Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1163/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 24 tháng 5 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2016 - 2025

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15/11/2010;

Căn cứ Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg, ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025,

Căn cứ Thông tư số 19/2014/TT-BNV, ngày 04/12/2014 của Bộ Nội vụ quy định, hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức;

Xét Tờ trình số 205/TTr-SNV ngày 19/5/2016 của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2025 (kèm theo Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, giai đoạn 2016 - 2025, số 108/KH-SNV ngày 19/5/2016 của Sở Nội vụ).

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì phối hợp cùng Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lữ Quang Ngời

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/KH-SNV

Vĩnh Long, ngày 19 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2016-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 24/5/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính Phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính Phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Thông tư 139/2010/TT-BNV, ngày 21/9/2010 của Bộ Nội vụ quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg, ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025,

Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2025 như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đối với cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện:

- Tập trung bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn quy định về trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng - an ninh, tin học, ngoại ngữ. Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.

- Bảo đảm hàng năm ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.

b) Đối với viên chức:

- Bảo đảm đến năm 2020, ít nhất 60% và đến năm 2025, 100% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

- Đến năm 2020, ít nhất 70% và đến năm 2025, 100% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm.

- Hàng năm, ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.

c) Đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:

- Đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm.

- Hàng năm, ít nhất 60% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ.

- Đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức người dân tộc Kinh công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sử dụng được ít nhất một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác.

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động ít nhất 01 lần trong thời gian 02 năm.

d) Đối với đại biểu HĐND các cấp:

- 100% đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và nhiệm kỳ 2021-2026 được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động.

- Đại biểu được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động ít nhất 01 lần trong nhiệm kỳ.

II. ĐỐI TƯỢNG:

- Cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh, cấp huyện.

- Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (gọi chung là viên chức).

- Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

- Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

III. NỘI DUNG:

1. Về bồi dưỡng

- Lý luận chính trị:

+ Bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cho các chức danh công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã;

+ Cập nhật nội dung các văn kiện, nghị quyết, đường lối của Đảng; cập nhật, nâng cao trình độ lý luận theo quy định.

- Kiến thức quản lý nhà nước:

+ Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh công chức; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý;

+ Cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp quản lý chuyên ngành; kiến thức, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao;

+ Cập nhật kiến thức pháp luật, văn hoá công sở, nâng cao ý thức đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp;

- Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh theo các chương trình quy định cho cán bộ, công chức, viên chức;

- Cập nhật và nâng cao kiến thức, năng lực hội nhập quốc tế;

- Bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quy định; tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

2. Về đào tạo:

- Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học cho cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của từng vùng, miền;

- Đào tạo trình độ đại học cho cán bộ công chức ở cấp tỉnh, cấp huyện trong trường hợp cơ quan, đơn vị được tổ chức, sắp xếp lại mà không thể bố trí được công việc phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo trước đó;

- Đào tạo trình độ sau đại học phù hợp với vị trí việc làm cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm theo quy hoạch và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị;

- Khuyến khích tự học và đào tạo trình độ sau đại học cho viên chức phù hợp với chuyên môn, gắn với quy hoạch sử dụng lâu dài đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

IV. CƠ SỞ ĐÀO TẠO:

Trường Chính trị Phạm Hùng, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là đầu mối đào tạo trình độ lý luận chính trị.

Liên kết đào tạo mời các Học viện, Trường Đại học, Cao đẳng, các Trung tâm thuộc Bộ, ngành ... phối hợp với các cơ sở đào tạo các trường Đại học, Cao đẳng trong tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

- Đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức: Ngân sách nhà nước, kinh phí của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng công chức, của công chức và tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- Đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng viên chức: Kinh phí của đơn vị sự nghiệp công lập, của viên chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về chức năng, vai trò của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Củng cố, kiện toàn hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh.

- Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, đa dạng hoá các nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng.

VII. TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TỔ CHỨC:

1. Sở Nội vụ:

- Phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm;

- Tổng hợp nhu cầu và dự toán kinh phí hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

- Chủ trì, tổ chức thực hiện, chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo các mục tiêu đã định;

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nội vụ.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đầu tư đối với các chính sách, phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch;

- Cân đối, bố trí đủ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Sở Nội vụ lựa chọn các cơ sở đào tạo trong ngành giáo dục tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

4. Các sở, ban,  ngành tỉnh; UBND huyện, thành phố, thị xã:

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và giai đoạn báo cáo về Sở Nội vụ;

- Sử dụng có hiệu quả kinh phí (nếu được giao) đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị;

- Chỉ đạo, tạo điều kiện để cho cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định;

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Trên đây là kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2025, đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ thực hiện, trong quá trình thực hiện, có khó khăn vướng mắc phản ánh về Sở Nội vụ, để tổng hợp xin ý kiến Uỷ ban nhân dân tỉnh điều chỉnh kịp thời./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Hiếu Nghĩa

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1163/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công, viên chức tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2025

  • Số hiệu: 1163/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Lữ Quang Ngời
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản