Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 11/2010/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 12 tháng 5 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN VỀ TỔ AN NINH NHÂN DÂN Ở THÔN THUỘC XÃ; TỔ DÂN PHỐ THUỘC THỊ TRẤN (NƠI CHƯA BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG CÔNG AN CHÍNH QUY) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật An ninh Quốc gia ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết việc “Theo dõi, quản lý, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại xã, phường, thị trấn”;

Căn cứ Nghị quyết 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”;

Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 01/2001/NQ-LT ngày 04/12/2001 giữa Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới”;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐND ngày 16/4/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh (khoá X) thông qua Đề án về Tổ An ninh nhân dân ở thôn thuộc xã; tổ dân phố thuộc thị trấn (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 2968/PV11(TH) ngày 25/12/2009 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tỉnh tại Báo cáo số 218/BC-STP ngày 01/12/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án về Tổ An ninh nhân dân ở thôn thuộc xã; tổ dân phố thuộc thị trấn (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh;

Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nội vụ; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

ĐỀ ÁN

VỀ TỔ AN NINH NHÂN DÂN Ở THÔN THUỘC XÃ; TỔ DÂN PHỐ THUỘC THỊ TRẤN (NƠI CHƯA BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG CÔNG AN CHÍNH QUY) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Phần thứ nhất

CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Luật An ninh Quốc gia ngày 03/12/2004;

- Nghị định số 163/2003/NĐ-CP, ngày 19/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết việc “Theo dõi, quản lý, giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại xã, phường, thị trấn”;

- Nghị quyết 09/1998/NQ-CP, ngày 31/7/1998 của Chính phủ về “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”;

- Nghị quyết liên tịch số 01/2001/NQ-LT, ngày 04/12/2001 giữa Ban thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới”;

- Chỉ thị số 03/BNV ngày 03/01/1998 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”;

- Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐND, ngày 16/4/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh (khoá X) thông qua Đề án về Tổ An ninh nhân dân ở thôn thuộc xã; tổ dân phố thuộc thị trấn (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý điều hành của UBND các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có sự tham gia của các tổ chức quần chúng nhân dân tự quản, tự phòng ở cơ sở như: Tổ An ninh nhân dân, Tổ hoà giải, Đội thanh niên xung kích, Đội dân phòng … đã góp phần tích cực trong việc tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 1.064 thôn, tổ dân phố; mỗi thôn, tổ dân phố hiện nay có từ 1 - 2 Tổ An ninh nhân dân (tính đến tháng 4/2009, toàn tỉnh có 2.111 Tổ An ninh nhân dân, mỗi Tổ An ninh nhân dân có từ 4 - 5 thành viên do đ/c Công an viên của xã, thị trấn đứng cánh ở thôn, tổ dân phố làm tổ trưởng, được hình thành, thành lập và hoạt động ở cơ sở từ năm 1979 đến nay, dựa trên cơ sở của “Nội qui về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và cách làm việc của Tổ nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (có 01 bản in rôneo do Ty Công an Nghĩa Bình sao lục ngày 24/4/1979); trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghĩa Bình có Kế hoạch số 63/KH-UB và Công an tỉnh Nghĩa Bình có

Đề cương số 17/ĐC ngày 10/10/1981, hướng dẫn Công an các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai thành lập Tổ An ninh nhân dân.

Từ khi chia tỉnh đến nay tổ chức Tổ An ninh nhân dân trong toàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động, là lực lượng nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, tích cực tham gia cùng lực lượng Công an xã, thị trấn tuần tra, canh gác bảo vệ an ninh, trật tự, vận động quần chúng nhân dân tham gia lên án, tố giác và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội ở thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư. Tuy nhiên, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển chưa đồng đều; các tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ ở cơ sở nói chung, trong đó có Tổ An ninh nhân dân hoạt động còn yếu, kém hiệu quả, chưa được tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm; tính tự giác tham gia của các thành viên trong Tổ An ninh nhân dân bị hạn chế; kinh phí phục vụ cho các Tổ An ninh nhân dân hoạt động chưa được ngân sách bố trí, đầu tư; các văn bản trước đây như: “Nội qui về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và cách làm việc của Tổ nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” chưa quy định rõ ràng về sự quản lý Nhà nước cấp cơ sở đối với Tổ An ninh nhân dân; một số điều, khoản trong Nội qui không còn phù hợp với yêu cầu của tình hình mới hiện nay. Xuất phát từ tình hình thực tế ở tỉnh ta: hoạt động của một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng, tình hình an ninh trật tự ở cơ sở diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa bàn giáp ranh, các khu kinh tế, công nghiệp… nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở đang đặt ra nhiệm vụ nặng nề đối với công tác giữ gìn an ninh trật tự. Do vậy, cùng với việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở thì việc củng cố, xây dựng Tổ An ninh nhân dân về tổ chức và hoạt động là rất cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.

Phần thứ hai

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Trên quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền củng cố hệ thống chính trị, xây dựng các tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng ở cơ sở.

2. Phải đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ.

3. Nhằm củng cố, phát triển vững mạnh lực lượng làm công tác giữ gìn an ninh trật tự ngay từ cơ sở, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển vững chắc.

II. MỤC TIÊU

1. Thành lập, bố trí Tổ An ninh nhân dân theo thôn thuộc xã; tổ dân phố thuộc thị trấn (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy), là tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng của cộng đồng dân cư, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc ở cơ sở, tổ chức vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghĩa vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn, tổ dân phố, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

2. Đảm bảo mỗi thôn, tổ dân phố thành lập 01 Tổ An ninh nhân dân.

3. Đảm bảo chế độ, chính sách cần thiết cho mỗi thành viên Tổ An ninh nhân dân; củng cố tổ chức và duy trì hoạt động của Tổ An ninh nhân dân

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đảm bảo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ An ninh nhân dân:

a) Tổ An ninh nhân dân là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự tại thôn, tổ dân phố trong địa bàn xã, thị trấn; tổ chức hướng dẫn hoạt động của các tổ tự quản về an ninh trật tự ở các xóm, làng, bản, khu dân cư trong thôn, tổ dân phố; phối hợp với các tổ chức quần chúng khác trong địa bàn cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự.

b) Thực hiện nhiệm vụ:

- Tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn, tổ dân phố chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thể lệ, quy tắc, quy ước, nội quy bảo vệ an ninh trật tự; xây dựng thôn, tổ dân phố, xóm, làng, khu dân cư, hộ gia đình văn hoá, an toàn về an ninh trật tự.

- Vận động, hướng dẫn nhân dân trong thôn, tổ dân phố chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, quản lý vũ khí - vật liệu nổ, phòng cháy, chữa cháy, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, trật tự giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội và thực hiện các quy định khác về đảm bảo an ninh trật tự.

- Tổ chức vận động nhân dân cùng tham gia giáo dục những người vi phạm pháp luật; cảm hoá, giúp đỡ những người có quyết định quản lý giáo dục tại xã, thị trấn và trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật.

- Tổ chức nắm tình hình an ninh trật tự trong thôn, tổ dân phố, đề xuất với cấp uỷ, Trưởng thôn và Công an thôn, tổ dân phố về kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn phụ trách.

- Phát hiện kịp thời các vụ việc mâu thuẩn, tranh chấp trong nhân dân để kiến nghị và cùng tham gia với các tổ chức mặt trận, đoàn thể hoà giải hoặc báo cáo lên cấp trên có biện pháp giải quyết, ngăn ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra.

- Tham gia cùng với Công an viên thôn, tổ dân phố tuần tra, canh gác giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, tổ dân phố; kịp thời phát hiện các hoạt động gây mất an ninh trật tự để ngăn chặn kịp thời. Phối hợp cùng với lực lượng Công an truy tìm người trốn thi hành án, vận động, thuyết phục đối tượng vi phạm pháp luật lẩn trốn ra tự thú, đầu thú. Được bắt, tước vũ khí, hung khí và dẫn giải người phạm tội quả tang, người đang có lệnh truy nã đến trụ sở Công an xã, thị trấn.

c) Trong khi thi hành nhiệm vụ phải đeo băng vải đỏ có in dòng chữ màu vàng “TỔ AN NINH NHÂN DÂN” theo quy định của ngành Công an.

2. Củng cố về tổ chức của Tổ An ninh nhân dân:

a) Tổ An ninh nhân dân được thành lập theo địa bàn thôn, tổ dân phố; là đại diện của các tổ tự quản về an ninh trật tự của các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố, trên cơ sở giới thiệu của Công an thôn, tổ dân phố; nhiệm kỳ hoạt động của Tổ An ninh nhân dân là 5 năm.

b) Tùy theo tình hình, đặc điểm và số lượng dân cư trên địa bàn, mỗi tổ An ninh nhân dân được bố trí từ 03 đến 05 thành viên, có 01 Tổ trưởng (là Công an viên của xã, thị trấn được bố trí tại thôn, tổ dân phố) và từ 01 đến 02 tổ phó (do tập thể Tổ An ninh nhân dân bầu ra); tổ phó và tổ viên được phân công phụ trách ở các Tổ tự quản về an ninh trật tự ở các xóm, làng, bản, khu dân cư trong thôn, tổ dân phố.

c) Theo đề nghị của Trưởng Công an xã, thị trấn, Chủ tịch UBND xã, thị trấn quyết định thành lập các Tổ An ninh nhân dân, công nhận các chức danh Tổ trưởng,

Tổ phó và các tổ viên của Tổ An ninh nhân dân.

3. Về hoạt động của Tổ An ninh nhân dân:

a) Tổ An ninh nhân dân làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tổ trưởng chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Tổ; định kỳ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các mặt công tác của Tổ lên cấp uỷ, Trưởng thôn, tổ dân phố và Trưởng Công an xã, thị trấn.

b) Định kỳ mỗi tháng, Tổ An ninh nhân dân họp một lần để kiểm điểm, đánh giá những công tác đã triển khai thực hiện trong tháng và đề ra kế hoạch công tác của tháng tới (trường hợp đột xuất có thể triệu tập họp bất thường). Thành phần dự họp là các thành viên của Tổ An ninh nhân dân, có sự tham dự của đại diện cấp uỷ, chính quyền thôn, tổ dân phố.

c) Các thành viên Tổ An ninh nhân dân được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh trật tự và kiến thức pháp luật theo chương trình, kế hoạch của Công an xã, thị trấn hoặc Công an cấp trên.

4. Về quan hệ công tác của Tổ An ninh nhân dân:

a) Đối với cấp uỷ, chính quyền xã, thị trấn và Công an xã, thị trấn: Tổ An ninh nhân dân chịu sự lãnh đạo điều hành của cấp uỷ, chính quyền xã, thị trấn; chịu sự chỉ đạo chuyên môn về an ninh trật tự của Công an xã, thị trấn.

b) Đối với cấp uỷ, chính quyền thôn, tổ dân phố: Tổ An ninh nhân dân chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, Trưởng thôn, tổ dân phố.

c) Đối với các tổ chức quần chúng, lực lượng bảo vệ chuyên trách, lực lượng bán chuyên trách trên địa bàn thôn, tổ dân phố là quan hệ ngang cấp, quan hệ phối hợp cùng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT trên địa bàn.

5. Về Chế độ, chính sách và nguồn kinh phí phục vụ triển khai Đề án:

a) Kinh phí hoạt động thường xuyên của Tổ An ninh nhân dân được bố trí từ nguồn ngân sách xã, thị trấn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; quỹ Quốc phòng - An ninh của xã, thị trấn; các nguồn tài chính hợp pháp khác của xã, thị trấn.

b) Mức chi hàng năm cho 01 thành viên Tổ An ninh nhân dân là 1.500.000đ (một triệu năm trăm ngàn đồng), gồm các mục chi sau:

- Văn phòng phẩm, họp giao ban hàng tuần: 120.000 đồng.

- Đèn pin (sạt điện, pin nơi không có điện): 80.000 đồng.

- Áo đi mưa, giày, mũ (nhựa) bảo hộ lao động: 100.000 đồng.

- Bồi dưỡng tuần tra, canh gác ban đêm: 1.200.000 đồng.

c) Thành viên Tổ An ninh nhân dân trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương hoặc hy sinh thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Tập thể, cá nhân Tổ An ninh nhân dân có thành tích xuất sắc được xét khen thưởng đột xuất, định kỳ hàng năm vào các dịp sơ, tổng kết khen thưởng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc hoặc đột xuất; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Lộ trình triển khai thực hiện Đề án:

Bước 1: Xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát, đánh giá hoạt động của các Tổ An ninh nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan chỉ đạo: UBND tỉnh.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Công an tỉnh.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Nội vụ, UBND cấp huyện, xã.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành đầu quý III/2010.

- Sản phẩm: Thống kê, báo cáo tổng hợp.

Bước 2: Ban hành kế hoạch về tăng cường xây dựng và củng cố các Tổ An ninh nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan chỉ đạo: UBND tỉnh.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Công an tỉnh.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý III/2010.

- Sản phẩm: Văn bản chỉ đạo.

Bước 3: Triển khai kế hoạch củng cố, kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Tổ An ninh nhân dân.

- Cơ quan chỉ đạo: UBND tỉnh.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Công an tỉnh.

- Cơ quan phối hợp thực hiện: Sở Nội vụ, UBND cấp huyện, xã.

- Thời gian thực hiện:

+ Hoàn thành việc triển khai kế hoạch: đầu quý IV/2010.

+ Củng cố, kiện toàn tổ chức: quý IV/2010.

+ Bồi dưỡng nghiệp vụ: từ quý IV/2010 trở đi.

- Sản phẩm:

+ Củng cố tổ chức, thành lập, kiện toàn các Tổ An ninh nhân dân.

+ Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thành viên Tổ ANND.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an tỉnh:

Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố, các Sở, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức khảo sát, đánh giá hoạt động của các Tổ An ninh nhân dân trên địa bàn tỉnh; kế hoạch củng cố, kiện toàn, tổ chức, hoạt động của Tổ An ninh nhân dân; soạn thảo nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho Tổ An ninh nhân dân.

- Chỉ đạo bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật phù hợp cho Tổ An ninh nhân dân.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và địa phương giải quyết hoặc báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện những nội dung của Đề án.

2. Sở Nội vụ: Phối hợp với Công an tỉnh và UBND huyện, thành phố triển khai kế hoạch tổ chức khảo sát, đánh giá hoạt động của các Tổ An ninh nhân dân trên địa bàn tỉnh; kế hoạch củng cố, kiện toàn, tổ chức của Tổ An ninh nhân dân.

3. Sở Tài chính: Có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án; kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Văn phòng UBND tỉnh: Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các cấp theo dõi việc thực hiện Đề án.

5. UBND huyện, thành phố:

- Phối hợp với Công an tỉnh và Sở Nội vụ triển khai kế hoạch tổ chức khảo sát, đánh giá hoạt động của các Tổ An ninh nhân dân trên địa bàn; kế hoạch củng cố, kiện toàn tổ chức của Tổ An ninh nhân dân.

- Chỉ đạo UBND cấp xã trong việc bố trí nhân sự cho Tổ An ninh nhân dân; đảm bảo kinh phí hoạt động cho Tổ An ninh nhân dân.

6. Uỷ ban nhân dân cấp xã:

- Tổ chức khảo sát, đánh giá hoạt động của các Tổ An ninh nhân dân; củng cố, kiện toàn tổ chức của Tổ An ninh nhân dân trên địa bàn.

- Bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động cho các Tổ An ninh nhân dân.

- Chỉ đạo lực lượng Công an xã định kỳ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho Tổ An ninh nhân dân theo hướng dẫn của Công an cấp trên.

7. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: Phối hợp với lực lượng Công an các cấp tích cực tham gia xây dựng tổ chức và hoạt động của Tổ An ninh nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, gắn với phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 11/2010/QĐ-UBND phê duyệt Đề án về Tổ An ninh nhân dân ở thôn thuộc xã; tổ dân phố thuộc thị trấn (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 11/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/05/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản