Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1121/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 07 tháng 7 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ SỐ LƯỢNG VÀ BỐ TRÍ CÁC CHỨC VỤ, CHỨC DANH CÁN BỘ, CÔNG CHỨC PHƯỜNG, XÃ, THỊ TRẤN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Thông tư liên tịch số 03/2010/TTTT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ các Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phân loại đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Giao số lượng cán bộ, công chức theo loại đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn như sau:

1. Phường, xã, thị trấn loại 1: 25 người.

2. Phường, xã, thị trấn loại 2: 23 người.

3. Phường, xã, thị trấn loại 3: 21 người.

Số lượng cán bộ, công chức trên đây bao gồm cả số cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về phường, xã, thị trấn.

(Trước mắt, mỗi phường, xã, thị trấn tạm để lại 01 biên chế để tiếp nhận, bố trí cán bộ thuộc Đề án tạo nguồn cán bộ các chức danh chủ chốt cấp ủy, chính quyền phường, xã, thị trấn của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng).

Điều 2. Cán bộ, công chức được bố trí theo các chức vụ, chức danh sau.

1. Cán bộ được bố trí theo các chức vụ sau.

- Bí thư hoặc Bí thư chi bộ (nơi chưa thành lập Đảng ủy), Phó bí thư đảng ủy hoặc Phó bí thư chi bộ (nơi chưa thành lập đảng ủy); Thường trực đảng ủy (nơi không có Phó bí thư chuyên trách công tác đảng);

- Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (đối với xã, thị trấn);

- Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân;

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc;

- Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ;

- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;

- Chủ tịch Hội Nông dân (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);

2. Công chức được bố trí theo các chức danh sau.

a) Trưởng Công an (đối với xã);

b) Chỉ huy trưởng Quân sự;

c) Văn phòng - thống kê;

d) Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn), địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);

đ) Tài chính - kế toán;

e) Tư pháp - hộ tịch;

g) Văn hóa - xã hội.

Sau khi bố trí cán bộ, công chức theo các chức vụ, chức danh nêu trên, số lượng cán bộ, công chức còn lại được bố trí bổ sung vào các chức vụ, chức danh sau:

- Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (nơi được bố trí 02 Phó chủ tịch);

- Văn phòng - thống kê kiêm công tác văn thư, lưu trữ; Tư pháp - hộ tịch; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn); Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Văn hóa - Xã hội, Tài chính - kế toán.

Việc bố trí cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ và đội ngũ cán bộ, công chức hiện có của phường, xã, thị trấn và đảm bảo các lĩnh vực công tác, các nhiệm vụ đều có người đảm nhiệm. Một chức danh có thể được bố trí tối đa 02 công chức đối với phường, xã, thị trấn loại 2, loại 3; 03 công chức đối với phường, xã, thị trấn loại 1, nhưng không vượt quá số lượng cán bộ, công chức được giao theo quy định tại Điều 1 Quyết định này.

Chế độ, chính sách đối với Bí thư chi bộ, Phó bí thư chi bộ (nơi chưa thành lập đảng ủy); Thường trực đảng ủy (nơi không có Phó bí thư chuyên trách công tác đảng) được áp dụng theo chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ đối với Bí thư đảng ủy, Phó bí thư đảng ủy chuyên trách công tác đảng.

Điều 3. Quy định trách nhiệm

1. Giám đốc Sở Nội vụ

- Thông báo số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn;

- Thẩm định việc chuyển xếp lương của cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội thành phố hướng dẫn, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn; hướng dẫn việc kiêm nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn; chế độ chính sách đối với cán bộ xã già yếu, nghỉ việc theo quy định.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức phường, xã, thị trấn theo quy định.

2. Giám đốc Sở Tài chính phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan có liên quan tham gia giải quyết tồn tại về chế độ, chính sách đối với cán bộ phường, xã, thị trấn; bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn theo quy định.

3. Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan hướng dẫn về chế độ bảo hiểm xã hội, giải quyết tồn tại về chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ

4. Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn lập báo cáo và tổng hợp việc chuyển xếp lương, ra quyết định chuyển xếp lương cho cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn (sau khi có ý kiến bằng văn bản thẩm định của Sở Nội vụ).

- Tổng hợp danh sách, chuẩn bị hồ sơ giải quyết tồn tại về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn; đề nghị Sở Nội vụ, Bảo hiểm xã hội thành phố giải quyết chế độ theo quy định hiện hành.

- Dự toán kinh phí tăng thêm do thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ.

5. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn

- Lập danh sách cán bộ, công chức chuyển xếp lương theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ;

- Rà soát, chuẩn bị hồ sơ, lập danh sách giải quyết tồn tại về chế độ, chính sách đối với cán bộ phường, xã, thị trấn báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện;

- Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức theo đúng tiêu chuẩn và chức danh, số lượng cán bộ, công chức được giao; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc thay thế đối với những người chưa có trình độ chuyên môn đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đảm bảo sau 31 tháng 12 năm 2010 chuẩn hóa được đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn;

- Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức; nhận xét, đánh giá hàng năm đối với cán bộ, công chức theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức;

- Thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và những người (cán bộ) hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:

- TT TU, TTHĐNDTP;
- CT, các PCT UBNDTP;
- Ban TCTU;
- Như Điều 4;
- PCVP, CVNC VP UBNDTP;
- Lưu: VP, SNV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thành

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1121/QĐ-UBND năm 2010 về số lượng và bố trí các chức vụ, chức danh cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 1121/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/07/2010
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản