Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 06/2007/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH CÁC DỊCH VỤ KARAOKE, MASSAGE, VŨ TRƯỜNG, KHÁCH SẠN, NHÀ NGHỈ, ĂN UỐNG, CÀ PHÊ GIẢI KHÁT NỘP THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG THEO PHƯƠNG PHÁP KHẤU TRỪ THUẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) số 02/1997/QH9 ngày 10/5/1997;
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế GTGT số 07/2003/QH11 ngày 17/6/2003;
Căn cứ Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 05/1998/QH10 ngày 20/5/1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế TTĐB số 08/2003/QH11 ngày 17/6/2003;
Căn cứ Luật số 57/2005/QH11 ngày 29/11/2005 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế Giá trị gia tăng;
Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003;
Căn cứ Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT; Nghị định số 148/2004/NĐ-CP ngày 23/7/2004 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Nghị định số 158/2003/NĐ-CP; Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP; Thông tư số 84/2004/TT-BTC ngày 18/8/2004 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Thông tư số 120/2003/TT-BTC; Thông tư số 127/2004/TT- BTC ngày 27/12/2004 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 127/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 và Thông tư số 84/2004/TT-BTC ngày 18/8/2004;
Căn cứ Nghị định số 149/2003/NĐ-CP ngày 04/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB; Thông tư số 119/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 149/2003/NĐ-CP; Thông tư số 18/2005/TT-BTC ngày 08/3/2005 về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 119/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003;
Căn cứ Nghị định số 156/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế Giá trị gia tăng; Thông tư số 115/2005/TT-BTC ngày 16/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 156/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi tại Tờ trình số 2651/CT-THDT ngày 22/12/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định biện pháp quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh các dịch vụ karaoke, massage, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, cà phê giải khát nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Văn hoá - Thông tin, Thương mại và Du lịch; Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

QUY ĐỊNH

BIỆN PHÁP QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH CÁC DỊCH VỤ KARAOKE, MASSAGE, VŨ TRƯỜNG, KHÁCH SẠN, NHÀ NGHỈ, ĂN UỐNG, CÀ PHÊ GIẢI KHÁT NỘP THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG THEO PHƯƠNG PHÁP KHẤU TRỪ THUẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ – UBND ngày 31/ 01/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng Quy định này là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và hộ cá thể (sau đây gọi chung là cơ sở kinh doanh) kinh doanh các dịch vụ karaoke, massage, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, cà phê giải khát nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Cơ quan thuế tăng cường giám sát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh chấp hành Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế; thực hiện biện pháp ấn định doanh thu tính thuế đối với một số trường hợp theo quy định của pháp luật nhằm chống thất thu thuế.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Cơ sở kinh doanh phải thực hiện việc đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế, chấp hành chế độ kế toán, sử dụng hóa đơn chứng từ, kê khai thuế, quyết toán thuế và nộp thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

1. Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào sổ kế toán. Tùy theo quy mô, đặc điểm kinh doanh của cơ sở kinh doanh mà mở sổ kế toán phù hợp theo quy định tại Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 về việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 về việc ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp của Bộ Trưởng Bộ Tài chính.

2. Lập và giao hóa đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ, kể cả trường hợp khách hàng không yêu cầu lấy hoá đơn. Trường hợp hàng hoá, dịch vụ bán ra có giá trị dưới mức quy định (dưới 100.000 đồng mỗi lần thu tiền), nếu khách hàng không yêu cầu lấy hoá đơn thì hàng ngày phải lập bảng kê bán lẻ hàng hoá, dịch vụ; căn cứ vào bảng kê lập hoá đơn tổng hợp cho toàn bộ hàng hoá, dịch vụ bán ra trong ngày, liên 2 của hoá đơn không được xé rời, phải lưu tại quyển hoá đơn.

3. Kê khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn. Trường hợp một cơ sở kinh doanh có kinh doanh nhiều loại dịch vụ, khi kê khai thuế phải phân tích rõ doanh thu bán ra trong kỳ của từng loại dịch vụ.

4. Một số quy định khác.

a. Đối với cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, phải công khai giá cho thuê phòng, sơ đồ phòng và đánh dấu “X” vào sơ đồ những phòng có khách đang thuê. Mở sổ ghi chép đầy đủ họ tên khách thuê phòng và các chỉ tiêu khác quy định trong Sổ đăng ký tạm trú với Công an địa phương. Đối với khách thuê phòng không thuộc quy định phải đăng ký tạm trú với Công an địa phương thì phải mở sổ theo dõi riêng.

b. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, khi lập hoá đơn phải ghi rõ tên hàng hoá, dịch vụ đã bán hoặc cung cấp cho khách hàng. Trường hợp hoá đơn không ghi rõ tên hàng hoá, dịch vụ thì giá trị ghi trên hoá đơn được xác định là doanh thu của dịch vụ karaoke.

c. Khi mới ra kinh doanh hoặc có thay đổi về quy mô kinh doanh, cơ sở kinh doanh phải khai báo với cơ quan Thuế địa phương về số lượng phòng kinh doanh, giá dịch vụ (giá cho thuê phòng nghỉ, giá dịch vụ karaoke, giá dịch vụ massage).

Điều 4. Cơ sở kinh doanh quy định tại Điều 1, hàng tháng lập tờ khai thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) gửi cơ quan trực tiếp quản lý thu thuế, nếu doanh thu hàng hoá dịch vụ bán ra ghi trên tờ khai thấp hơn mức doanh thu bình quân tháng đã được điều tra khảo sát thì cơ quan quản lý thuế thông báo yêu cầu cơ sở kinh doanh khai bổ sung, hoặc giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu chứng minh.

Hết thời hạn theo thông báo của cơ quan quản lý thuế mà cơ sở kinh doanh không khai bổ sung hoặc không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu chứng minh, hoặc khai bổ sung, giải trình không đúng thì cơ quan quản lý thuế thực hiện ấn định doanh thu để tính thuế GTGT đầu ra, thuế TTĐB phải nộp (nếu có); đồng thời thông báo cho cơ sở kinh doanh biết để thực hiện.

Điều 5. Doanh thu ấn định để tính thuế quy định tại Điều 4 là doanh thu bình quân tháng của cơ sở kinh doanh do Đoàn Điều tra liên ngành (được thành lập theo Quyết định số 2205/QĐ-UBND ngày 21/9/2006 của UBND tỉnh), hoặc do cơ quan quản lý thuế phối hợp với các ngành liên quan ở địa phương tổ chức điều tra khảo sát.

Doanh thu điều tra khảo sát bình quân tháng của cơ sở kinh doanh được ổn định trong 01 năm (12 tháng). Hết thời hạn ổn định, cơ quan quản lý thuế phối hợp với các ngành liên quan ở địa phương tổ chức điều tra khảo sát tình hình kinh doanh của cơ sở kinh doanh để xác định lại doanh thu làm căn cứ ấn định cho năm tiếp theo. Trường hợp trong thời hạn ổn định, cơ sở kinh doanh có thay đổi lớn về quy mô, mức độ kinh doanh, dẫn đến mức doanh thu điều tra khảo sát trước đó không còn phù hợp thì tổ chức điều tra khảo sát để xác định lại doanh thu cho phù hợp với thực tế kinh doanh.

Doanh thu ấn định tính thuế là doanh thu chưa có thuế GTGT. Đối với các dịch vụ karaoke, massage, vũ trường là doanh thu chưa có thuế GTGT nhưng đã bao gồm thuế TTĐB. Trường hợp một cơ sở kinh doanh có kinh doanh nhiều loại dịch vụ thì doanh thu ấn định tính thuế được áp dụng cho từng loại dịch vụ cụ thể.

Điều 6. Cơ sở kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ thuế tính theo doanh thu ấn định theo thông báo của cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Trường hợp không đồng ý mức doanh thu ấn định, cơ sở kinh doanh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế tính theo doanh thu đã được ấn định, đồng thời có quyền yêu cầu giải thích hoặc khiếu nại đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế, hoặc khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên, hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Điều 7. Hàng năm, cơ quan Thuế thực hiện kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật thuế tại cơ sở kinh doanh theo kế hoạch đã được Thủ trưởng cơ quan thuế phê duyệt, nếu cơ sở kinh doanh bị ấn định doanh thu tính thuế theo Quy định này đối với một số tháng trong năm, thì doanh thu của các tháng đó được xác định theo doanh thu ấn định; trường hợp doanh thu thực tế kiểm tra cao hơn doanh thu ấn định thì xác định theo doanh thu thực tế kiểm tra.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Các Sở, ngành có trách nhiệm:

1. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan thuế cấp dưới và các Phòng thuộc Cục Thuế phổ biến, hướng dẫn Quy định này đến các cơ sở kinh doanh, triển khai thực hiện thống nhất các biện pháp quản lý theo Quy định này và các chính sách pháp luật thuế hiện hành.

Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm cán bộ thuế không thực hiện hoặc thực hiện không đúng Quy định này dẫn đến thất thu thuế hoặc làm thiệt hại cho cơ sở kinh doanh.

2. Các Sở Tài chính, Sở Thương mại và Du lịch, Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công an tỉnh, theo chức năng quản lý của ngành có trách nhiệm kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng Quy định này.

Điều 9. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các ngành có liên quan, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan Thuế địa phương tổ chức triển khai thực hiện, và xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng Quy định này.

Điều 10. Trong quá trình triển khai thực hiện; nếu có vướng mắc, các sở, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Cục Thuế tỉnh để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 06/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định biện pháp quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh các dịch vụ karaoke, massage, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, cà phê giải khát nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành

  • Số hiệu: 06/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/01/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Xuân Huế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản