Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 22/2005/QĐ-BGTVT

Hà Nội , Ngày 30 tháng 03 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KỶ NIỆM CHƯƠNG "VÌ SỰ NGHIỆP GIAO THÔNG VẬN TẢI"

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Thi đua - Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải" để ghi nhận công lao của các cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giao thông vận tải Việt Nam.

Điều 2. Việc xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải" được thực hiện theo Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải" có giá trị như Huy chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải" ban hành kèm theo Quyết định số 3069/TCCB-LĐ ngày 06 tháng 06 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 3069/TCCB-LĐ ngày 06 tháng 06 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 5. Các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Giao thông vận tải và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG




Đào Đình Bình

 

QUY CHẾ

XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG "VÌ SỰ NGHIỆP GIAO THÔNG VẬN TẢI"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2005/QĐ-BGTVT ngày 30/03/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải"

1. Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải" (sau đây gọi chung là "Kỷ niệm chương") là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để ghi nhận công lao và động viên sự cống hiến của các cá nhân (kể cả những người đã mất) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Giao thông vận tải Việt Nam.

2. Cá nhân đủ tiêu chuẩn chỉ được nhận Kỷ niệm chương một lần, không xét tặng lần thứ hai.

3. Việc xét tặng Kỷ niệm chương phải được thực hiện đúng pháp luật, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thủ tục theo Quy chế này, đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai.

4. Cá nhân đã được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải" ban hành theo Quyết định số 3069/TCCB-LĐ ngày 06 tháng 06 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì không xét tặng Kỷ niệm chương theo Quy định này.

Chương 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 2. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương

1. Cán bộ, công chức, viên chức, Thanh niên xung phong chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là cá nhân trong ngành Giao thông vận tải).

2. Những cá nhân khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này (sau đây gọi chung là cá nhân ngoài ngành Giao thông vận tải).

Điều 3. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân trong ngành Giao thông vận tải

1. Cá nhân có thời gian công tác trong ngành Giao thông vận tải: từ đủ 20 năm trở lên đối với nam và từ đủ 15 năm trở lên đối với nữ.

2. Cá nhân ở các ngành khác chuyển về ngành Giao thông vận tải hoặc từ ngành Giao thông vận tải chuyển sang các ngành khác: có 25 năm công tác liên tục, trong đó thời gian công tác trong ngành Giao thông vận tải có ít nhất 10 năm trở lên đối với nam và 8 năm trở lên đối với nữ.

3. Cá nhân có đủ thời gian công tác quy định tại khoản 1 Điều này nhưng bị kỷ luật dưới mức buộc thôi việc chỉ được xét tặng sau 3 năm tính từ thời điểm được xoá kỷ luật. Thời gian chịu kỷ luật không được tính để xét tặng Kỷ niệm chương.

4. Cá nhân bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến các vụ án hình sự mà chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được xét tặng Kỷ niệm chương.

Điều 4. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân ngoài ngành Giao thông vận tải

1. Người có công lao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển sự nghiệp Giao thông vận tải Việt Nam.

2. Người có sáng kiến hoặc công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thiết thực đóng góp cho sự phát triển của ngành Giao thông vận tải.

3. Người có công lao trong việc xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế với ngành Giao thông vận tải, đóng góp tích cực cho sự nghiệp Giao thông vận tải Việt Nam.

4. Người có sự giúp đỡ, ủng hộ xứng đáng về tài chính hoặc vật chất cho sự phát triển của ngành Giao thông vận tải.

Điều 5. Những trường hợp được xét tặng sớm hơn thời gian quy định

1. Cá nhân công tác trong ngành Giao thông vận tải ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, hải đảo được hưởng chế độ phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05 tháng 01 năm 2005 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc thì thời gian công tác thực tế tại các địa bàn trên được nhân với hệ số 1,5.

2. Cá nhân có thời gian công tác trong ngành Giao thông vận tải thời kỳ chống Pháp được nhân với hệ số 1,5.

3. Cá nhân có thời gian công tác tại khu 4, các chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước được nhân với hệ số 1,5.

4. Cá nhân trong thời gian công tác trong ngành Giao thông vận tải được tặng thưởng (truy tặng) các danh hiệu:

a) Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang: được đề nghị xét tặng (truy tặng) ngay sau khi có quyết định khen thưởng;

b) Bằng Dũng sỹ Giao thông vận tải: đươc đề nghị xét tặng (truy tặng) mà không xét đến thời gian công tác.

5. Cá nhân giữ cương vị lãnh đạo ngành Giao thông vận tải chưa đủ thời gian quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều này, được đề nghị xét tặng:

a) Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải: được đề nghị xét tặng khi đủ 1 nhiệm kỳ (05 năm);

b) Lãnh đạo cấp Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính: được đề nghị xét tặng khi đủ 2 nhiệm kỳ (10 năm).

Chương 3

THỦ TỤC XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 6. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân trong ngành Giao thông vận tải

1. Hàng năm, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ quan, tổ chức cơ sở hoặc Hội nghị liên tịch của chính quyền, đảng, đoàn thể (nếu là các tập thể không có Hội đồng Thi đua - Khen thưởng như các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ...) lựa chọn những cá nhân (kể cả những người đã nghỉ hưu, thương binh, Thanh niên xung phong trước đây thuộc cơ quan, tổ chức và những người đã mất) có đủ tiêu chuẩn xét thưởng, lập danh sách và Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương để trình cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức mình.

2. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức cơ sở trình danh sách và hồ sơ đề nghị xét thưởng cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính xét duyệt.

3. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính gửi danh sách và Hồ sơ đề nghị xét thưởng cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Giao thông vận tải thẩm định, trình Bộ trưởng quyết định.

Điều 7. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân ngoài ngành Giao thông vận tải

1. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính có trách nhiệm xem xét, lập hồ sơ đối với những đối tượng đủ tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý để đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Giao thông vận tải xét trình Bộ trưởng quyết định.

2. Trong các trường hợp đặc biệt, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ có trách nhiệm đề xuất và những đối tượng đủ tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương và lập hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương của cá nhân trong ngành Giao thông vận tải

1. Văn bản đề nghị xét tặng của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính (01 bản theo mẫu số 1 kèm theo Quy chế này);

2. Danh sách đề nghị xét tặng (01 bản theo mẫu số 2 kèm theo Quy chế này);

3. Bản kê khai tóm tắt thành tích và quá trình công tác của cá nhân, có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ (01 bản theo mẫu số 3 kèm theo Quy chế này). Cá nhân đã nghỉ hưu do cơ quan quản lý ra Quyết định nghỉ hưu xác nhận;

4. Bản sao các Quyết định khen thưởng liên quan đến việc xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định tại khoản 4 Điều 5 của Quy chế này.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương của cá nhân ngoài ngành Giao thông vận tải

Cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính đề nghị xét tặng cho cá nhân ngoài ngành Giao thông vận tải có trách nhiệm lập và bảo đảm tính trung thực của hồ sơ đề nghị xét tặng, bao gồm:

1. Văn bản đề nghị xét tặng (01 bản theo mẫu số 1 kèm theo Quy chế này);

2. Bản tóm tắt thành tích, công lao đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Giao thông vận tải của cá nhân được đề nghị xét tặng.

3. Đối với các cá nhân công tác ở các Bộ, ngành (ở địa phương là các Sở, ban, ngành), các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ, ngành chủ quản (ở địa phương là Sở, ban ngành), các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội đó.

Điều 10. Thời gian nộp hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương

1. Hàng năm, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính xét, lập Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương và gửi về Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Giao thông vận tải trước ngày 01 tháng 6.

Đối với các đối tượng là cá nhân ngoài ngành Giao thông vận tải thời gian nộp hồ sơ không nhất thiết thực hiện theo quy định này.

2. Căn cứ đề nghị của Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, ra quyết định tặng Kỷ niệm chương vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải hàng năm (28 tháng 8) và một số dịp đặc biệt đột xuất khác.

Chương 4

QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN ĐƯỢC TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 11. Quyền lợi của cá nhân được tặng Kỷ niệm chương

1. Được nhận Quyết định tặng Kỷ niệm chương, nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải" và Giấy chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Được ghi tên vào sổ vàng truyền thống của ngành Giao thông vận tải.

Điều 12. Trách nhiệm của cá nhân được tặng Kỷ niệm chương

1. Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải" có trách nhiệm bảo quản và sử dụng Kỷ niệm chương trong các ngày lễ hội truyền thống của ngành Giao thông vận tải.

2. Không cho người khác mượn Kỷ niệm chương.

Chương 5

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Giao thông vận tải

1. Tổ chức triển khai, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện Quy chế này;

2. Tổng hợp, đề xuất để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải".

Điều 14. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức cán bộ

Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ thẩm định thời gian công tác trong ngành Giao thông vận tải đối với các cá nhân của các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 15. Tổ chức trao tặng

Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc ngành Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương cho những cá nhân do cơ quan, tổ chức mình đề nghị tặng Kỷ niệm chương một cách trang trọng, tiết kiệm.

Chương 6

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG

Điều 16. Xử lý vi phạm về xét tặng Kỷ niệm chương

1. Cá nhân nào báo cáo không trung thực về các tiêu chuẩn quy định để được tặng Kỷ niệm chương thì bị thu hồi Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận, Quyết định tặng Kỷ niệm chương.

2. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thu hồi Kỷ niệm chương.

Điều 17. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về xét tặng Kỷ niệm chương

Trình tự, thủ tục, thời hạn và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về xét tặng kỷ niệm chương thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo./

Tài liệu đính kèm:

Mẫu số 1, 2 & 3.

 

MẪU SỐ 1

Đơn vị:

Số:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

.........., ngày .... tháng .... năm 200..

TỜ TRÌNH

Về việc đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giao thông vận tải”

Kính gửi: BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giao thông vận tải” ban hành kèm theo Quyết định số .... ngày .... tháng .... năm ...... của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngày .... tháng .... năm ......;

Cơ quan, tổ chức........................................................... đã xét và đề nghị tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giao thông vận tải” cho ....... người. Có danh sách và hồ sơ cá nhân kèm theo,

Trong đó:

- Đối tượng là cá nhân trong ngành Giao thông vận tải:

a) Đang làm việc .......................người;

b) Đã nghỉ hưu ...........................người;

- Đối tượng là cá nhân ngoài ngành Giao thông vận tải:

a) Đang làm việc .......................người;

b) Đã nghỉ hưu ..........................người;

Cơ quan, tổ chức ..............................................................xin trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.

Nơi nhận:

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Ký tên, đóng đấu

(Ghi rõ họ tên)

MẪU SỐ 2

Đơn vị:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG “VÌ SỰ NGHIỆP GIAO THÔNG VẬN TẢI”

TT

Họ và tên

Năm sinh

Giới

tính

Dân tộc

Chức vụ, nơi

công tác

Ngày vào biên chế

Số năm công tác trong ngành

Đã nghỉ hưu

Đang

công tác

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người lập biểu

 

.........., ngày .... tháng .... năm 200...

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Ký tên, đóng đấu

(Ghi rõ họ tên)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MẪU SỐ 3

Đơn vị:

Số:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

.........., ngày .... tháng .... năm 200..

BẢN TÓM TẮT THÀNH TÍCH VÀ QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG “VÌ SỰ NGHIỆP GIAO THÔNG VẬN TẢI”

(Đối với những người đã và đang công tác trong ngành Giao thông vận tải)

I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ BẢN THÂN:

- Họ và tên:                                                                                          Nam, nữ:

- Ngày tháng năm sinh:                                                              Dân tộc:          

- Nơi ở hiện nay:

- Chức vụ và nơi công tác hiện nay (hoặc trước khi nghỉ hưu):

- Ngày vào biên chế:

- Số năm công tác trong ngành (tính cả hệ số, nếu có):

- Được tặng thưởng danh hiệu:

+ “Anh hùng Lao động”

+ “Anh hùng Lực lượng vũ trang”

+ “ Bằng Dũng sỹ Giao thông vận tải”

- Được tặng thưởng các danh hiệu khác:

- Hình thức kỷ luật:

- Ngày nghỉ hưu:

II. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC:

Thời gian

Chức vụ, nơi công tác

 

 

 

 

 

 

 

 

Người khai ký tên

 

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Ký tên, đóng đấu

(Ghi rõ họ tên)

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 22/2005/QĐ-BGTVT về Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giao thông vận tải" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 22/2005/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/03/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đào Đình Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 7 đến số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản