Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1163/TM-XNK

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ HÀNG HOÁ CỦA CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO QUÁ CẢNH LÃNH THỔ VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về quá cảnh hàng hoá ký ngày 23-4-1994;
Căn cứ khoản 3, Điều 26, Chương V, Nghị định 33/CP ngày 19-4-1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu;
Sau khi thống nhất ý kiến với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hàng hoá của Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào quá cảnh lãnh thổ Việt Nam .

Điều 2: Các vụ chức năng của Bộ Thương mại chịu trách nhiệm phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp thi hành Quy chế.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

 

 

Lê Văn Triết

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ HÀNG HOÁ CỦA CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO QUÁ CẢNH LÃNH THỔ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1163/TM-XNK ngày 20-9-1994 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)

Phần thứ nhất:

QUY ĐỊNH CHUNG

1- Hàng hoá của Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào được quá cảnh Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do chủ hàng phía Lào (dưới đây viết tắt là doanh nghiệp Lào) tự vận chuyển hoặc thuê doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển (dưới đây viết tắt là doanh nghiệp vận chuyển) để xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc nhập khẩu từ nước thứ ba hoặc để đưa từ địa phương này sang địa phương khác của Lào.

2- Việc quá cảnh hàng hoá phải:

2.1- Được Bộ Thương mại Việt Nam cấp "giấy phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh" theo đơn xin quá cảnh hàng hoá của doanh nghiệp Lào. Bộ Thương mại Việt Nam uỷ quyền cho các phòng giấy phép xuất, nhập khẩu của Bộ Thương mại tại các thành phố Đà Nẵng, Hà Nội (dưới đây viết tắt là phòng giấy phép) cấp "giấy phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh" (theo mẫu số 07) trong vòng 7 ngày, kể từ khi nhận được đơn xin quá cảnh hàng hoá của doanh nghiệp Lào.

Những hàng hoá mà Việt Nam cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu không được quá cảnh, trừ trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có văn bản cho phép.

2.2- Tuân thủ các quy định sau:

- Phải được vận chuyển theo đúng thời gian, cửa khẩu, tuyến đường ghi trong giấy phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh và chịu sự giám sát của Hải quan Việt Nam.

- Trường hợp hàng hoá quá cảnh cần lưu kho, lưu bãi phải được hải quan Việt Nam cho phép và phải chịu sự giám sát của hải quan Việt Nam. - Số lượng hàng xuất ra đúng bằng số lượng hàng nhập vào nguyên đai, nguyên kiện.

- Thời gian hàng hoá quá cảnh lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam tối đa là 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trừ trường hợp có lưu kho, lưu bãi và hoặc có sự cố.

3- Cấm tiêu thụ hàng hoá quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam.

4- Việc quá cảnh phương tiện vận chuyển và người áp tải cũng như việc sang mạn, chuyển phương tiện phải tuân thủ các quy định hiện hành của Việt Nam. Đối với những lĩnh vực đã có thoả thuận chung của hai Chính phủ thì phải tuân thủ các quy định trong thoả thuận chung đó.

5- Hàng hoá của Lào quá cảnh Việt Nam theo tuyến đường bộ được phép đi qua các cặp cửa khẩu mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào thống nhất mở và đã thực sự mở, trước mắt là:

Tên cửa khẩu Đường qua Tên cửa khẩu

Phía Việt Nam Biên giới Phía Lào

- Lao Bảo Đường 9 Huội Ka Ky

- Keo Nưa (cầu treo) Đường 8 Keo Nưa (Na Pe)

- Na Mèo Đường 217 Bản Lơi

- Tây Trang Đường 42 Xốp Hun

- Pa Hàng Đường 43 Sốp Bau

- Nậm Cắn Đường 7 Nậm Cắn

- Cha Lo (đèo Mụ Giạ) Đường 12 Thông Khảm

6- Việc vận chuyển hàng hoá quá cảnh và các thủ tục liên quan được giải quyết theo những quy định hiện hành của Việt Nam.

7- Các lệ phí và chi phí phát sinh từ hoạt động quá cảnh theo Quy chế này được thanh toán phù hợp với quy định trong Hiệp định thanh toán xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ cho từng thời kỳ giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

8- Những tranh chấp giữa các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hợp đồng sẽ do các doanh nghiệp giải quyết thông qua thương lượng, nếu không đạt được thoả thuận, sẽ do trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng thương mại và Công nghiệp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam giải quyết.

9- Bộ Thương mại quyết định số lượng doanh nghiệp Việt Nam được vận chuyển hàng quá cảnh cho phù hợp với nhu cầu quá cảnh hàng hoá của các doanh nghiệp Lào.

Phần thứ hai:

I- CÁC QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP LÀO:

Doanh nghiệp Lào có nhu cầu quá cảnh hàng hoá phải:

1- Có đơn xin quá cảnh hàng hoá gửi tới Bộ Thương mại Việt Nam (Phòng giấy phép). Đơn phải được cơ quan có thẩm quyền (cấp lãnh đạo Bộ, lãnh đạo tỉnh, hoặc lãnh đạo cơ quan được Bộ Thương mại Lào uỷ quyền) xác nhận về đề nghị Bộ Thương mại Việt Nam cho phép quá cảnh hàng hoá (theo mẫu số 1).

2- Doanh nghiệp Lào chỉ được đưa hàng đến cửa khẩu Việt Nam và làm thủ tục hải quan để quá cảnh hàng hoá sau khi nhận được "giấy phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh".

3- Trường hợp doanh nghiệp Lào xuất khẩu, hàng sang nước thứ ba hoặc nhập khẩu hàng từ nước thứ ba với điều kiện quá cảnh Việt Nam theo đường bộ, qua cửa khẩu trên biên giới đất liền giữa Việt Nam với nước thứ ba thì doanh nghiệp Lào phải thuê doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển.

4- Khi thuê doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển hàng hoá quá cảnh, doanh nghiệp Lào phải ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh (theo mẫu số 3) với doanh nghiệp đã được Bộ Thương mại Việt Nam cho phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh.

5- Giao, nhận hàng quá cảnh tại các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam và/hoặc tại cửa khẩu ghi ở điểm 5/phần thứ nhất.

II. CÁC QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM:

Đối tượng được xem xét cho phép nhận vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Lào là:

1- Doanh nghiệp Việt Nam đã được Bộ Thương mại cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu, trong 2 năm (1992, 1993) không mắc sai phạm gì trong kinh doanh xuất, nhập khẩu, và đạt một trong 3 tiêu chuẩn dưới đây:

1.1- Có chức năng giao nhận vận tải ngoại thương (ghi trong quyết định thành lập ký trước ngày 1-7-1993). Hoặc,

1.2- Được Uỷ ban nhân dân tỉnh có cửa khẩu nêu tại điểm 5 phần thứ nhất, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ đứng ra vận chuyển hàng hoá quá cảnh (mỗi tỉnh, nêu trên chỉ định một doanh nghiệp). Hoặc,

1.3- Đã từng vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Lào, trong 2 năm gần nhất đạt trị giá (hàng quá cảnh) từ 5 triệu USD trở lên và hoặc đã từng xuất khẩu hàng hoá sang Lào theo giấy phép do Phòng giấy phép cấp, trong hai năm 1992, 1993 đạt từ 1 triệu USD trở lên.

2- Doanh nghiệp được thành lập để vận chuyển hàng quá cảnh cho Lào theo quyết định của cơ quan có trách nhiệm.

Các doanh nghiệp nêu trong điểm 1/II, 2/II (phần thứ hai) phải gửi cho Bộ Thương mại hồ sơ xin vận chuyển hàng hoá quá cảnh gồm có:

1- Đơn xin vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho doanh nghiệp Lào (theo mẫu số 04)

2- Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu (bản photocoppy có công chứng). Riêng đối tượng nêu tại điểm 2/II (phần thứ hai) cho phép không có loại giấy này.

3- Quyết định thành lập ký trước ngày 1-7-1993 (nếu thuộc đối tượng nêu tại điểm 1.1/II hoặc thuộc đối tượng nêu tại điểm 2/II trên).

4- Văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ định doanh nghiệp trên địa bàn và đề nghị Bộ Thương mại chấp thuận cho doanh nghiệp được vận chuyển hàng hoá quá cảnh (nếu thuộc đối tượng nêu tại điểm 1.2/II trên).

5- Báo cáo quá trình vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho doanh nghiệp Lào, quá trình xuất khẩu hàng hoá sang Lào (theo mẫu số 05), nếu thuộc đối tượng nêu tại điểm 1.3/II trên).

Trong vòng 7 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thương mại sẽ có văn bản trả lời (theo mẫu số 06).

Phần thứ ba:

I- DOANH NGHIỆP VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH PHẢI NỘP CHO HẢI QUAN CỬA KHẨU NHẬP HÀNG CÁC VĂN BẢN SAU:

1- Giấy phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh (bản chính).

2- Vận tải đơn (bản coppy).

3- Phiếu đóng gói hàng hoá (bản coppy).

4- Nếu hàng hoá quá cảnh là ôtô (tay lái thuận) tự hành, phải thêm giấy phép lưu hành tạm thời do công an tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương (nơi có cửa khẩu nhập hàng quá cảnh) cấp (bản photocopy có công chứng).

5- Nếu hàng hoá quá cảnh thuộc loại Việt Nam cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu phải thêm văn bản cho phép của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. 6- Nếu hàng hoá quá cảnh có lưu kho, lưu bãi, phải thêm văn bản do Cục trưởng Cục giám sát và quản lý về hải quan (thuộc Tổng cục hải quan) hoặc Cục trưởng Cục hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký xác nhận cho phép lưu kho, lưu bãi (bản chính).

Căn cứ vào các văn bản trên, cán bộ hải quan làm các thủ tục để doanh nghiệp nhận hàng, vận chuyển hàng đưa hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo các quy định của Tổng cục hải quan.

Doanh nghiệp vận chuyển phải nộp các khoản lệ phí hải quan theo quy định tại Thông tư liên Bộ: Tài chính - Hải quan số 31/TTLB ngày 7-4-1993.

II- DOANH NGHIỆP VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH CẦN CÓ CÁC VĂN BẢN SAU ĐÂY ĐỂ XUẤT TRÌNH VỚI  CÁC CƠ QUAN KIỂM TRA, KIỂM SOÁT TRONG QUÁ TRÌNH VẬN CHUYỂN:

1- Giấy phép vận chuyển hàng hoá quá cảnh (bản chính).

2- Tờ khai hải quan (bản chính).

3- Phiếu đóng gói hàng hoá (bản copy).

4- Nếu hàng quá cảnh là ô tô tự hành, phải thêm giấy phép lưu hành tạm thời đã nêu tại điểm I.4 (bản photocopy có công chứng).

5- Nếu hàng quá cảnh thuộc loại Việt Nam cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, phải thêm văn bản cho phép của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

6- Nếu hàng hoá quá cảnh có lưu kho, lưu bãi, phải thêm văn bản do cơ quan hải quan có thẩm quyền ký xác nhận cho phép lưu kho đã nêu tại điểm I.6 (bản photocopy có công chứng).

Phần thứ tư:

MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC

I- Trường hợp vì lý do khách quan phải trả lại hàng cho doanh nghiệp nước thứ ba thì doanh nghiệp Lào phải làm mọi thủ tục như đối với hàng doanh nghiệp Lào quá cảnh Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.

II- Trường hợp hàng hoá quá cảnh có sự cố (đổ vơ, mất mát ... ) trong quá trình vận chuyển, doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá quá cảnh phải cùng nhân viên hải quan áp tải xin hải quan (nơi nào không có hải quan thì xin chính quyền từ cấp xã trở lên) nơi xảy ra sự cố lập biên bản xác nhận tỉnh trạng hàng hoá.

Riêng ôtô, sau khi lập biên bản xong, nếu vẫn tự hành được thì cho tiếp tục tự hành, nếu không tự hành được thì phải cho lên phương tiện vận chuyển khác để đưa đến cửa khẩu xuất hàng.

III- Tổ chức, cá nhân nào vi phạn các quy định trong bản Quy chế này sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành của Việt Nam.

IV- Quy chế này thay thế Thông tư liên Bộ: Bộ Thương nghiệp - Tổng cục hải quan số 01/TTLB/TN-HQ ngày 31-01-1991 "Về quy định chế độ quá cảnh, mượn đường đối với hàng hoá của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào" và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 1994.

MẪU SỐ 01: ĐƠN

........ngày....tháng...năm...

ĐƠN XIN QUÁ CẢNH HÀNG HOÁ

Số....../

Kính gửi: Bộ Thương mại

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Phòng Giấy phép xuất, nhập khẩu tại..............)

I- Chủ hàng...........................(doanh nghiệp Lào ghi rõ tên, địa chỉ, telephone, Telex, FAX, số hiệu tài khoản tại ngân hàng). Xin Bộ Thương mại (Phòng giấy phép) cho phép quá cảnh hàng hoá theo các điều sau đây:

1- Tên hàng:..................................................

2- Số lượng (ghi rõ đơn vị tính):.............................

3- Trị giá:...................................................

4- Bao bì và ký mã hiệu:......................................

5- Cửa khẩu nhập hàng:........................................

6- Cửa khẩu xuất hàng:........................................

7- Tuyến đường vận chuyển:....................................

8- Phương tiện vận chuyển:....................................

9- Thời điểm quá cảnh (dự kiến ngày hàng hoá quá cảnh đến, ngày hàng hoá quá cảnh ra khỏi cửa khẩu Việt Nam).

Trường hợp vì lý do bất khả kháng, hàng hoá đến cửa khẩu nhập không đúng như dự kiến, doanh nghiệp sẽ có văn bản gửi tới Bộ thương mại trình bày rõ lý do và nêu thời điểm dự kiến mới, văn bản này là bộ phận không tách rời đơn xin giấy phép quá cảnh.

II- Dự kiến ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh với........

(doanh nghiệp Việt Nam ghi đầy đủ như phần I)

III- Cam kết..................................... (tên chủ hàng) xin cam kết tuân thủ luật pháp Việt Nam về quá cảnh hàng hoá ......... ..................................(tên chủ hàng) xin trân trọng cảm ơn Bộ Thương mại.

Cơ quan có thẩm quyền Ký tên và đóng dấu

(Cấp lãnh đạo Bộ hoặc lãnh (ghi rõ chức danh

đạo tỉnh của Lào) người ký)

(Hoặc cơ quan được Bộ thương mại

Lào uỷ quyền)

Xác nhận phần I trong đơn này là có thật, đề nghị Bộ Thương mại

Việt Nam cấp giấy phép quá cảnh hàng hoá cho doanh nghiệp.........................

(tên doanh nghiệp Lào)

Ghi chú: Nếu đơn viết bằng tiếng Anh, tiếng Lào.... thì phải có bản dịch ra tiếng Việt kèm theo. Bản dịch cũng có giá trị pháp lý như bản gốc.

MẪU SỐ 03:

HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH

Số......../QC

Hôm nay, ngày....tháng...năm... tại.................., gồm có:

Bên A (doanh nghiệp Lào): (ghi đầy đủ, tên quốc tế, tên điện tín)

- Địa chỉ: (ghi theo địa chỉ bưu điện).........................

- Tel........... Telex.........................................

- Fax..........................................................

- Tài khoản ngoại tệ số:.......................................

tại Ngân hàng (ghi cả tên và địa chỉ).

- Do ông (bà): (nếu không phải là giám đốc thì phải có giấy uỷ quyền của giám đốc, và phải thêm câu "theo giấy uỷ quyền số.... ngày......").

Bên B: (doanh nghiệp Việt Nam): (ghi tên đầy đủ, tên quốc tế, tên điện tín).

- Địa chỉ (ghi theo địa chỉ bưu điện).........................

- Tel............................. Telex......................

- FAX.........................................................

- Tài khoản ngoại tệ số:......................................

tại Ngân hàng (ghi cả tên và địa chỉ)

- Do ông (bà): (nếu không phải là giám đốc thì phải có giấy uỷ quyền của giám dốc, và phải thêm câu "theo giấy uỷ quyền số...... ngày.............".

Đã thoả thuận ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh theo các điều khoản sau đây:

Điều 1: Hàng hoá

Bên A uỷ quyền bên B tiếp nhận hàng nhập khẩu từ.............. (nước thứ ba) tại cửa khẩu.................................... và thuê bên B vận chuyển số hàng này từ cửa khẩu.............. quá cảnh lãnh thổ Việt Nam tới cửa khẩu...................... hàng hoá gồm những loại sau đây:

Tên hàng

Đơn vị tính

Số lượng

Trị giá

Ví dụ:

 

 

 

- Nguyên liệu công nghiệp

tấn

5.000

11.600.000,00 USD

- Máy điều hoà nhiệt độ

chiếc

4.000

2.000.000,00 USD

Tổng giá trị

13.600.000,00 USD

Điều 2: Cửa khẩu nhập hàng:..................................... Cửa khẩu bên B giao hàng cho bên A:.....................

Điều 3: Tuyến đường vận chuyển: ................................

Điều 4: Phương tiện vận chuyển: ................................

Điều 5: Trách nhiệm của mỗi bên:

1- Trách nhiệm của bên A:

1.1- Mua hàng và đưa hàng đến cửa khẩu ............... (Việt Nam). Bao bì phải phù hợp với tính chất hàng hoá và phù hợp với điều kiện vận chuyển bằng ô tô, tàu hoả trên lãnh thổ Việt Nam.

1.2- Cung cấp cho bên B đầy đủ thông tin về hàng hoá về thời gian hàng tới cửa khẩu Việt Nam, phương tiện vận chuyển hàng.

1.3- Gửi cho bên B các chứng từ dưới đây để bên B làm các thủ tục liên quan đến việc nhận hàng tại cửa khẩu nhập, thủ tục vận chuyển hàng, thủ tục giao hàng tại cửa khẩu xuất.

+ Hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương ký với khách hàng ở nước thứ ba hoặc tín dụng thư (L/C).

+ Vận tải đơn (bản coppy).

+ Hoá đơn thương mại - invoice do doanh nghiệp bán hàng nước thứ ba lập đòi tiền bên A (bản copy).

+ Phiếu đóng gói hàng hoá - Packing list (bản chính)

1.4- Thanh toán cho bên B (theo nguyên tắc thực chi - thực thanh hoặc khoán trọn gói) các khoản chi phí liên quan đến việc dỡ hàng, kiểm đến, giám định (số lượng, chất lượng) lưu kho - bãi, sửa chữa hàng hoá, bao bì, tái chế, đóng gói hàng đổ vỡ, khiếu nại đòi bồi thường, vận chuyển từ ................. (cửa khẩu nhập hàng) tới. .......................... (cửa khẩu giao hàng).

1.5- Thanh toán cho bên B tiền công vận chuyển hàng hoá quá cảnh (theo số tuyệt đối hoặc theo % giá trị lô hàng).

2- Trách nhiệm của bên B:

2.1- Làm các thủ tục phù hợp với luật pháp Việt Nam để tiếp nhận hàng tại ................... (cửa khẩu nhập hàng) và vận chuyển hàng qua lãnh thổ Việt Nam để giao cho bên A tại ...................... (cửa khẩu giao hàng), bao gồm các việc như đã nêu tại điểm 1.4 Điều 5. 2.2- Đảm bảo an toàn cho hàng hoá từ khi đến.................... (cửa khẩu nhập hàng) cho đến khi giao tại....................... (cửa khẩu giao hàng).

2.3- Làm mọi thủ tục cần thiết nhằm hạn chế tổn thất hàng hoá, gửi cho bên A các chứng từ liên quan đến việc khiếu nại đòi bồi thường (nếu có).

2.4- Giúp bên A làm thủ tục phù hợp với luật pháp Việt Nam cho người và phương tiện của bên A nhập cảnh và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam để chuẩn bị tiếp nhận hàng.

Điều 6: Điều khoản thanh toán

- Khi hàng đến................(cửa khẩu nhập hàng) bên A phải ứng trước cho bên B ....% số tiền chi phí nêu tại điểm 1.4 Điều 5, và trả trước cho bên B ...% số tiền công nêu tại điểm 1.5 Điều 5.

- Số tiền còn lại sẽ được thanh toán trước khi xếp hàng lên phương tiện của bên A tại ..............(cửa khẩu giao hàng).

- Loại tiền dùng để thanh toán:..........................

- Phương thức thanh toán:................... (theo hướng dẫn của ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Điều 7: Giải quyết tranh chấp:

Mọi tranh chấp sẽ được giải quyết theo hình thức thương lượng, hoà giải giữa bên A và bên B. Trường hợp hai bên không tự hoà giải được, việc tranh chấp sẽ được đưa ra xét xử tại trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng thương mại và công nghiệp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 8: Điều khoản chung:

Hai bên cam kết thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã ghi trong Hợp đồng này, trên cơ sở bình đằng, cùng có lợi. Mọi phát sinh trong quá trình thực hiện sẽ được thoả thuận bằng các văn bản bổ sung và các văn bản bổ sung này là một bộ phận không thể tách rời hợp đồng chính.

Hợp đồng này được lập thành 04 bản, 02 bản bằng tiếng lào, 02 bản bằng tiếng Việt Nam, cả 4 bản đều có giá trị pháp lý như nhau.

Đại diện bên B Đại diện bên A

Ghi chú: Trên cơ sở mẫu này, tuỳ tình hình thực tế, các doanh nghiệp được phép thêm, bớt một số điểm không cơ bản.

MẪU SỐ 04: ĐƠN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

........ngày....tháng...năm...

ĐƠN XIN VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH

Số...../...

Kính gửi: Bộ Thương mại

Căn cứ các quy định trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 01163/TM-XNK, ngày 20 tháng 09 năm 1994 (viết tắt là Quy chế số 1163/TN-XNK, của Bộ Thương mại, ....................(doanh nghiệp ghi rõ tên, địa chỉ, telephone, telex, fax, số hiệu tài khoản tại ngân hàng).

Tự xét thấy đã đạt các điều kiện..................... (ghi rõ đạt tất cả các điều kiện hay chỉ đạt điều kiện nào?)

Đề nghị Bộ thương mại cho phép ........................(tên doanh nghiệp) được vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Lào.

Kèm đơn này có các loại giấy tờ ..................(ghi đúng tên giấy tờ theo quy chế).

....................(tên doanh nghiệp) xin cam đoan chấp hành đúng các quy định trong Quy chế số 1163/TM-XNK của Bộ Thương mại và luật pháp của Nhà nước về vận chuyển hàng hoá quá cảnh và xuất, nhập khẩu hàng hoá.

.......................(tên doanh nghiệp) xin trân trọng cảm ơn Bộ Thương mại.

Ký tên và đóng dấu

(Ghi rõ chức danh người ký)

MẪU SỐ 05:

BÁO CÁO QUÁ TRÌNH QUAN HỆ VỚI DOANH NGHIỆP LÀO

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

........ngày....tháng...năm...

BÁO CÁO QUÁ TRÌNH QUAN HỆ VỚI DOANH NGHIỆP LÀO

Số...../...

Kính gửi: Bộ Thương mại

..................(tên doanh nghiệp) xin báo cáo quá trình vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Lào, việc thực hiện các hợp đồng mua bán ngoại thương, tính tới ngày.... tháng.... năm ... như sau:

A/ Quá trình vận chuyển hàng hoá quá cảnh cho các doanh nghiệp Lào:

1- Năm.....(báo cáo hai năm gần nhất).

2- Tên doanh nghiệp Lào (có giá trị hàng quá cảnh từ 1 triệu USD trở lên).

3- Tên hàng, số lượng, trị giá

4- Cửa khẩu nhập hàng, cửa khẩu xuất hàng

5- Phương tiện vận chuyển

6- Hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh được thực hiện từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm.

B/ Quá trình xuất khẩu hàng hoá sang Lào:

1- Năm ...............(báo cáo hai năm gần nhất, trong đó có năm 1993).

2- Tên doanh nghiệp Lào (có giá trị hàng xuất khẩu từ 200.000 USD trở lên).

3- Tên hàng, số lượng, trị giá.

4- Điều kiện giao hàng.

5- Phương tiện vận chuyển.

6- Hợp đồng xuất khẩu được thực hiện từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm.

C/ Tự nhận xét đánh giá tình hình thực hiện. Cam đoan vừa qua không mắc sai phạm.

Ký tên và đóng dấu

(ghi rõ chức danh người ký)

Ghi chú: Doanh nghiệp có thể báo cáo cả phần A và phần B nếu có thực hiện cả hai phần

MẪU SỐ 06:

VĂN BẢN CỦA BỘ THƯƠNG MẠI CHO PHÉP DOANH NGHIỆPVIỆT NAM VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH

 

BỘ THƯƠNG MẠI

 

Số /TM-XNK
V/v vận chuyển hàng hoá quá cảnh

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

...., ngày... tháng... năm 199...

 

Kính gửi: ................(doanh nghiệp Việt Nam xin vận chuyển
hàng hoá quá cảnh

Căn cứ Quy chế "về hàng hoá của Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào quá cảnh lãnh thổ Việt Nam" ban hành kèm theo Quyết định số 01163/TM-XNK ngày 20 tháng 9 năm 1994 (viết tắt là Quy chế số 1163/TM-XNK) của Bộ thương mại;
Căn cứ ý kiến của ............................ tại Công văn số.... ngày....... tháng... năm 19... về việc................................. .....................................................................

Xét đơn xin vận chuyển hàng hoá quá cảnh số .../ ngày...tháng...năm 199... của....................(tên doanh nghiệp) Bộ Thương mại cho phép............. (tên doanh nghiệp) được vận chuyển hàng hoá quá cảnh theo đúng các văn bản của Bộ Thương mại cho phép các doanh nghiệp Lào quá cảnh hàng hoá.

...................(tên doanh nghiệp) phải chấp hành đúng các quy định trong Quy chế số 1163/TM-XNK của Bộ Thương mại và luật pháp của Nhà nước về vận chuyển hàng hoá quá cảnh và xuất, nhập khẩu hàng hoá.

Văn bản này có hiệu lực đến ngày... tháng... năm 199..

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

(Ký tên đóng dấu)

MẪU SỐ 07:

GIẤY PHÉP VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ QUÁ CẢNH

Số...../QC cấp ngày.../../199.. có hiệu lực tới ngày..../.../199.

Chủ hàng (tên, dịa chỉ) Doanh nghiệp vận chuyển (tên, địa chỉ)

Văn bản của Bộ Thương mại Văn bản của Bộ Thương mại cho phép

cho phép quá cảnh hàng hoá vận chuyển hàng hoá quá cảnh

Số.../TM-XNK ngày / /19 Số..TM-XNK,ngày / /199..

Hợp đồng vận chuyển hàng hoá số............. QC, ký ngày.... tháng.... năm 199....

Cửa khẩu nhập hàng..................... Tuyến đường.........

Cửa khẩu xuất hàng.....................Phí vận chuyển.......

Tên hàng

Số lượng

Đơn giá

Trị giá

 

 

 

 

Doanh nghiệp vận chuyển

(ký tên đóng dấu)

Phòng giấy phép xuất, nhập khẩu

(ký tên đóng dấu)

 

Hải quan cửa khẩu xuất hàng

Tờ khai số... ngày / /19..

Thực xuất:

Tình hình khác:

Hải quan cửa khẩu xuất hàng

Tờ khai số... ngày / /19..

Thực xuất:

Tình hình khác:

Ghi chú:

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1163/TM-XNK năm 1994 về việc hàng hóa của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào quá cảnh lãnh thổ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành

  • Số hiệu: 1163/TM-XNK
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/09/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Lê Văn Triết
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/09/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 15/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản