Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1053/2006/QĐ-UBND

Huế, ngày 19 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ THÚ Y CƠ SỞ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/11/2004;
Căn cứ Nghị định 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thú y năm 2004; 
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 267/TT-NNPTNT ngày 12/4/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động hành nghề thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây của Tỉnh quy định về hành nghề thú y trái với nội dung Quy chế kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; các tổ chức, cá nhân hành nghề thú y trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ THÚ Y CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1053/2006/QĐ-UBND ngày 19/4/2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng:

Quy chế này áp dụng đối với các tổ chưc và các nhân tham gia hoạt động có liên quan đến việc hành nghề thú y cơ sở.

Điều 2. Hoạt động hành nghề thú y ở các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có Ban Chăn nuôi thú y xã chịu trách nhiệm giúp UBND cấp xã quản lý công tác về chăn nuôi thú y và mạng lưới cá nhân hành nghề thú y tại các thôn bản, các kỹ thuật viên tại cơ sở chăn nuôi.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ HÀNH NGHỀ ĐỐI VỚI THÚ Y VIÊN

Điều 3. Quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân hành nghề dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi thú y:

1. Theo dõi, phát hiện và thông báo kịp thời tình hình dịch bệnh cho Trạm Thú y huyện và UBND xã; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn của Trạm Thú y huyện.

2. Theo dõi, thống kê, báo cáo tình hình chăn nuôi của xã, thực hiện công tác khuyến nông chăn nuôi tại cơ sở.

3. Thực hiện việc tiêu huỷ gia súc, gia cầm mắc bệnh; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc các ổ dịch, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

4. Tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh động vật.

5. Kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật tại chợ hay nơi mua bán động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở trên địa bàn (chịu sự phân cấp của Trạm Thú y huyện).

6. Thực hiện các dịch vụ về thú y theo quy định về hành nghề thú y.

7. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chế độ chính sách chuyên môn nghiệp vụ về thú y.

8. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dịch bệnh động vật và công tác phòng chống trên địa bàn xã cho Trạm Thú y huyện và UBND xã.

9. Thực hiện nhiệm vụ khác được Trạm Thú y huyện giao.

Điều 4. Ban Chăn nuôi thú y xã, phường, thị trấn do UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập. Số lượng thú y viên trong Ban do UBND xã quyết định. Ban Chăn nuôi thú y xã được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương. Ban Chăn nuôi thú y xã có Trưởng ban do UBND xã quyết định trên cơ sở có sự thoả thuận của Trưởng trạm Thú y huyện và được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách địa phương do UBND tỉnh quy định; ngoài ra còn được hưởng từ nguồn thu các dịch vụ như thú y viên và phụ cấp theo hợp đồng công việc của Trạm Thú y huyện.

Thú y xã chịu sự lãnh đạo của UBND xã và theo chỉ đạo về chuyên môn của Trạm Thú y huyện, phối hợp với các bộ phận liên quan trong xã để tổ chức thực hiện công tác chăn nuôi thú y trong phạm vi xã.

Cá nhân hành nghề thú y ở các thôn, bản được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; được hưởng thù lao khi thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan thú y và dịch vụ đối với chủ vật nuôi.

Điều 5. Điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề thú y:

1.Phải có văn bằng hoặc chứng chỉ đào tạo chuyên môn phù hợp với lĩnh vực đăng ký hành nghề theo Điều 63; 64, Nghị định 33/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.

2.Phải có đủ phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ hành nghề theo quy định của ngành Thú y (Phụ lục 2).

Điều 6. Thủ tục cấp, thời hạn của chứng chỉ hành nghề thú y:

1. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề: Những người hành nghề dịch vụ thú y (thuộc Điều 1 của Quy chế này)

a) Phải có hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thú y (theo mẫu ở phụ lục 1 bao gồm đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thú y, bản sao bằng cấp, giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, sơ yếu lý lịch, giấy chứng nhận sức khỏe) được UBND xã, phường, thị trấn cho phép và Trạm Thú y huyện tổng hợp gửi Chi cục Thú y tỉnh duyệt cấp chứng chỉ hành nghề.

b) Được Chi cục Thú y tỉnh tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề thú y.

2. Thời hạn chứng chỉ hành nghề thú y là 05 (năm) năm. Trước khi chứng chỉ hành nghề hết hạn một tháng, người được cấp chứng chỉ  muốn tiếp tục hành nghề phải làm thủ tục gia hạn chứng chỉ hành nghề.

Chương III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HÀNH NGHỀ THÚ Y

Điều 7. Tổ chức, cá nhân hành nghề thú y có các quyền sau đây:

1. Được thực hiện các dịch vụ nhằm ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ và phát triển đàn gia súc, gia cầm theo yêu cầu của chủ vật nuôi mà chứng chỉ hành nghề cho phép.

2. Được quyền từ chối dịch vụ thú y khi không đủ khả năng, phương tiện hoặc ngoài lĩnh vực được phép hành nghề.

3. Được nhận tiền thù lao từ các khoản dịch vụ theo sự thoả thuận giữa chủ vật nuôi và thú y viên.

4. Được tham dự các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ (khi được mời) và được đăng ký theo học các khoá đào tạo về công tác chăn nuôi thú y do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức.

5. Tham gia Hội thú y hoặc các Hội nghề nghiệp khác có liên quan.

Điều 8. Tổ chức, cá nhân hành nghề thú y có các nghĩa vụ sau đây:

1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thú y, pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hành nghề. Không được cho thuê mượn, giả mạo chứng chỉ hành nghề thú y hoặc các hành vi bị cấm khác mà Pháp lệnh Thú y đã quy định.

2. Theo dõi, ghi chép và báo cáo kịp thời cho UBND xã, Trạm Thú y huyện, Chi cục Thú y tỉnh khi phát hiện hoặc nghi ngờ có bệnh dịch nguy hiểm của động vật, bệnh từ động vật lây sang người (bệnh cúm gia cầm, LMLM, nhiệt thán, bệnh dại và một số bệnh truyền nhiễm khác có tính chất lây lan mạnh) và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về thú y để nhanh chóng giải quyết hậu quả.

3. Tham gia tiêm phòng vắc xin cho động vật do chính quyền và cơ quan thú y địa phương tổ chức.

4. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật theo sự điều động của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về thú y.

5. Cung cấp thông tin cho việc điều tra về thú y; báo cáo thống kê cho cơ quan thú y địa phương về hoạt động chuyên môn định kỳ, khi có dịch bệnh.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả hành nghề của mình; phải bồi thường theo quy định của pháp luật nếu do hành nghề mà gây nên thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác.

7. Chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Các tổ chức và cá nhân được quy định tại Điều 1 của bản Quy chế này phải tuân thủ triệt để những quy định của Pháp luật về công tác hành nghề thú y. Nếu có hành vi vi phạm về công tác này thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 66 và Điều 67, Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày15/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Pháp lệnh Thú y.

Điều 10. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Thú y có trách nhiệm phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế triển khai, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Quy chế này đến UBND các xã, phường, thị trấn./.

 

PHỤ LỤC 1

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ THÚ Y

Kính gửi: Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế.

 

Họ và tên (viết chữ in): ………………………. ĐT:......................................................

Ngày tháng năm sinh: ………………….. Tại:.............................................................

Quê quán:..................................................................................................................

Đăng ký hộ khẩu thường trú tại (ghi rõ số nhà, thôn xóm, xã phường, thị trấn, huyện, thành phố, tỉnh):

Đã tốt nghiệp (Đại học, trung cấp về chăn nuôi thú y hoặc thú y):

Nơi cấp bằng tốt nghiệp:.............................................................................................

Ngày cấp:....................................................................................................................

Địa điểm đăng ký hành nghề thú y:.............................................................................

Nội dung hành nghề:....................................................................................................

Tôi xin chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về Thú y, nếu vi phạm tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan chuyên môn và pháp luật Nhà nước hiện hành.

Tôi xin gửi kèm theo đơn này gồm có:

1/ Bản sao văn bằng tốt nghiệp hoặc Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn (Có công chứng)

2/ Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của chính quyền địa phương)

3/ Giấy khám sức khoẻ (của Trung tâm Y tế cáp huyện trở lên)

4/ 02 ảnh màu cỡ 4cm x 6cm.

 

 

Ý kiến của UBND xã

Ngày ….. tháng ….. năm 200…

Người viết đơn

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

PHỤ LỤC 2

PHƯƠNG TIỆN HÀNH NGHỀ CỦA THÚ Y VIÊN GỒM

I) Dụng cụ:

1. Sering bọc sắt 20ml:                                2 cái.

2. Sering bọc sắt 10ml:                                2 cái.

3. Panh Coocsê có mấu:                              1 cái.

4. Panh Coocsê không mấu:                         1 cái.

5. Dao mổ:                                                  1 cái.

6. Nhiệt kế 430C                                           1 cái.

7. Hộp đựng dụng cụ:                                   1 cái.

8. Kim tiêm các loại:                                    20 cái.

9. Sering thuỷ tinh (nhựa):                            5 – 10 cái.

10. Bộ dụng cụ thụ tinh heo:                         1 bộ.

(Gồm 1 Sering + 1 dẫn tinh quản)

11. Kim cong 3 lá:                                        3 cái.

12. Kim cong tròn:                                       3 cái.

13. Hộp hấp dụng cụ:                                   1 cái.

14. Phích lạnh bảo quản vắc xin:                   1 cái

II) Thuốc:

Có đầy đủ bông, cồn, chỉ, … và các loại thuốc chống phản ứng, tăng cường trợ sức, trợ lực và các loại thuốc kháng sinh chữa các bệnh cho gia súc, gia cầm nằm trong danh mục thuốc, vắc xin thú y được cơ quan quản lý Nhà nước về thú y cho phép.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1053/2006/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động hành nghề thú y cơ sở do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 1053/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/04/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/05/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản