Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP


******I

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
*********

Số: 10/2005/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP VỀ VIỆC BAN HÀNH KỶ NIỆM CHƯƠNG  “VÌ SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN  CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM” VÀ QUY CHẾ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Luật Thi đua Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam” và Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương.

Điều 2. Các Sở Công nghiệp, Tổng công ty trong ngành Công nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc Bộ căn cứ vào nội dung, tiêu chuẩn, đối tượng khen thưởng trong Quy chế, tiến hành phổ biến, xét chọn, đề nghị Bộ Công nghiệp xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 28/1999/QĐ-BCN ngày 01 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Huy chương “Vì sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam” và Quy chế xét tặng Huy chương và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Chánh Văn phòng Bộ, Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3,
- Ban TĐKT Trung ương,
- Các Uỷ viên HĐTĐKT Bộ,
- Công đoàn CNVN, Đảng uỷ CQ Bộ,
- Công báo,
- Đảng uỷ khối CN TP.HN, TP.HCM,
- Lưu VP, TĐ.

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Trung Hải

 

QUY CHẾ

XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG  “VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10 /2005/QĐ-BCN   ngày   tháng 3 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Công nghiệp Việt Nam” (sau đây được gọi tắt là Kỷ niệm chương Công nghiệp) là hình thức khen thưởng của Bộ Công nghiệp ghi nhận công lao của các cá nhân có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam.

Điều 2. Kỷ niệm chương Công nghiệp có nội dung, hình dáng, kích cỡ, mầu sắc thể hiện đặc trưng của ngành Công nghiệp và phù hợp với quy định chung của nhà nước.

Điều 3. Kỷ niệm chương Công nghiệp được xét tặng cho mỗi cá nhân một lần theo quy định tại Chương II Quy chế này.

Các cá nhân đã được xét tặng Huy chương “Vì sự nghiệp phát triển Công nghiệp Việt Nam” theo Quy định tại Quyết định số 28/1999/QĐ-BCN ngày 01 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp không xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp theo Quy chế này.

Chương 2:

ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG CÔNG NGHIỆP

Điều 4. Đối tượng được xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp

1. Cán bộ, công nhân, viên chức đã và đang lao động sản xuất, công tác, hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến ngành Công nghiệp Việt Nam.

2. Các nhà chính trị, hoạt động xã hội, khoa học, công nghệ ngoài ngành Công nghiệp... nhưng có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển của ngành Công nghiệp Việt Nam.

3. Công dân Việt Nam, người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và người nước ngoài có những hoạt động xuất sắc hoặc đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển của ngành Công nghiệp Việt Nam.

4. Một số trường hợp cụ thể khác do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định trên cơ sở đề nghị của đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân.

Điều 5. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp đối với cán bộ, công nhân, viên chức trong ngành Công nghiệp

1. Cán bộ, công nhân, viên chức trong ngành Công nghiệp (bao gồm công nghiệp Trung ương, công nghiệp địa phương) đang làm việc hoặc đã chuyển sang ngành khác, đã nghỉ chế độ, nghỉ hưu, có đủ thời gian công tác trong ngành là 20 năm đối với nam, 15 năm đối với nữ, 10 năm đối với những người trực tiếp lao động trong các nghề độc hại, nguy hiểm.

2. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức trong ngành Công nghiệp có từ 3 công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp ngành hoặc có 5 bằng Lao động sáng tạo được áp dụng vào sản xuất thì thời gian thâm niên công tác là 15 năm đối với nam, 10 năm đối với nữ.

3. Những trường hợp sau đây không tính đến thâm niên công tác khi xét tặng:

a)  Các đồng chí Lãnh đạo Bộ Công nghiệp;

b) Các Anh hùng Lao động, Chiến sỹ Thi đua toàn quốc ngành Công nghiệp;

c) Các nhà khoa học, viện sỹ, giáo sư, nhà giáo và thầy thuốc đã được trao tặng các danh hiệu từ nhà giáo ưu tú hoặc thầy thuốc ưu tú trở lên và các cán bộ, công nhân, viên chức trong thời gian làm việc trong ngành đã được nhà nước khen thưởng từ Huân chương Lao động trở lên;

d) Các cán bộ, công nhân, viên chức trong ngành đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ của ngành hoặc của đơn vị cơ sở trong ngành Công nghiệp, được công nhận là liệt sỹ;

Điều 6. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp đối với những người ngoài ngành Công nghiệp

1. Người có sáng chế phát minh, công trình khoa học cấp nhà nước được áp dụng trong sản xuất công nghiệp, được các cơ quan có liên quan và Bộ Công nghiệp công nhận là đã góp phần vào sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam.

2. Cán bộ lãnh đạo các ngành, các địa phương, các đoàn thể, các hội quần chúng (ở Trung ương  và địa phương) có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển công nghiệp Việt Nam.

3. Các nhà hoạt động chính trị, xã hội, văn hoá... có quan hệ trực tiếp với ngành Công nghiệp (ở Trung ương  và địa phương) bằng các hoạt động cụ thể hoặc bằng tác phẩm... được doanh nghiệp hoặc cơ quan trong ngành đề xuất với Bộ Công nghiệp.

4. Những nhà doanh nghiệp lớn, kinh doanh ở nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp, giúp đỡ về vật chất, tinh thần đối với sự phát triển của ngành Công nghiệp Việt Nam.

5. Trường hợp đặc biệt, đối với các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các nhân sỹ trí thức lớn ở trong và ngoài nước sẽ do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định tặng thưởng Kỷ niệm chương.

Điều 7. Các trường hợp không được xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp

1. Những người trong ngành đã hoặc đang bị án tù, đã tự ý bỏ việc khỏi cơ quan, đơn vị ở thời điểm xét tặng thì không được xét tặng.

2. Những người bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên do cơ sở hoặc cấp trên cơ sở quyết định thì thời gian bị kỷ luật không được tính vào thâm niên xét tặng.

Chương 3:

QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG CÔNG NGHIỆP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Người được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam” được nhận Kỷ niệm chương, giấy chứng nhận Kỷ niệm chương và được ghi vào Sổ vàng danh dự của Bộ Công nghiệp.

Người được tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp được cơ quan, doanh nghiệp (nơi làm hồ sơ đề nghị) trích quỹ khen thưởng, hoặc quỹ phúc lợi tặng thưởng hiện vật hoặc tiền kèm theo.

Điều 9. Văn phòng Bộ Công nghiệp có trách nhiệm tổ chức đặt làm, lưu giữ, bảo quản Kỷ niệm chương Công nghiệp, giấy chứng nhận; Sổ vàng danh dự và thực hiện việc cấp phát theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

Chương 4:

THỦ TỤC XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG CÔNG NGHIỆP

Điều 10. Thủ trưởng cơ quan Bộ, các Sở Công nghiệp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng Công ty, Công ty, Viện, Trường, Cục, Trung tâm, các báo, tạp chí, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ (trong văn bản này gọi chung là cơ quan, doanh nghiệp trong ngành) chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn nội dung tiêu chuẩn, đối tượng được xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp cho toàn thể cán bộ công nhân viên chức trong cơ quan, doanh nghiệp mình quản lý.

Điều 11. Căn cứ vào nội dung Quy chế này, Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp tiến hành xét chọn những đối tượng đủ tiêu chuẩn (căn cứ hồ sơ lý lịch và hồ sơ lập sổ bảo hiểm xã hội của từng người trong đơn vị) lập danh sách trích ngang những người được đề nghị tặng thưởng Kỷ niệm chương Công nghiệp và báo cáo lên cấp trên trực tiếp. Danh sách này gồm những người đang làm việc tại đơn vị và những người đã làm việc tại đơn vị, nhưng nay đã nghỉ hưu, nghỉ chế độ hoặc đã chuyển công tác ra ngoài ngành Công nghiệp.

Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm xét duyệt từng đối tượng do cấp dưới gửi lên, lập danh sách các đối tượng được xét duyệt, trình Bộ quyết định.

Điều 12. Việc xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp cho các đối tượng ngoài ngành Công nghiệp do các cơ quan Bộ và các Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất, báo cáo Bộ quyết định.

Điều 13. Hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp gồm:

1. Tờ trình đề nghị khen thưởng.

2. Danh sách và tóm tắt thành tích (theo mẫu kèm theo) của các cá nhân được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp.

Điều 14. Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Bộ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ khen thưởng Kỷ niệm chương Công nghiệp của các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành có trách nhiệm tổng hợp, đối chiếu với các tiêu chuẩn trong Quy chế trước khi trình Bộ trưởng quyết định.

Điều 15. Kỷ niệm chương Công nghiệp do Bộ trưởng trực tiếp hoặc uỷ quyền cho lãnh đạo Sở Công nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành trao tặng.

Điều 16. Việc xét tặng Kỷ niệm chương Công nghiệp được tiến hành mỗi năm 2 lần vào dịp ngày 01 tháng 5 và ngày 02 tháng 9 hàng năm.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Bộ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công nghiệp xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2005/QĐ-BCN về việc ban hành Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển công nghiệp Việt Nam" và Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 10/2005/QĐ-BCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/03/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản