Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2017/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 24 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐỐI VỚI DÂN TỘC THIỂU SỐ ÍT NGƯỜI Ở XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 - 2020;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Tờ trình số 03/TTr-BDT ngày 20 tháng 02 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 - 2020 như sau:

1. Mục tiêu của chính sách: Hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn nhằm đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo; giảm chênh lệch mức sống giữa các khu vực, các dân tộc.

2. Đối tượng áp dụng: Là hộ nghèo nằm trong danh sách hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thuộc dân tộc thiểu số ít người có dân số dưới 10% tổng dân số toàn tỉnh, có hộ khẩu thường trú tại xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) theo quyết định công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III của cấp có thẩm quyền.

3. Nguyên tắc hỗ trợ: Đúng đối tượng, bình xét công khai, dân chủ, công bằng. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 lần/năm.

4. Hình thức, định mức hỗ trợ.

- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật để phát triển sản xuất là: Cây giống, con giống, phân bón và thức ăn chăn nuôi.

- Định mức hỗ trợ: 02 triệu đồng/hộ/năm.

- Cước vận chuyển, bốc xếp và kinh phí quản lý được hỗ trợ trên cơ sở phù hợp với thực tế của địa bàn.

5. Thời gian thực hiện chính sách: Giai đoạn 2017 - 2020.

6. Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Ban Dân tộc: Là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện chính sách, cụ thể:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chính sách; thẩm định danh sách các đối tượng được thụ hưởng chính sách, xây dựng dự toán kinh phí hằng năm trên cơ sở đề nghị của UBND cấp huyện, trình thẩm định phê duyệt theo quy định.

- Tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của chính sách; định kỳ năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

2. Sở Tài chính: Chủ trì thẩm định dự toán kinh phí thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh hằng năm, cân đối nguồn lực trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với Ban Dân tộc hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí theo quy định.

3. UBND huyện:

- Kiểm tra, rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng được thụ hưởng chính sách từ UBND xã trình, xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ trực tiếp, kinh phí vận chuyển, báo cáo Ban Dân tộc và Sở Tài chính.

- Căn cứ Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt số lượng đối tượng được thụ hưởng và kinh phí hỗ trợ, UBND huyện phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng, kinh phí hỗ trợ cụ thể.

- Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn huyện.

- Báo cáo tình hình thực hiện về Ban Dân tộc và Sở Tài chính theo quy định.

4. UBND xã:

- Trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn xã, đặc biệt là các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách; đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch có sự tham gia của người dân.

- Tổ chức rà soát, lập danh sách đúng đối tượng; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ đăng ký nhu cầu hỗ trợ đúng mục đích, thiết thực, hiệu quả.

- Chỉ đạo, hướng dẫn trưởng thôn họp dân lập danh sách, xác định nhu cầu hỗ trợ của các hộ được hưởng chính sách, báo cáo UBND xã.

- Chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ xã phối hợp với trưởng thôn tổ chức tiếp nhận cây giống, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi và bàn giao cho các đối tượng được thụ hưởng đúng quy định; kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng cây giống, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi đúng mục đích, thiết thực, hiệu quả.

5. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 06 tháng 3 năm 2017.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Chính phủ;
- Ủy ban Dân tộc;
- Cục kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh Lạng Sơn;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Báo Lạng Sơn;
- Các PVP UBND tỉnh, các phòng: CV, THCB;
- Lưu: VT, KTN (VQK).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Thưởng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 06/2017/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 06/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/02/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Phạm Ngọc Thưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản