Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 175/2004/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2004

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 175/2004/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 2004 VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại mà không phải là tội phạm hình sự và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh;

b) Hành vi vi phạm quy định về thành lập và hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;

c) Hành vi vi phạm quy định về lưu thông, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên thị trường;

d) Hành vi vi phạm quy định về xúc tiến thương mại;

e) Hành vi vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;

g) Hành vi vi phạm quy định về hoạt động thương mại, dịch vụ khác.

3. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực thương mại không trực tiếp quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại đều bị xử phạt theo quy định của Nghị định này.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại trong lãnh thổ Việt Nam bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

3. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt

1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải được phát hiện kịp thời và bị đình chỉ ngay. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải được xử phạt trong thời hạn quy định. Trường hợp để quá thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt, nhưng vẫn phải áp dụng biện pháp khắc phục theo quy định của Nghị định này và tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc diện cấm lưu hành.

2. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần; một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Khi xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó ghi rõ hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm. Nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì cộng lại thành mức tiền phạt chung của quyết định xử phạt.

3. Việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quy định tại Điều 8 và 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức xử phạt, mức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả.

4. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải xử phạt đúng thẩm quyền. Nếu người có thẩm quyền xử phạt vắng mặt thì uỷ quyền bằng văn bản cho cấp phó của mình thực hiện thẩm quyền xử phạt và người được uỷ quyền chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt của mình.

5. Nếu vụ việc vi phạm xét thấy có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền phải chuyển giao hồ sơ, tang vật, phương tiện vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Trường hợp đã ra quyết định xử phạt hành chính thì người ra quyết định xử phạt hành chính phải có quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

6. Trong một vụ việc vi phạm, nếu một trong các hành vi vi phạm có quy định hình thức, mức phạt hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả vượt thẩm quyền của người xử phạt thì phải chuyển toàn bộ vụ việc vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm.

7. Nghiêm cấm giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử phạt hành chính; nghiêm cấm việc chia tách vụ việc vi phạm vượt thẩm quyền để giữ lại xử phạt theo thẩm quyền của cấp mình.

8. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong tình trạng đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

9. Các trường hợp đã ra quyết định xử phạt không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng bị xử phạt, không đúng hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, không đúng thời hiệu xử phạt và thời hạn xử phạt thì phải hủy bỏ ngay quyết định xử phạt không đúng pháp luật. Người có thẩm quyền có lỗi trong việc ra quyết định xử phạt không đúng pháp luật phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Khi xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền xử phạt chỉ được áp dụng những hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) đã được quy định đối với hành vi vi phạm.

Mỗi vi phạm hành chính chỉ áp dụng một hình thức xử phạt chính để xử phạt. Ngoài hình thức xử phạt chính, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm cụ thể còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, không được áp dụng độc lập hình thức xử phạt bổ sung mà không có hình thức xử phạt chính.

2. Phạt cảnh cáo là hình thức xử phạt chính chỉ được áp dụng trong trường hợp vi phạm nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ và hành vi vi phạm có quy định hình thức xử phạt cảnh cáo.

3. Phạt tiền là hình thức xử phạt chính được áp dụng như sau: mức tiền phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với mỗi hành vi vi phạm; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

4. Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề thương mại, dịch vụ là hình thức xử phạt bổ sung, chỉ được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề và hành vi vi phạm có quy định hình thức xử phạt này.

5. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm hành chính có quy định áp dụng hình thức xử phạt này. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính. Không tịch thu tang vật, phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp.

6. Các biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm hành chính có quy định áp dụng biện pháp này và áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, nhằm xử lý triệt để vi phạm, loại trừ nguyên nhân, điều kiện tái phạm, khắc phục mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.

2. Đối với vi phạm hành chính trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá hoặc dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá; hành vi buôn lậu, vận chuyển hoặc buôn bán hàng nhập lậu; hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, thì thời hiệu xử phạt là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.

Nếu quá các thời hạn nói trên thì không bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Điều 12 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

3. Cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính thì bị xử phạt hành chính. Thời hiệu xử phạt là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

4. Trong thời hạn được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, nếu cá nhân, tổ chức có vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực thương mại mà trước đây đã vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt, thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

5. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại nếu quá một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm, thì coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

6. Thời hạn, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại được tính theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây gọi tắt là Nghị định 134/2003 của Chính phủ).

Chương 2:

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT

MỤC 1:

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP VÀ HỘ KINH DOANH

Điều 6. Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Tự viết thêm, tẩy xoá, sửa chữa các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm, địa bàn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với các hành vi quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này trong trường hợp kinh doanh những ngành nghề, mặt hàng, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

5. Các quy định tại Điều này cũng được áp dụng để xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố.

Điều 7. Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Tự viết thêm, tẩy xoá, sửa chữa các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm, địa bàn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này trong trường hợp kinh doanh những ngành nghề, mặt hàng, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

Điều 8. Vi phạm quy định về thủ tục đăng ký kinh doanh và biển hiệu

Việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về thủ tục đăng ký kinh doanh; về trụ sở doanh nghiệp, địa điểm hộ kinh doanh cá thể; về biển hiệu của cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ được áp dụng theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh hoặc trong lĩnh vực văn hoá thông tin.

MỤC 2:

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH THƯƠNG NHÂN CỦA NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 9. Vi phạm quy định về thành lập và hoạt động của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Văn phòng đại diện).

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không hoạt động trong thời hạn quy định sau khi được cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện;

b) Không thông báo cho cơ quan cấp giấy phép trong thời hạn quy định về địa điểm đặt trụ sở, số người Việt Nam, số người nước ngoài làm việc tại Văn phòng đại diện;

c) Không thông báo cho cơ quan cấp giấy phép trong thời hạn quy định khi chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện;

d) Không nộp lại giấy phép được cấp cho cơ quan cấp giấy phép trong thời hạn quy định khi chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện;

e) Không thực hiện báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vẫn đề có liên quan đến hoạt động của Văn phòng đại diện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

g) Không thông báo với cơ quan cấp giấy phép khi thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện trong cùng một tỉnh, thành phố hoặc thay đổi người đứng đầu Văn phòng đại diện trong thời hạn quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện hoặc thuê hơn một địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện hoặc kinh doanh cho thuê lại trụ sở Văn phòng đại diện;

b) Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép theo quy định khi thay đổi các nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện so với giấy phép được cấp;

c) Không làm thủ tục xin cấp giấy phép mới theo quy định khi thay đổi địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện sang tỉnh, thành phố khác;

d) Tự viết thêm, tẩy xoá, sửa chữa các nội dung trong giấy phép được cấp.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Hoạt động không đúng nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện ghi trong giấy phép;

b) Ký hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của thương nhân nước ngoài đối với từng hợp đồng theo quy định;

c) Không thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm theo quy định về hoạt động của Văn phòng đại diện với cơ quan cấp giấy phép.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện chức năng đại diện cho thương nhân nước ngoài khác tại Việt Nam;

b) Tiếp tục hoạt động sau khi thương nhân nước ngoài đã chấm dứt hoạt động hoặc thương nhân nước ngoài đã có thông báo chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện;

c) Tiếp tục hoạt động sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.

Điều 10. Vi phạm quy định về thành lập và hoạt động của Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Chi nhánh)

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không hoạt động trong thời hạn quy định sau khi được cấp giấy phép thành lập Chi nhánh;

b) Không thông báo cho cơ quan cấp giấy phép theo quy định về địa điểm đặt trụ sở, số người Việt Nam, số người nước ngoài làm việc tại Chi nhánh;

c) Không thông báo cho cơ quan cấp giấy phép trong thời hạn quy định khi chấm dứt hoạt động của Chi nhánh;

d) Không nộp lại giấy phép được cấp cho cơ quan cấp giấy phép trong thời hạn quy định khi chấm dứt hoạt động của Chi nhánh;

e) Không thực hiện báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của Chi nhánh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có địa điểm đặt trụ sở Chi nhánh hoặc có hơn một địa điểm đặt trụ sở Chi nhánh;

b) Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép theo quy định mà tự ý thay đổi các nội dung hoạt động của Chi nhánh;

c) Tự viết thêm, tẩy xoá, sửa chữa các nội dung trong giấy phép.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không làm thủ tục xin cấp giấy phép mới theo quy định khi thay đổi địa điểm đặt trụ sở Chi nhánh sang tỉnh, thành phố khác;

b) Hoạt động không đúng nội dung hoạt động của Chi nhánh ghi trong giấy phép;

c) Ký hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ không phù hợp với nội dung hoạt động của Chi nhánh ngoài trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

d) Không thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo tài chính hàng năm về hoạt động của Chi nhánh với cơ quan cấp giấy phép theo quy định hoặc báo cáo tài chính không đúng quy định.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Mua để xuất khẩu hoặc nhập khẩu để bán ở thị trường Việt Nam những loại hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ ngoài danh mục hàng hoá, dịch vụ Chi nhánh thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc mua hàng hoá tại Việt Nam để bán tại Việt Nam;

b) Tiếp tục hoạt động sau khi thương nhân nước ngoài đã chấm dứt hoạt động hoặc thương nhân nước ngoài đã có thông báo chấm dứt hoạt động của Chi nhánh;

c) Tiếp tục hoạt động sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi giấy phép thành lập Chi nhánh;

d) Chuyển lợi nhuận trái phép ra khỏi Việt Nam.

Điều 11. Vi phạm các quy định khác về hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh

Việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về biển hiệu của trụ sở, địa điểm giao dịch; về sử dụng lao động Việt Nam và nước ngoài; về mở và sử dụng tài khoản tại ngân hàng; về thực hiện chế độ kế toán; về kê khai và nộp thuế; về sử dụng con dấu… của Văn phòng đại diện, Chi nhánh được áp dụng theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

MỤC 3:

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ LƯU THÔNG, KINH DOANH \HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ TRÊN THỊ TRƯỜNG

Điều 12. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ cấm kinh doanh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh loại dịch vụ cấm kinh doanh.

2. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, sản phẩm văn hoá phẩm phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục nhân cách trẻ em đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 13. Vi phạm quy định về kinh doanh hàng hoá cấm lưu thông

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá cấm lưu thông có trị giá đến 5.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá cấm lưu thông có trị giá từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá cấm lưu thông có trị giá từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá cấm lưu thông có trị giá từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá cấm lưu thông có trị giá từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá cấm lưu thông có trị giá từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá cấm lưu thông có trị giá từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

8. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này đối với một trong những trường hợp sau đây:

a) Hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công, chế biến, chế tác, tái chế, phân loại, lắp ráp, đóng gói, nhập khẩu hàng hoá cấm lưu thông;

b) Hàng hoá cấm lưu thông là hoá chất độc hại, các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người và gia súc, thuốc bảo vệ thực vật và các loại trang thiết bị, dụng cụ y tế chưa được phép sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam.

9. Các mức phạt tiền quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này cũng được áp dụng xử phạt đối với chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải; chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở; tổ chức kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá nếu có hành vi cố ý vận chuyển, chứa chấp hoặc cất giấu, giao nhận hàng hoá cấm lưu thông.

10. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu hàng hoá cấm lưu thông đối với vi phạm quy định tại Điều này; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng làm hàng hoá cấm lưu thông đối với quy định tại điểm a khoản 8 Điều này.

b) Tịch thu phương tiện vận tải đối với vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này;

c) Buộc tiêu hủy hàng hoá, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng, ô nhiễm môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách trẻ em và văn hoá phẩm độc hại đối với các vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 14. Vi phạm quy định về kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh có trị giá hàng hoá đến 5.000.000 đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không có giấy phép kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định;

b) Kinh doanh không đúng với nội dung giấy phép kinh doanh được cấp về ngành nghề kinh doanh, mặt hàng kinh doanh, địa bàn kinh doanh, đối tượng phục vụ;

c) Kinh doanh loại hàng hoá theo quy định phải dán tem hàng sản xuất trong nước mà không có tem dán.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có trị giá hàng hoá từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có trị giá hàng hoá từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có trị giá hàng hoá từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có trị giá hàng hoá từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có trị giá hàng hoá từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có trị giá hàng hoá trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có trị giá hàng hoá từ trên 100.000.000 đồng.

9. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này nếu hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này là của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công, chế biến, lắp ráp, chế tác, tái chế, phân loại, đóng gói hàng hoá.

10. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu hàng hoá không dán tem hàng hoá sản xuất trong nước theo quy định đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh đến một năm đối với vi phạm quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

c) Buộc thực hiện các quy định về kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh đối với vi phạm quy định tại Điều này;

d) Buộc tiêu hủy hàng hoá không đảm bảo điều kiện lưu thông đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 15. Vi phạm quy định về kinh doanh hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có điều kiện mà không đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định;

b) Không thực hiện đúng các quy định khác có liên quan khi kinh doanh các hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có điều kiện mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có điều kiện không đảm bảo an toàn về phòng chống cháy, nổ, vệ sinh, môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu hoặc buộc tiêu hủy hàng hoá không đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ, vệ sinh, môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề đến một năm đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm hoặc khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Buộc thực hiện các điều kiện kinh doanh theo quy định đối với vi phạm quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 16. Xử phạt về kinh doanh hàng nhập lậu

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu có trị giá đến 5.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu có trị giá từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu có trị giá từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu có trị giá từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu có trị giá từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu có trị giá từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu có trị giá từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu có trị giá từ trên 100.000.000 đồng.

9. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này đối với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu.

10. Các mức phạt tiền quy định từ khoản 1 đến khoản 9 Điều này cũng được áp dụng để xử phạt đối với chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải; chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở; tổ chức kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá có hành vi cố ý vận chuyển, chứa chấp hoặc cất giấu, giao nhận hàng nhập lậu.

11. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu hàng nhập lậu đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tịch thu phương tiện vận tải đối với vi phạm quy định tại khoản 10 Điều này;

c) Buộc tiêu hủy hàng hoá, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng, môi sinh, môi trường, văn hoá phẩm độc hại, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách trẻ em đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 17. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá có nhãn (kể cả nhãn phụ) bị che lấp, rách nát, mờ nhạt không đọc được các nội dung ghi trên nhãn hàng hoá.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá có nhãn trình bày không đúng quy định về kích thước, diện tích, vị trí ghi các nội dung, cách ghi, ngôn ngữ sử dụng trên nhãn hàng hoá.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo ghi không đủ hoặc ghi không đúng những nội dung bắt buộc theo quy định.

4. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá trên nhãn có những thông tin bằng hình ảnh, hình vẽ, chữ viết như dấu hiệu chất lượng, tiêu chuẩn, biểu tượng chất lượng, mã số mã vạch, huy chương, giải thưởng các loại và các thông tin khác không đúng sự thật.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hoá có nhãn (kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ của hàng hoá nhập khẩu) bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hoá.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh hàng hoá theo quy định phải có nhãn hàng hoá mà không có nhãn;

b) Kinh doanh hàng hoá nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.

7. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Hành vi vi phạm về nhãn hàng hoá của hàng lương thực, thực phẩm, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi;

b) Hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công, chế biến, chế tác, tái chế, đóng gói, lắp ráp, nhập khẩu hàng hoá.

8. Hành vi kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hàng hoá, nhãn hiệu hàng hoá, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, tên và địa chỉ thương nhân trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá thì áp dụng quy định tại Điều 18 và 19 Nghị định này để xử phạt.

9. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc đình chỉ lưu thông hàng hoá có nhãn vi phạm đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm về nhãn hàng hoá trước khi đưa hàng hoá ra lưu thông đối với vi phạm quy định tại Điều này;

c) Buộc tiêu hủy hàng hoá có chất lượng không đảm bảo an toàn sử dụng cho người, vật nuôi, cây trồng, môi sinh, môi trường đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 7 Điều này.

Điều 18. Xử phạt về kinh doanh hàng giả

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả có trị giá tương đương hàng thật cùng loại đến 5.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả có trị giá tương đương hàng thật cùng loại từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả có trị giá tương đương hàng thật cùng loại từ trên 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả có trị giá tương đương hàng thật cùng loại từ trên 20.000.000 đến dưới 30.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

a) Hàng giả có trị giá tương đương hàng thật cùng loại trên 30.000.000 đồng;

b) Hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng hoặc chữa bệnh cho người, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật giống cây trồng, vật nuôi.

6. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, gia công, lắp ráp, tái chế, chế tác, phân loại, đóng gói, nhập khẩu hàng giả.

7. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc tiêu hủy hàng hoá, vật phẩm không có giá trị sử dụng, không đảm bảo an toàn sử dụng gây hại tới sản xuất, sức khoẻ người, động thực vật, môi sinh, môi trường đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 19. Xử phạt về kinh doanh tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh các loại đề can, nhãn hàng hoá, mẫu nhãn hiệu hàng hoá, bao bì hàng hoá, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành hàng hoá giả mạo (sau đây gọi tắt là tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả) ngoài quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả của hàng lương thực, thực phẩm, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, thuốc thú y, phân bón, xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi.

3. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức làm hoặc nhập khẩu tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy các loại tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tịch thu phương tiện làm tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Tịch thu tiêu hủy tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả đối với vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp không áp dụng được biện pháp quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

Điều 20. Vi phạm quy định về kinh doanh hàng hoá chưa được phép lưu hành, sử dụng, quá hạn sử dụng và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi bán hàng không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh đối với người bán hàng, địa điểm bán hàng, giá bày hàng, dụng cụ cân đo, bao gói hàng, bao bì đựng hàng, che đậy hàng khi bán thức ăn chín, thực phẩm ăn ngay và các loại đồ uống chế biến tại chỗ.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống (gia súc, gia cầm, thủy, hải sản) bị tiêm, chích tạp chất hoặc đưa thêm chất khác làm tăng trọng lượng, giảm chất lượng, hương vị tự nhiên của hàng hoá nhưng không ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, môi sinh, môi trường;

b) Kinh doanh hàng thực phẩm, nước uống, nước đá, nước giải khát các loại bị nhiễm khuẩn hoặc chất có hại vượt mức giới hạn cho phép.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng nông sản thực phẩm có dư lượng hoá chất quá mức cho phép.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống có sử dụng phụ gia ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống hoặc sử dụng quá mức cho phép.

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống (gia súc, gia cầm, thủy, hải sản…) bị bệnh truyền nhiễm hoặc sử dụng hoá chất không được phép để bảo quản hàng hoá;

b) Kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống (gia súc, gia cầm, thủy, hải sản…) bị tiêm, chích tạp chất hoặc đưa thêm chất khác ảnh hưởng đến an toàn sức khoẻ người sử dụng hoặc môi sinh, môi trường;

c) Kinh doanh thịt gia súc, gia cầm hoặc sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm đã bị chết trước khi giết mổ.

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh hàng hoá quá hạn sử dụng;

b) Kinh doanh hàng hoá thủy, hải sản tươi sống hoặc chế biến có độc tố gây nguy hiểm cho người sử dụng;

c) Kinh doanh loại hàng hoá chưa được phép lưu hành hoặc chưa được phép sử dụng ngoài quy định tại điểm b khoản 8 Điều 13 Nghị định này.

7. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 2 đến khoản 6 Điều này nếu hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, gia công, chế tác, tái chế, lắp ráp, đóng gói, nhập khẩu hàng hoá.

8. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy hàng hoá đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3, 4, 5 và điểm a, b khoản 6 Điều này;

b) Tịch thu tiêu hủy hàng hoá đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3, 4, 5 và điểm a, b khoản 6 Điều này trong trường hợp không áp dụng được biện pháp quy định tại điểm a khoản 8 Điều này;

c) Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 6 Điều này;

d) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục để đảm bảo vệ sinh, chất lượng hàng thực phẩm theo quy định đối với vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 21. Vi phạm quy định về giao dịch với khách hàng, người tiêu dùng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thông tin sai lệch, thiếu trung thực, không đầy đủ cho khách hàng, người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ cung ứng;

b) Có lời nói, cử chỉ, hành động, thái độ xúc phạm khách hàng, người tiêu dùng khi bán hàng, cung ứng dịch vụ;

c) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn hoặc đánh tráo, gian lận khi mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng hàng hoá khi bán hàng;

b) Đánh tráo hàng hoá gây thiệt hại cho khách hàng, người tiêu dùng;

c) Không thực hiện bảo hành sản phẩm, dịch vụ theo quy định phải bảo hành hoặc tự công bố bảo hành;

d) Gây khó khăn, trở ngại cho khách hàng, người tiêu dùng trong việc bảo hành hàng hoá, dịch vụ.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 22. Vi phạm quy định về đo lường hàng hoá, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, lập hoá đơn chứng từ bán hàng, cung ứng dịch vụ, giá cả và niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ

Việc xử phạt các hành vi vi phạm về đo lường hàng hoá và chất lượng hàng hoá; về lập hoá đơn chứng từ bán hàng, cung ứng dịch vụ; về giá cả và niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ trong hoạt động thương mại được áp dụng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

MỤC 4:

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Điều 23. Vi phạm quy định về khuyến mại

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại đối với một đơn vị hàng hoá vượt 30% giá của hàng hoá, dịch vụ khuyến mại trước thời gian khuyến mại;

b) Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trong thời gian khuyến mại với giá thấp hơn 70% giá hàng hoá, dịch vụ trước thời gian khuyến mại.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng kết quả xổ số kiến thiết nhà nước làm kết quả khuyến mại;

b) Không thông báo trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng hoặc cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức khuyến mại về kết quả trúng thưởng theo thể lệ đã công bố trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc khuyến mại;

c) Không niêm yết công khai về thời gian khuyến mại, giá bán hàng, giá dịch vụ trong thời gian khuyến mại so với giá bán hàng, giá dịch vụ cung ứng trước thời gian khuyến mại;

d) Không công bố rõ ràng, trung thực, cụ thể trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng, trên phiếu mua hàng, phiếu dự thi, tại nơi bán hàng, nơi cung ứng dịch vụ về phiếu mua hàng, các giải thưởng, cách mở thưởng, cách xác định trúng thưởng.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức khuyến mại mà không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

b) Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ kèm theo vé số dự thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố mà kết quả trúng thưởng không được lập thành biên bản và không thông báo công khai theo quy định;

c) Sử dụng vé số dự thưởng có hình thức giống với vé xổ số kiến thiết do nhà nước độc quyền phát hành;

d) Sử dụng vé số không có đủ các thông tin cần thiết về chương trình khuyến mại, số lượng vé dự thưởng phát hành, số lượng giải thưởng, giá trị từng loại giải thưởng, địa điểm phát thưởng và thời gian, địa điểm mở thưởng trong thời gian tổ chức khuyến mại;

e) Mở thưởng trước khi hủy bỏ các vé số dự thưởng chưa phát hành hoặc mở thưởng không có sự chứng kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đại diện khách hàng.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc trì hoãn việc thực hiện các cam kết khuyến mại đã công bố với khách hàng hoặc đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các chương trình khuyến mại đã được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo vé xổ số dự thưởng hoặc các hình thức khuyến mại khác không có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

d) Sử dụng phiếu dự thi để chọn người trao giải thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố có nội dung, hình thức trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

5. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Khuyến mại cho hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ cấm thực hiện, hàng giả, hàng hoá không đảm bảo an toàn, vệ sinh, hàng hoá hết hạn sử dụng, hàng hoá không hoặc chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;

b) Sử dụng hàng hoá, dịch vụ để khuyến mại là hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng giả, hàng hoá không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố, hàng hoá không đảm bảo an toàn, vệ sinh, hàng hoá hết hạn sử dụng, hàng hoá không hoặc chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;

c) Sử dụng thuốc lá để làm hàng khuyến mại;

d) Sử dụng rượu, bia để làm hàng khuyến mại đối với trẻ em dưới 16 tuổi;

e) Tổ chức khuyến mại tại trụ sở cơ quan nhà nước, đoàn thể, trường học, bệnh viện và các đơn vị lực lượng vũ trang.

6. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

7. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy hoặc tịch thu tang vật vi phạm đối với vi phạm tại điểm c khoản 3 và điểm b, c, d và e khoản 5 Điều này;

b) Buộc trao trả giải thưởng cho khách hàng như cam kết, công bố đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

c) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 24. Vi phạm quy định về hội chợ, triển lãm thương mại

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không gửi báo cáo đúng hạn hoặc báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sau khi kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại;

b) Trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại loại hàng hoá không có nhãn hàng hoá hoặc có nhãn hàng hoá không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại loại hàng hoá có chất lượng không đúng với tiêu chuẩn chất lượng đã công bố.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng hàng hoá tạm nhập khẩu trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại để làm quà biếu, tặng mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại loại hàng hoá đã quá thời hạn tái xuất mà không được phép;

c) Trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại loại hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hoá quá hạn sử dụng, hàng hoá nhập khẩu trái phép;

d) Tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên lãnh thổ Việt Nam mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản theo quy định.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán hàng hoá tạm nhập khẩu tại hội chợ, triển lãm thương mại mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

b) Tiêu thụ trái phép trên thị trường Việt Nam hàng hoá tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

c) Tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc chấp thuận bằng văn bản theo quy định;

d) Bán, tặng hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, hàng xuất khẩu phải có giấy phép được tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài mà không được sự chấp thuận hoặc cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đã được quy định đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này nếu hành vi vi phạm là của tổ chức kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại.

6. Việc xử phạt các hành vi vi phạm tại Hội chợ triển lãm thương mại về kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hoá hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, hàng hoá vi phạm về ghi nhãn hàng hoá, hàng hoá chưa được phép lưu hành, sử dụng, hàng quá hạn sử dụng và không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm được áp dụng theo các quy định từ Điều 12 đến Điều 21 Nghị định này.

7. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 3, điểm a, b khoản 4 Điều này hoặc tịch thu số tiền bán hàng thu được đối với vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều này.

b) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm a khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này;

c) Tịch thu số tiền bán hàng thu được đối với vi phạm quy định tại điểm d khoản 4 Điều này.

Điều 25. Vi phạm quy định về trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thuê và nhận dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ không có hợp đồng theo quy định;

b) Trưng bày, giới thiệu hàng hoá không có nhãn hàng hoá hoặc có nhãn hàng hoá không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ của người khác để so sánh với hàng hoá của mình, trừ so sánh với hàng giả;

b) Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ có mẫu hoặc nội dung không đúng với tiêu chuẩn chất lượng, giá cả, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, nhãn hàng hoá của hàng hoá, dịch vụ cùng loại mà thương nhân đang kinh doanh trên thị trường.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Trưng bày, giới thiệu loại hàng hoá, mô hình hàng hoá, bao bì của hàng hoá, catalog giới thiệu hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm lưu thông, dịch vụ cấm thực hiện;

b) Trưng bày, giới thiệu loại hàng hoá, mô hình hàng hoá, bao bì của hàng hoá, catalog giới thiệu loại hàng hoá cấm nhập khẩu hoặc không được phép lưu hành, sử dụng ở Việt Nam tại thời điểm trưng bày.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau đây:

a) Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, sức khoẻ con người;

b) Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu trái với truyền thống văn hoá, lịch sử, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;

c) Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ làm lộ bí mật quốc gia.

5. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại khoản 3 và 4 Điều này;

b) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều này.

Điều 26. Vi phạm quy định về quảng cáo thương mại

Việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về quảng cáo thương mại được áp dụng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá - thông tin.

MỤC 5:

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA VÀ CÁC DỊCH VỤ LIÊN QUAN ĐẾN XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ

Điều 27. Vi phạm quy định về sử dụng hạn ngạch, chỉ tiêu, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tự ý tẩy xoá, sửa chữa, bổ sung, thay đổi nội dung hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán, chuyển nhượng, sử dụng trái phép hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu số tiền thu được do mua bán, chuyển nhượng, sử dụng trái phép hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá được cấp đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Thu hồi hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá được cấp đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 28. Vi phạm quy định về kinh doanh uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhận ủy thác nhập khẩu loại hàng hoá không đúng với ngành hàng, mặt hàng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Uỷ thác hoặc nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá không có hợp đồng uỷ thác theo quy định.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uỷ thác hoặc nhận uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện nhưng không có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Sử dụng hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá có điều kiện được cấp cho thương nhân này để nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá cho thương nhân khác.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi hạn ngạch, giấy phép được cấp đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 29. Vi phạm quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập những mặt hàng quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tái xuất hoặc tái nhập hàng hoá đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 30. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ chuyển khẩu hàng hoá

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chuyển khẩu hàng hoá không đúng cửa khẩu được phép.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ chuyển khẩu hàng hoá mà không được phép.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 31. Vi phạm quy định khác về xuất khẩu, nhập khẩu và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá

Việc xử phạt các hành vi vi phạm khác về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và các dịch vụ có liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá không quy định tại Nghị định này được phát hiện ngoài địa bàn hải quan được áp dụng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

MỤC 6:

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI KHÁC

Điều 32. Vi phạm quy định về đại diện cho thương nhân

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thuê đại diện hoặc làm đại diện cho thương nhân không có hợp đồng theo quy định;

b) Người đại diện cho thương nhân hoặc người được đại diện không phải là thương nhân theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người đại diện có một trong các hành vi sau đây:

a) Làm lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của người được đại diện trong thời gian làm đại diện và hai năm sau khi kết thúc hợp đồng đại diện;

b) Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện.

Điều 33. Vi phạm quy định về môi giới thương mại

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm môi giới thương mại không có hợp đồng môi giới theo quy định;

b) Hoạt động môi giới thương mại ngoài phạm vi hợp đồng môi giới.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người môi giới thương mại có một trong các hành vi sau đây:

a) Không trung thực khi làm môi giới thương mại;

b) Làm lộ, hoặc cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới;

c) Tham gia vào việc thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới mà không có uỷ quyền của người được môi giới.

Điều 34. Vi phạm quy định về ủy thác mua bán hàng hoá

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uỷ thác hoặc nhận uỷ thác mua bán hàng hoá không có hợp đồng uỷ thác theo quy định;

b) Uỷ thác lại cho người thứ ba thực hiện hợp đồng uỷ thác mà không được sự chấp thuận của bên uỷ thác.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với bên nhận uỷ thác có một trong các hành vi sau đây:

a) Làm lộ bí mật về những thông tin liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;

b) Nhận uỷ thác mua bán những loại hàng hoá không đúng với mặt hàng ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 35. Vi phạm quy định về đại lý mua, bán hàng hoá

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bên giao đại lý hoặc bên làm đại lý mua bán hàng hoá, dịch vụ không đảm bảo điều kiện quy định về sử dụng hoặc làm đại lý mua bán hàng hoá, dịch vụ;

b) Không ghi hoặc ghi không đúng tên, biểu trưng của doanh nghiệp bên giao đại lý trên biển hiệu tại nơi mua hoặc bán hàng đại lý theo quy định;

c) Tự ý chuyển quyền đại lý cho bên thứ ba mà không được bên giao đại lý chấp thuận.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các vi phạm sau đây:

a) Bên giao đại lý hoặc bên làm đại lý mà không có hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá, dịch vụ theo quy định;

b) Bên giao đại lý hoặc bên làm đại lý mua bán loại hàng hoá, dịch vụ không đúng với ngành nghề, mặt hàng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Mua, bán những loại hàng hoá, dịch vụ theo quy định phải theo hình thức đại lý mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định;

b) Mua, bán hàng hoá, dịch vụ không đúng với hàng hoá, dịch vụ theo hợp đồng đại lý;

c) Mạo danh đại lý để mua bán hàng hoá, dịch vụ trái phép.

4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt được quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Hàng hoá, dịch vụ đại lý thuộc danh mục ngành nghề, mặt hàng kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế kinh doanh;

b) Đại lý mua, bán hàng hoá, dịch vụ cho thương nhân nước ngoài;

c) Không thực hiện đúng điều kiện quy định khi thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán hàng tại nước ngoài.

5. Việc xử phạt các hành vi vi phạm về đại lý mua, bán loại hàng hoá nhà nước cấm lưu thông, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hoá, dịch vụ không có điều kiện; hàng hoá cấm nhập khẩu, hàng nhập lậu; hàng giả; hàng hoá vi phạm về ghi nhãn hàng hoá; hàng hoá chưa được phép lưu hành, sử dụng; hàng quá hạn sử dụng và không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm được áp dụng theo các quy định từ Điều 12 đến Điều 21 Nghị định này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 36. Vi phạm quy định về gia công hàng hoá trong thương mại

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm gia công hàng hoá không đúng với ngành nghề, mặt hàng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Đặt gia công hoặc nhận gia công hàng hoá không có hợp đồng theo quy định.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đặt gia công hoặc nhận gia công hàng hoá với thương nhân nước ngoài không có hợp đồng theo quy định;

b) Ký hợp đồng gia công loại hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu mà không có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm gia công hàng hoá cho thương nhân nước ngoài loại hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu mà không có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Đặt gia công hàng hoá ở nước ngoài loại hàng hoá không được phép lưu thông ở Việt Nam, hàng hoá thuộc danh mục cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán các loại vật tư, nguyên liệu, thiết bị, máy móc nhập khẩu để thực hiện gia công hoặc sản phẩm gia công tại Việt Nam mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

5. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều này;

b) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này.

Điều 37. Vi phạm quy định về đấu giá hàng hoá

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác những thông tin cần thiết có liên quan đến hàng hoá bán đấu giá theo quy định;

b) Cho phép những người không được tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật tham gia đấu giá;

c) Không trưng bày, cho xem và tham khảo hồ sơ hàng hoá bán đấu giá theo đúng quy định để người tham gia đấu giá hàng hoá biết;

d) Không thông báo công khai việc bán đấu giá đối với những tài sản theo quy định phải thông báo công khai;

e) Tổ chức kinh doanh dịch vụ bán đấu giá không ký hợp đồng bằng văn bản theo quy định với người có hàng hoá được đưa ra bán đấu giá.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức bán đấu giá không theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật đã quy định;

b) Tổ chức bán đấu giá những mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá cấm lưu thông hoặc chưa được phép lưu thông, sử dụng tại Việt Nam;

c) Người mua tài sản bán đấu giá thoả thuận với nhau để ghìm giá.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Buộc hủy bỏ kết quả bán đấu giá đối với vi phạm quy định tại Điều này;

c) Cấm tham gia bán đấu giá hàng hoá, dịch vụ trong thời hạn 01 năm, trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì cấm tham gia bán đấu giá hàng hoá, dịch vụ không có thời hạn đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 38. Vi phạm quy định về đấu thầu hàng hoá, dịch vụ

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bên dự thầu không đảm bảo các điều kiện tham gia dự thầu theo quy định;

b) Thông báo mời thầu không đúng với hình thức đấu thầu hàng hoá, dịch vụ;

c) Thông báo mời thầu không đầy đủ các nội dung theo quy định;

d) Không lập biên bản khi mở thầu.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đảm bảo bí mật hồ sơ đấu thầu hoặc thông tin liên quan đến đấu thầu trong suốt quá trình đấu thầu;

b) Sửa đổi hồ sơ dự thầu sau khi đã mở thầu.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ kết quả đấu thầu đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 39. Vi phạm quy định về kinh doanh cho thuê hàng hoá

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh cho thuê hàng hoá hoặc đi thuê hàng hoá không có hợp đồng theo quy định.

2. Hành vi kinh doanh cho thuê hoặc thuê hàng hoá là hàng hoá cấm lưu thông, hàng hoá nhập lậu thì áp dụng các quy định tại Điều 13 và 16 Nghị định này để xử phạt.

Điều 40. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá không có hợp đồng theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lừa dối, gian lận, đánh tráo hàng hoá trong khi làm dịch vụ giao nhận hàng hoá.

3. Việc xử phạt các hành vi giao nhận hàng hoá cấm lưu thông, hàng hoá nhập lậu được áp dụng theo quy định tại khoản 9 Điều 13 và khoản 10 Điều 16 Nghị định này.

Điều 41. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá, dịch vụ

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cử giám định viên không đủ tiêu chuẩn theo quy định để thực hiện việc giám định hàng hoá, dịch vụ.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uỷ quyền hoặc nhận ủy quyền giám định hàng hoá mà không có hợp đồng ủy quyền theo quy định;

b) Thực hiện giám định hàng hoá trong trường hợp việc giám định đó có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của chính doanh nghiệp hoặc của giám định viên trực tiếp giám định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi giám định hàng hoá, dịch vụ không trung thực, chính xác.

4. Các hành vi vi phạm quy định tại Điều này cũng được áp dụng xử phạt đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá khi thực hiện giám định phục vụ công tác kiểm tra nhà nước.

Điều 42. Vi phạm quy định về kinh doanh cửa hàng miễn thuế

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Mở cửa hàng bán hàng miễn thuế không đúng địa điểm được phép mở cửa hàng miễn thuế theo quy định;

b) Bán những mặt hàng ngoài danh mục được phép kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh cửa hàng miễn thuế mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Bán hàng miễn thuế cho đối tượng không được phép mua hàng miễn thuế;

c) Tiêu thụ trái phép ra thị trường hàng hoá từ cửa hàng miễn thuế.

3. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật hoặc số tiền thu được do bán hàng trái phép đối với vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh cửa hàng miễn thuế đến 01 năm; trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh cửa hàng miễn thuế không có thời hạn đối với vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm b, c khoản 2 Điều này.

Điều 43. Vi phạm quy định về cạnh tranh lành mạnh

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tuyên truyền, nói xấu, đưa tin thất thiệt đối với hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh khác;

b) Mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc khách hàng trong mua bán hàng hoá, dịch vụ.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dụ dỗ, lôi kéo nhân viên của đối thủ cạnh tranh;

b) Gây rối hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân khác.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Giả mạo các chỉ dẫn thương mại trên biển hiệu, giấy tờ, tài liệu, hoá đơn chứng từ, sản phẩm quảng cáo hoặc tại trụ sở giao dịch, cửa hàng, cửa hiệu, địa điểm bán hàng;

b) Găm giữ hàng hoá để đầu cơ thu lợi bất chính gây rối loạn thị trường.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán phá giá hàng hoá để cạnh tranh không lành mạnh;

b) Tổ chức bán hàng đa cấp không hợp pháp.

5. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu hàng hoá đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này;

b) Tịch thu số tiền thu lợi không hợp pháp đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 44. Vi phạm quy định về hoạt động thương mại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện trái phép tại các tỉnh, thành phố.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đầu tư, hoạt động thương mại bất hợp pháp ngoài phạm vi Giấy phép đầu tư được cấp.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có một trong các hành vi sau đây:

a) Tiêu thụ trái phép trên lãnh thổ Việt Nam vật tư, máy móc, thiết bị, phương tiện được nhập khẩu để thành lập doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo giấy phép đầu tư nước ngoài được cấp;

b) Tiêu thụ trái phép ra thị trường các loại vật tư, nguyên liệu được nhập khẩu dùng cho sản xuất hàng hoá của doanh nghiệp;

c) Tiêu thụ trái phép sản phẩm trên lãnh thổ Việt Nam hoặc vượt quá tỷ lệ, hạn mức số lượng, chủng loại, trị giá sản phẩm hàng hoá được phép tiêu thụ tại Việt Nam.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật hoặc số tiền thu được do bán hàng trái phép đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và điểm a, b khoản 3 Điều này;

b) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.

Điều 45. Vi phạm quy định về hoạt động thương mại trái phép đối với tổ chức, cá nhân là người nước ngoài (sau đây gọi tắt là người nước ngoài)

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người nước ngoài có hành vi tiêu thụ trái phép trên lãnh thổ Việt Nam hàng hoá tiêu dùng nhập khẩu miễn thuế để sử dụng theo tiêu chuẩn quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người nước ngoài có hành vi hoạt động thương mại trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người nước ngoài có một trong các hành vi sau đây:

a) Tiêu thụ trái phép trên lãnh thổ Việt Nam phương tiện đi lại, thiết bị thông tin, thiết bị văn phòng, thiết bị nội thất nhập khẩu miễn thuế để sử dụng theo tiêu chuẩn quy định;

b) Tiêu thụ trái phép phương tiện đi lại, phương tiện vận tải tạm nhập cảnh vào Việt Nam.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật đối với vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này hoặc tịch thu số tiền thu được do bán hàng trái phép đối với vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 46. Vi phạm về cản trở người thi hành công vụ

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc kê khai, khai báo hoặc kê khai, khai báo không trung thực theo yêu cầu của người, cơ quan có thẩm quyền;

b) Gây cản trở, khó khăn hoặc trốn tránh việc kiểm tra của người, cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lăng mạ, làm nhục, hành hung chống lại người, cơ quan đang làm nhiệm vụ kiểm tra;

b) Cố ý trì hoãn hoặc trốn tránh không thi hành các quyết định hành chính của người, cơ quan có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm đang bị niêm phong, tạm giữ hoặc tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính;

b) Tẩu tán, làm thay đổi, đánh tráo tang vật, phương tiện đang bị kiểm tra hoặc tạm giữ;

c) Tàng trữ, chứa chấp, tiêu thụ tang vật, phương tiện đang bị kiểm tra, tạm giữ bị tẩu tán.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi các tang vật, phương tiện bị tẩu tán đối với vi phạm quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều này;

b) Buộc thi hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền đối với vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

Chương 3:

HẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 47. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt theo quy định tại Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý của địa phương.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt theo quy định tại Điều 29 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý của địa phương.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt theo quy định tại Điều 30 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý của địa phương.

Điều 48. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Quản lý thị trường

1. Kiểm soát viên thị trường các cấp đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

2. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 30.000.000 đồng;

d) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

e) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục quy định tại Nghị định này.

3. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

e) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

g) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục quy định tại Nghị định này.

4. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

e) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại;

g) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục quy định tại Nghị định này.

Điều 49. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng và Thanh tra chuyên ngành

1. Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an câps tỉnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế có quyền xử phạt theo quy định tại Điều 31 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn, ngành mình quản lý.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng có quyền xử phạt theo quy định tại Điều 32 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 31 Nghị định này thuộc địa bàn quản lý.

3. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành có quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 38 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý của ngành.

Điều 50. Uỷ quyền xử phạt vi phạm hành chính và xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại

Việc ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính và nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thực hiện theo quy định tại Điều 41 và 42 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 51. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

1. Thủ tục xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 134/2003 của Chính phủ.

2. Các vụ vi phạm hành chính bị xử phạt đều phải lập thành hồ sơ và lưu giữ đầy đủ tại cơ quan xử phạt trong thời hạn pháp luật quy định.

3. Tổ chức, cá nhân bị phạt tiền phải nộp tiền phạt tại nơi ghi trong quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt theo quy định tại Điều 54 và 58 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 25 Nghị định số 134/2003 của Chính phủ.

4. Khi áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải thực hiện đúng các thủ tục quy định tại Điều 60, 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định số 134/2003 của Chính phủ.

5. Chế độ quản lý, sử dụng tiền phạt, tiền bán hàng hoá, tang vật, phương tiện tịch thu do vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 52. Thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này phải nghiêm chỉnh thi hành quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn quy định. Nếu không thi hành quyết định xử phạt hoặc cố ý trốn tránh thi hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại Điều 66 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan và người có thẩm quyền phải tuân thủ trình tự, thủ tục cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Điều 53. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại

1. Để ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, những người có thẩm quyền được áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính theo quy định tại Điều 43 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 134/2003 của Chính phủ.

Chương 4:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 54. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

1. Công dân, tổ chức có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân quy định tại Nghị định này hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính, bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo.

3. Trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 55. Việc xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại mà có hành vi sách nhiễu, dung túng, bao che vi phạm, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, không đúng thẩm quyền; chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền bạc, hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm; làm cản trở lưu thông hàng hoá hợp pháp, gây thiệt hại cho người kinh doanh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 56. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bãi bỏ Nghị định số 01/CP ngày 03 tháng 01 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại; Nghị định số 01/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/CP ngày 03 tháng 01 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại và các quy định ban hành trước đây trái với Nghị định này.

Điều 57. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Thương mại chịu trách nhiệm quy định chi tiết và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 175/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại

  • Số hiệu: 175/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/10/2004
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 31/10/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 13/02/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản