Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN 8
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2011/QĐ-UBND

Quận 8, ngày 20 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHU VỰC, ĐƯỜNG PHỐ, ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG VÀ NƠI ĐỂ PHẾ THẢI VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 8

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;

Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Chỉ thị số 17/2008/CT-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố về quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 2491/QĐ-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số 1961/UBND-ĐTMT ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về kết quả làm việc của Tổ Kiểm tra liên ngành hướng dẫn các quận - huyện triển khai việc quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng;

Xét đề nghị của Trưởng Phòng Quản lý đô thị Quận 8 trong Tờ trình số 314/TTr-QLĐT ngày 26 tháng 9 năm 2011 về việc đề nghị ban hành Quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và nơi để phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và nơi để phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8”.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 5465/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Quận 8 về việc quy định tạm thời các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8 và có hiệu lực thi hành sau 07 (bảy) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Quận 8, Trưởng Phòng Quản lý đô thị Quận 8, Trưởng Phòng Kinh tế Quận 8, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 8, Trưởng Phòng Tư pháp Quận 8, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 8, Chánh Thanh tra Xây dựng Quận 8, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Quận 8, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường Quận 8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường Quận 8 và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Hồ Hải

 

QUY ĐỊNH

VỀ KHU VỰC, ĐƯỜNG PHỐ, ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT, KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG VÀ NƠI ĐỂ PHẾ THẢI VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 8
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2011/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Quận 8)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Quy định các khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và nơi để phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn nhằm phục vụ cho yêu cầu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Đảm bảo phát triển phù hợp quy hoạch đô thị, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và nơi để phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8 (đối với kinh doanh vật liệu xây dựng thì đối tượng áp dụng của Quy định này là các địa điểm có bày bán, trưng bày hoặc chứa sản phẩm tại địa điểm kinh doanh).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Địa điểm sản xuất vật liệu xây dựng là nơi đặt nhà xưởng và trang thiết bị, máy móc được sử dụng để sản xuất hoặc chế biến nguyên liệu, bán thành phẩm ra sản phẩm.

2. Địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng bao gồm trạm tiếp nhận, kho, bãi tồn trữ, bến thủy bốc dỡ, trung tâm, siêu thị, chợ, cửa hàng buôn bán, cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

3. Phế thải vật liệu xây dựng là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng hoặc sử dựng trong các công trình xây dựng.

4. Nơi để phế thải vật liệu xây dựng là khu vực, địa điểm quy định riêng để chất thải nguy hại và phế thải trong xây dựng, có biển báo và hạn chế đi lại.

Điều 4. Các quy định chung đối với tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng: sản xuất, kinh doanh, nơi để phế thải

1. Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất vật liệu xây dựng:

a) Phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 30, 32 - Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng và tại Phần I - Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng.

b) Phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

c) Phải thực hiện công bố các tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy (đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc diện phải công bố hợp quy) và đăng ký bản công bố hợp quy theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

d) Phải thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng và năm hoặc báo cáo đột xuất cho Ủy ban nhân dân Quận 8 để tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng theo quy định.

2. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng:

a) Phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 7 - Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 và có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 31, 32 - Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.

b) Các sản phẩm vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh phải tuân thủ theo các quy định tại Phần II - Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng, bao gồm:

- Vật liệu xây dựng cồng kềnh, khối lượng lớn, dễ gây bụi gồm: gạch xây, cát, đá, sỏi, vôi cục, vôi tôi, tấm lợp, kết cấu thép xây dựng, bê tông thương phẩm, bê tông đúc sẵn, tre, nứa, lá, đà giáo, cốp pha, cừ tràm, kính tấm xây dựng, đá ốp lát có tạo hình cắt, mài cạnh;

- Các loại vật liệu xây dựng dễ cháy gồm: gỗ xây dựng, tre, nứa, lá, vật liệu nhựa, các loại sơn dầu, giấy dầu, cót, cót ép;

- Vật liệu xây dựng có mùi, hoá chất độc hại, gây bụi: sơn dầu, giấy dầu, cót ép, hắc ín, vôi tôi, vôi cục, vôi tôi trong bể.

c) Chỉ kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa của các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy (đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc diện phải công bố hợp quy) và đăng ký bản công bố hợp quy theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Đối với việc để phế thải:

Các loại vật liệu xây dựng bị hư hỏng, kém phẩm chất, phế thải, chất thải rắn, chất thải độc hại trong quá trình vận chuyển, lưu chứa, kinh doanh phải được thu gom chở về nơi sản xuất hoặc đổ đúng nơi quy định đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chương II

QUI ĐỊNH VỀ KHU VỰC, ĐƯỜNG PHỐ, ĐỊA ĐIỂM SẢN XUẤT, KINH DOANH VỰC VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Điều 5. Khu vực, đường phố hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng

Để phù hợp Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh và phù hợp định hướng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Quận 8, Ủy ban nhân dân Quận 8 khi cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đăng ký kinh doanh sẽ không cho phép bố trí cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8.

Điều 6. Khu vực, đường phố, địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng

1. Các mặt hàng vật liệu xây dựng có khối lượng lớn, cồng kềnh dễ gây bụi (thuộc nhóm a khoản 1 mục II Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng): gạch xây, cát, đá, sỏi, vôi cục, vôi tôi, tấm lợp, kết cấu thép xây dựng, bê tông thương phẩm, bê tông đúc sẵn, tre, nứa, lá, đà giáo, cốp pha, cừ tràm, kính tấm xây dựng, đá ốp lát có tạo hình cắt, mài cạnh (gia công đá hoa cương) không được bày bán, trưng bày hoặc chứa sản phẩm tại địa điểm kinh doanh trên các tuyến đường thương mại - dịch vụ (hoặc trục đường động lực phát triển mang tính chất thương mại - dịch vụ) và khu vực trung tâm cấp quận thuộc địa bàn Quận 8, cụ thể như sau:

a) Các tuyến đường thương mại - dịch vụ hoặc trục đường động lực phát triển mang tính chất thương mại - dịch vụ (theo sơ đồ đính kèm):

STT

Tên đường

Từ

Đến

Trục động lực phát triển

1

Dương Bá Trạc

Phạm Thế Hiển

Ranh Bình Chánh

2

Cao lỗ

Phạm Thế Hiển

Ranh Bình Chánh

3

Phạm Hùng

Cầu Nguyễn Tri Phương

Ranh Bình Chánh

4

Bến Ba Đình

Cầu Chữ Y

Nguyễn Duy

5

Bến Bình Đông

Cầu Chánh Hưng

Cầu Vĩnh Mậu

6

Tạ Quang Bửu

Cao Lỗ

Quốc Lộ 50

7

Phạm Thế Hiển

Cầu Chữ Y

Cầu Bà Tàng

8

Ba Tơ

Sông Bến Lức

Ranh Bình Chánh

9

Quốc lộ 50

Cầu Nhị Thiên Đường

Ranh Bình Chánh

10

An Dương Vương

Bến Phú Định

Ranh Quận 6

Trục thương mại dịch vụ

1

Nguyễn Thị Tần

Phạm Thế Hiển

Ranh Bình Chánh

2

Âu Dương Lân

Phạm Thế Hiển

Rạch Ông Nhỏ

3

Hưng phú

Cầu Chữ Y

Chợ Xóm Củi

4

Tùng Thiện Vương

Nguyễn Văn Của

Bến Bình Đông

5

Tuy Lý Vương

Nguyễn Văn Của

Kênh Ngang số 1

6

Bùi Minh Trực

Bông Sao

Phạm Thế Hiển

b) Phạm vi khu vực trung tâm cấp quận (theo sơ đồ đính kèm):

- Khu vực 1: Giới hạn bởi các đường Phạm Thế Hiển - Phạm Hùng - Tạ Quang Bửu - Rạch Xóm Củi (rạch Hiệp Ân).

- Khu vực 2: Giới hạn bởi các đường Bến Bình Đông - Nguyễn Văn Của – Tùng Thiện Vương - Nguyễn Duy - Xóm Củi.

- Khu vực 3: Giới hạn bởi các đường Phạm Thể Hiển - Âu Dương Lân (cộng thêm bên kia đường 50 - 60m) - Dương Bá Trạc (cộng thêm bên kia đường 50 - 60m)

- Tạ Quang Bửu (cộng thêm bên kia đường 50 - 60m).

2. Địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng phù hợp cho việc xuất, nhập hàng hóa, đảm bảo không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Xử lý chuyển tiếp

Các tổ chức, cá nhân đang sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng tại các địa điểm không phù hợp với quy định này phải thực hiện việc di dời hoặc thay đổi hình thức kinh doanh phù hợp quy định này truớc ngày 31 tháng 12 năm 2011.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8

1. Phòng Quản lý đô thị Quận 8:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân Quận 8 thực hiện quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8.

- Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật về lĩnh vực vật liệu xây dựng.

- Tổng hợp báo cáo của các đơn vị có liên quan để tham mưu Ủy ban nhân dân Quận 8 báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8 cho Sở Xây dựng.

- Phối hợp với Phòng Kinh tế Quận 8, Ủy ban nhân dân 16 phường Quận 8 và các phòng, ban có liên quan kiểm tra các điểm kinh doanh cát, sỏi không phép, trái phép trên địa bàn Quận 8.

- Rà soát hệ thống bến bãi thuộc các tuyến kênh, rạch để xây dựng quy hoạch các bãi tập kết cát, sỏi theo quy định.

2. Phòng Kinh tế Quận 8:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân Quận 8 thực hiện chức năng quản lý Nhà nước việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh vật liệu xây dựng theo quy định pháp luật.

- Phối hợp Ủy ban nhân dân phường rà soát, thống kê các trường hợp đang sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn chưa có Giấy phép đăng ký kinh doanh, đề xuất Ủy ban nhân dân Quận 8 xử lý theo quy định. Rà soát, thống kê các trường hợp đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng nhưng không phù hợp quy định này để qua đó có hướng dẫn tổ chức, cá nhân lập kế hoạch di dời hoặc thay đổi hình thức kinh doanh phù hợp, đảm bảo hoàn thành việc di dời hoặc thay đổi hình thức kinh doanh trước ngày 31 tháng 12 năm 2011.

- Phối hợp Phòng Quản lý đô thị Quận 8, Phòng Tài Nguyên và Môi trường Quận 8, Ủy ban nhân dân 16 phường Quận 8 kiểm tra giấy phép của các điểm kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn Quận 8.

3. Thanh tra Xây dựng Quận 8:

Phối hợp Ủy ban nhân dân phường và các phòng, ban có liên quan kiểm tra các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8, tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vật liệu xây dựng; tổ chức phối hợp với Ủy ban nhân dân phường thực hiện các quyết định đã ban hành. Trường hợp hành vi vi phạm vượt thẩm quyền xử lý của cấp quận, phải kịp thời chuyển vụ việc cho Thanh tra Sở Xây dựng xử lý theo quy định của pháp luật. Kiểm tra và xử lý các điểm kinh doanh cát, sỏi, tập kết vật liệu gây cản trở giao thông, lấn chiếm vỉa hè, hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch trên địa bàn Quận 8.

- Phối hợp Phòng Kinh tế Quận 8, Ủy ban nhân dân 16 phường và các phòng, ban có liên quan kiểm tra các điểm kinh doanh cát, sỏi không có giấy phép đăng ký kinh doanh trên địa bàn.

4. Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 8:

- Thực hiện việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về lĩnh vực vệ sinh môi trường các địa điểm hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8, tham mưu Ủy ban nhân dân Quận 8 xử lý các trường hợp không đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định pháp luật.

- Phối hợp với Phòng Kinh tế Quận 8, Ủy ban nhân dân 16 phường và các phòng, ban có liên quan kiểm tra các điểm kinh doanh cát, sỏi không phép, trái phép trên địa bàn Quận 8.

- Tăng cường công tác kiểm tra các điểm khai thác cát, sỏi không phép, sai phép và tập kết vận chuyển vật liệu gây ô nhiễm mội trường. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với những trường hợp đe dọa hoặc gây mất an toàn cho công trình đê điều và phòng, chống lụt, bão.

5. Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Quận 8:

Thực hiện việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy các địa điểm sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn quận 8, xử lý các trường hợp không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định.

6. Phòng Tư pháp Quận 8:

Phối hợp với Phòng Quản lý đô thị Quận 8 và Ủy ban nhân dân 16 phường Quận 8 tổ chức tuyên truyền văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận.

7. Đội Quản lý thị trường 8B:

Thường xuyên kiểm tra các địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng về chất lượng vật liệu xây dựng theo tiêu chuẩn đã công bố và theo Bản công bố hợp quy đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền (đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc diện phải công bố hợp quy).

8. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Quận 8:

Có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động trong hoạt động thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8.

9. Chi Cục Thuế Quận 8:

- Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích chính sách thuế của Nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

- Hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kê khai thuế, hoàn thuế, miễn thuế, nộp thuế, quyết toán thuế và chấp hành chính sách, pháp luật thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

10. Ủy ban nhân dân 16 phường Quận 8:

- Thường xuyên kiểm tra các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn phường, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về vật liệu xây dựng để xử lý hoặc đề nghị Thanh tra Xây dựng Quận 8 xử lý theo đúng thẩm quyền.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8.

- Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo về tình hình quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn phường (báo cáo rõ các trường hợp phát sinh, giải thể, ngưng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng) về Phòng Quản lý đô thị Quận 8 và Phòng Kinh tế Quận 8 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân quận 8 và Sở Xây dựng.

- Phối hợp Phòng Kinh tế Quận 8 và các phòng, ban có liên quan kiểm tra các điểm kinh doanh cát, sỏi không phép, trái phép trên địa bàn Quận 8.

- Tăng cường công tác quản lý khai thác cát, sỏi, tập kết vật tư; thường xuyên kiểm tra, xử lý các điểm khai thác, kinh doanh cát, sỏi không phép, trái phép trên địa bàn do phường quản lý.

- Thống kê các điểm khai thác, kinh doanh cát, sỏi không phép, trái phép trên địa bàn Quận 8, báo cáo Phòng Kinh tế Quận 8, Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 8 để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân Quận 8 xử lý theo quy định.

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Các vấn đề về sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng không nêu trong Quy định này, được áp dụng thực hiện theo các quy định hiện hành tương ứng trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

2. Trưởng Phòng Quản lý đô thị Quận 8 có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có phát sinh vướng mắc, yêu cầu các đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân Quận 8 để Ủy ban nhân dân Quận 8 xem xét, xử lý và kịp thời bổ sung, điều chỉnh theo quy định pháp luật về quản lý vật liệu xây dựng ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 08/2011/QĐ-UBND về Quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và nơi để phế thải vật liệu xây dựng trên địa bàn Quận 8 do Ủy ban nhân dân Quận 8 ban hành

  • Số hiệu: 08/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/10/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hồ Hải
  • Ngày công báo: 15/11/2011
  • Số công báo: Số 67
  • Ngày hiệu lực: 27/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản