Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1117/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 22 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI TRỒNG LÚA SANG TRỒNG CÂY HÀNG NĂM TRÊN ĐẤT TRỒNG LÚA THIẾU NƯỚC TƯỚI VỤ ĐÔNG XUÂN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Quyết định 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô;

Căn cứ Quyết định số 3367/QĐ-BNN-TT ngày 31/07/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014 - 2020;

Căn cứ Thông tư 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Nghị quyết 03/NQ-HĐND ngày 06/5/2016 của HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa X về chỉ tiêu sản xuất lúa Đông Xuân 2016 - 2017;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 146/TTr-SNN ngày 22/6/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ Đông Xuân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy:
- Như Điều 3;
- CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NNNN4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

 

ĐỀ ÁN

CHUYỂN ĐỔI TRỒNG LÚA SANG TRỒNG CÂY HÀNG NĂM TRÊN ĐẤT TRỒNG LÚA THIẾU NƯỚC TƯỚI VỤ ĐÔNG XUÂN
(Kèm theo Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

PHẦN MỞ ĐẦU

Sản xuất lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ngành, địa phương quan tâm đầu tư về xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ mở rộng diện tích cũng như ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất trong sản xuất lúa. Vụ sản xuất Đông Xuân 2015 - 2016, toàn tỉnh đã gieo trồng được 7.407 ha lúa. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu do hạn hán ở những địa bàn không chủ động và thiếu nước tưới đã ảnh hưởng, gây thiệt hại diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây, đặc biệt tính đến ngày 29/4/2016 sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 có 228 ha không gieo cấy được do thiếu nước; diện tích đã gieo cấy bị thiệt hại do hạn hán 1.319,6 ha với giá trị thiệt hại ước tính cho người sản xuất lúa gần 37 tỷ đồng.

Theo nghiên cứu kinh nghiệm chuyển đổi sang trồng sắn trên đất lúa vụ Đông Xuân của tỉnh Tây Ninh, lợi nhuận thấp nhất 27 triệu đồng/ha, cao nhất 40 - 50 triệu đồng/ha (nếu thâm canh đạt năng suất 60-70 tấn/ha), nhu cầu nước tưới ít, phù hợp với nhu cầu nguồn nguyên liệu rải vụ của các nhà máy chế biến sắn. So với cây sắn, lợi nhuận từ trồng lúa vụ Đông Xuân ở Kon Tum đạt 9,5-10 triệu đồng/ha nhưng rủi ro về hạn hán do nhu cầu sử dụng nước cao hơn, nếu không khắc phục kịp thời về nước tưới sẽ thiệt hại mất trắng.

Để ổn định sản xuất vụ Đông Xuân, hạn chế thiệt hại, giảm áp lực ngân sách hỗ trợ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu do hạn hán gây ra trong sản xuất lúa vụ Đông Xuân và nâng cao hệ số, giá trị canh tác trên đơn vị sử dụng đất lúa vụ mùa thì việc chuyển đổi cây trồng phù hợp trên diện tích lúa thiếu nước tưới trong vụ Đông Xuân theo đề xuất của các huyện, thành phố là cần thiết và cấp bách, phù hợp với định hướng mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Phần 1

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Căn cứ

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Quyết định 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô.

Căn cứ Quyết định số 3367/QĐ-BNN-TT ngày 31/07/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014 - 2020;

Căn cứ Thông tư 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, thôn hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các chính sách khác;

Căn cứ Thông báo số 105-TP/VPTU ngày 22/4/2016 về việc Thông báo ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về khảo sát mô hình chuyển đổi trồng sắn vụ Đông Xuân trên đất lúa;

Căn cứ Thông báo số 108-TB/VPTU ngày 10/5/2016 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc Thông báo Ý kiến kết luận của Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Kon Tum huyện Đăk Hà và về việc chuyển đổi đất lúa vụ Đông Xuân sang trồng sắn;

Căn cứ Nghị quyết 03/NQ-HĐND ngày 06/5/2016 của HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa X về chỉ tiêu sản xuất lúa Đông Xuân 2016-2017;

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 1313-CV/VPTU ngày 13/9/2016 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc thống nhất chủ trương triển khai Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất lúa thiếu nước vụ Đông Xuân;

Căn cứ tình hình hạn hán và đề xuất diện tích, loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa vụ Đông Xuân của các huyện, thành phố.

2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

- Phạm vi điều chỉnh: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thời vụ diện tích lúa Đông Xuân có nguy cơ thường xuyên thiếu nước.

- Đối tượng áp dụng: Khuyến khích các tổ chức đại diện nông dân (Hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ...), hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển đổi sản xuất trên đất lúa Đông Xuân có nguy cơ thường xuyên thiếu nước sang trồng một số cây trồng hàng năm như sắn, ngô; lạc, đậu đỗ (đậu xanh, đậu đen, đậu tương,...); vừng (mè); rau quả và các loại cây trồng khác phù hợp với quy định tại khoản 8, điều 3, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

3. Nguyên tắc thực hiện

- Đảm bảo quy định tại khoản 1, điều 4, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa như sau: Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại: Không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa của cấp xã.

- Chuyển đổi trồng lúa sang các loại cây trồng có khả năng cạnh tranh, có hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên tinh thần tự nguyện tham gia của nhân dân.

4. Mục tiêu

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng năm và thời vụ trên 1.045,2 ha lúa Đông Xuân có nguy cơ thường xuyên thiếu nước, hạn chế rủi ro sản xuất, nâng cao thu nhập và lợi nhuận trên đơn vị diện tích, khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Phần 2

NỘI DUNG

1. Quy mô diện tích, địa điểm và thời gian thực hiện

STT

Huyện, thành phố

Tổng diện tích chuyển đổi (ha)

2016-2017

2017-2018

Chuyển đổi sang cây ngô

Chuyển đổi sang cây rau

Chuyển đổi sang cây cỏ

Chuyển đổi sang cây đậu, đỗ

Chuyển đổi sang cây sắn

Chuyển đổi sang cây sắn

1

Thành phố Kon Tum

282,0

12,0

20,0

20,0

30,0

200,0

 

2

Đăk Hà

209,3

91,4

22,7

0,7

 

94,5

 

3

Đăk Tô

161,7

12,2

0,6

11,6

 

 

137,3

4

Sa Thầy

185,0

 

 

 

 

100,0

85,0

5

Kon Rẫy

56,4

40,2

9,0

 

7,2

 

 

6

Ngọc Hồi

76,0

48,0

10,0

 

18,0

 

 

7

Ia H’Drai

11,2

11,2

 

 

 

 

 

8

Đăk Glei

63,6

29,0

15,5

 

19,1

 

 

 

Tổng cộng

1.045,2

244,0

77,8

32,3

74,3

394,5

222,3

2. Nội dung

2.1. Đối với xây dựng mô hình điểm và nhân rộng chuyển đổi sang trồng sắn trên diện tích lúa thiếu nước tưới thực hiện theo hình thức có sự tham gia của doanh nghiệp liên kết với nông dân:

a. Vụ Đông Xuân 2016-2017: Xây dựng mô hình điểm với tổng diện tích chuyển đổi là 394,5 ha, bao gồm: Huyện Đăk Hà 94,5 ha, Sa Thầy 100 ha, Thành phố Kon Tum 200 ha.

- Thời gian thực hiện: Vụ Đông Xuân 2016-2017

- Đối tượng hỗ trợ: Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân (Gọi tắt là người sản xuất) đăng ký tham gia xây dựng mô hình có diện tích trồng lúa bị thiệt hại sản xuất trong vụ Đông xuân 2016-2017.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Hỗ trợ 100% kinh phí giống sắn; 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức.

+ Hợp đồng 02 cán bộ kỹ thuật cấp tỉnh; 03 cán bộ kỹ thuật cấp huyện (huyện Đăk Hà 01, Sa Thầy 01, Thành phố Kon Tum 01) để hỗ trợ chỉ đạo kỹ thuật.

b. Vụ Đông Xuân 2017-2018: Nhân rộng mô hình chuyển đổi sang trồng sắn trên diện tích lúa thiếu nước tưới tại huyện Đăk Tô (137,3 ha), diện tích còn lại của huyện Sa Thầy (85 ha).

- Thời gian thực hiện: Vụ Đông Xuân 2017-2018

- Đối tượng hỗ trợ: Người sản xuất đăng ký tham gia xây dựng mô hình nhân rộng (trừ đối tượng đã tham gia mô hình vụ Đông Xuân 2016-2017).

- Nội dung hỗ trợ:

+ Hỗ trợ 100% kinh phí giống sắn; 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức.

+ Hợp đồng bổ sung 02 cán bộ chỉ đạo thuật cấp tỉnh; 04 cán bộ chỉ đạo thuật cấp huyện (huyện Đăk Hà 01, Đăk Tô 01, Sa Thầy 01, Tp. Kon Tum 01).

2.2. Đối với diện tích chuyển đổi sang trồng ngô trong vụ Đông Xuân 2016-2017 theo Quyết định 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ là: 244,4 ha.

- Thời gian thực hiện: Các vụ trong năm từ vụ Đông Xuân 2016-2017 đến hết vụ Đông Xuân 2017-2018 trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đối tượng hỗ trợ: Người sản xuất đăng ký chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô trên diện tích đất trồng lúa (trừ diện tích đã tham gia mô hình điểm chuyển đổi sang trồng sắn trên đất ruộng thiếu nước vụ Đông Xuân 2016-2017 và mô hình nhân rộng 2017-2018).

- Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ một lần không quá 3 (ba) triệu đồng/ha chi phí về giống ngô để chuyển đổi (từ nguồn kinh phí Trung ương).

2.3. Đối với diện tích chuyển đổi sang trồng rau, đậu, cỏ chăn nuôi trong vụ Đông Xuân 2016-2017 là 184,4 ha: Hỗ trợ một lần chi phí giống cây trồng để chuyển đổi (từ nguồn kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất của Chính phủ).

3. Kinh phí thực hiện Đề án

3.1. Kinh phí thực hiện Đề án

Tổng kinh phí: 8.024,4 triệu đồng

Ngân sách tỉnh: 3.144,4 triệu đồng

Nguồn tài trợ (Quỹ khắc phục hạn hán): 4.880,0 triệu đồng

3.2. Nội dung kinh phí, nguồn kinh phí và phân kỳ đầu tư cụ thể tại biểu sau

TT

Nội dung đầu tư

Tổng cộng

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

I

Ngân sách tỉnh hỗ trợ mô hình điểm chuyển đổi sang trồng sắn và nhân rộng

3.144,4

644,5

2.033,4

466,6

 

Hỗ trợ giống

1.214,0

 

1.214,0

 

 

Tập huấn kỹ thuật

473,5

236,7

236,7

 

 

Hợp đồng cán bộ kỹ thuật

1.224,0

360,0

432,0

432,0

 

Kinh phí quản lý 8%/tổng kinh phí hỗ trợ phân bón, giống, tập huấn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và hợp đồng cán bộ kỹ thuật

232,9

47,7

150,6

34,6

II

Nguồn tài trợ (Quỹ cứu trợ của tỉnh) Hỗ trợ chuyển đổi trồng sắn

4.880,0

3.952,0

928,0

 

 

Hỗ trợ giống

2.486,8

2400

86,8

 

 

Hỗ trợ phân bón

2.393,2

1.552,0

841,2

 

 

Tổng cộng

8.024,4

4.596,5

2.961,3

466,6

4. Điều kiện được hỗ trợ chuyển đổi sang trồng sắn trên đất lúa Đông Xuân thường xuyên thiếu nước

- Các tổ chức đại diện nông dân (Hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ...), hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển đổi cây trồng hàng năm (kể các tham gia mô hình điểm và nhân rộng chuyển đổi sang trồng sắn) trên đất lúa Đông Xuân có nguy cơ thường xuyên thiếu nước sang trồng một số cây trồng hàng năm như sắn, ngô; lạc, đậu đỗ (đậu xanh, đậu đen, đậu tương,...); vừng (mè); rau quả và các loại cây trồng khác phù hợp với quy định tại khoản 8, điều 3, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

- Phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp xã, được UBND các huyện, thành phố phê duyệt.

- Phải nộp Đơn đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm theo mẫu tại Thông tư 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

- Chỉ được tham gia và được hỗ trợ duy nhất từ một chương trình của tỉnh hoặc của huyện trong thời gian thực hiện Đề án.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố:

+ Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án để tổ chức thực hiện.

+ Tiếp tục rà soát, cập nhật vào Đề án diện tích đất chuyển đổi cho phù hợp. Trong đó, cần chú ý rà soát, cân nhắc thêm việc chuyển đổi sang trồng cây hàng năm đối với số diện tích đất trồng lúa có đủ nước tưới vụ Đông Xuân của 02 huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và các huyện khác nếu xét thấy hiệu quả hơn trồng lúa nước; đồng thời, xem xét loại khỏi Đề án những diện tích đất thiếu nước tưới vụ Đông Xuân nhưng nằm trong vùng tưới.

- Hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ, quy trình kỹ thuật chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ Đông Xuân thiếu nước tưới để phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng.

- Phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra, đánh giá kết quả xây dựng mô hình điểm vụ Đông Xuân 2016-2017 trên địa bàn huyện Đăk Hà và Tp. Kon Tum, tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu UBND tỉnh giải quyết những phát sinh và báo cáo kết quả thực hiện chính sách chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước tưới vụ Đông Xuân.

- Kết thúc thực hiện mô hình nhân rộng chuyển đổi sắn trên đất lúa thiếu nước vụ Đông Xuân 2017-2018, tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương tăng vụ trồng sắn trên đất một vụ lúa trong vụ Đông Xuân.

- Giao đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được ủy quyền:

+ Chủ trì, phối hợp với huyện Đăk Hà, Sa Thầy và Thành phố Kon Tum hỗ trợ xây dựng mô hình điểm và nhân rộng chuyển đổi sang trồng sắn trên đất lúa từ vụ Đông Xuân 2016-2017 đến vụ Đông Xuân 2017-2018.

+ Hợp đồng 02 cán bộ kỹ thuật cấp tỉnh từ năm 2016-2018 để tổ chức chỉ đạo kỹ thuật.

5.2. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu bố trí các nguồn kinh phí thực hiện Đề án, hướng dẫn các đơn vị được giao kinh phí thanh quyết toán đúng quy định.

5.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn ngân sách để thực hiện Đề án.

5.4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Ban hành kế hoạch, kinh phí chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước tưới để tổ chức hỗ trợ chuyển đổi ngay trong vụ Đông xuân 2016-2017 và các vụ Đông xuân tiếp theo (trên cơ sở đề xuất kế hoạch của các xã về cơ cấu cây trồng, diện tích). Lưu ý, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa phải đảm bảo các quy định tại Đề án này.

- Tiếp tục rà soát nhu cầu chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất lúa vụ Hè Thu và Đông Xuân thiếu nước để hỗ trợ trong năm 2017-2018 chuyển đổi sang trồng ngô theo Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Mỗi huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi trồng sắn hợp đồng 02 cán bộ kỹ thuật từ năm 2016-2018 để tổ chức chỉ đạo kỹ thuật xây dựng mô hình điểm và nhân rộng.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia Đề án; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vụ Đông Xuân nói riêng và các giải sản xuất nông nghiệp ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu.

- Phát triển các mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp (HTX, Tổ hợp tác).

- Tổ chức làm việc với các doanh nghiệp liên quan để thỏa thuận về giá cả, liên kết đầu tư sản xuất (đầu tư ứng trước giống, phân bón) và tiêu thụ các loại nông sản cho người dân. Trong đó, huyện Đăk Hà, Sa Thầy và Thành phố Kon Tum làm việc với các nhà máy chế biến sắn để thỏa thuận về giá cả, liên kết sản xuất tiêu thụ sắn cho người dân ngay trong vụ sản xuất Đông Xuân 2016-2017.

- Hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức cho các tổ chức đại diện nông dân, hộ gia đình, cá nhân đăng ký chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước tưới vụ Đông Xuân theo quy định tại Thông tư 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định khoản 5, điều 6, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

- Kết thúc Đề án, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi giống sắn sang loại giống sắn mới có năng suất cao để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

5.5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp, tham gia giám sát quá trình triển khai thực hiện Đề án.

 

PHỤ LỤC I

MẪU ĐĂNG KÝ CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT CHUYÊN TRỒNG LÚA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

.........., ngày... tháng... năm........

ĐĂNG KÝ CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG
TRÊN ĐẤT CHUYÊN TRỒNG LÚA

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn….

1. Tên người đại diện của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình:

2. Địa chỉ:

3. Số CMND/Thẻ căn cước…………… Ngày cấp:………..

Nơi cấp…………

3. Diện tích chuyển đổi … (m2, ha), thuộc thửa đất số …, tờ bản đồ số...... khu vực, cánh đồng......

4. Mục đích và thời gian chuyển đổi

4.1. Mục đích

- Trồng cây hàng năm:

+ Chuyển đổi 1 vụ lúa/năm: tên cây trồng…., vụ…,

+ Chuyển đổi các vụ lúa/năm: tên cây trồng…,

- Kết hợp nuôi trồng thủy sản: Loại thủy sản…, vụ lúa chuyển đổi…,

4.2. Thời gian chuyển đổi:

+ Từ ngày…. tháng …. năm…. đến ngày…. tháng …. năm….

5. Cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa./.

 

UBND cấp xã tiếp nhận
(Ký, họ tên và đóng dấu)

Người đại diện tổ chức/hộ gia đình/cá nhân
(Ký, họ tên và đóng dấu, nếu có)

 

PHỤ LỤC II

MẪU THÔNG BÁO KHÔNG TIẾP NHẬN ĐĂNG KÝ CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT CHUYÊN TRỒNG LÚA NƯỚC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

ỦY BAN NHÂN DÂN
(cấp xã
)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …

…, ngày… tháng… năm…..

 

THÔNG BÁO

Không tiếp nhận đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất chuyên trồng lúa

Căn cứ quy định tại Thông tư số ..../2016/TT-BNNPTNT ngày... tháng... năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa và các quy định khác của pháp luật liên quan, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn……. thông báo:

Không tiếp nhận bản đăng ký chuyển đổi cây trồng trên đất chuyên trồng lúa nước của … (họ, tên người đại diện của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình), địa chỉ …

Lý do không tiếp nhận:………………………………………………………

Yêu cầu ông/bà ………….. thực hiện Thông báo này và các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa./.

 

 

Nơi nhận:
- Người sử dụng đất;
- Lưu VT.

T/M. Ủy ban nhân dân cấp xã
(Ký, họ tên và đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1117/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ Đông Xuân do tỉnh Kon Tum ban hành

  • Số hiệu: 1117/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/09/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản