Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2002/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 03 tháng 1 năm 2002 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 23 tháng 5 năm 1997;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 01/CP ngày 03 tháng 01 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại (gọi tắt là Nghị định số 01/CP) như sau:
1. Bổ sung
đ) Vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hoá và tem hàng hoá.
2. Sửa đổi, bổ sung
Điều 4. Xử phạt vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp hoặc chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp kinh doanh thương mại.
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau đây:
a) Không lưu giữ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại trụ sở kinh doanh đã đăng ký.
b) Không còn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh hoặc bản sao hợp lệ mà không khai báo với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tạm ngừng hoạt động kinh doanh mà không thông báo cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh mà không khai báo xoá tên theo quy định.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau đây:
a) Thuê, mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
b) Kinh doanh hoặc hoạt động không đúng nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
c) Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh bị sửa đổi, khác với nội dung đã đăng ký.
d) Tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, hoặc đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với hành vi kinh doanh không đăng ký hoặc không có Giấy phép kinh doanh khi kinh doanh những mặt hàng pháp luật quy định phải có Giấy phép kinh doanh.
6. Quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm về Giấy phép đầu tư, Quyết định thành lập Chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ ở Việt Nam.
7. Hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh với thời hạn 6 tháng đối với những hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này.
3. Sửa đổi, bổ sung
Điều 5. Xử phạt vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể.
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau đây:
a) Không còn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không khai báo với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
b) Không lưu giữ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc bản sao hợp lệ tại địa điểm đăng ký kinh doanh.
c) Tạm ngừng hoạt động kinh doanh mà không thông báo cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
d) Không nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi chuyển địa điểm kinh doanh sang quận, huyện khác.
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau đây:
a) Thuê, mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
b) Kinh doanh không đúng nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
c) Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bị sửa đổi, khác với nội dung đã đăng ký.
d) Tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền, hoặc đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với hành vi kinh doanh không đăng ký hoặc không có Giấy phép kinh doanh khi kinh doanh những mặt hàng pháp luật quy định phải có Giấy phép kinh doanh.
5. Hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn từ 03 đến 06 tháng đối với những hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều này.
4. Bổ sung
Điều 10a. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hoá.
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Buôn bán hàng hoá có nhãn hàng hoá rách nát không còn nguyên vẹn, hoặc nhãn mờ không đọc được nội dung.
b) Buôn bán hàng hoá có nhãn hàng hoá trình bày không đúng quy định về kích thước, vị trí, cách ghi, ngôn ngữ.
2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng hoá có nhãn tồn đọng không đúng quy định.
3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hoá sau đây:
a) Buôn bán cất giữ hàng hoá có nhãn không ghi tên hàng hoá, tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá.
b) Buôn bán, cất giữ hàng hoá có nhãn không ghi định lượng của hàng hoá, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của hàng hoá.
c) Buôn bán, cất giữ hàng hoá có nhãn hoặc tài liệu kèm theo không ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản hàng hoá.
d) Buôn bán, cất giữ hàng hoá nhập khẩu có nhãn không ghi tên nước xuất xứ theo quy định.
đ) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm khoản 3 Điều này nếu hàng hoá là thuốc chữa bệnh cho người, động vật, thực vật, vắc xin, sinh phẩm y tế.
4. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng hoá theo quy định của pháp luật phải có nhãn hàng hoá mà không có nhãn.
5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng hoá có nhãn nhưng trên nhãn ghi không đúng những nội dung không bắt buộc theo Quy chế ghi nhãn hàng hóa.
6. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Buôn bán, cất giữ hàng hoá trên nhãn ghi không đúng tên hàng hoá, tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá.
b) Buôn bán, cất giữ hàng hoá có nhãn hoặc tài liệu kèm theo ghi không đúng ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản hàng hoá.
c) Buôn bán, cất giữ hàng hoá nhập khẩu có nhãn ghi không đúng tên nước xuất xứ theo quy định.
7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán, cất giữ hàng hoá có nhãn mà nội dung hoặc hình thức của nhãn bị tẩy xoá, sửa đổi, hoặc nhãn hàng hoá bị thay đổi, đánh tráo.
8. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: buôn bán, cất giữ, vận chuyển các loại nhãn hàng hoá hoặc nhãn hàng hóa mà nội dung, hình thức không đúng quy định của pháp luật.
9. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có nhãn hàng hoá rách nát không còn nguyên vẹn, hoặc nhãn mờ không đọc được nội dung.
b) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có nhãn hàng hoá trình bày không đúng quy định về kích thước, vị trí, cách ghi, ngôn ngữ.
10. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có nhãn không ghi tên hàng hoá, tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá.
b) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có nhãn không ghi định lượng của hàng hoá, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của hàng hoá.
c) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có nhãn không ghi hoặc không có tài liệu kèm theo ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản hàng hoá.
11. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có nhãn nhưng trên nhãn ghi không đúng những nội dung không bắt buộc theo Quy chế ghi nhãn hàng hóa.
12. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có nhãn ghi không đúng theo quy định tên hàng hoá, tên và địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá.
b) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có nhãn hoặc tài liệu kèm theo ghi không đúng ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản hàng hoá.
c) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có nhãn ghi không đúng xuất xứ hàng hoá.
13. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hoá theo quy định của pháp luật phải có nhãn hàng hoá mà không có nhãn hoặc không bổ sung nhãn phụ bằng tiếng Việt.
14. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có nhãn hàng hóa mà nội dung của nhãn bị tẩy xoá, sửa đổi, hoặc nhãn hàng hoá bị thay đổi, đánh tráo.
15. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, in ấn, nhập khẩu các loại nhãn hàng hoá hoặc nhãn hàng hóa mà nội dung, hình thức của nhãn không đúng quy định của pháp luật.
16. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán các loại nhãn hàng hoá, nhãn hiệu, bao bì hàng hoá mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá đang được bảo hộ.
17. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu các loại nhãn hàng hoá, nhãn hiệu, bao bì hàng hoá mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá đang được bảo hộ.
18. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác:
a) Buộc đình chỉ lưu thông hàng hoá có nhãn vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 9, 10, 12, 13 và 15 Điều này.
b) Buộc tiêu hủy nhãn hàng hoá đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8, 16 và 17 Điều này.
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 và 14 Điều này.
d) Buộc khắc phục vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 và 10 Điều này.
đ) Ngoài các hình thức xử phạt trên, trước khi đưa hàng hoá ra lưu thông, tổ chức và cá nhân vi phạm phải thực hiện đúng quy định quy chế nhãn hàng hoá, đồng thời còn có thể bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm khoản 7 và 14 Điều này.
Điều 10b. Xử phạt vi phạm về hành vi ghi nhãn hàng hoá không đúng với định lượng, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của hàng hoá đã công bố.
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá mà các nội dung ghi trên nhãn hàng hoá đã công bố không đúng với định lượng thực tế của hàng hoá nhưng không gây hại đến sức khoẻ của người, động vật, thực vật, môi sinh, môi trường.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá mà các nội dung ghi trên nhãn hàng hoá đã công bố không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi, công dụng, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của hàng hoá nhưng không gây hại đến sức khoẻ của người, động vật, thực vật, môi sinh, môi trường.
3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hoá mà các nội dung định lượng ghi trên nhãn hàng hoá đã công bố không đúng với định lượng thực tế của hàng hoá.
4. Phạt tiền 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hoá mà các nội dung ghi trên nhãn về nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi, công dụng, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đã công bố không đúng với thực tế hàng hoá về một trong các nội dung ghi trên nhưng không gây hại đến sức khoẻ của người, động vật, môi sinh, môi trường.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với những hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh hàng hoá đưa thêm tạp chất, chất phụ gia không được phép sử dụng làm thay đổi chất lượng; không có hoặc có ít dược chất, có dược chất khác với tên dược chất ghi trên nhãn hoặc bao bì; không có hoặc không có đủ hoạt chất, chất hữu hiệu để tạo nên công dụng; có hoạt chất, chất hữu hiệu khác với tên hoạt chất, chất hữu hiệu công bố trên nhãn hoặc bao bì.
b) Kinh doanh hàng hoá có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng đã công bố, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.
c) Kinh doanh hàng hoá không đủ thành phần cấu tạo hoặc bị thay thế bằng những nguyên liệu, phụ tùng khác không đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn hàng hoá đã công bố, gây hậu quả đối với sản xuất, sức khoẻ người, động vật, thực vật, môi sinh, môi trường.
6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá đưa thêm tạp chất, chất phụ gia không được phép sử dụng làm thay đổi chất lượng; không có hoặc có ít dược chất, có dược chất khác với tên dược chất ghi trên nhãn hoặc bao bì; không có hoặc không có đủ hoạt chất, chất hữu hiệu để tạo nên công dụng; có hoạt chất, chất hữu hiệu khác với tên hoạt chất, chất hữu hiệu công bố trên nhãn hoặc bao bì.
b) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng đã công bố, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người, động vật, môi sinh, môi trường.
c) Sản xuất, nhập khẩu hàng hoá không đủ thành phần cấu tạo hoặc bị thay thế bằng những nguyên liệu, phụ tùng khác không đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn hàng hoá đã công bố, gây hậu quả đối với sức khoẻ người, động vật, môi sinh, môi trường.
7. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác:
a) Buộc tiêu hủy nhãn hàng hoá vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và bổ sung nhãn hàng hoá mới theo đúng quy định của pháp luật.
b) Tịch thu hàng hoá, phương tiện vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 và 6 Điều này.
c) Buộc khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 và 6 Điều này.
d) Buộc đình chỉ kinh doanh trong thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng chuyển cơ quan có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 5 hoặc điểm b, c khoản 6 Điều này.
Điều 10c. Xử phạt vi phạm về tem hàng sản xuất trong nước, tem hàng nhập khẩu.
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi sử dụng tem hàng sản xuất trong nước dán sai vị trí, tem rách nát, tem không dán trực tiếp vào hàng hoá.
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán, cất giữ, vận chuyển hàng hoá sản xuất trong nước quy định phải dán tem mà không có tem.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng hoá trong nước quy định phải dán tem mà không dán tem.
4. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, cất giữ hàng hoá nhập khẩu quy định phải dán tem mà tem dán sai vị trí, tem không đúng chủng loại.
5. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, cất giữ hàng hoá nhập khẩu quy định phải dán tem mà không có tem hoặc tem rách nát không đọc được chữ và số, tem không dán trực tiếp vào hàng hoá.
6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển tem hàng sản xuất trong nước, tem hàng nhập khẩu không do Nhà nước phát hành.
7. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu hàng hoá, phương tiện đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, 3 và 5 Điều này; buộc tiêu hủy đối với tang vật vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các điều khoản khác của Nghị định số 01/CP ngày 03 tháng 01 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại giữ nguyên hiệu lực thi hành.
Điều 3. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Công văn số 2123/TM-QLTT ngày 19/05/2003 của Bộ Thương mại về việc báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- 2Thông tư 05/TM-QLTT-1996 hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định 01/CP-1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại do Bộ Thương mại ban hành
- 3Nghị định 175/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- 4Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
- 1Công văn số 2123/TM-QLTT ngày 19/05/2003 của Bộ Thương mại về việc báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 1992
- 3Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995
- 4Luật Thương mại 1997
- 5Thông tư 05/TM-QLTT-1996 hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định 01/CP-1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại do Bộ Thương mại ban hành
- 6Luật Doanh nghiệp 1999
- 7Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nghị định 01/2002/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 01/CP năm 1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại
- Số hiệu: 01/2002/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 03/01/2002
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: 18/01/2002
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra