Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1064-TM/PC

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ KINH DOANH THEO HÌNH THỨC CHUYỂN KHẨU VÀ QUY CHẾ VỀ KINH DOANH THEO HÌNH THỨC TẠM NHẬP ĐỂ TÁI XUẤT

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 95-CP ngày 4-12-1993 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Căn cứ Nghị định số 33/CP ngày 19-4-1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này hai Quy chế sau đây:

- Quy chế về kinh doanh theo hình thức chuyển khẩu.

- Quy chế về kinh doanh theo hình thức tạm nhập để tái xuất.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các quy định trước đây trái với quy định trong Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3: Các ông Vụ trưởng các Vụ có liên quan, Trưởng các Phòng giấy phép xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các Quy chế này.

 

 

Tạ Cả

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ KINH DOANH THEO HÌNH THỨC CHUYỂN KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1064-TM/PC ngày 18-8-1994)

Căn cứ Điều 26 Nghị định số 33/CP ngày 19-4-1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất, nhập khẩu và căn cứ tập quán thương mại quốc tế, Bộ Thương mại quy định những nguyên tắc và thủ tục kinh doanh theo hình thức chuyển khẩu như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1. Chuyển khẩu (Swicht - Trade) là hình thức kinh doanh xuất nhập khẩu được sử dụng thông thường trong quan hệ thương mai quốc tế và chịu sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và luật lệ của các nước có liên quan.

Các doanh nghiệp Việt Nam được phép kinh doanh theo hình thức chuyển khẩu phải chấp hành đầy đủ quy định này.

Điều 2. Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2.1. Chuyển khẩu là mua hàng của một nước (nước xuất khẩu) để bán cho một nước khác (nước nhập khẩu) mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu từ Việt Nam.

2.2. Hình thức chuyển khẩu bao gồm các dạng sau:

2.2.1. Hàng hoá được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu thông qua Việt Nam.

2.2.2. Hàng hoá được vận chuyển đến Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam mà đi luôn tới nước nhập khẩu.

2.2.3. Hàng hoá được vận chuyển đến Việt Nam tạm đưa vào kho ngoại quan rồi mới vận chuyển tới nước nhập khẩu, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều 3. Cơ sở pháp lý của hình thức chuyển khẩu là hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng (do doanh nghiệp Việt Nam ký với doanh nghiệp nước xuất khẩu) và hợp đồng bán hàng (do doanh nghiệp Việt Nam ký với doanh nghiệp nước nhập khẩu). Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng, tuỳ theo điều kiện cụ thể do doanh nghiệp Việt Nam tự quyết định.

Điều 4. Doanh nghiệp Việt Nam được kinh doanh theo hình thức chuyển khẩu là doanh nghiệp được Bộ Thương mại cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hoá và được Bộ Thương mại cho phép kinh doanh theo hình thức này.

II- ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC KINH DOANH THEO HÌNH THỨC CHUYỂN KHẨU

Điều 5. Mặt hàng kinh doanh:

5.1. Mặt hàng kinh doanh phụ thuộc vào chính sách mặt hàng của nước bên bán và của nước bên mua, theo thông lệ và tập quán quốc tế.

5.2. Mặt hàng kinh doanh phụ thuộc vào phạm vi kinh doanh xuất nhập khẩu ghi trong giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp ngoài phạm vi kinh doanh xuất nhập khẩu phải được Bộ Thương mại xem xét trước khi ký hợp đồng mua hàng, bán hàng.

Điều 6. Các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức chuyển khẩu không phải xin giấy phép xuất nhập khẩu từng chuyến, mà thực hiện trên cơ sở hợp đồng mua hàng (ký với doanh nghiệp của nước xuất khẩu) và hợp đồng bán hàng (ký với doanh nghiệp của nước nhập khẩu).

Điều 7. Việc thanh toán tiền hàng theo hình thứ chuyển khẩu phải thông qua ngân hàng nơi danh nghiệp mở tài khoản và tuân thủ các quy định và hướng dẫn về thanh toán quốc tế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 8. Hồ sơ và quy trình thực hiện, các doanh nghiệp phải:

8.1. Nộp cho Phòng Giấy phép xuất nhập khẩu một bản hợp đòng mua hàng, một bản hợp đồng bán hàng (bản photocopy có công chứng). Nếu các hợp đồng này đều hợp lệ, chậm nhất là 7 ngày kể từ lúc ký nhận, Phòng Giấy phép xuất nhập khẩu sẽ đóng dấu và ký tên vào bản hợp đồng chính, xác nhận hợp đồng đã được đăng ký tại Phòng Giấy phép xuất nhập khẩu (ngày...tháng... năm).

8.2. Nộp cho Hải quan cửa khẩu tờ khai kèm các chứng từ sau đây để làm thủ tục hải quan trong các trường hợp nói tại Điều 2.22 và 2.23...

8.2.1. Hợp đồng mua hàng, hợp đồng bán hàng (bản photocopy có công chứng) đã được Phòng Giấy phép xuất nhập khẩu ký tên đóng dấu xác nhận "đã đăng ký".

8.2.2. Vận tải đơn (bản copy).

8.2.3. Hoá đơn thương mại - Invoice - do doanh nghiệp nước ngoài (bán hàng) lập đòi tiền doanh nghiệp Việt Nam và hoá đơn thương mại do doanh nghiệp Việt Nam lập đòi tiền doanh nghiệp nước ngoài (mua hàng) bản copy.

8.2.4. Phiếu đóng gói hàng hoá - Packing list - bản copy.

Căn cứ các chứng từ trên, Hải quan cửa khẩu cho làm các thủ tục hải quan cần thiết.

8.3. Nộp cho ngân hàng thương mại một bản hợp đồng mua hàng, một bản hợp đồng bán hàng (bản chính) đã được Phòng Giấy phép xuất, nhập khẩu ký tên, đóng dấu xác nhận "đã đăng ký" để làm thủ tục thanh toán.

Điều 9. Hàng quý, doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức chuyển khẩu phải báo cáo tình hình và kết quả thực hiện gửi về Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan.

III- ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 10. Mọi trường hợp vi phạm quy định này đều phải xử lý theo pháp luật hiện hành.

Điều 11. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy định tạm thời số 4914-TN-XNK ngày 03-8-1991 của Bộ Thương nghiệp về kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu.