu quả trong quá trình quản lý khai thác công trình.

2. UBND xã (phường, thị trấn) có trách nhiệm chỉ đạo Ban QLDA của xã chủ trì phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các thôn (hoặc đội, tổ dân cư) tổ chức thực hiện việc huy động các nguồn lực và quản lý thực hiện công trình theo đúng quy định của UBND tỉnh, huyện.

Cuộc họp kết thúc vào lúc.........giờ......... phút cùng ngày, Biên bản này đã được đọc cho tất cả các thành viên dự họp cùng nghe, thống nhất thông qua và được lập thành 06 bản có giá trị như nhau; đại diện nhân dân 01 bản, UBND xã 01 bản, Ban QLDA 01 bản; UBND và các phòng ban của huyện, thành phố 03 bản.

 

ĐD UBND XÃ (phường, thị trấn)

 

ĐD CÁC HỘI ĐOÀN THỂ CỦA XÃ

TỔ TRƯỞNG  

ĐD NHÂN DÂN (HOẶC THÔN, ĐỘI TRƯỞNG)

 

CHỦ TRÌ THƯ KÝ

Mẫu số: 2

ỦY BAN NHÂN DÂN
XÃ (PHƯỜNG, THỊ TRẤN)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

..................; ngày........ tháng........ năm 200...

 

BẢNG ĐĂNG KÝ THỰC HIỆN

CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HOÁ KÊNH MƯƠNG LOẠI III NĂM............

Xã (phường, thị trấn........................; Huyện (Thành phố)............................

Kính gửi:.......................................................................

UBND xã (phường, thị trấn) đăng ký thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương loại III với các nội dung sau:

1. Tên tuyến kênh:......................................................................................................

2. Chiều dài cần kiên cố hoá:.....................................................................................

3.Chủ đầu tư: UBND xã (phường, thị trấn):...........................................................;

4. Đơn vị điều hành dự án:........................................................................................;

5. Quy mô kỹ thuật:

- Kích thước mặt cắt ngang kênh:

+ Kênh mặt cắt hình chữ nhật:

+ Kênh mặt cắt hình thang:

+ Công trình trên kênh:............ cái.

- cống tưới: .............................. cái.

- cống tiêu................................. cái.

- công trình khác....................... cái.

+ Diện tích tưới trước kiên cố hoá: ..................... ha.

+ Diện tích tưới sau kiên cố hoá:.......................... ha.

- Kết cấu công trình:

+ Bê tông cốt thép Mac 150, M200:

+ Đá xây:

+ Gạch xây:

- Khối lượng xây dựng:

+ Đất đào:..................... (m3).

+ Đất đắp:......................(m3).

+ Bê tông:...................... (m3).

+ Đá xây lát:...................(m3).

 (Các số liệu trên sẽ chuẩn xác khi lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán).

6. Khái toán vốn đầu tư:................................................ triệu đồng; trong đó:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ:.................................................... triệu đồng; tỷ lệ..............%;

- Ngân sách huyện hỗ trợ:............................................... triệu đồng; tỷ lệ.............%;

- Huy động nhân dân:....................................................... triệu đồng; tỷ lệ............. %;

- Các nguồn huy động khác:............................................. triệu đồng; tỷ lệ..............%; (Các số liệu trên sẽ được chuẩn xác khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình).

7. Thời gian thực hiện:..................................................................

UBND xã (phường, thị trấn) đăng ký thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương với các nội dung chủ yếu như trên; kính đề nghị UBND huyện, thành phố xem xét, sớm có thông báo chấp thuận để UBND xã (phường, thị trấn) có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;  
- ..............;
-...............;

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

Mẫu số: 3

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN (THÀNH PHỐ)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /TB-UBND

..................; ngày........ tháng........ năm 200...

 

THÔNG BÁO

Về việc chấp thuận đăng ký thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương loại III

UBND huyện (thành phố)....... thống nhất các nội dung sau:

1. Tên tuyến kênh:.........................................................................................................

2. Chiều dài cần kiên cố:...............................................................................................

3. Chủ đầu tư: UBND xã (phường, thị trấn).................................................................

4. Đơn vị điều hành dự án:............................................................................................

5. Quy mô kỹ thuật:

- Kích thước mặt cắt ngang kênh:

+ Kênh mặt cắt hình chữ nhật:

+ Kênh mặt cắt hình thang:

+ Công trình trên kênh:................. cái

- cống tưới: ................................... cái

- cống tiêu..................................... cái

- công trình khác........................... cái

+ Diện tích tưới trước kiên cố hoá:................... ha.

+ Diện tích tưới sau kiên cố hoá:.......................ha.

- Kết cấu công trình:

+ Bê tông cốt thép Mac 150, M200:

+ Đá xây:

+ Gạch xây:

- Khối lượng xây dựng:

+ Đất đào:..................... (m3).

+ Đất đắp:......................(m3).

+ Bê tông:.................... (m3).

+ Đá xây lát:................. .(m3).

 (Các số liệu trên sẽ chuẩn xác khi lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán).

6. Khái toán vốn đầu tư:................................................ triệu đồng; trong đó:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ:.................................................... triệu đồng; tỷ lệ..............%;

- Ngân sách huyện hỗ trợ:................................................ triệu đồng; tỷ lệ.............%;

- Huy động nhân dân:....................................................... triệu đồng; tỷ lệ............. %;

- Các nguồn huy động khác:............................................. triệu đồng; tỷ lệ..............%; (Các số liệu trên sẽ được chuẩn xác khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình)

7. Thời gian thực hiện:..................................................................

UBND huyện (thành phố) giao cho UBND xã (phường, thị trấn) căn cứ các quy định có liên quan và nội dung Thông báo này để triển khai các bước tiếp theo theo quy định./.

 

Nơi nhận:  
- Như trên;  
-.............;
-.............;

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 12/2007/QĐ-UBND Quy chế quản lý, thực hiện Đề án chương trình kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010

  • Số hiệu: 12/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/05/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Xuân Huế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản