Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 110/2002/QĐ-UB | Nha Trang, ngày 02 tháng 10 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC SAU ĐĂNG KÝ KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH CÁ THỂ TẠI TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 13/1999/QH10 ngày 12/6/1999;
- Căn cứ Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính phủ về Đăng ký kinh doanh;
- Căn cứ Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp;
Để thực hiện thống nhất sự quản lý nhà nước theo Luật Doanh nghiệp và các Luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về quản lý Nhà nước sau đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể tại tỉnh Khánh Hòa”
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Các Ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HOÀ |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC SAU ĐĂNG KÝ KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH CÁ THỂ TẠI TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 110/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Khánh Hòa)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này xác định nhiệm vụ, quyền hạn và việc phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2: Đối tượng áp dụng:
Đối tượng thuộc phạm vi áp dụng theo quy định này bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Công ty cổ phần;
- Công ty hợp danh;
- Doanh nghiệp tư nhân;
- Hộ kinh doanh cá thể;
Điều 3: Phương pháp điều chỉnh:
Các cơ quan nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện sự phối hợp quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo quy định này.
Điều 4: Trụ sở chính của doanh nghiệp:
1. Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi tiến hành các hoạt động giao dịch chính thức, thường xuyên của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với trụ sở chính.
3. Doanh nghiệp phải có biển hiệu gắn cố định tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
Nghiêm cấm việc ghi tên các cơ quan nhà nước trên biển hiệu.
Điều 5:
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thống nhất quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trong phạm vi toàn tỉnh.
Chương 2
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH CÁ THỂ
Điều 6: Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân các huyện):
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn; Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện (nơi cấp đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể và là nơi nhận bản sao đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp do Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh cấp) thực hiện các nội dung sau đây:
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường, xã kiểm tra địa chỉ đặt trụ sở doanh nghiệp, chi nhánh-văn phòng đại diện và hộ kinh doanh cá thể đóng trên địa bàn. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
- Phối hợp xác minh thông tin về doanh nghiệp, chi nhánh - văn phòng đại diện và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn.
- Hệ thống thông tin về hộ kinh doanh cá thể trong phạm vi địa phương; định kỳ hàng tháng (chậm nhất là ngày 05 tháng sau) báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh về hộ kinh doanh cá thể (theo biểu mẫu do Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn).
2. Chỉ đạo các Phòng chức năng của huyện phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm quy định về trụ sở, về viết và đặt biển hiệu… của doanh nghiệp, chi nhánh - văn phòng đại diện và hộ kinh doanh cá thể theo Nghị định số 01/CP ngày 03/01/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và Nghị định số 01/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 của Chính phủ về bổ sung một số điều của Nghị định 01/CP ngày 03/01/1996; Nghị định số 88/CP ngày 14/12/1995 của Chính phu và Nghị định 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và phòng chống một số tệ nạn xã hội.
3. Tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý các doanh nghiệp, chi nhánh - văn phòng đại diện và hộ kinh doanh cá thể vi phạm hành chính về việc kinh doanh không đúng ngành nghề đã đăng ký, không chấp hành các điều kiện về kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không có giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh.
4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Hàng tháng tổng hợp các trường hợp vi phạm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng gởi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Điều 7: Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành:
1. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh.
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện và các cơ quan liên quan kiểm tra giấy phép kinh doanh; kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp đối với các ngành nghề có điều kiện.
3. Yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh cung cấp thông tin về doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý của ngành.
4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc theo những quy định của Nhà nước về thẩm quyền thanh tra chuyên ngành. Kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể theo quy định của pháp luật.
5. Thông báo biện pháp xử lý vi phạm đã áp dụng đối với doanh nghiệp trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định xử lý cho Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý ngành kinh tế-kỹ thuật cùng cấp, Ủy ban nhân dân huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
6. Định kỳ hàng quý, các Sở quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật tổng hợp và thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh danh sách các doanh nghiệp chưa triển khai hoạt động những ngành nghề thuộc chuyên ngành quản lý mà doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh.
7. Định kỳ 6 tháng/lần, tổng hợp các trường hợp vi phạm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng gởi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Điều 8: Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Cục Thuế và các Chi cục Thuế:
1. Kiểm tra việc thực hiện đăng ký kê khai thuế, tình hình thu nộp thuế của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.
2. Thông qua công tác về quản lý thu thuế, giám sát việc chấp hành quy định về chuyển quyền sở hữu tài sản bằng hiện vật của thành viên góp vốn vào công ty theo điều 22 Luật Doanh nghiệp.
3. Rà soát, đối chiếu doanh nghiệp đã đăng ký mã số thuế với danh sách doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh.
4. Thông báo biện pháp xử lý vi phạm Luật thuế đã áp dụng đối với doanh nghiệp cho Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có quyết định xử lý.
5. Tổng hợp, định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật và UBND huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính các doanh nghiệp không đăng ký mã số thuế, các doanh nghiệp không tiến hành kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh.
6. Định kỳ 6 tháng/lần, Cục Thuế tổng hợp tình hình thu nộp thuế của các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đồng gởi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 9: Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chỉ đạo Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh thực hiện:
1. Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho các cơ quan nhà nước gồm các nội dung cơ bản: tên và trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện; ngành nghề kinh doanh; danh sách thành viên trong Công ty; thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (ngừng hoạt động, tổ chức lại doanh nghiệp...); cung cấp thông tin cho tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
2. Gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan thuế và các cơ quan theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Doanh nghiệp.
3. Báo cho doanh nghiệp hiệu đính các thông tin không chính xác, không đầy đủ hoặc giả mạo mà doanh nghiệp tự khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh khi phát hiện được. Sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày gửi thông báo nếu doanh nghiệp không hiệu đính thì tiến hành kiểm tra xác định mức độ vi phạm, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Theo dõi việc công ty gởi thông báo góp đủ vốn và đúng hạn như đã cam kết của các thành viên theo quy định của Điều 27 Luật Doanh nghiệp.
5. Đôn đốc doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính hàng năm và báo cáo tình hình kinh doanh khi cần thiết theo quy định tại khoản 3 Điều 116 và khoản 3 Điều 118 Luật Doanh nghiệp.
6. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh, các Chi Cục Thuế, các Sở-Ban-Ngành trong tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện thực hiện các nhiệm vụ phối hợp quản lý doanh nghiệp theo quy định này.
7. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp, chi nhánh - văn phòng đại diện có hành vi vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 121 Luật Doanh nghiệp.
8. Phối hợp với Báo Khánh Hòa để theo dõi việc doanh nghiệp chấp hành quy định về đăng bố cáo theo Điều 21 Luật Doanh nghiệp.
9. Định kỳ hàng tháng gửi danh sách doanh nghiệp có thông báo tạm ngừng hoạt động, tổ chức lại, giải thể, thu hồi đăng ký kinh doanh đến cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật cùng cấp và Ủy ban nhân dân huyện.
10. Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Doanh nghiệp trên địa bàn và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chương 3
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10: Khen thưởng và xử lý vi phạm:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và quy chế này được khen thưởng theo quy định hiện hành của nhà nước.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật và quy chế này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 11: Tổ chức thực hiện:
- Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện quy định này và thường xuyên báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cùng phối hợp thực hiện quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Nghị định 88-CP năm 1995 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội
- 3Nghị định 1-CP năm 1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thương mại
- 4Luật Doanh nghiệp 1999
- 5Nghị định 02/2000/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh
- 6Nghị định 03/2000/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp
- 7Nghị định 31/2001/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin
- 8Nghị định 01/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 01/CP năm 1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- 9Quyết định 01/2014/QĐ-UBND về đăng ký hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Quyết định 110/2002/QĐ-UB ban hành Quy định về quản lý Nhà nước sau đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể tại tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành
- Số hiệu: 110/2002/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 02/10/2002
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Trần Minh Duân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra