Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2005/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 06/2005/QĐ-BTC NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2005 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TÍNH GIÁ TÀI SẢN, HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/UBTVQH10 ngày 26 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 170 /2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Để thống nhất việc xác định giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ làm cơ sở thực hiện việc định giá đối với tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông, giá hàng hoá, dịch vụ khi phát hiện có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá; xem xét việc hình thành giá độc quyền; kiểm soát các yếu tố hình thành giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; làm căn cứ để các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng phương án giá, thực hiện hiệp thương giá;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Giá,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Cục trưởng Cục quản lý Giá chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) kinh doanh tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện các quy định tại Quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Các doanh nghiệp kinh doanh tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ độc quyền; hàng hóa, dịch vụ cần hiệp thương giá có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, số liệu có liên quan đến việc tính giá được quy định tại Quy chế này để cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền phê duyệt giá, kiểm soát chi phí và giá cả.

3. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được vận dụng các quy định tại Quy chế này, đồng thời căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và giá thị trường xã hội chấp nhận để quy định mức giá cụ thể đối với tài sản, hàng hoá, dịch vụ thuộc quyền định giá của mình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 05 TT/LB ngày 29 tháng 10 năm 1996 của Liên Bộ Ban Vật giá Chính phủ-Bộ Tài chính hướng dẫn tạm thời tính chi phí sản xuất làm cơ sở xây dựng giá thành, giá bán sản phẩm công nghiệp tàu thuyền thanh toán từ nguồn ngân sách và những quy định trước đây về tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ trái với Quyết định này.

Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ ban hành kèm theo Quyết định này.

 

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TÍNH GIÁ TÀI SẢN, HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06 /2005/QĐ-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ.

2. Tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân căn cứ vào quy định tại Quy chế này để lập phương án giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; xây dựng phương án để hiệp thương giá.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền căn cứ vào Quy chế này để:

a) Định giá, hiệp thương giá các tài sản, hàng hóa, dịch vụ cụ thể thuộc thẩm quyền định giá.

b) Kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông, giá hàng hoá, dịch vụ khi phát hiện có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá hoặc khi cần phải xem xét việc hình thành giá độc quyền.

c) Kiểm soát các yếu tố hình thành giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm trong định giá bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh; của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

4. Tài sản là đất do Nhà nước định giá không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi chung là kinh doanh) tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hoá, dich vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá; hàng hoá, dịch vụ độc quyền và liên kết độc quyền về giá; hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá.

Điều 3. Căn cứ xác định giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ

1. Chi phí sản xuất, chí phí bán hàng thực tế hợp lý (đảm bảo trung bình phổ biến của giá thành sản xuất) và chất lượng của tài sản, hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm tính giá.

2. Quan hệ cung cầu của tài sản, hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền Việt Nam.

3. Giá thị trường trong nước, khu vực, thế giới và khả năng cạnh tranh của tài sản, hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm tính giá.

4. Chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước thuộc phạm vi cả nước hoặc từng vùng, từng địa phương.

B. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN, HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ

I - PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH

Điều 4. Phương pháp so sánh là phương pháp xác định giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ thông qua việc tiến hành phân tích mức giá mua hoặc giá bán phổ biến của tài sản, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

1. Tài sản, hàng hóa, dịch vụ cùng loại với tài sản, hàng hóa, dịch vụ cần tính giá là tài sản, hàng hóa, dịch vụ có sự giống nhau về mọi phương diện, bao gồm:

a) Đặc điểm vật chất của sản phẩm (như bề mặt sản phẩm, vật liệu cấu thành, phương pháp chế tạo, chức năng, mục đích sử dụng, tính chất cơ, lý, hóa…)

b) Chất lượng sản phẩm.

c) Danh tiếng, nhãn hiệu của sản phẩm.

2. Tài sản, hàng hóa tương tự với tài sản, hàng hóa cần tính giá là tài sản, hàng hóa có các đặc trưng cơ bản giống nhau, bao gồm:

- Được làm từ các nguyên liệu, vật liệu tương đương, có cùng phương pháp chế tạo.

- Có cùng chức năng, mục đích sử dụng.

- Chất lượng tương đương nhau.

- Có thể hoán đổi cho nhau trong giao dịch thương mại (người mua chấp nhận thay thế tài sản, hàng hóa này cho tài sản, hàng hóa kia).

3. Khi áp dụng phương pháp so sánh phải căn cứ vào:

a) Giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ đã có trên thị trường (trong nước, khu vực và thế giới).

b) Thông số kinh tế, kỹ thuật chủ yếu của tài sản, hàng hoá, dịch vụ.

c) Điều kiện thương mại trong kinh doanh trên thị trường trong nước, thị trường trong khu vực và thế giới.

II - PHƯƠNG PHÁP CHI PHÍ

Điều 5. Phương pháp chi phí là phương pháp xác định giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ dựa trên cơ sở chi phí thực tế hợp lý sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi chung là kinh doanh) tài sản, hàng hóa, dịch vụ và mức lợi nhuận dự kiến .

Chi phí sản xuất và chi phí bán hàng được xác định như sau:

1. Chi phí vật tư để tính giá

Chi phí vật tư gồm chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, động lực... (sau đây gọi chung là vật tư) được xác định trên cơ sở giá vật tư và mức tiêu hao vật tư.

Đối với hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ra thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thì chi phí vật tư được tính theo công thức:

Chi phí

vật tư

=

Giá vật tư

(chưa có VAT)

x

Mức tiêu hao

vật tư

Đối với hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ra không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng:

Chi phí

vật tư

=

Giá vật tư (đã có VAT)

x

Mức tiêu hao

vật tư

1.1. Giá vật tư dùng để tính giá sản phẩm bao gồm:

a) Đối với vật tư do Nhà nước định giá: tính theo mức giá do Nhà nước quy định.

b) Đối với vật tư mua ngoài là giá mua ghi trên hóa đơn của người bán hàng (nếu là vật tư nhập khẩu bằng ngoại tệ thì quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh) cộng (+) thuế nhập khẩu và các khoản phụ thu (nếu có) cộng (+) chi phí vận chuyển, chi phí bốc xếp, phí bảo quản, phí bảo hiểm, phí hao hụt theo định mức trong lưu thông (nếu có), tiền thuê kho bãi, phí gia công trước khi nhập kho (nếu có), phí chọn lọc tái chế nhưng không được cao hơn giá trung bình phổ biến trên thị trường tại thời điểm tính giá.

c) Đối với vật tư tự chế là giá thực tế xuất kho cộng (+) chi phí thực tế phát sinh trong quá trình tự chế.

d) Đối với vật tư thuê ngoài gia công, chế biến là giá thực tế xuất kho giao gia công cộng (+) chi phí gia công cộng (+) chi phí vận chuyển, bốc dỡ.

Giá các loại vật tư và các khoản gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua (quy định tại điểm b, c, d) nêu trên phải được ghi trên hoá đơn chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp vật tư là sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản mua của người trực tiếp sản xuất không có hóa đơn thì người mua hàng phải lập bảng kê mua hàng, ghi rõ tên, địa chỉ người bán hàng, số lượng hàng hóa, đơn giá, thành tiền, chữ ký của người bán hàng và được Thủ trưởng đơn vị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp duyệt chi.

1.2. Mức tiêu hao vật tư cho một đơn vị sản phẩm:

a) Đối với hàng hóa, dịch vụ đã có định mức tiêu hao vật tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo định mức tiêu hao vật tư đó.

b) Đối với hàng hóa, dịch vụ không có định mức tiêu hao vật tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì Tổng giám đốc, Giám đốc (dưới đây gọi chung là Giám đốc) doanh nghiệp xây dựng, phê duyệt và chịu trách nhiệm về tính chính xác của định mức tiêu hao vật tư áp dụng cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị thì Giám đốc xây dựng định mức tiêu hao vật tư trình Hội đồng quản trị phê duyệt và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các định mức đó.

2. Chi phí khấu hao tài sản cố định để tính giá.

2.1. Tài sản cố định của doanh nghiệp (bao gồm tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình) được huy động vào kinh doanh phải tính khấu hao để xác định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ.

2.2. Việc quy định cụ thể tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình thực hiện theo Điều 2 Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC).

2.3. Tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định hữu hình và vô hình thực hiện theo quy định tại Điều 3 Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC.

2.4. Nguyên giá tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình được xác định theo quy định tại Điều 4 Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC.

2.5. Trường hợp tài sản cố định đã khấu hao hết nhưng vẫn sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì không tính khấu hao để xác định giá nhưng được tính chi phí sửa chữa, nâng cấp (nếu có) theo quy định tại Điều 7 Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC.

2.6. Mức tính khấu hao tài sản cố định để xác định giá thực hiện theo Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC.

2.7. Phương pháp tính khấu hao tài sản cố định thực hiện theo Điều 13 Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC.

2.8. Phân bổ khấu hao tài sản cố định tính trong giá.

Việc phân bổ khấu hao tài sản cố định được căn cứ vào tình hình thực tế hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp, cụ thể như sau:

- Đối với tài sản cố định được đầu tư, mua sắm bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp thì việc phân bổ khấu hao theo tiêu thức thích hợp (tiền lương của công nhân sản xuất chính, số lượng sản phẩm).

- Đối với tài sản cố định được đầu tư, mua sắm bằng nguồn vốn vay thì việc phân bổ khấu hao thực hiện theo khế ước vay và theo các tiêu thức thích hợp.

3. Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp; tiền ăn giữa ca

3.1. Chi phí tiền lương.

Chi phí tiền lương của cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm các khoản tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương phải trả cho cho người lao động, tiền ăn giữa ca theo quy định của Bộ luật lao động.

Chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở định mức lao động và đơn giá tiền lương.

a) Định mức lao động

- Đối với hàng hóa, dịch vụ đã có định mức lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo định mức lao động đó.

- Đối với hàng hóa, dịch vụ không có định mức lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì Giám đốc doanh nghiệp xây dựng, phê duyệt và chịu trách nhiệm về tính chính xác của định mức lao động áp dụng tại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị thì Giám đốc xây dựng định mức lao động trình Hội đồng quản trị phê duyệt và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các định mức đó.

b) Đơn giá tiền lương

Đơn giá tiền lương do doanh nghiệp xây dựng căn cứ vào chế độ tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương do Nhà nước quy định.

Phương pháp xây dựng, thẩm quyền phê duyệt và đăng ký đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định hiện hành.

3.2. Chi phí tiền công

Đối với các doanh nghiệp trả tiền công thông qua hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể thì chi phí tiền công phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

3.3. Chi phí tiền ăn giữa ca cho người lao động do Giám đốc doanh nghiệp quyết định phù hợp với hiệu qủa sản xuất, kinh doanh nhưng mức chi không vượt quá mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định. Riêng chi phí ăn định lượng cho người lao động đối với một số ngành nghề đặc biệt theo quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quy đổi thành tiền theo giá mua thực tế ghi trong hóa đơn.

4. Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn

Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn của công nhân trực tiếp sản xuất được tính theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

5. Các khoản chi phí chung

5.1. Các khoản chi phí chung được tính theo quy định hiện hành của Nhà nước bao gồm:

a) Chi phí lương và các khoản có tính chất lương trả cho bộ phận quản lý.

b) Chi phí nghiên cứu khoa học công nghệ (trừ phần kinh phí do Nhà nước hỗ trợ và kinh phí thu hồi nếu có); chi thưởng sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả kinh doanh; chi phí cho đào tạo lao động theo chế độ quy định; chi cho y tế trong nội bộ cơ sở kinh doanh theo chế độ.

c) Trợ cấp thôi việc cho người lao động theo chế độ.

d) Chi phí khấu hao tài sản cố định đang dùng trong bộ máy quản lý.

đ) Các khoản chi cho lao động nữ theo chế độ.

e) Chi bảo hộ lao động, chi trang phục tính theo định mức do cơ quan có thẩm quyền quy định.

g) Trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn của bộ phận quản lý, chi phí hỗ trợ cho hoạt động của Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp, chi đóng góp hình thành nguồn chi phí quản lý và đóng góp vào các quỹ của Hiệp hội theo chế độ.

h) Chi trả lãi tiền vay vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, các tổ chức kinh tế để sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo lãi suất ghi trong hợp đồng vay vốn và thực tế chi trả lãi. Đối với tiền vay của các đối tượng khác được tính theo lãi suất thực tế khi ký hợp đồng vay nhưng tối đa không quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay cao nhất cùng thời điểm của ngân hàng thương mại có quan hệ giao dịch với cơ sở sản xuất kinh doanh.

i) Chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, tiếp tân, khánh tiết, chi phí giao dịch đối ngoại, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị và các khoản chi khác không quá 10 % tổng số các khoản chi phí hợp lý được tính theo quy định tại Điều 5 Chương II Quy chế này (không bao gồm chi phí tại điểm này). Đối với đơn vị kinh doanh thương mại chi phí này không bao gồm giá vốn của hàng hóa bán ra.

k) Phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép của công nhân, viên chức trong doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật lao động.

l) Các khoản phí, lệ phí, thuế có liên quan trực tiếp đến sản xuất hàng hóa, dịch vụ (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp) mà cơ sở sản xuất, kinh doanh phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

m) Các khoản chi đóng góp thực hiện nghĩa vụ về cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích được hạch toán vào chi phí sản xuất theo quy định của pháp luật.

n) Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, lợi thế thương mại không phải là tài sản cố định vô hình thì được phân bổ dần vào chi phí để tính giá trong thời gian tối đa không quá 3 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động.

5.2. Các khoản chi phí khác tính theo thực tế phát sinh hợp lý của doanh nghiệp bình quân trong 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm xác định giá, cụ thể là:

a) Chi phí dịch vụ mua ngoài:

- Điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, vật rẻ tiền mau hỏng, vật liệu, dụng cụ sử dụng một lần phục vụ cho bộ phận quản lý, tiền thuê kiểm toán, tiền thuê dịch vụ pháp lý, thiết kế, xác lập và bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa, tiền mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm tai nạn con người; chi trả tiền sử dụng tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép công nghệ không thuộc tài sản cố định, dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ mua ngoài khác.

- Chi phí thuê sửa chữa thường xuyên tài sản cố định.

- Tiền thuê tài sản cố định hoạt động theo hợp đồng thuê:

+ Tiền thuê nhà cửa: Căn cứ vào hợp đồng thuê nhà nhưng không vượt quá 20 % so với giá thuê nhà do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định (cùng cấp, cùng hạng nhà).

+ Tài sản cố định thuê ngoài khác: căn cứ vào tiền thuê phải trả trong năm theo hợp đồng thuê.

Trường hợp trả tiền thuê một lần cho nhiều năm đối với tài sản cố định thuê thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo số năm sử dụng tài sản cố định.

- Công tác phí bao gồm: chi phí đi lại, tiền thuê chỗ ở, tiền lưu trú.

b) Chi bảo vệ cơ sở kinh doanh.

c) Chi phí dịch vụ mua ngoài, thuê ngoài khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

6. Chi phí bán hàng để tính giá

6.1. Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn của bộ phận bán hàng; chi phí bảo hành sản phẩm trong khâu bán hàng theo chế độ quy định.

6.2. Chi phí khấu hao tài sản cố định dùng cho bộ phận bán hàng.

6.3. Chi hoa hồng cho các đại lý bán hàng.

6.4. Tiền thuê đóng gói, bốc xếp, vận chuyển

6.5. Chi phí vật liệu, dụng cụ dùng cho quá trình bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ: tính theo mức thực tế hợp lý được Thủ trưởng đơn vị, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp phê duyệt.

6.6. Chi phí bao bì, nhãn mác xác định mức tiêu hao theo mẫu mã thiết kế đã được duyệt và theo giá mua ghi trên hoá đơn mua hàng.

Điều 6. Các khoản chi phí không được tính vào chi phí sản xuất

1. Tiền lương, tiền công do cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động, trừ trường hợp thuê mướn lao động theo vụ việc.

2. Các khoản tiền nộp phạt do vi phạm hành chính theo quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phạt vi phạm; nộp phạt do trả lãi vay nợ quá hạn và khoản nộp phạt khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Các khoản trích trước vào chi phí mà thực tế không chi hết như: chi phí sửa chữa tài sản cố định; phí bảo hành sản phẩm hàng hoá, công trình xây dựng và các khoản trích trước khác.

4. Các khoản chi không liên quan đến sản xuất, kinh doanh như: chi về đầu tư xây dựng cơ bản, chi mua sắm tài sản cố định vô hình và hữu hình, chi ủng hộ đoàn thể và các tổ chức xã hội (ngoài doanh nghiệp), chi ủng hộ địa phương, chi cho hoạt động từ thiện.

5. Các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ: chi sự nghiệp, chi ốm đau, thai sản, chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất, các khoản chi khác do nguồn kinh phí khác đài thọ; chi phí không hợp lý khác.

6. Các khoản chi vượt định mức của Nhà nước hoặc định mức của doanh nghiệp đã quy định.

Điều 7. Phân bổ chi phí

Đối với chi phí chung và chi phí liên quan đến nhiều đối tượng như khấu hao tài sản cố định, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn, chi phí bán hàng quy định tại Điều 5 Quy chế này mà không thể tách riêng ra được thì tập hợp và phân bổ theo tiêu thức thích hợp cho từng đối tượng.

Đối với vật rẻ tiền mau hỏng thì phân bổ trực tiếp 50 % hoặc 100 % tùy từng loại vật rẻ tiền mau hỏng và tình hình cụ thể của doanh nghiệp.

Điều 8. Lợi nhuận dự kiến để tính giá

Căn cứ vào quy định tại Điều 3 Quy chế này, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh tài sản, hàng hóa, dịch vụ dự kiến mức lợi nhuận hợp lý đảm bảo giá bán được xác định không vượt giá bán trên thị trường.

Điều 9. Xác định giá bán tài sản, hàng hóa, dịch vụ

1. Giá bán hàng hóa sản xuất trong nước.

Giá bán được xác định theo công thức sau:

Giá bán

=

Chi phí

sản/ xuất

+

Chi phí

bán hàng

+

Lợi nhuận

dự kiến

+

Thuế tiêu thụ đặc biệt
(nếu có)

+

Thuế giá trị gia tăng (nếu có)

2. Giá bán hàng hóa nhập khẩu.

Giá bán đối với hàng hóa nhập khẩu bao gồm: Giá vốn nhập khẩu cộng (+) chi phí bán hàng cộng (+) lợi nhuận dự kiến cộng (+) thuế giá trị gia tăng (nếu có).

a) Giá vốn nhập khẩu xác định theo công thức sau:

Giá vốn nhập khẩu


=

Giá mua tại cửa khẩu

+

Thuế nhập khẩu (nếu có)

+

Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)

+

Các khoản chi bằng tiền khác theo quy định

Trong đó:

- Giá mua tại cửa khẩu Việt Nam là giá mua theo nguyên tệ nhân (x) với tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm nhập hàng.

- Thuế nhập khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

- Các khoản chi bằng tiền khác theo quy định.

b) Chi phí bán hàng được xác định theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Quy chế này.

c) Lợi nhuận dự kiến được xác định theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.

d) Thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế.

C. LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ

Điều 10. Căn cứ vào đặc tính của từng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ và giá trị sử dụng, các điều kiện về thị trường, lưu thông hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lựa chọn phương pháp xác định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ để lập phương án giá theo quy định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 06/2005/QĐ-BTC về Quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 06/2005/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/01/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 5 đến số 6
  • Ngày hiệu lực: 24/02/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 15/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản