Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2006/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 20 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 15/NQ-TU NGÀY 21/7/2005 CỦA THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ VỀ “BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27/12/1993;

Căn cứ Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”;

Căn cứ Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 21/7/2005 của Thường vụ Tỉnh uỷ về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 21/7/2005 của Thường vụ Tỉnh uỷ về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường; (B/cáo)
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- Ban pháp chế, Ban VHXH-HĐND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình;
- Lưu VT, NN.

TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 15/NQ-TU NGÀY 21/7/2005 CỦA THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ QUẢNG BÌNH VỀ “BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2006/QĐ-UBND ngày 20 tháng 03 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15 NQ/TU ngày 21/7/2005 của Thường vụ Tỉnh uỷ về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Chương trình hành động với những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

A. Quan điểm

1. Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại, là nhân tố đảm bảo sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế của đất nước.

2. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng ngành và địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ coi trọng phát triển kinh tế - xã hội mà không chú trọng bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

3. Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh, là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hoà với tự nhiên của nhân dân ta.

4. Phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm môi trường là nguyên tắc chủ đạo, kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên, giữa sự đầu tư của Nhà nước với tăng cường huy động mọi nguồn lực trong xã hội; phối hợp với các tỉnh trong nước và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững xã hội.

5. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách có tính đa ngành và liên vùng rất cao. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể và nhân dân.

B. Mục tiêu

Ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, sự cố môi trường, phục hồi và từng bước nâng cao chất lượng môi trường, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường, mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường:

- Tập trung phổ biến, quán triệt rộng rãi Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết của TV Tỉnh uỷ, Chương trình hành động của UBND tỉnh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh thông qua việc hình thành và tăng cường năng lực cho các bộ phận tuyên truyền môi trường trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng truyền thông môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để các cơ sở này nhận thức rõ trách nhiệm và tự giác thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Xây dựng các tiêu chí bảo vệ môi trường trong công tác thi đua khen thưởng như: Đánh giá gia đình văn hoá, thôn xóm, làng bản, cụm dân cư... kịp thời biểu dương những cá nhân, địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đồng thời xử lý nghiêm khắc những cá nhân, địa phương, đơn vị thực hiện không nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường.

2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường

- Tăng cường đào tạo kiến thức cơ bản về quản lý môi trường cho cán bộ công chức cấp huyện, thị trấn, phường, xã phù hợp với nội dung quản lý được phân công, phân cấp.

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh. Rà soát sửa đổi, bổ sung “Quy chế bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Bình” đã được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 30/1999/QĐ-UB ngày 11/6/1999 và “Quy định phân cấp quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh” đã được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 32/2002/QĐ-UB ngày 18/4/1999.

- Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho Sở Tài nguyên và Môi trường, các Phòng quản lý tài nguyên và môi trường cấp huyện; thành lập Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao.

- Đẩy mạnh công tác quản lý môi trường tại các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cơ sở sản xuất. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, khu du lịch, khu kinh tế…

- Nghiên cứu, xây dựng các Đề án quản lý lưu vực sông Gianh, hệ thống sông Nhật Lệ và các sông khác trong tỉnh nhằm ngăn chặn, khống chế, khắc phục tình trạng bồi lắng, xói lở và ô nhiễm cửa sông, ven biển góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát môi trường trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động cưỡng chế, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện đưa công tác quản lý môi trường vào kỷ cương, nề nếp.

3. Gắn kết nội dung bảo vệ môi trường với các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

- Rà soát, điều chỉnh các chiến lược quy hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án quy hoạch xây dựng, các dự án phát triển sản xuất, các dự án xây dựng… nhằm đảm bảo việc xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các hoạt động này. Trong đó tập trung làm tốt việc huy động cộng đồng và các cơ quan, tổ chức có điều kiện tham gia vào quá trình lập, thẩm định và giám sát thực hiện.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện “Chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Bình đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh của tỉnh.

4. Tăng cường đầu tư bảo vệ môi trường

- Đa dạng hoá đầu tư bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể để khuyến khích, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn phí bảo vệ môi trường thu được để đầu tư cho bảo vệ môi trường.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động sự nghiệp môi trường hàng năm trên địa bàn tỉnh có mục tiêu và nội dung rõ ràng, thiết thực.

- Chú trọng đầu tư bảo vệ môi trường đồng thời lồng ghép với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường

- Trên cơ sở Nghị quyết liên tịch đã ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với một số tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để thực hiện các nội dung của Nghị quyết nhằm phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.

- Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, xử lý, tái chế chất thải công nghiệp để tái sử dụng phát triển các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động bảo vệ môi trường nhằm giảm chi phí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Khuyến khích thành lập các tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, công nhận và chứng nhận về bảo vệ môi trường để thúc đẩy áp dụng việc dán nhãn sinh thái cho các cơ sở sản xuất dịch vụ trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

- Chú trọng xây dựng và thực hiện hương ước, quy định cam kết bảo vệ môi trường, xây dựng các điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường.

6. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường

- Chú trọng nghiên cứu các đề tài nghiên cứu khoa học có yêu cầu bức xúc về bảo vệ môi trường của tỉnh.

- Xây dựng và áp dụng chính sách chuyển giao công nghệ miễn phí nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất tiếp nhận và áp dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm, các giải pháp sản xuất sạch hơn...

- Đẩy mạnh việc phổ biến và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường có liên quan đến sản phẩm và hàng hoá xuất, nhập khẩu tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường.

7. Kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải

- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Quyết định số 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Quy chế quản lý chất thải nguy hại”.

- Ban hành và tổ chức thực hiện từng bước quy định về cấp giấy xả nước thải vào hệ thống thoát nước đô thị và các công trình thuỷ lợi, sông hồ... trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám sát việc xả thải, xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt tại các khu công nghiệp, các khu đô thị mới, làng nghề, các khu chăn nuôi tập trung góp phần quản lý và thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về “Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” và Quyết định số 74/2004/QĐ-UB ngày 25/10/2004 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc “Ban hành quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn tỉnh”.

- Xử lý kiên quyết, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” và Kết luận của UBND tỉnh tại Thông báo số 783/TB-UB ngày 26/6/2003 “Bổ sung một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh”. Hoàn thành đúng thời hạn quy định và phòng ngừa không để phát sinh thêm các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn, đặc biệt tập trung giám sát, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu tại các quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường, các phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và thực hiện giám sát môi trường định kỳ mà các doanh nghiệp đã cam kết.

8. Bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học

- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo, chú trọng Đảo Yến nơi có loài chim Yến cư trú; công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt đối với rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn. Bảo vệ nghiêm ngặt Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Xây dựng kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các giống loài động, thực vật quý hiếm. Bảo vệ các nguồn gen bản địa, ngăn chặn sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây tác động xấu đến con người và môi trường.

9. Bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái tại các di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng

- Tổ chức thực hiện tốt Luật Di sản văn hoá, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái tại các di tích lịch sử và danh thắng.

- Thực hiện có hiệu quả Đề án: “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng di sản, danh thắng ở Quảng Bình giai đoạn 2005 - 2010”.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền những giá trị các di tích danh thắng đối với các tầng lớp nhân dân nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm và phá vỡ cảnh quan môi trường thiên nhiên tại các khu di tích.

10. Khai thác sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên

- Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm việc khai thác cát, sạn trái phép ở sông Gianh, sông Long Đại và các sông khác trong tỉnh. Lập quy hoạch bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng để có cơ sở pháp lý tăng cường quản lý, đưa hoạt động khai thác cát, sạn vào nề nếp góp phần chống xói lở, đảm bảo dòng chảy trong mùa mưa bão.

- Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, khai thác tận thu, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên khoáng sản.

- Xây dựng phương án quản lý khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên (đất, nước, khoáng sản, đa dạng sinh học, tài nguyên biển và ven biển) trong quá trình thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

11. Bảo vệ môi trường đô thị và ven biển

- Xây dựng hệ thống thu gom nước thải, rác thải đô thị, các khu xử lý chất thải tập trung đảm bảo thu gom và xử lý toàn bộ rác thải y tế, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt bằng các phương pháp thích hợp. Có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể và cá nhân tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khối lượng rác chôn lấp. Dần dần chấm dứt nạn đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các kênh mương, sông, hồ biển.

- Quy hoạch, xây dựng và quản lý môi trường các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, có chính sách khuyến khích giết mổ gia súc, gia cầm sạch góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm xen lẫn trong khu dân cư nhưng không có biện pháp khắc phục.

- Xây dựng quy định hạn chế đến mức thấp nhất mức độ gia tăng các phương tiện giao thông trong đô thị. Thực hiện các biện pháp giảm tiếng ồn, khí độc, khói bụi thải từ các phương tiện giao thông đường thuỷ, đường bộ và xe, máy thi công xây dựng công trình…

- Khắc phục tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng bằng cách bảo đảm các phương tiện đựng rác, nhà vệ sinh… Xử lý nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm môi trường khu du lịch, giải trí, khu vực công cộng, khu dân cư và những hành vi phá hoại cảnh quan cây xanh.

- Tăng cường trồng cây xanh dọc các tuyến phố và các công viên của thành phố Đồng Hới, các thị trấn, thị tứ trong tỉnh. Hình thành các thảm cây xanh trong đô thị, vành đai xanh xung quanh đô thị. Trong công tác quy hoạch, xây dựng các khu đô thị mới, khu tái định cư, cần chú ý bố trí diện tích đất hợp lý cho các nhu cầu về cảnh quan môi trường và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ bảo vệ môi trường.

12. Bảo vệ môi trường nông thôn

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong đó, đặc biệt quan tâm những vùng cồn bãi, vùng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng khó khăn khan hiếm nước. Tăng cường các giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội gắn với các hoạt động xoá đói, giảm nghèo, kế hoạch hoá gia đình. Phổ biến và hướng dẫn các biện pháp quản lý, xử lý rác thải hợp vệ sinh, các mô hình nhà vệ sinh với chi phí thấp đảm bảo không gây ô nhiễm.

- Thực hiện mai táng chôn lấp mồ mả tập trung theo quy hoạch nhằm từng bước xoá bỏ các tập tục lạc hậu về ma chay, mai táng không hợp vệ sinh gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ nhân dân.

- Thực hiện các biện pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho các xã có đồng bào dân tộc ít người, xoá bỏ nạn chặt phá rừng làm nương rẫy canh tác, gây ảnh hưởng, làm mất cân bằng sinh thái tự nhiên.

- Quy hoạch xây dựng và quản lý môi trường các làng nghề, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung. Đặc biệt tập trung áp dụng các biện pháp giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung, trong đó chú trọng các loại hình chế biến thực phẩm thuỷ hải sản, sản xuất cơ khí, mộc...

- Đẩy mạnh việc phổ biến hướng dẫn áp dụng biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng hoá chất trong canh tác, bảo quản chế biến hàng nông sản, thuỷ sản, thực phẩm. Khuyến khích và phát triển sản xuất nông phẩm sạch góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Xây dựng và phổ biến các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, các làng kinh tế sinh thái. Tổ chức phổ biến, hướng dẫn áp dụng các phương thức, kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm ngăn chặn tình trạng thoái hoá và sa mạc hoá đất đai, đồng thời thực hiện sử dụng tài nguyên đất có hiệu quả.

13. Tăng cường hợp tác Quốc tế

- Tổ chức thực hiện đầy đủ các Điều ước Quốc tế về môi trường và các lĩnh vực có liên quan mà Việt Nam đã tham gia, ký kết, hội nhập.

- Triển khai có hiệu quả các dự án ODA về môi trường, đồng thời tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề về môi trường thông qua việc nâng cao năng lực xây dựng, quản lý các dự án về môi trường và có kế hoạch tiếp tục duy trì phát huy hiệu quả của các dự án về môi trường.

- Triển khai thực hiện tốt các dự án hợp tác Quốc tế về bảo vệ môi trường trong quản lý tổng hợp vùng bờ, quản lý các lưu vực sông, trồng rừng và xử lý chất thải đô thị...

- Tăng cường hợp tác quốc tế với các tỉnh của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào nhất là vùng đa dạng sinh học Phong Nha Kẻ Bàng - Hin Nậm Nô.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

A. Các bước triển khai thực hiện

1. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường.

2. Tăng cường vai trò cộng đồng, doanh nghiệp và mỗi cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.

3. Tăng cường đa dạng hoá đầu tư cho bảo vệ môi trường.

4. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về môi trường.

5. Mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút sự đầu tư của nước ngoài.

6. Gắn kết chương trình bảo vệ môi trường và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với các chương trình trọng điểm của tỉnh.

7. Lựa chọn hành động ưu tiên.

8. Giám sát và đánh giá việc thực hiện chương trình hành động.

B. Phân công trách nhiệm thực hiện

1. Căn cứ Chương trình hành động của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động của ngành, địa phương mình cho phù hợp với thực tế. Trong đó, cần xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các bước triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 21/7/2005 của TV Tỉnh uỷ.

UBND các huyện, thành phố bố trí chi ngân sách Nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường đảm bảo phù hợp yêu cầu thực tế tại địa phương.

2. Hàng năm Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến rộng rãi Chương trình hành động của UBND tỉnh. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình tuyên truyền rộng rãi để cán bộ, nhân dân biết thực hiện.

Giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chương trình đồng thời định kỳ báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2006/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15/NQ-TU về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 07/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/03/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Phan Lâm Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản