Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/QĐ.UB

Long Xuyên, ngày 14 tháng 6 năm 1989

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUI CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ AN NINH NHÂN DÂN, TỔ DÂN PHỐ.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

 - Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND được Hội đồng Nhà nước công bố ngày 9/7/1983;

- Căn cứ Nghị quyết 07 của Thường vụ Tỉnh Ủy An Giang ngày 10-5-1988 về nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới.

- Căn cứ vào tình hình thực tế của công tác xây dựng phong trào quần chúng tự quản về an ninh trật tự.

- Theo đề nghị của Giám đốc Công an Tỉnh An Giang.

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này. Qui chế hoạt động của tổ an ninh nhân dân, tổ dân phố.

ĐIỀU 2.- Ông Chánh Văn phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các ban ngành đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

ĐIỀU 3.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 1989 và thay quy định tạm thời số 134 của Công an tỉnh An Giang ban hành trước đây.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Khánh

 

QUI CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN PHỐ, TỔ AN NINH NHÂN DÂN

ĐIỀU I: VỊ TRÍ CỦA TỔ DÂN PHỐ, TỔ AN NINH NHÂN DÂN:

Tổ dân phố, tổ an ninh nhân dân là một tổ chức quần chúng ở cơ sở, được thành lập theo địa bàn dân cư, thuận lợi đi lại quan hệ giao dịch, có vị trí quan trọng trong phong trào quần chúng tự quản về an ninh trật tự. Tổ an ninh nhân dân, tổ dân phố là nơi phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đồng thời hòa giải những mâu thuẫn, xích mích, trong nội bộ nhân dân và tổ chức phổ biến cho nhân dân trong tổ nắm chắc và thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ở cơ sở.

ĐIỀU II: CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ DÂN PHỐ, TỔ AN NINH NHÂN DÂN:

1)- Tổ chức phổ biến cho tổ viên nắm chắc chủ trương của chính quyền địa phương và động viên mọi người tự giác chấp hành nghiêm chỉnh.

2)- Hướng dẫn và động viên trong tổ tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chấp hành tốt điều lệ đăng ký quản lý hộ khẩu, nhân khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng, giữ gìn vệ sinh công cộng, chấp hành luật lệ giao thông, phòng cháy, chữa cháy, tham gia đội dân phòng tuần tra, kiểm soát, kiên quyết đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm, nhất là bọn cưới giựt, trộm cắp nhà dân nhằm giữ gìn tốt an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa mới trong tổ mình.

3)- Phải nắm chắc số hộ, số nhân khẩu, biết mặt, biết tên, biết chỗ ở, nghề nghiệp, đời sống, ai gặp khó khăn, có thể động viên tổ viên giúp đỡ và báo cáo lên Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn giải quyết. Thường xuyên kiểm tra nhắc nhở những công dân từ nơi khác đến cũng như thường trú có những biểu hiện hoạt động nghi vấn làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nhanh chóng báo cáo cho Công an đường phố, Công an xã để đấu tranh ngăn chặn kịp thời bảo vệ tốt tài sản, tính mạng của nhân dân.

4)- Tổ chức đăng ký tạm trú, tạm vắng cho nhân dân trong tổ. Nếu trong hộ có người đến tạm trú thì chủ hộ phải đến tổ trưởng khai báo đúng theo thủ tục (có hướng dẫn cụ thể riêng) hoặc trong hộ có người đi vắng từ 24 giờ trở lên, phải đến tổ trưởng báo tạm vắng, tổ trưởng an ninh nhân dân, dân phố có trách nhiệm ghi đầy đủ vào các loại sổ sách, để kiểm tra theo dõi.

5)- Tổ trưởng tổ an ninh nhân dân, tổ dân phố có nhiệm vụ hòa giải, nhắc nhở mọi xung đột, mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân. Động viên nhân dân trong tổ tích cực tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ các loại đối tượng bị quản chế cải tạo tại chỗ và những người có hành vi làm mất an ninh trật tự trong tổ đã được đem ra kiểm điểm phê phán trước nhân dân mà hiện nay chưa thật sự sửa chữa, cải tạo tốt.

6) Hàng tháng tổ trưởng có nhiệm vụ tổ chức họp định kỳ tổ viên một lần (ngày do tổ trưởng tham khảo với nhân dân quy định) để kiểm điểm tình hình giữ gìn an ninh trật tự, việc chấp hành chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hòa giải các vụ xích mích trong nhân dân, bàn biện pháp giáo dục, quản lý những thành phần xấu trong tổ và xây dựng đoàn kết trong nhân dân. Tổ viên nào chấp hành tổt có biểu dương và đề nghị khen thưởng, ai vi phạm có nhắc nhở, kiểm điểm, phê phán. Đồng thời đề ra những phương hướng hoạt động tháng tới để tổ viên nắm và thực hiện.

ĐIỀU III: TỔ CHỨC CỦA TỔ AN NINH NHÂN DÂN, TỔ DÂN PHỐ:

1)- Tổ an ninh nhân dân, tổ dân phố có 1 tổ trưởng, 1 hoặc 2 tổ phó do nhân dân trong tổ chọn người cử ra, có đạo đực phẩm chất tốt, có uy tín với nhân dân, bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tích cực tham gia phong trào tự quản trong khóm ấp, xứng đáng là người đại diện trong tổ. Được Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn ra quyết định công nhận.

2)- Tổ an ninh nhân dân, tổ dân phố đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban nhân dân tự quản khóm ấp và có mối quan hệ công tác thường xuyên với Công an đường phố, Công an xã (có văn bản hướng dẫn riêng).

ĐIỀU IV: QUYẾN HẠN CỦA TỔ AN NINH NHÂN DÂN, TỔ DÂN PHỐ:

1)- Được lập biên bản bắt giữ người, tang vật trong trường hợp phạm pháp quả tang và sau đó nhanh chóng giải giao về cho Công an phường, xã, thị trấn giải quyết.

2)- Phối hợp cùng với Công an đường phố, Công an xã tổ chức kiểm tra hộ khẩu tạm trú, tạm vắng khi cần thiết đối với các hộ trong tổ.

3)- Mời tổ viên về họp định kỳ theo quy định hoặc đột xuất.

4)- Được phép cho đăng ký tạm trú, tạm vắng thời gian tối đa không quá 6 tháng đối với những người có lý do chính đáng, đồng thời báo cho Công an đường phố, Công an xã, thị trấn.

5)- Được quyền không cho những người tạm trú tiếp tục cự ngụ trong tổ khi họ có hành vi gây rối an ninh trật tự đã được nhân dân trong tổ nhắc nhở nhiều lần và báo cáo về Công an phường, xã, thị trấn biết.

ĐIỀU V: CHÍNH SÁCH:

1)- Tổ trưởng, Tổ phó tổ an ninh nhân dân, tổ dân phố được miễn lao động công ích. Nếu tổ trưởng, tổ phó không nằm trong độ tuổi lao động công ích thì 1 người trong gia đình có cùng hộ khẩu thường trú trong độ tuổi từ 18 đến 45 tuổi được hưởng chính sách trên (Trường hợp gia đình không có người trong độ tuổi lao động công ích thì được tính thành tiền để trả cho họ).

2)- Được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng tiền hoặc vật chất (do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quy định) tùy theo ngân sách của địa phương hoặc quỹ do nhân dân đóng góp.

3)- Tổ trưởng, tổ phó có thành tích trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn tốt an ninh trật tự trong tổ mình đều được biểu dương khen thưởng. Nếu vi phạm chủ trương, pháp luật Nhà nước làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, tùy theo tính chất mà có xử lý thích hợp.

ĐIỀU VI: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

1)- Ủy ban nhân dân các Huyện, Thị, các ban ngành đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện qui chế này.

2)- Công an tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thi hành qui chế.

3)- Qui chế này được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh kể từ ngày 01-7-1989.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 143/QĐ.UB năm 1989 ban hành qui chế hoạt động của Tổ An ninh Nhân dân, Tổ Dân phố do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 143/QĐ.UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/06/1989
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Hữu Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản